Nhật Bản – Mùa lá đỏ (11-16/11/2016)


Du lịch Online


Mời ACE theo chân nhóm Bạn Trỗi K6, K7, K9 thăm Nhật Bản mùa lá đỏ qua phóng sự của bạn Tạ Chính.
Cảm ơn các bạn đã chia sẻ trên FB.


Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san,
Dặm hồng bụi cuốn chinh an..
.
(Truyện Kiều, Câu 1520-1521)



Mùa anh đào nở đầu năm, sau khi cặp Minh – Hạnh đi Nhật Bản về, thông tin về chuyến đi và đề xuất đi tour Nhật Bản vào mùa lá đỏ, nhiều anh em đã có chung mong muốn trải nghiệm. Nhưng khi xem quảng cáo thì mọi người lại đắn đo: Gì mà đắt thế? Mãi đến cuối tháng 8, do bạn Minh bận đi làm ôsin ở phía nam nên bạn Sơn Kều nhận trách nhiệm tập hợp lực lượng. 1 tháng trước chuyến đi, kể cả bằng biện pháp vận động, vừa kích động, chỉ có 4, 5 cặp và vài người đi lẻ thống nhất. Dưới 20 người thì chi phí chuyến đi sẽ tăng lên. Rất may, Vietrantour đã thu hút thêm một số khách lẻ, nên Đoàn đã có 21 thành viên.
Đắn đo là có cơ sở vì nó đắt gấp 3 tour Hàn, tính ra cũng chỉ ở đất Nhật chưa tròn 5 ngày đêm. Ngay nhóm trung kiên cũng mất mấy buổi hội ý bằng phở và cà phê ở Quán Phở Đại Hải phố Tông Đản. Màu lá đỏ, Núi Phú Sĩ và Uniqlo vẫy gọi, cứ đi.
Sáng 8/11 gặp mặt Đoàn. Được cháu Quang, HDV, tiếp thêm niềm tin cho chúng tôi. Những bạn mới bổ sung cũng xêm xêm độ tuổi nên chắc sẽ phù hợp sở thích.

Chuyến bay từ Nội Bài cất cánh đúng 0h25 ngày 12/11 trên chiếc Dreamliner B.787-9. Đến Narita Tokyo đúng 7h30 sáng, tranh thủ mông má cạnh băng tải chuyển hàng, anh em lại hồ hởi lên đường tham quan luôn. Trong nhà ga Narita, vì mới tới và đông người nên không để ý, nhưng trên đường ra xe, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự lịch sự và không khí trong lành. Anh lái xe gật đầu chào từng người bước lên xe, bầu trời trong lành, nhà cửa, đường xá sạch sẽ.

Đoàn chúng tôi được cháu Giang, vốn là LHS ở đây từ năm 18 tuổi, đã ở Nhật 10 năm, có vợ Nhật và 2 con, làm HDV. Với kinh nghiệm làm tour, nơi đầu tiên Đoàn tới là Toà Đô chính. Trên 2 vỉa hè mặt phố ngay chân Toà là những đống đồ của người vô gia cư. Leo lên tầng 45 của Toà Đô chính, qua kiểm tra an ninh đơn giản, không mất phí, rất đông người ở trên đó, nhìn ra bốn bề để quan sát tổng thể Tokyo.


Sau đó Đoàn hành quân ra Khu vườn Rekugien đầy mầu sắc và cây cổ thụ bên hồ nước trong.
Xem thêm: Sơn Kều: Từ tòa Đô Chính đến khu vườn Rikugien - Tokyo, Minh Nguyen: Nhật Bản mùa lá đỏ


Không quá 30 phút Đoàn về khu vực khu phố cổ Asakusa để ăn trưa. Cuộc chạy show bắt đầu.

Tuy nhiên, bữa trưa ăn lẩu cua huỳnh đế chúng tôi cũng kịp mang “tài liệu” (rượu) vào quán thưởng thức món ăn Nhật đầu tiên. Bàn bên cạnh cũng đoàn người Việt.

Sau bữa trưa, không nghỉ, Đoàn vào Chùa cổ Asakura Temple. Vì đi ăn gần trung tâm Tokyo nên trước khi vào Chùa, anh em tranh thủ chụp Tháp truyền hình cao nhất thế giới (hơn 600m).

Trong Khu vực Chùa đông ngịt người.

Trước khi vào Chùa chính, theo phong tục, mỗi người cần rửa tay, rửa mặt bằng những dòng nước mát, sạch sẽ.

