Cả đời cống hiến cho nghề báo



Đăng lại bài viết của tác giả Ngô Văn Hiền (CTV), đã đăng tại Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 16/06/2009 )



Ngô Văn Hiền
(CTV Báo điện tử ĐCSVN)

Thầy Phạm Đình Trọng Thầy Phạm Đình Trọng

(ĐCSVN) - Nhà báo, đại tá Phạm Đình Trọng được bạn bè đồng nghiệp quí trọng. Hàng ngày ông thường xuyên theo dõi gần 10 đầu báo, đọc kỹ từng trang, từng mục mặc dù ông đã về hưu gần 10 năm nay.

Vốn xuất thân trong một gia đình nho giáo ở tỉnh Nam Định, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Vinh năm 1960 ông vào quân đội. Cuộc đời binh nghiệp của ông tiếp tục gắn bó với nghề giáo rồi sau này là nghề báo. Ông là một trong những giáo viên dạy văn của trường thiếu sinh quân ở miền Bắc (còn gọi là trường Trỗi). Nhiều học sinh trường Trỗi cũ hiện nay là cán bộ lãnh đạo khi gặp ông đều nhắc lại những bài văn của ông giảng vừa có duyên, vừa dễ đi vào lòng người mà cho đến nay họ vẫn còn ghi dấu ấn tốt đẹp. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân là một trong số những học sinh cũ của ông ở trường Trỗi như vậy.

Gần 30 năm làm phóng viên báo Quân đội nhân dân, rồi hơn 10 năm làm Trưởng Ban Đại diện báo Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Phạm Đình Trọng được xếp vào diện các nhà báo “lão làng”, đi nhiều, viết nhiều, để lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng. Bút danh Khánh Tường của ông được bạn đọc trong và ngoài quân đội quen biết, quan tâm chú ý.

Những năm thập kỷ 80 của thế kỷ XX, trong một lần đi công tác ở Liên Xô (cũ), nhà báo Phạm Đình Trọng đã viết một loạt bài phóng sự có tựa đề “Đêm trắng Mát xcơva” đăng trên báo Quân đội nhân dân làm bạn đọc (kể cả cấp lãnh đạo” sửng sốt. Loạt bài phóng sự ấy đã nêu lên những ngóc ngách mảng tối của cơ chế quan liêu bao cấp, đồng thời đưa ra những ý tưởng mới lúc bấy giờ. Có thể nói trong thời điểm ấy loạt bài phóng sự như “Đêm trắng Mát xcơva” không phải nhà báo nào cũng viết được.

Nói về nhà báo Phạm Đình Trọng nhiều người vẫn coi ông là con người của bạn bè, của xã hội. Ông sống chân tình với mọi người. Sống có trách nhiệm với xã hội. Khi còn tại chức ông là một trong những người sáng lập ra Câu lạc bộ nhiếp ảnh chiến sĩ, Câu lạc bộ cựu chiến binh báo Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi đã về hưu ông cũng lại là hội viên, là “linh hồn” của Câu lạc bộ, vẫn tích cực tham gia sinh hoạt đóng góp xây dựng với anh em, được đồng chí đồng đội luôn trân trọng ghi nhận.

Ông còn là người luôn quan tâm đào tạo bồi dưỡng lớp trẻ bằng tất cả tình cảm và kiến thức kinh nghiệm của một người đi trước. Khi còn làm Trưởng Ban Đại diện báo Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh ông trực tiếp biên tập bài vở của anh em phóng viên, cộng tác viên một cách cẩn thận trau chuốt. Điều nào chưa rõ ông gọi đến trao đổi thẳng thắn cởi mở. Phong cách làm việc của ông thật giản dị gần gũi nên được anh em phóng viên và cộng tác viên quí mến.

Việc ông chủ xướng cùng một số anh em cựu chiến binh báo Quân đội nhân dân phối hợp Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản quyển sách “Nhà báo – Nợ đời – Tình người” dày hơn 1000 trang để ghi lại những kỷ niệm vui buồn trong hoạt động tác nghiệp, trong cuộc sống đời thường,… của các thế hệ cán bộ, phóng viên báo Quân đội nhân dân được Đảng ủy, Ban Biên tập báo Quân đội nhân dân đánh giá rất cao. Quyển sách phát hành vào năm 2007. Hầu như ai ai cũng cho rằng chỉ có nhà báo Phạm Đình Trọng – người có nhiều tình người, nợ đời sâu nặng với nghề nghiệp, bạn bè, đồng chí đồng đội mới tổ chức thực hiện xuất bản được một quyển sách hoành tráng và ý nghĩa như vậy. Quyển sách còn là một tư liệu qúy về lịch sử của báo Quân đội nhân dân sau này.

Hiện nay nhà báo Phạm Đình Trọng đang sinh sống với vợ con và cháu ngoại ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Bà Hòa vợ ông là một phụ nữ đảm đang chịu thương chịu khó. Vợ chồng ông bà có 3 người con, 1 gái 2 trai, các con của ông bà đều đã trưởng thành. Về hưu nhưng căn nhà của vợ chồng ông vẫn thường xuyên có khách đến thăm. Họ là những người bạn, những học sinh cũ, đồng đội cũ, … Tình nghĩa trước sau của mọi người đối với vợ chồng ông vẫn trọn vẹn. Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng là một người dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, sống và làm việc đều thể hiện tính nhân văn của con người đích thực mà ai gần ông cũng cảm nhận được rất rõ. Hiện nay ông còn là cộng tác viên viết bài thường xuyên của nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây tôi đến thăm nhà báo Phạm Đình Trọng thấy trên bàn làm việc của ông một số trang bản thảo còn viết dở. Xem qua mới biết ông đang viết hồi ký chiến tranh, viết hồi ký cuộc đời… mà mỗi trang viết đều có hình ảnh của bạn bè, người thân, đồng chí đồng đội… Tôi chợt nhớ lại câu nói của ông cách đây hơn 10 năm trong một lần đi công tác chung với nhau: Mình luôn cảm thấy còn nặng nợ với đời, với tình người!. Thật vậy, chỉ có những người như ông mới có thể thốt ra những câu nói từ đáy lòng mình như vậy. Câu nói ấy toát lên chữ tâm trong sáng của một nhà báo, một người lính Cụ Hồ.

------------------------------
Xem thêm:  Thăm thầy Trọng - KQ, 30/1/2010, Blog K5





HTML Hit Counter