K6-TSQ VỚI LƯỠNG QUẢNG



1-QUẢNG BÌNH


Quảng bình, Quảng trị là nơi đầu sóng ngọn gió, hai địa danh nổi tiếng, hai địa phương chịu nhiều đau thương mất mát trong thời gian Nam-Bắc chia cắt. Sông Bến hải hiền hoà với cầu Hiền Lương thơ mộng trở thành nỗi đau dân tộc. Nghe các địa danh: Vĩnh mốc, Cồn cỏ, Cồn tiên, Dốc miếu...dân Việt trào dâng cảm xúc khó tả, vui buồn lẫn lộn. Tự hào có, bi thương có thậm chí bi luỵ. Vì sao vậy, người trong cuộc hiểu, có điều nói ra hay không mà thôi? Tôi qua lại đây nhiều lần song lần đi này để lại dấu ấn sâu đậm khó phai. Lần đi cùng K6-TSQ-NVT bạn thuở ấu thơ, cái ngày chim cò be bé xinh xinh hồng như trái ớt chỉ thiên nay mềm như dải lụa. U70 rồi, lắm cha cố lắm vẫn ướt mũi giày. Thương lắm. Chả bù ngày ở Hưng hoá(1968-1970) thi nhau đái thủng lá khoai. Đời là vậy, không tiếc nuối để rồi... nuốt nước miếng. Cũng lại, thương lắm.
Viết ra đây chia sẻ cùng bạn bè , tri ân các anh hùng liệt sỹ( trong đó có bạn và người thân) và cũng là lời nhắc" nô bộc" nào có ý định học: Bùi Quốc Huy, Phan Văn Vĩnh, Đinh La Thăng... hãy đến đây răn mình. Họ, các liệt sỹ vô danh và hữu danh ngã xuống để người thân gia đình có cuộc sống an lành hạnh phúc, mà đâu đã được. Thực tế diễn ra hàng ngày, hẳn dưới mộ họ giống chúng tôi: phần nộ và căm giận. Họ hy sinh không phải để cuộc sống diễn tiến theo chiều hướng này.
Chuyến đi được khởi phát từ bạn Nguyễn Kim Phú( cựu quan chức Bảo Việt). Lịch trình đi lại, thời gian tổ chức... đắn đo nâng lên hạ xuống, cuối cùng chốt: Ngày 14/4 bắt đầu, ngày 20/4 kết thúc. Đắn đo bởi lý do rất đời, tiêu chí ngon bổ rẻ đặt lên hàng đầu. Các đại ca U70, hưu cả rồi không lẽ xin con cái trợ cấp. Ngượng chết được, xem ra các đại ca còn tự trọng lắm. Đúng hẹn, các cánh quân nhằm Đồng Hới hành quân. Lịch hoạt động của đoàn được sắp xếp kỹ càng chu đáo từng chi tiết. Có ăn có học có khác? Chương trình có giao lưu với đồn biên phòng Cồn Cỏ. Anh em tặng đồn hai mươi lít rượu trắng đem từ Hà Nội( Hoà còm mang) và chút quà mọn trong phong bì. Đồ uống cả đoàn, Đào Trường Thắng đưa lên ô tô hắn trăm lít. Khỏi nói, rượu Thắng có thứ hạng cao tại K6. Kết thúc chuyến đi Phú nói:" Tụi nó uống hết, tài thật". Đoàn hơn năm mươi người, nhiều tên có phu nhân đi kèm( Mấy thằng ngoan có tiếng. Không cảnh giác... em mất chồng à). Tôi nhớ cặp đôi có: Ngô Sơn, Đào Thắng, Sử Bình, Gia Bình, Kim Hồ, Duy Thiệp, Minh Chính, Điện Biên, Vũ Lộ... Đăc biệt có thày Soạn(87 tuổi), chính trị viên K6 và nhiều ban bè mến mộ TSQ K6, tụi tôi gọi K9 tham gia.Hai ngày đầu tắm biển Nhật Lệ, thăm động Thiên Đường, Phong Nha Kẻ Bàng. Động Thiên Đường ai đã vô, các hang động tại Hạ Long xem... muỗi. Lên thăm và thắp hương tại hang Tám Cô, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, đường chín. Anh em quây quần bên mộ Mạnh Minh, bạn K6, sinh viên đại học cơ điện hy sinh năm 1973. Xúc động trào nước mắt. Tại mặt trận Trị Thiên còn mấy liệt sỹ K6 chưa tìm thấy hài cốt. Thấm thía lời hát:" Chiến tranh đâu có phải trò đùa". Hang Tám Cô, biểu hiện sinh động sự tàn bạo, vô nhân tính của chiến tranh và cũng là biểu hiện phi thường của con gái Việt . Bom rơi bịt kín cửa hang không còn lối ra. Bộ đội hành quân gấp, thời gian không phương tiện cứu hộ cũng không . Thật nghiệt ngã, tám cô thanh niên xung phong biết cái chết sẽ đến mà không có cách nào thoát ra. Đã bao lần tôi tự hỏi :" Đối diện với tử thần họ nghĩ gì?" Dũng cảm, hẳn rồi, tuyệt vọng hẳn cũng có. Khát vọng sống là mãnh liệt lắm. Tôi không dám hình dung nữa, chỉ biết kính cẩn nghiêng mình. Vô tình,K5 có mặt tại Đồng Hới, hai khoá cùng nhau viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại vang danh cả thế giới. Mộ nằm tại Vũng Chùa- đảo Yến( huyện Bố Trạch) . Nhớ xưa, thương Cụ quá nhẫn nhịn. Hết binh đao, họ xếp Cụ phụ trách khoa học kỹ thuật trực tiếp làm công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, nhà thơ Tố Hữu phụ trách khối kinh tế. Cám cảnh dân giễu:" Nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng". Là người thông tuệ, hiểu chuyện: hết thỏ bỏ cung và gương tày liếp: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn... Không dừng lại, nhiều tin thất thiệt được chế biến nhằm hạ uy tín Cụ. Họ không biết hoặc giả vờ, hình ảnh đại tướng tổng tư lệnh đã chiếm trọn trái tim quân và dân cả nước. Việt Nam từ ngày lập quốc(1945) có hai đám tang làm thổn thức trái tim người dân. Ai cũng rõ: đám tang Cụ Hồ và đám tang đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trước khi rời Đồng Hới đoàn ghé thăm địa đạo Vĩnh Mốc, sông Bến Hải chụp vài bức hình trên cầu Hiền Lương. Con sông hiền hoà chính là nơi phân cách hai miền Bắc-Nam như sông Gianh thuở nào, thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Không khỏi chạnh lòng xót xa cay đắng. Vĩnh Mốc cũng như Củ Chi thể hiện quyết tâm sắt đá cả dân tộc:"Nam Bắc phải một nhà, không thế lực nào ngăn nổi". Nhắc mọi người thâm ý bạn Tàu, tụi nó không hề mong điều đó xảy ra. Chuyến hành hương kết thúc tại đất Quảng Bình, toàn đoàn thần tốc xốc đội hình, vô Quảng Trị.