Nhiều bạn Nhật mặc trang phục truyền thống rất đẹp và sặc sỡ.

Cặp Hà – Hoa còn kịp chụp chung với mấy bạn gái Nhật, còn mấy chị em khác chỉ kịp chụp ké. Không sao, miễn là mọi người thấy mình đi chùa ở Nhật là được.


Sau đó, lại cũng chỉ có 25 phút cho Đoàn ra ngắm và chụp ảnh trước Hoàng Cung.
Uy nghiêm, đẹp và gần gũi môi trường thiên nhiên, vì mua sắm là 1 mục tiêu quan trọng mỗi ngày của Đoàn.
Quảng trường Hoàng Cung
Nằm ngay phía trước Hoàng cung Nhật Bản là cây cầu đá 2 nhịp có tên Nhị Trọng Kiều (Nijubashi) bắt ngang một con hào nước sâu.
Xem thêm: Sơn Kều: Từ vườn Rikugen đến khu phố cổ Asakusa

Đến Khu mua sắm Shinjuku rồi Ginza, tâm hồn shopping bắt đầu được thể hiện, có dấu hiệu không theo kịp thời gian đã định nếu tình hình này tiếp tục xảy ra (mỗi ngày lái xe chỉ làm việc tối đa từ 8h sáng đến 8h tối, nếu quá thì phải trả thêm tiền để công ty thuê lái xe khác đến). May mà chị em đã chuẩn bị phỏm rồi (danh sách mua hàng) nên cũng đỡ mất thời gia hơn.
(Đang viết thì bà xã lại pha cho ly chè xanh Nhật Bản, thêm khí thế để viết tiếp. Bà ấy còn nhắc: “Viết ngắn thôi. Dài thế ai mà đọc được”. Cứ viết! Viết cho mình, cho bạn bè. Chuyến đi có thú vị thì mình mới viết).
Tối về ăn và nghỉ tại KS Hundred ngay khu Shinjuku, Trung tâm Thủ đô.

Trong bữa ăn tối, vẫn có “tài liệu”. Hùng Trắng cứ “En-tơ” liên tục, anh em cũng nói thành quen, chỉ có điều có cụng ly thì cũng phải kín, tránh dzô, dzô, vì uống nước lọc mà cụng thì người ta để ý. Ăn xong, nhận phòng. Mọi thứ trong phòng nói chung đầy đủ, rất sạch, nhưng phòng hơi nho nhỏ, hay bị đụng đầu gối vào thành giường, ghế tủ. Kết thúc một ngày thú vị, nhưng lá đỏ thì mới chỉ thấy chấm phá thôi. KS nằm ngay sát đường tàu điện, nhưng ngủ vẫn ngon lành, phần cũng vì 1 ngày “vất vả ăn chơi”.


Ngày thứ 2, Đoàn tiến về hướng ngọn Núi Phú Sĩ (người Nhật gọi là Fuji san – Ngài Phú Sĩ, một cách trân trọng). Sau 2 tiếng ô-tô, Đoàn dừng chân ở chân núi, thăm làng trồng cây ăn quả Yamanashi.

Đoàn đến một vường nho thăm, hái quả ăn. Chắc là họ tính toán mỗi đoàn lớn, nhỏ để đến thăm từng khu vườn khác nhau, nên Đoàn chúng tôi đến vườn nho rộng khoảng 1 sào, còn đầy quả, tuy rất ngon nhưng hơi chín quá. Có nhiều đoàn học sinh nhỏ và lớn tuổi đến trải nghiệm trong làng.

Trước khi về, mọi người đều vui vẻ mua sắm, chủ yếu là đồ khô, vì hoa quả ngon lại sạch nữa.
Xem thêm: Sơn Kều: Hái quả theo mùa - Trải nghiệm nông thôn Nhật Bản


Đoàn tiếp tục tới thăm Ngôi làng cổ Oshino Hakkai tuyệt đẹp. Vốn là đất nước chịu nhiều thảm hoạ của núi lửa và động đất, nhưng cũng vì thế mà có những hồ nước, con suối nước trong vắt, nguồn suối khoáng vô tận, tạo nên cảnh quan không nơi nào có được.
Sơn Kều
Xem thêm: Sơn Kều: Thăm làng cổ Oshino Hakkai nằm dưới chân núi PHÚ SỸ 1, 2, Võ Kim Dung: tại Lang Co Oshinohakkai, Minh Nguyen: Thăm làng cổ dưới chân núi Phú Sĩ., Trên đường đến núi Phú Sĩ.

