VÀI KỶ NIỆM VỀ CÁCH MẠNG VĂN HOÁ TẠI TRUNG QUỐC



Nhân sự kiện Sở VH-TT-DL Tiền Giang cấm bài hát cách mạng: Màu Hoa Đỏ và 353 bài hát khác mà một số giới đã cảnh báo về sự kiện: cách mạng văn hoá mới, tôi xin kể cho quý vị vài kỷ niệm về cách mạng văn hoá tại Trung Quốc thời kỳ tôi trực tiếp chứng kiến 1966-1968.

Năm 1966 sau 2 năm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc trường của chúng tôi được lệnh di chuyển qua Trung Quốc, cả trường đi tàu đến từ Hà Nội đến Lạng Sơn và chuyển tàu tại ga Bằng Tường trực chỉ thành phố Quế Lâm một thành phố xinh đẹp và nên thơ của tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Đang đi trên đoàn tàu khổ 1m00 chạy bằng than đá phun bụi mù mịt mặt người nào cũng đen nhẻm vì bụi than chuyển sang đoàn tàu liên vận 1m44, giường trải gaz trắng muốt và được phục vụ theo tiêu chuẩn khách nước ngoài, sáng ngủ dậy có bánh ngọt ăn, có sữa tươi uống, bữa trưa đến phòng ăn và chúng tôi “lác mắt” vì những lọ mì chính (bột ngọt) để thoải mái và đầy đủ trên bàn ăn (thời gian đó mì chính quý hiếm lắm nên dân gian vẫn có câu: quý như mì chính cánh). Nếu kể chi tiết thì còn dài lắm nhưng bây giờ xin kể cho quý vị câu chuyện chính về kỷ niệm CÁCH MẠNG VĂN HOÁ tại Trung Quốc.

Khi đoàn tàu đến ga Quế Lâm hàng trăm người với cờ, hoa, biểu ngữ đón chào chúng tôi (trường tôi khoảng 1200 người), các xe car với rèm cửa trang nhã, ghế sạch boong và đặc biệt những hàng người Trung Quốc xếp hai hàng dài tươi cười vẫy chào và dúi vào tay mỗi học sinh chúng tôi một quyển … Mao tuyển nhỏ chừng bàn tay nhưng dầy phải tới 2cm (chú thích: Mao tuyển là lời dạy của Chủ tịch Mao Trạch Đông mà mỗi người Trung Quốc thời bấy giờ phải học thuộc lòng và luôn mang theo bên người, đọc và hô to trong mỗi dịp tuần hành, meeting …). Chúng tôi ngơ ngác vì có biết tiếng Trung đâu, chẳng biết cầm cuốn Mao tuyển này để làm gì!!! (sang Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn học ngoại ngữ là tiếng Nga)
Chúng tôi được đưa về ở nội trú tại trường Y Trung, một ký túc xá của học sinh trung học Trung Quốc, mỗi người nằm 1 giường nhưng là giường tầng, thôi cũng thú vị vì mình đã được xuất ngoại. 5 giờ sáng đang ngủ ngon bỗng bị đánh thức bởi bài hát Đông Phương Hồng (ca ngợi Mao Trạch Đông) và tiếng hô muôn năm Mao Chủ tịch lẫn tiếng đọc tập thể rền vang về các câu trong Mao tuyển, chúng tôi tò mò bò ra khỏi chăn (mền) và ngắm nhìn hàng người Trung Quốc đông như kiến đang say mê và thành kính khi đọc Mao tuyển! Nó là gì thế nhỉ? Chúng tôi hỏi nhau một cách tò mò và đưa những thắc mắc đến các thầy giáo Việt Nam những câu trả lời của các thầy đưa chúng tôi đến một sự hoang mang về một loại chủ nghĩa văn hoá nào đó, một sự giáo điều và đức tin mãnh liệt của họ, chúng tôi lờ mờ hiểu rằng: à, đây là Cách mạng văn hoá Trung Quốc. Sáng nào cũng vậy cứ đúng giờ đó, mặc trời đông giá, mặc tuyết rơi mặc thời tiết thế nào các dòng người mê mẩn và mụ mị vẫn đọc và hô vang các khẩu hiệu về Mao và những nắm tay vung lên mạnh mẽ hô hào chống những người không ủng hộ cách mạng văn hoá.