2-QUẢNG TRỊ


Trạm dừng chân tiếp theo: thành phố Đông Hà. Đoàn nghỉ tại Golden Hotel trên đường Lê Duẩn. Hôm sau đoàn vào thăm thành cổ Quảng trị và sông Thạch Hãn gần kề. Thành cổ được vua Minh Mạng xây gạch năm 1837, thời Gia Long thành đắp đất. Thành cao ba mét, xung quanh có hào nước, chu vi thành 2160 mét. Nhắc đến thành cổ là nhớ đến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, khúc tráng ca bất tử. Ngôi thành nhỏ bé hứng chịu bom B52, pháo bầy từ biển dội vào. Không một góc đất, bờ hào viên ngói còn nguyên vẹn. Đây là nơi rất, rất nhiều sinh viên miền Bắc mới nhập ngũ ngã xuống. Thân xác các anh đã hoà vào đất Mẹ.Đứng trước tượng đài khắc ghi công ơn các liệt sỹ sinh viên tôi trào nước mắt, họ và chúng tôi cùng thế hệ là bạn nhau. Bên tai văng vẳng câu hát"... cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình...". Tôi có bạn, tên Vũ Hà sinh viên đại học cơ điện nhập ngũ 9/1971 hy sinh nơi đây. Chúng tôi thắp hương cầu cho các anh siêu thoát, tự nhủ:"Các anh ngã xuống cho chúng tôi sống.Điều này mãi không quên". Rời thành cổ , nặng trĩu ưu tư cả đoàn ra sông Thạch Hãn, đến bến thả hoa đăng bờ Bắc. Nơi đây trong 81 ngày đó, hàng đêm bộ đội bơi vượt sông bổ sung quân số cho thành cổ. Dân địa phương nói:" Bộ đội hy sinh khi qua sông nhiều lắm, tắc cả dòng chảy". Đã buồn lại buồn thêm. Ôi, chiến tranh! Trước nhà tưởng niệm có lưu câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Dưới sông còn đó bạn tôi nằm
Lứa tuổi hai mươi cùng sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm
Tại chính địa danh này, nghe chính dân địa phương kể càng thấy sự hy sinh vô bờ bến các liệt sỹ và hiểu rõ hơn cái giá của hoà bình. Tối đó, bữa cơm của đoàn trầm lắng, không ầm ào quậy phá thường thấy ở mấy cha K6.Hẳn ai cũng nặng suy tư, rong ruổi suy nghĩ nào đó.
Hôm sau ra đảo Cồn Cỏ, vị trí tiền tiêu của miền Bắc giai đoạn chống Mỹ. Thái Văn A được tuyên dương anh hùng trên hòn đảo này. Có bài hát về người anh hùng, ai còn nhớ? Người đời bạc lắm, các cụ nói vậy, khéo đúng. Trong đoàn có Nhung, gái Huế dân làm du lịch, người nhà Phú. Gái Huế e lệ dịu dàng hay làm duyên, Nhung hội tủ đủ song không dễ mấy cha K6 bắt nạt nghe. Trước khi đi em nói:" Ra Cồn Cỏ không Cồn Ló nhá mấy anh. Không Cồn Ló nên cũng không Cồn Lào". Mấy tướng hay nói lái thanh tục lẫn lộn, lắc đầu ngao ngán. Vụ này, may ra Khánh Choang đủ tầm. Tiếc quá, thắng này vui duyên mới... quên mẹ nhiệm vụ. Nhung bảo: "Nghe anh Phú kể về K6 TSQ, em cũng phải dạn dày kẻo bị ăn hiếp". Vậy đấy, đừng đùa với gái Huế mộng mơ.