Sau những ấn tượng về Làng cổ, Đoàn về Nhà hàng Sun bên Hồ Kawaguchi, hồ nông nhất trong những hồ ở chân núi Phú Sĩ, nhưng lại có hình ảnh núi Phú Sĩ in trên mặt hồ. Ở đây cũng có rất nhiều thợ câu cá. Bắt đầu thấy màu đỏ của lá sặc sỡ hơn.
Anh Minh


Không nghỉ trưa, Đoàn leo lên Núi Phú Sĩ (tất nhiên là chỉ lên lưng chừng núi thôi, gọi là Trạm số 5 - Step five, chỉ có thợ leo núi mới lên cao hơn được).



Thật tuyệt vời đối với chúng tôi vì gần đến điểm dừng chân thì có băng phủ trắng nhiều chỗ và cây cối có đủ 3 màu: vàng của ngân hạnh, xanh của thông và đỏ của phong. Cây bạch dương thì đã trơ trọi lá. Nhiệt độ xuống 5, 7 độ C, gió mạnh và rét.


Vào một ngôi Chùa nhỏ đẹp trên đó, cũng theo phong tục, chúng tôi cúi đầu khi qua cổng chùa và vào trong chùa làm đủ quy trình : 1 lạy, 2 vỗ, khấn và 1 lạy xong thì ra ngoài ngắm cảnh núi và thung lũng chân núi. Sau chuyến lên núi lạnh, Đoàn về KS ven Hồ Kawaguchi, gần Nhà hàng chúng tôi ăn trưa để trải nghiệm tắm nóng kiểu Onsen, ăn tối, ngủ tối ven hồ đông du khách nhất ở chân núi (KS Route inn Kawaguchiko).
Xem thêm: Sơn Kều: Đoàn khởi hành từ làng cổ Oshino Hakkai đến khu du lịch ven hồ Kawaguchi và nghỉ đêm tại KS Route inn Kawaguchiko, Rời khu du lịch ven hồ Kawaguchi lên núi PHÚ SỸ, Từ trạm số 5 trên núi PHÚ SỸ trở lại khu du lịch Kawaguchi, Minh Nguyen: Lên đỉnh Phú Sĩ.


Theo công thức 6, 7, 8 (6 giờ sáng thì dậy, 7h ăn sáng, 8h lên đường), tôi dạy và từ cửa sổ chụp ảnh Núi Phú Sĩ buổi sớm. Quá đẹp. Rồi tôi ra đi bộ ven hồ xem cảnh và những người thợ câu. Về KS ăn buffet và lên đường sang một hồ khác để du thuyền. Đó là Hồ Yamanaka. Đoàn đi vào các cánh rừng ven hồ, thực như thiên đường mầu sắc. Đi trong không gian thoáng đãng, môi trường trong lành, nhiều cây cối lại nhiều sắc mầu, còn gì bằng. Lên du thuyền đi khoảng 20 phút, trải nghiệm thòm thèm trên hồ nước trong xanh, xung quanh không bị kiến trúc xô bồ, bon chen che lấp.


Xem thêm: Sơn Kều: Đi du thuyền "Thủy tặc" trên hồ Ashi.

Rời khu du lịch quanh Phú Sĩ, ăn trưa ở một Nhà hàng nhỏ ven đường để chuẩn bị cho một chặng đường dài 5 tiếng về Hồ lớn nhất Nhật Bản, Hồ Biwa, trên địa phận tỉnh Aichi gần thành phố Nagoya để sáng hôm sau sẽ tiện cho đi thăm Cố đô Kyoto.
Xem thêm: Sơn Kều: Đoàn du khách di chuyển từ khu du lịch Kawaguchi đến hồ Ashi dưới chân núi Phú Sỹ


Đúng như cháu Giang nói, độ đỏ của lá phụ thuộc vào thời tiết lạnh ít hay nhiều, nên càng xuống phía nam, màu đỏ cành nhạt đi, trời ấm hơn một chút. Ăn tối ở KS Hồ Biwa này lại được uống sake miễn phí. Do bữa nào cúng có chút cay cay nên ông bạn En-tơ của chúng tôi đã có hiện tượng nhớ nhớ quên quên, làm chúng tôi cũng lo. Tuy nhiên ông bạn ấy đi tham quan, mua bán không thiếu hạng mục nào, đi khoẻ, vui vẻ, bắt tay liên tục. Vui phết!.
Xem thêm - Sơn Kều: Rời tàu "Thủy tặc" lên đường về nghỉ ở khách sạn Hikone View hotel bên hồ lớn ở thành phố Nagoya




