Dự kỷ niệm 70 năm Trường Thiếu sinh quân Việt Nam


Dự kỷ niệm 70 năm Trường Thiếu sinh quân Việt Nam

Sáng hôm qua, 22-9-2019, tôi về dự kỷ niệm 70 năm Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi về dự, mặc dù tôi đã biết, từ trong Kháng chiến chống Pháp đến nay, tuỳ điều kiện cụ thể, đã có nhiều trường thiếu sinh quân được thành lập với những tên gọi khác nhau, nên 70 năm chỉ là cái mốc trường TSQ đầu tiên ra đời và lần gặp mặt này tôi mới biết rất nhiều “người nổi tiếng” đã từng là các giáo viên hay học viên của các nhà trường này. Đó là các thày là nhạc sĩ : Huy Du, Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên… , là ca sĩ Quốc Hương…. Có nhiều học viên là các nhà khoa học, nghệ sĩ, đạo diễn, dịch giả, nhà văn như Thuý Toàn, Ma Văn Kháng, Đặng Nhật Minh, Phùng Quán,… Nhiều cựu học viên đã đảm nhiệm chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước, Quân đội : Lê Xuân Tùng, Trần Đình Hoan, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Khoan, Vũ Mão, Vũ Quốc Hùng, Đoàn Mạnh Giao, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Trung tướng Nguyễn Chiến,… Và riêng tôi được biết thêm các anh chị Vũ Thế Khôi, Trần Tiến Đức, Nguyễn Mạnh Kính, Vũ Huy Túc, Khuất Duy Đẩu, Nguyễn Năng Dũng… cũng là dân TSQ.
Gần 500 cựu học viên và các thày cô về gặp mặt lần này. Thật đông và vui. Dù biết chương trình buổi lễ dễ bị cháy giờ, bác Vũ Mão – Trưởng ban liên lạc TSQ Việt Nam, trong lời khai mạc đã khống chế thời gian phát biểu của mỗi đại biểu bằng thời gian phát biểu của đại biểu QH trong hội trường, thế mà ngay bác Trưởng ban cũng “chiếm dụng” thêm một ít và hầu hết bài phát biểu đều quá giờ (dù bài phát biểu của Trưởng ban rất thu hút người nghe bởi cách dẫn dắt rất sinh động và minh hoạ rất hay). Các phát biểu của dịch giả Thuý Toàn, của nhà văn Ma Văn Kháng hay của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã làm sống lại những kỷ niệm của gần ba phần tư thế kỷ trước. Rất tiếc, thay mặt lực lượng đông đảo nhất, Trung tướng Nguyễn Chiến không còn thời gian để đăng đàn. Đặc biệt hơn, người phi công già lọm khọm ngồi trước mặt tôi, Đại tá Vũ Thành, cựu học viên TSQVN, đã từng đại diện cho thiếu nhi Việt Nam dự Đại hội Liên hoan thanh niên, sinh viên Thế giới lần thứ 3 tại Berlin năm 1951, cụ xem đi xem lại bài phát biểu của mình rất cẩn thận và cơ hội “lên sân khấu” không còn nhiều, đã không đến lượt lên phát biểu.
Cũng như các lần kỷ niệm năm tròn, năm chẵn trước đây đều có lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự, năm nay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến chung vui từ đầu đến cuối phần lễ kỷ niệm. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng đã khẳng định lại, việc thành lập các trường TSQ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, NN, Quân đội về tạo nguồn cán bộ cho đất nước trong điều kiện khó khăn, gian khổ và chiến tranh ác liệt cũng như cho các vùng dân tộc thiểu số. Thủ tướng cũng đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của các TSQ cho sự nghiệp đấu tranh GPDT, thống nhất đất nước trước đây và đang đóng những vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Thủ tướng cũng mong các bác, các anh chị cựu học viên TSQ, nay đã hưu trí, luôn là những tấm gương sáng, mẫu mực cho con cháu và thế hệ trẻ tự hào, noi theo.
Trong phát biểu khai mạc, bác Vũ Mão có nói đến ý kiến của một số bác cựu TSQVN 70 năm trước, đây sẽ là lễ kỷ niệm cuối cùng. Nhưng những gì đã diễn ra trong buổi lễ và trong các phát biểu, các thế hệ TSQ sẽ lấy ngày ra đời TSQVN năm 1949 làm dấu mốc chung để tiếp nối duy trì hoạt động của các trường TSQ. Sẽ còn các trường TSQ tiếp tục tiếp nhận học viên là con em người dân tộc ít người, các cháu có nguyện vọng công tác trong những ngành đặc thù. Các em, các cháu sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống cha anh, thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện để trở thành những người có ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Một buổi lễ để lại nhiều cảm xúc, niềm vui và thắm tình đồng đội dù không chung một lớp, không cùng độ tuổi, ở khắp miền của Tổ quốc.