Tàu chạy từ cảng Cửa Việt ra Cồn Cỏ mất một tiếng. Hôm đó sóng nhỏ vẫn có người nôn nao khó chịu. Dẫu vậy, đặt chân lên đảo lại tỉnh như sáo, niềm vui sự háo hức át đi tất cả. Nghỉ ngơi chút xíu, cả đoàn kéo nhau thăm đảo. Đảo nhỏ, chu vi sáu km hiện đã có mười hộ dân sinh sống. Nhà do chính quyền xây, nghe biên phòng nói:" Trước đã có dân ở sau họ bỏ về hết". Động viên giúp đỡ người dân ra đảo là phương thức bảo vệ chủ quyền, cương vực nước nhà. Buổi tối, như đã định giao lưu với bộ đội hiên phòng. Không khí vui vẻ tràn ngập niềm vui đúng nghĩa quân dân cá nước hay quân dân một ý chí. Vô tình hôm số có ông tướng Cục trưởng Cục phòng chống ma tuý tham dự. Với K6 TSQ, đã chơi là vui tới bến. Lây sự hồ hởi, vị tướng cầm micro hát bài gì đó nghe hay mỗi tội hơi ngọng. Lạ thật, cái tật nho nhỏ sao khó sửa vậy. Thủ lĩnh Bộ GD ĐT, Ông Lộn Nhà cũng mắc, khổ thế. Dạy ai? Trưởng đoàn Phú tặng quà cho Đồn trưởng Biên phòng như đã nói ở phần đầu. Vũ Điện Biên hát bài tặng lính đảo. Phục thằng ni, bài:"... Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá....", đã lâu lắm tôi không nghe. Biên hát chuẩn giai điệu không lỡ nhịp, lính đảo tán thưởng vỗ tay rầm rĩ.
Đêm khuya, đoàn chia tay đồn biên phòng trong sự bịn rịn, lưu luyến. Lính biên phòng dặn ngủ ngê cẩn thận kẻo muỗi đốt. Muỗi ở đảo to bằng mười muối đất liền, kinh vãi. May hôm đó gió to thổi bay muỗi ra khỏi phòng. Ơn trời, ở hiền gặp lành, không phụ người có tâm.
Trưa 19/4 quay về Golden Hotel, ăn uống nghỉ ngơi. Chiều xả trại (quân đội gọi giờ 25). Tôi ngủ vùi, ba giờ chiều dậy, xuống sảnh ngồi tán dóc. Lúc này Trần Vinh Quang bật mí hắn trao tặng anh em cuốn:" Có một thời như thế đấy". Cuốn sách có đẩy đủ ảnh cá nhân và là tập hợp các bài viết của anh em K6. Đây là công biên tập của Quang và sự giúp đỡ của Nam Điện trong việc in ấn phẩm. Cám ơn hai bạn nhiều. Buổi tối, bữa chia tay vui nổ trời. Khách mời là mấy anh chị em Bảo Việt Quảng Trị và Sở Nông nghiệp. Lại ầm ào như thác đổ, nhậu tưng bừng... hết việc, còn gì phải lo. Trưởng đoàn Phú đứng lên tổng kết, mọi cái sáng rõ minh bạch hơn ông Phúc Nghẹo, Phú không quên cám ơn những ai đã giúp đỡ anh em K6 trong chuyến hành hương này. Mấy cháu phục vụ nhìn mấy ông U70 vẻ ngưỡng mộ:" Đúng các quý ông Genterman". Phú và Quang lên chương trình cuối năm ghé thăm đất nước Triệu Voi, không Cồn Lào nhé. Anh em vỗ tay tán thưởng. Hãy đợi đấy.
Chuyến hành hương về cội tri ân các anh hùng liệt sĩ của K6 TSQ biết nói sao nhỉ? Với tất cả sự khiêm tốn của người tử tế, sự khiêm nhường của kẻ có học, sự ngay ngắn của người chồng chung thủy, sự liêm chính của công chức mẫu mực... và nhiều sự nữa. Tôi có thể nói: "Thành công tốt đẹp". Đề nghị vỗ tay









Mời xem bài liên quan:
  1. Cồn Cỏ 18-19/4/2019 - Tổng hợp
  2. K6 hành hương tri ân - Video Hà mèo
  3. K6-TSQ VỚI LƯỠNG QUẢNG - Vũ Duy Sơn
  4. Cồn Cỏ - điểm hẹn của những người bạn Trỗi - Trần Vinh Quang
  5. Lũ chúng tôi - Trần Việt Châu