Sáng 15/11 Đoàn đi thăm Cố đô Kyoto, Chùa Thanh Thuỷ, Rừng Tre Arshiyama (vì không có thời gian nên chỉ dừng ở Cầu Bà Nguyệt để chụp ảnh) và Chùa Vàng. Không bút nào tả được nên phải xem ảnh mới thấy rõ hơn, chỉ biết rằng, chị em ngồi trên xe miệng xuýt xoa, nhấp nhổm muốn xuống xe chạy ra để chụp luôn. Mọi khó khăn lúc chụp ảnh khi chị em chỉ có 3 người, thì luôn có một anh lấp lỗ trống, anh Hà Mít, sẵn sàng là người thứ tư. Vì mong muốn vừa được chụp nhiều ảnh, vừa không mất thời gian của mua sắm nên mọi người chấp hành rất nhiêm giờ giấc.
Xem thêm: Sơn Kều: Lên đường đến cầu ÁNH TRĂNG - KYOTO,


Xem thêm - Sơn Kều: Chùa Thanh Thủy , Mùa thu nơi chùa Thanh Thủy - Nhật bản, Lên đường thẳng tiến cố đô KYOTO - leo dốc lên chùa Thanh Thủy, Phong cảnh chùa Thanh Thủy, Cảnh và người trên chùa Thanh Thủy


Xem thêm: Sơn Kều: Mùa thu lá đỏ từ cầu "Ánh Trăng" đến đền "Gác Vàng", Cảnh và người nơi đền "Gác Vàng", Minh Nguyen: Thăm chùa gác vàng, trải nghiệm tàu cao tốc..., Ngày cuối cùng phượt Nhật Bản, Kyoto, Osaka.

Buổi chiều Đoàn được trải nghiệm khoảng 15 phút trên tàu cao tốc Bullet Train (tàu hình viên đạn) mang tên Shinkansen, tốc độ 300km/h, đi từ Kyoto về Osaka, khoảng cách 45km, tranh thủ tới Lâu đài Osaka, chụp ảnh với con đường cây anh đào lá đỏ bên ngoài Lâu đài, để sớm đến Trung tâm mua sắm lớn Shinsai Bashi ở Osaka.
Xem thêm: Sơn Kều: Tạm biệt Kyoto đi Osaka trên tàu cao tốc.





Bữa tối cuối cùng ở đất nước Mặt trời mọc, anh em ăn tại Nhà hàng cuối Trung tâm mua sắm. Quyết tâm của các ông trong đoàn là không để “tài liệu” mang đến lại mang về. Còn bao nhiêu sẽ họp tổng kết nốt tại phòng bạn Sơn Ton. Không ngờ cũng giải quyết gọn.
Xem thêm: Sơn Kều: Rời ga tầu, lên đường đến rặng cây lá đỏ ngoài khuân viên lâu đài Osaka.

Sáng sớm ngày 16/11 Đoàn trả phòng và ra sân bay Kansai từ 6h30. Ra sân bay sớm có cái hay là được chứng kiến lúc vào ca của nhân viên sân bay, vừa rất nghiêm túc, vừa tôn trọng hành khách qua việc giao ban và xếp hàng chào hành khách, vừa vào được phòng chờ sớm, có nhiều thời gian shopping tiếp. Khác với sân bay các nơi, giá cả ở đây không khác với các trung tâm thương mại toàn nước Nhật, nên cả Đoàn gần như đã thoả mãn cơ bản nhu cầu mua sắm.

Mới chỉ được thăm nước Nhật với phong cảnh đẹp, con người khiêm nhường và thân thiện, mua sắm được những sản phẩm chất lượng đã thấy chuyến tour “đáng đồng tiền bát gạo” và đã đi du lịch Nhật rồi thì thật khó lựa chọn được những tour nào thú vị hơn. Vẫn muốn được quay lại thăm đất nước Mặt Trời Mọc thêm nữa.
Những hình ảnh ghi lại từ chuyến đi là của các bạn trong đoàn và tôi.









FB Tạ Chính 18 Tháng 11 2016 lúc 3:30



ĐI MỘT ĐÀNG N030

Trải nghiệm Nhật Bản – những điều còn đọng lại và đáng suy nghĩ.

