Bước qua cổng Parabol







Bước qua cổng Parabol

...
Tháng 5/1970, Trường Nguyễn Văn Trỗi giải tán, tôi đã học xong lớp 9 phổ thông (hệ 10 năm). Về nhà, chúng tôi được giới thiệu xin học ở các trường phổ thông cấp Ba.

Theo bạn bè, tôi xin vào học trường Phổ thông cấp III Chu Văn An, song có lẽ do tôi ở Khu Hoàn Kiếm nên được chuyển về học ở trường cấp III Nguyễn Trãi (ở phố Giang Văn Minh hiện nay – đối diện với Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Vì một thời gian ngắn ngủi, với tính tình nhút nhát nên tôi cũng ít giao du với các bạn cùng lớp và cũng có rất ít kỷ niệm trong thời gian này. Tôi chỉ nhớ có mấy điểm ấn tượng: thầy dạy Văn chúng tôi tên là thầy Văn Tâm – ông luôn ăn mặc chải chuốt khi đứng lớp, quần áo lịch sự mặc dù không mới. Nghe nói ông cũng có dính dáng tới vụ Nhân Văn… Nhưng cái chính là tôi học văn dốt, hình như cuối năm có 3,5 điểm trung bình môn này. Cô dạy sinh vật có khuôn mặt tròn, không ưa nhìn lắm. Cái miệng cô khi nói trông như đang đùn cơm ra khi ăn vì đôi môi dày và cái miệng rộng. Tôi nhớ nhất câu nói khi cô giảng: “ … con người biết ăn thịt chín và nhiều thức ăn ngon nên dần đẹp ra …” và nghĩ “Thế sao cô không đẹp ra?”. Còn cô giáo chủ nhiệm lớp tên là cô Mận – dạy môn Lịch sử. Cô có vẻ quý mến bọn học sinh trường Trỗi chúng tôi (vì cô cũng có thằng con học ở Trỗi). Tôi nhớ có lần đi lao động giúp dân ở Mễ Trì, tức là về nông thôn, ở nhà dân và hàng ngày đi lao động giúp dân, chúng tôi được cô giao một nhiệm vụ gì đó rất bí mật: có thì thào bàn tán và theo dõi… Cùng học lớp 10 ở trường Nguyễn Trãi có bạn Việt Dũng và Lương Ngọc. Dạo ấy, tôi hay qua lại đi chơi với các bạn. Các bạn đều ở phố Lý Nam Đế, và đều có vấn đề về đầu tóc: Dũng “trọc” và Ngọc "mốc".

Sau khi học xong lớp 10, thời ấy đương nhiên là thi vào Đại học. Tôi thi vào ngành kỹ thuật và kết quả là được vào Đại học Bách khoa Hà Nội và học Khoa Chế tạo máy (cơ khí). Năm ấy, thí sinh thi vào Bách khoa thì ký hiệu số báo danh có chữ C ở đầu.
Đoạn này thì kể ra cũng bình thường thôi nếu như không có một sự việc khá phức tạp với tôi. Số là tôi chờ kết quả mãi không thấy tin tức. Bọn bạn thì đã đâu vào đấy cả, mình chờ chưa có giấy báo. Mẹ tôi cũng sốt ruột nhờ ông Chu Phác hỏi. Những năm cha tôi đi B có nhờ, với danh nghĩa cá nhân, ông Chu Phác qua lại giúp đỡ gia đình. Ông Chu Phác lúc đó là thư ký riêng cho ông Vương Thừa Vũ, rồi làm thư ký cho cha tôi từ lúc ở Nam Định.







Khi cha tôi đi B, ông là người thường xuyên qua lại thăm hỏi, chuyển thư quà, tiền của cơ quan gửi cho bà nội tôi ở quê và cho mẹ tôi để nuôi chúng tôi ăn học. Ông Chu Phác đi hỏi Bộ Đại học thì được biết: Tôi đã đạt điểm đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội (tổng số 17,5 điểm trên điểm chuẩn là 15), nhưng vì có đơn tố cáo: những năm ở Nam Định, tôi đã từng tham gia đảng cướp “Rồng Xanh” … nên nhà trường phải để lại chưa thông báo. Ở đây nói thêm: cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 ở Nam Định có một đám cướp có tổ chức tên là “Rồng Xanh” từng gây ra những vụ cướp của giết người nghiêm trọng. Khi đó, tôi mới khoảng 8, 9 tuổi – tuổi này làm cướp làm sao được? Tất nhiên ông Chu Phác sẽ chất vấn câu này và sau đó tôi được nhanh chóng được gọi tập trung vào trường ngay sau đó. Khi vào trường – ngày 30/9/1971 là hạn cuối cùng nhập học cho sinh viên – ông Khôi, giáo vụ của Khoa có ghi vào danh sách nhập học và yêu cầu tôi xác nhận là có mặt từ ngày 15/9 và giải thích là như vậy sẽ được nhận trợ cấp cả tháng 9. Thế này thì ai mà chả thích, tôi cũng dễ dàng chấp nhận mà không hề thắc mắc.

Bước qua cổng trường có hình đường cong Parabol, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, chả khác gì mấy anh “nhà quê ra tỉnh”. Thực chất thì tôi là anh nhà quê 100%, mà không phải một quê, nhiều quê là đằng khác. Nhỏ thì ở Nam Định, rồi lên Hà Đông. Đi sơ tán thì khi ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, khi ở Đại Từ, Thái Nguyên, sau cùng về vùng Hưng Hóa, Trung Hà mạn Phú Thọ. Mới về Hà Nội ở hơn một năm thì vào Đại học. Nhìn thấy khu trường rộng bao la – lúc đó trường Bách khoa còn nhiều khu đất để hoang lắm, thậm chí con đường đôi chạy từ cổng Parabol ra phố Tạ Quang Bửu bây giờ còn um tùm toàn cây xấu hổ – nhìn những khu giảng đường lớn, cao bốn năm tầng, mà thấy ngợp. Lần đầu được tập trung trong hội trường C2 làm tôi cảm thấy như bị thiếu ô xy, phải mất hàng tiếng đồng hồ sau mới hoàn hồn. Tuy nhiên, sung sướng và hãnh diện lắm, ai hỏi cũng khoe: học Đại học Bách khoa đấy.
Việc học thì chả có gì đáng nói. Học lực của tôi vào cỡ làng nhàng, không ổn định, thi lại cũng vài lần. Năm đầu tiên cũng thi lại hai, ba môn gì đó, là những môn phụ. Những năm sau có khá hơn, có lẽ là đã quen dần với cách thức học mới, nhưng cũng chỉ đạt loại trung bình thôi. Có vài môn đạt điểm cao như vẽ kỹ thuật. Đề bài yêu cầu vẽ hình chiếu thứ 3, thì tôi làm xong lại còn “bonus” thêm cả hình chiếu trục đo nữa. Có môn tôi mù tịt và rất sợ, đó là môn Hình học họa hình, thế mà hai lần thi đều đạt điểm khá. Thế mới lạ. Kết quả sau năm năm học, điểm trung bình là 3,5. Khi nhận đồ án tốt nghiệp, tôi làm chung với vài người bạn nữa: Đạt “dê”, Trương Vĩnh Hý, … Riêng tôi, điểm đồ án tốt nghiệp là 4,75 và đương nhiên theo phép làm tròn là 5. Và rồi tốt nghiệp, đương nhiên là Bằng đỏ rồi. Nghe có vẻ ghê chứ hồi ấy ai học Bách khoa ra thời ấy chả được Bằng đỏ.

Kỳ sau: Tôi bị kỷ luật