Rồi một buổi chiều sau khi sang Trung Quốc được vài tháng chúng tôi nghe tiếng súng nổ rền vang, chúng tôi tò mò chạy ra xem thì thấy rất nhiều người mang vũ khí và đang trấn áp một dãy nhà nhiều công nhân sinh sống ở đó, họ mang đủ loại súng nhưng lại không có quân phục chỉ có băng đỏ Hồng vệ binh đeo tay và từ đó trở đi tiếng súng đã trở nên quen thuộc bên tai chúng tôi, chúng tôi chẳng còn tò mò, chẳng buồn chạy đi xem nữa vì nó quá quen thuộc và bình thường như hàng ngày ăn cơm phải có chút canh hay món gia vị cay cay nào đó. Sau một thời gian nghe tiếng súng đì đẹt chúng tôi nghe tiếng pháo mặt đất, đạn súng cối và lệnh ở chính phủ Trung Quốc đưa trường chúng tôi phải chuyển xa thành phố hàng chục km để được an toàn, trường được bao bọc bởi bờ tờ tường cao và một trung đội Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc bảo vệ, do trường ở xa nên hàng ngày một ô tô tải hiệu giải phóng đều đi vào trung tâm thành phố nhận thực phẩm với 2 cô tiếp phẩm người Trung Quốc rất dễ mến và đang tập nói tiếng Việt, một ngày nọ tin động trời: 2 cô tiếp phẩm đều bị giết chết và xe thực phẩm không thể quay về trường (chúng tôi không biết số phận lái xe) như thế toàn trường được ăn cơm với chao (chao TQ ngon tuyệt vời các bạn ơi) và chuyện thiếu thực phẩm xảy ra như cơm bữa vậy. Một ngày kia chúng tôi thực sự hoang mang và còn thấy kinh khủng hơn khi chứng kiến một đám đông mang băng Hồng vệ binh, tay lăm lăm súng AK đang áp giải một đoàn người đi trên đường phố, những người bị áp giải phải đội một cái mũ có chóp nhọn thật cao, ngực lủng lẳng một tấm biển ghi hàng chữ tiếng Trung gì đó, lũ Hồng vệ binh này mặt non choẹt chừng 18 đôi mươi nhưng thái độ thật hung dữ và cuồng tín. Chúng tôi hỏi và được biết đây là kẻ thù của Chủ tịch Mao Trạch Đông, của cách mạng văn hoá đưa họ đi bêu riếu ngoài đường phố sau đó xử tử ngay mảnh đất gần đấy. Chúng tôi còn trẻ lần đầu nhìn những cảnh ghê tởm này sợ mất vía và hỏi nhỏ nhau: cách mạng văn hoá là thế này đây sao?

Sang năm 1968 thấy tình hình không thuận lợi trường chúng tôi được lệnh trở về Việt Nam, khi đến được dòng người cờ hoa đón tiếp đi bằng các xe car sạch sẽ văn minh lúc chúng tôi ra ga trở về Việt Nam thì đi bằng xe tải quân sự, trên mỗi đầu mũi xe đều cắm 2 lá cờ Việt Nam và Uỷ ban cách mạng TP Quế Lâm, hai bên thành xe được căng bandron đỏ với khẩu hiệu: đoàn kết với nhân dân Việt Nam … và nhiều câu khẩu hiệu khác về Việt Nam (nghe nói toàn thành phố được lệnh im tiếng súng trong thời gian đoàn học sinh Việt Nam về nước), đoàn xe đi dọc đường thấy các họng súng trung liên chĩa vào đoàn xe may mà không bị bắn nhầm. Lúc đến thành phố nhỏ nhắn xinh đẹp nhưng giờ này nhiều nhà bị pháo bắn sập, bị cháy đổ ngổn ngang và chẳng khác cuộc chiến tranh với Mỹ mà miền Bắc phải hứng chịu. Khi ra ga Quế lâm chỉ có 1 người phiên dịch và 1 đại diện của Uỷ ban cách mạng TP Quế Lâm tiễn. Cuộc đưa tiễn lặng lẽ, vội vàng và buồn bã, chúng tôi lên tàu lòng nặng trĩu: cách mạng văn hoá là thế này sao???

Nhân sự kiện Tiền Giang cấm các bài hát một cách vô ý thức và thiếu trách nhiệm chúng tôi sợ rằng rồi một ngày nào đó thảm cảnh cách mạng văn hoá lại tái diễn bởi những con người thiếu ý thức, kiến thức và cái tâm với văn hoá nước nhà. Hãy đừng có cuộc cách mạng văn hoá nào xảy ra ở Việt Nam, hãy cách mạng bởi chính tư tưởng, tâm hồn chính mình, hãy vì nhân dân, đất nước mà chính những người Trung Quốc có câu rất hay mà tôi vẫn thường nghe: (為民服務): Vì nhân dân phục vụ

Bài gửi 03/04/2017.