Là một quần đảo với hơn 6 ngàn hòn đảo, có 2đảo lớn, ở đông bắc Châu Á, Nhật bản có khoảng 127 triệu dân. Về mặt hành chính, Nhật bản có 1 độ (Thủ đô Tokyo), 1 đạo (đảo Hokkaido), 2 phủ (Kyoto, Osaka) và 43 tỉnh. Trong 5 ngày ở Nhật Bản, đi qua các địa danh Chiba, Tokyo, Kanagawa, Shizuoka, Aichi, Shiga, Kyoto, Nara và Osaka, ngồi nhiều thời gian trên các phương tiện giao thông, ít tiếp xúc người dân, lại không biết tiếng, chỉ qua nghe – nhìn nên không hiểu nhiều về Nhật Bản, chắc chắn bài viết này chưa thể đáp ứng mong mỏi của người đọc và có thể còn chưa chuẩn xác, nên tôi chỉ chia sẻ “Trải nghiệm Nhật Bản – những điều còn đọng lại” mà thôi. Ngoài những hình ảnh đất nước và con người Nhật Bản tươi đẹp và mến khách như đã đề cập trong “Nhật Bản – Mùa lá đỏ”, những gì tôi đề cập sau đây đi vào cái chất Nhật. Hy vọng được các bạn quan tâm, trao đổi thêm.

1- Điều đầu tiên tôi để ý và quan tâm là con người Nhật Bản.
Mới đến Narita, ngay ở chỗ làm thủ tục nhập cảnh, một nhân viên sân bay lịch sự dẫn chúng tôi xếp vào hàng, chỉ cho từng người vị trí đứng. Ra đến ô-tô, anh lái xe gật đầu chào mọi người và nhanh chóng xếp đồ. Sau đó, hàng ngày, mỗi người lên hoặc xuống xe, anh đều gật đầu chào không sót ai. Làm theo bổn phận rất nghiêm túc nhưng, cũng như anh bạn ở chỗ làm XNC, rất thân thiện và anh ấy đã rất quyến luyến với đoàn lúc chia tay.
Trong cuộc sống người Nhật chỉ sử dụng, hưởng thụ vừa đủ. Nhà ở nói chung không to lắm; ăn không quá nhiều, thực phẩm chủ yếu là thịt bò, cá, rau nấm, ăn đồ sống nhiều; ô-tô không cần xế hộp, chỉ đủ để đi và dễ cất; mặc lịch sự, đến công sở, nam giới mặc comp-lê đen và cravat màu xẫm. Với cách ăn uống, sinh hoạt vừa đủ nên gần như không thấy một người đàn ông nào to bụng cả. Người Nhật ham việc, làm việc cần mẫn, cật lực, ít thấy thảnh thơi, không thấy ai ngồi nhậu nhẹt bên đường.

Thu nhập của người đàn ông có gia đình luôn gắn với trách nhiệm con cái và chi phí sinh hoạt hàng tháng, chỉ có đủ tiền ăn, đi lại cho bản thân. Nếu có chia tay thì người chồng cũng chỉ được nhận 30% tài sản. Mọi thứ thu nhập đều minh bạch, song người có thu nhập tự kê khai thuế, khi bị phát hiện khai man thì phạt rất nặng.

Kỷ luật trong công việc và ở nơi công cộng rất nghiêm túc do đóng và phạt bảo hiểm rất cao. Như việc thuê ô-tô vận chuyển Đoàn chúng tôi, lái xe không được làm việc hơn 12 tiếng/ 1ngày, hay ăn uống tại nhà hàng, khách sạn luôn được đảm bảo theo giờ giấc, không được vi phạm, kể cả người sử dụng.

Người vô gia cư chiếm dọc vỉa hè, ngay cả trước Toà Đô chính Tokyo, để ngủ, nghỉ, không đuổi được vì quyền con người ở Nhật rất cao, nhưng rất mất mỹ quan. Thực ra, những người vô gia cư này không phải là những người lười làm việc, họ thường là những doanh nhân làm ăn thất bát, khuynh gia bại sản song không muốn chìa tay xin tiền, dù số tiền đó không nhỏ. Họ đi nhặt rác, lựa chọn những thứ bán được tiền sống qua ngày, khi có điều kiện họ tiếp tục kinh doanh. Còn không, họ có thể là người vô gia cư suốt quãng đời còn lại, nhất định không ngửa tay xin tiền.

