Kể chuyện đi Lào bằng ô tô (1)



Nước Lào kéo dài từ Bắc đến Nam, cùng chung đường biên giới Quốc gia với Việt Nam từ Lai Châu cho đến Kon Tum. Các điểm thăm quan nổi tiếng thế giới của Lào có cố đô Luang Prabang – một trong số 2 di sản thế giới của Lào (một di sản thế giới khác là Wat Phou ở tỉnh Champasak thuộc Nam Lào bên bờ sông Mê Kong). Thành phố Phonsavanh của tỉnh Xiêng Khoảng có cánh đồng Chum nổi tiếng và thủ đô Viên Chăn. Vì thế, chúng tôi chọn hành trình Hà Nội – cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) – Viên Chăn – Luang Prabang – Phonsavanh – cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) – Hà Nội. Quãng đường di chuyển dài khoảng 2000 km.

Công tác chuẩn bị được tiến hành gấp rút. Trước tiên phải làm giấy phép liên vận (transit) cho xe, ghi rõ cửa khẩu xuất và nhập cảnh. Thủ tục này không khó khăn lắm, có thể tải 2 mẫu văn bản từ trên mạng để khai trước. Sau một tuần là có ngay giấy tờ cần thiết: một tờ giấy dán lên kính và một cuốn sổ nhỏ giống như cuốn hộ chiếu. Tiếp theo là lập hành trình chuyến đi: tìm hiểu đường xá, cách đi, những lưu ý trên đường. Sau đó tìm hiểu nơi nghỉ đêm, chỗ nghỉ ăn uống, v.v… cũng như nhưng chỗ tham quan đáng lưu ý. Đến sát ngày đi, chuẩn bị thêm hậu cần như chuẩn bị cho xe (xăng dầu mỡ, lốp dự phòng, dụng cụ đồ nghề và giấy tờ xe mang theo) và cho người như nước uống (kể cả nước khi cần đổ két nước cho xe), mì ăn liền, kẹo bánh, trái cây, thuốc men các loại. Chúng tôi còn mang theo cả ấm đun nước siêu tốc theo như gợi ý của các đoàn đi trước.

Bản đồ hành trình dự kiến của chuyến đi


Ngày 1: Hà Nội – Tân Kỳ (Nghệ An): 320 km

Dự kiến chạy khoảng 6 tiếng nên chúng tôi xuất phát lúc 13g00 từ Hà Nội lên Hòa Lạc vào đường Hồ Chí Minh.

Dừng nghỉ trên đường HCM địa phận Thanh Hóa


Gần 19g00 vào đến thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An ...

...vào nghỉ tại khách sạn Đại Phú Gia.


Ngày 2: Tân Kỳ - Cửa khẩu Cầu Treo – Vientiane (Lào): 510 km

Xuất phát sớm, qua thị trấn Phố Châu, nạp đầy nhiên liệu xong đi thẳng lên Cửa khẩu Cầu Treo.

Làm thủ tục xuất nhập cảnh xong thì đã gần trưa 


Sang Lào, đường xá dễ đi hơn hẳn: đường tốt, ít xe cộ, hai bên đường thưa thớt nhà dân



Đi tiếp theo Quốc lộ 7 đến giữa trưa tới Sala

Viewpoint trên đường dừng nghỉ ngơi ngắm cảnh


Phong cảnh nơi đây được ví như Thạch Lâm của Trung Quốc với những dãy núi đá tai mèo lởm chởm



Đến ngã ba Viêng Kham – nơi từ Quốc lộ 8 vào Quốc lộ 13 đi về Viên Chăn nghỉ ăn trưa.

Chọn quán ăn của người Việt tên Lan Nghĩa.


Chiều đi tiếp về Viên Chăn. Khoảng 18g00 đến trung tâm và vào khách sạn nhận phòng nghỉ ngơi. Ăn tối có thể dùng ngay trong khách sạn. Đến Viên Chăn, tôi thường nghỉ ở khách sạn Saysombun


 ... hoặc Chaluenxay ở đối diện vì khách sạn nằm ngay ở trung tâm, chủ các khách sạn này là người Việt, nhà hàng Việt, hơn nữa giá cả cũng hợp lý.

Ngày 3: Chương trình tham quan thủ đô Viên Chăn.

Ngày đầu tiên tham quan nước Lào theo trình tự: Chùa Simuang (chùa Mẹ)…

Hình ảnh cổng chùa

Toàn cảnh chùa Simuang


Tới đây nên vào chùa thỉnh chỉ buộc tay cầu phúc, lộc, cầu may. Mấy ông sư có cả tài tướng số nữa.

Có thể đặt tiền Lào, Thái, đô la Mỹ...


Tiếp theo nên đến chùa Sisaket, một bảo tàng tượng Phật của Lào.

Khoảng sân trong chùa 

Nơi lưu giữ hàng vạn bức tượng Phật lớn nhỏ


Sau đó qua chùa Hor Phakeo, một ngôi chùa cổ của Viên Chăn


Ngôi chùa có những tượng cổ bằng đồng màu đen bóng



Từ đây, chúng tôi đi tiếp vườn Phật. Vườn Phật cách trung tâm chừng 30 km, chạy xe về phía Nam đến chân cầu Hữu Nghị, cửa khẩu qua thị xã Nong Khai của Thái Lan, đi tiếp chừng vài km nữa mới đến. Vườn Phật nằm bên bờ sông Mê Kông. Cả một khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông có trên 200 bức tượng lớn nhỏ làm bằng bê tông cốt thép của đạo Phật và đạo Hindu Ấn Độ.

Một trong những bức tượng lớn giữa vườn

To nhất có bức tượng Phật nằm dài 120 m và ngôi nhà hình quả bí ngô gồm ba tầng. Đứng trên nóc ngôi nhà có thể nhìn thấy toàn cảnh của khu vườn



Người làm ra khu vườn này là một nhà sư đã sang Thái Lan từ sau 1975 và xây dựng ở Nong Khai một vườn Phật tương tự.

Từ vườn Phật, chúng tôi quay lại chân cầu Hữu Nghị, vào tham quan siêu thị cửa khẩu bên Lào. Ở đây có bán nhiều rượu, thuốc lá, đồ Thái Lan… Chúng tôi nghỉ ngơi ăn trưa tại đây.

Buổi chiều quay về Viên Chăn, chúng tôi đến That Luang.

Gặp mấy em gái Lào, chụp ảnh làm quen

Bên ngoài tháp Thap Luang - biểu tượng của nước Lào

Bên trong tháp

Khu vực này được ví như quảng trường Ba Đình của ta, có nhiều công trình hành chính và nghi lễ bao quanh 



Rời Thap Luông, chúng tôi tới đài Chiến thắng Patuxay ở trung tâm thành phố.

Trên đại lộ Lane Xang

Nơi đây được xem là mốc số 0 của thủ đô Viên Chăn

Cuối buổi chiều chúng tôi đi chợ Viên Chăn. Ở trên đại lộ Lane Xang có chợ Talat Sao. Trong chợ có nhiều người Việt bán hàng. Phía sau còn có một khu chợ rộng bán hàng kiểu như chợ Đồng Xuân của Hà Nội.


(Còn tiếp)


Xin nhấp chuột vào danh mục các điểm đến - menu (góc trên bên trái bản đồ)