Anh Minh: trên vỉa hè dưới gầm cầu bên sườn tòa thị chính rất nhiều những đồ đạc tả bí lù. Hỏi ra mới biết là đồ đạc của những người vô gia cư ngủ đêm tại đó, ngày đi nhặt ve chai kiếm ăn...
Họ ngủ trong những thùng các tông như thế này... nhưng hay là người vô gia cư hàng ngày tập trung về ngủ ngay bên ngoài tòa thị chính mà chính quyền ko cho cảnh sát đến đuổi đi, họ rất tôn trọng quyền con người, kể cả của người nghèo.

Mọi sinh hoạt của người tàn tật được tạo điều kiện tối đa, từ lối lên xuống chung cư, khách sạn, đến đường đi lối lại và nhà vệ sinh… Người Nhật rất khiêm nhường và nhẫn nhịn, không thể hiện lộ liễu thái quá khi thấy việc chưa hay. Đó là, đôi lúc chúng tôi vô ý nói hơi to hay chưa quen xếp hàng, chắc chắn họ không vừa ý nhưng phải quan sát kỹ mới thấy họ không thích. Chỉ khi có vi phạm quy định thì họ không ngại nhắc nhở.

Người Nhật rất tự trọng, không có người ăn xin. Với lòng tự trọng cao và áp lực công việc lớn nên tỷ lệ tự tử rất cao. Nhiều khu rừng rất đẹp, đầy ô-tô đậu bên ngoài, trở thành những khu rừng chết bởi chủ của nó đã thắt cổ bên trong.

Tuổi thọ của người Nhật vào loại cao nhất thế giới, hơn 83 tuổi, nhưng người già không cạy nhờ con cái. Nếu cao tuổi thì muốn vào nhà dưỡng lão ở thì vào, nhà dưỡng lão không được từ chối và con cháu không thể can ngăn.

Với cuộc sống ở Nhật Bản, mỗi gia đình thường cần người vợ ở nhà chăm sóc việc gia đình, chỉ người chồng đi làm. Chỉ có một việc rất nhỏ là đổ rác, không có người thường xuyên ở nhà, đúng ngày giờ không đổ đúng loại rác thì thậm chí thức ăn thừa cũng phải cất tủ lạnh (vì rác phải được phân thành 6 loại trước và thời gian đổ khác nhau).

Họ và tên của người Nhật cũng có cách đặt khác người. Trước đây, nghe nói, người Nhật chỉ có mỗi tên, không có họ. Sau vì người đông, cần phân biệt người này với người nọ thì đặt họ cho mỗi người theo đặc điểm nghành nghề, đặc điểm nơi sinh sống. Vì vậy, không dùng họ để phân biệt cùng dòng họ mà ở Nhật lại dùng gia huy để phân biệt.


2- Về vấn đề môi trường:
Cũng đập vào mắt và lá phổi của tôi là không khí trong lành của đất nước Nhật Bản. Không thấy rác vứt bừa bãi. Từ sân bay về Thủ đô, từ Thủ đô về nông thôn, đâu cũng sạch sẽ.

Một quốc đảo, đất chật, người đông, mỗi người bẩn một tý thì không biết rác sẽ như thế nào? Đổ ra biển ư? Họ đã tìm cách tái chế rác và không thể khác, mỗi người phải đều tham gia sử lý rác. Và như đã viết ở trên, rác của mỗi gia đình, mỗi cơ quan phải được phân loại trước.


Đi một số nơi, tôi thấy rất ít nghĩa địa và nghĩa địa cũng không xô bồ như ở ta, chỉ khoảng hơn mét vuông có một cây cột đá và dưới chân nó là một hố nhỏ để chứa toàn bộ phần tro của mỗi thành viên trong cả một dòng họ sau khi phần lớn tro của một người đã được thả ra sông, biển, mỗi người còn một hộp nhỏ. Tôi phải xin nhắc lại, tro của cả một dòng họ được cất chứa trong 1 mét vuông đó thôi.
Đi qua hơn 800km từ Tokyo xuống Osaka, ta không hề thấy một quả đồi nào trọc cả. Cây cối xanh tươi, phủ kín, vừa tạo môi trường trong lành, hạn chế lũ, giữ đất màu cho ruộng đồng và thu hút du lịch. Không gian công cộng rộng đến mấy thì chỗ dành cho hút thuốc cũng chỉ nho nhỏ và xa chỗ tụ tập đông người. Và mọi người cũng chấp hành khá nghiêm, kể cả đoàn khách chúng tôi.
Việc sử dụng nước sạch cũng được người Nhật tính toán tiết kiệm nhất, từ cách rửa, cách tắm đến chế tạo các thiết bị phù hợp, đủ sạch nhưng không hà tiện.

Dọc đường cao tốc hoặc đường tàu điện, tàu cao tốc đều có rào chắn âm thanh, giảm thiểu tối đa ô nhiễm tiếng ồn.
Chúng tôi còn được nghe nói người nông dân Nhật khi gặt lúa cũng chỉ gặt 90% diện tích, còn 10% còn lại để lại cho chim ăn. Một điều rất thú vị, nhân văn và thiết thực.


3- Về giáo dục:
từ bé trẻ sẽ ăn từng món khác nhau riêng biệt, không nấu bột, cháo từ nhiều nguyên liệu để biết trẻ thích ăn gì, khi biết đi thì cha mẹ dắt đến nhà trẻ, mẫu giáo và cho làm quen đường đến trường khi lên lớp 1. Bắt đầu vào lớp 1, trẻ tự đi đến trường, mọi thứ đều đảm bảo con trẻ đến trường an toàn, từ cách đi qua đường, đi bộ trên vỉa hè… Luôn giáo dục cho trẻ biết đất nước Nhật không giàu tài nguyên.

4- Về khoa học – công nghệ:
Đến Nhật, được thấy những công trình công nghệ cao, nhưng luôn chú trọng độ bền, chất lượng và an toàn. Tất cả đồ điện gia dụng Nhật đã rất nổi tiếng “nồi đồng, cối đá” như máy móc của sony, máy giặt Elextrolux, ô-tô Toyota,.., ngay cái ổ cắm dẹt rất an toàn cho con người, đặc biệt là đối với trẻ con.

Tàu hoả cao tốc Shinkansen chạy trên đường ray đôi như các loại tàu hoả khác mà đạt tốc độ 300km/h, không nghe tiếng lạch cạch mỗi khi qua điểm nối ray. Đi dọc đường ra thì thấy không có một chỗ ghép nối nào. Khi ra vào ga cũng không thấy âm thanh quá to.

Thang máy sân bay Kansai hoạt động theo nguyên lý nâng hạ bằng piston, nhẹ nhàng, an toàn, không nghe thấy tiếng động.

Sân bay Kansai ở Osaka được xây dựng ngoài biển. Để xây dựng được sân bay này, người ta phải đóng hàng triệu cọc và đổ 1 khối lượng đất cát rất lớn xuống biển trên cơ sở tính toán rất kỹ về ổn định nền trong điều kiện xác suất động đất rất cao, chống chịu ăn mòn vì nước biển mặn. Nhà ga cũng không quá đồ sộ, chỉ 3 tầng và xây bằng vật liệu nhẹ. Công nghệ xây dựng nhà cao tầng cùng với việc quy định giữa các nhà cao tầng phải có khoảng cách nhất định đã hạn chế tối đa thiệt hại của động đất.
Vì tài nguyên hạn chế, nước Nhật đã sử dụng năng lượng khả tái sinh là phổ biến, nhất là sau trận động đất gây sóng thần 11/3/2011 các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa. Đó là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thậm chí là năng lượng được tái sinh từ những rác sinh hoạt, phân gia súc…

5- Về văn hoá - du lịch:
Đất nước Nhật Bản mời gọi được nhiều du khách chính bởi ý thức làm du lịch từ mỗi người dân đến những nhà quản lý. Gìn giữ văn hoá Nhật và xây dựng được hệ thống các cơ sở du lịch đã được sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả một hệ thống. Chỉ riêng một làng trồng cây ăn quả để làm du lịch phải thể chế hoá của các ngành du lịch, nông nghiệp, môi trường, văn hoá, y tế, tài chính – thuế, thương nghiệp… để lựa chọn trồng cây gì, vào mùa nào, phân bố khách du lịch, đảm bảo an toàn vệ sinh… Giá cả hàng hoá gần như ở mọi nơi trên đất Nhật đều như nhau, không hỗ trợ, không sử dụng rào cản bằng giá cả đã làm cho du khách rất thoải mái mua sắm cho đến lúc rời Nhật.


6- Về nguồn nhân lực của đất nước:
Với tuổi thọ cao, tuổi trung bình không ngừng tăng, dân số giảm dần, rõ ràng nước Nhật đang thiếu lao động trầm trọng. Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài rất lớn. Người lao động có trình độ, năng lực đến đâu thì được bố trí công việc và thu nhập tương xứng đến đó. Với sự quản lý chặt, mỗi người đều được cấp 1 số nhất định. Anh có số thì mới xin được việc và thu nhập, thuế má đều căn cứ vào số đó, vì vậy không thể có lao động chui.

Đó là một số mặt của đời sống xã hội Nhật Bản mà chúng tôi thu hoạch được qua chuyến đi. Có những cái chúng ta cần ngả mũ khâm phục con người Nhật Bản, có những cái mình cần học hỏi và cũng có những điều cần nghiên cứu để làm vì còn phụ thuộc vào văn hoá mỗi nước, song phải suy nghĩ theo hướng tích cực và hài hoà.

Nhà nước Nhật đã thấy áp lực công việc đã gây ra những hệ luỵ cho người Nhật, từ vấn đề giống nòi đến tỷ lệ tự tử không ngừng tăng. Sản phẩm chất lượng cao, nhưng giá đắt không phải là hướng SX-KD của nhiều nước, nhiều doanh nghiệp. Giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, những quốc sách hàng đầu, chúng ta rất muốn được như họ, nhưng nền kinh tế của ta còn kém phát triển, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, trình độ công nghệ còn thấp, nên còn phải học hỏi, cố gắng nhiều. Nhưng nói gì thì nói, người lao động phải nâng cao năng suất làm việc và tiết kiệm. Mỗi người cần hài hoà giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa cống hiến và hưởng thụ thì đất nước mới phát triển bền vững được.

Bảo vệ môi trường là việc cấp bách ở nước ta, cần sớm hướng theo những hoạt động tích cực về môi trường, từ xử lý rác, trồng rừng, gìn giữ sinh thái,… Nếu có dịp đi máy bay trên các vùng của đất nước, chúng ta sẽ thấy ở Việt Nam tỷ lệ diện tích dành cho nghĩa trang tăng lên rất nhanh, có nơi nghĩa trang chiếm diện tích bằng 1/3 của một làng, đất dành cho sản xuất, trồng trọt bị thu hẹp. Rồi ở nhiều nơi kể cả ở từng nhà, những vấn đề gọi là văn hoá tâm linh đã bị biến tướng, phản cảm, gây tốn kém và đầu độc môi trường. Kệ nó ư? Học bạn?.

Một vấn đề đang rất nóng ở Nhật, đó là nhân lực lao động. Nhà nước Nhật quan tâm và chúng ta, đất nước cũng còn thiếu công ăn việc làm cũng quan tâm. Do quản lý rất chặt chẽ, ở Nhật không có hiện tượng đi du lịch trốn ở lại để tìm việc làm như ở Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Châu Âu. Phải được tuyển dụng chính thức và được đào tạo. Đáng lưu ý rằng, một cháu đã tốt nghiệp PTTH, 12/12 là đủ điều kiện để tuyển dụng để đào tạo. Đơn giản nhất là đào tạo sau 2 năm có thể trở về VN kiếm việc ở DN của Nhật cũng có thu nhập khoảng 500USD rồi. Nếu được đào tạo cao hơn, trình độ chuyên môn tốt hơn, thì càng tìm được công việc có thu nhập cao hơn, kể cả có thể được cấp visa vô thời hạn. Sau 20 năm làm việc ở Nhật Bản, bạn có thể xin quốc tịch NB (nhưng ở Nhật thì chỉ giữ 1 quốc tịch). Đây cũng là thời cơ cho chúng ta. Cháu Giang, HDV du lịch của Đoàn, đã ở Nhật hơn 10 năm, đã trưởng thành từ du học sinh từ 18 tuổi, có kinh nghiệm và đang trực tiếp làm công việc tuyển dụng lao động. Mấy năm gần đây, cháu duy trì tuyển khoảng 1 trăm người từ quê sang, tìm việc cho làm tạm thời khi đang đào tạo. Chắc ở bên ấy cũng có những người khác làm công việc này. Vì ở Nhật, như đã trình bày ở trên, cách đặt tên họ có những cái thú vị của nó, nên tôi có trêu cháu Giang (vì cháu quê Thái Bình): “Biết đâu vài chục năm nữa có một ông Thủ tướng Nhật tên là Thai Abe thì sao. Mà cũng không có gì lạ cả, vì Thiên Lôi cũng bảo quê tôi Thái Bình, thậm chí Ngọc Hoàng cũng vỗ vai Thiên Lôi mà nói ‘Chúng mình cùng quê’ cơ mà!”. Cháu cười hồn nhiên, nhưng tôi biết, quyết tâm của cháu rất cao.
FB Tạ Chính 19 Tháng 11 2016 lúc 17:00


Xin nhấp chuột vào danh mục các điểm đến - menu (góc trên bên trái bản đồ)