Kể chuyện đi Lào bằng ô tô (2)



(Tiếp theo và hết)

Ngày 4: Viên Chăn – Luang Phrabang


Chuẩn bị cho ngày di chuyển gần 400km nên phải nạp đầy bình nhiên liệu. Cây xăng ở đây chỉ bán hai thứ: xăng - regular (màu đỏ) và dầu - diesel (màu xanh). Tuy nhiên, do người Lào dùng khá nhiều xe dầu nên nếu không dặn trước, người bán cứ vô tư xả dầu vào xe. Vậy nên khi mua xăng, chú ý nói với người bán loại nhiên liệu mua. Cẩn thận không bao giờ thừa!

Một cây xăng ở Viên Chăn


Dọc đường từ Viên Chăn đi Luang Prabang có mấy điểm dừng chân đáng chú ý. Đầu tiên là làng Thahuea (cách Viên Chăn khoảng 130km), nơi đây có chợ cá hồ Nậm Ngừm dọc QL 13, các bạn mê món cá khô có thể ghé thăm



Tiếp theo là thị trấn Vang Viêng. Đây là một điểm du lịch nổi tiếng của Lào. Nơi đây đường phố khá nhiều nhà nghỉ và restaurant, nhiều resort ... phục vụ các dân Tây ăn chơi nhiều ngày.

Một đoạn phố Vang Viêng

Phong cảnh ở đây rất nguyên sơ: non xanh, nước biếc... 

Các bạn trẻ thường hay dừng chơi ở đây một ngày, như trèo núi, bơi sông, lướt thuyền hoặc chui hang núi…

Nếu không có hứng đi tiếp đến thị trấn Kasi. Từ đây có hai đường tới Luang Prabang. Đường dễ đi và ngắn hơn nên theo đường đèo Kasi xuống Quốc lộ 4 đến Luang Prabang.

Trên đỉnh đèo Kasi năm 2014


Tiếp tục Quốc lộ 13 tới Luang Prabang khó đi hơn và dài hơn khoảng 40 km – tương đương 1 tiếng xe chạy. Bù lại đi đường này có điểm dừng chân là Phou Khoun Viewpoint rất độc đáo.

Nhà hàng trên mỏm Phou Khoun


Ngắm cảnh từ Phou Khoun bao quát cả một vùng rừng núi rộng lớn


Phía trước mặt là ngọn núi đá cao lởm chởm, xung quanh là rừng xanh bát ngát



Tuy vậy, ấn tượng nhất nên thử một lần, là khung cảnh từ phía bên trong toilet của viewpoint, có góc nhìn thế này



Chiều đi tiếp qua ngã ba Phou Khoun rồi đến thị trấn Xiang Ngeun. Đoạn đường này dài 120 km toàn là đèo núi quanh co. Lái xe phải hết sức tập trung tay lái. Tuy đường vắng xe nhưng thỉnh thoảng qua mấy bản làng, các bạn chớ giật mình vì mấy em gái tắm bên đường nhé. Dân vùng này, đặc biệt là đàn bà con gái, trẻ con giờ nào cũng thấy tắm... Lạ thế!

Đoạn từ thị trấn Xiang Ngeun đến Luang Prabang dài 20 km, đường bằng phẳng có thể chạy nhanh.

Đến Luang Prabang, không nên chọn ở khách sạn. Khách sạn phần lớn xa khu trung tâm, không tiện việc ăn uống, chơi bời và shopping... Chúng tôi thường tìm đến các nhà nghỉ nằm ở trung tâm phố cũ. Vừa gần chỗ thăm thú, vừa gần với cuộc sống của dân bản xứ và… giá cả hợp lý.

Một trong những nhà nghỉ như vậy. 


Ngày 5: Tham quan Luang Prabang

Khoảng 5 giờ sáng, gà gáy, mèo kêu... tiếng guốc dép lọc cọc trên con ngõ nhỏ. Một ngày mới bắt đầu với những lo toan thường nhật...

Chúng tôi ra phố trung tâm. Nơi đây đám Tây du lịch với máy ảnh trên tay đã chầu chực từ lúc nào.

Từng đoàn sư sãi đi khất thực xuất hiện

Nhiều nhóm người ngồi hoặc quỳ đã chờ sẵn với món đồ bỏ vào giỏ của các sư

Người nữ khi cúng đồ phải ngồi hoặc quỳ, còn người nam có thể ngồi ghế hoặc đứng

Khi đoàn khất thực kết thúc chuyến đi, họ dừng lại chặng cuối và cầu nguyện 


Sau đó, đám phụ nữ dạo một vòng quanh chợ khám phá những thứ đồ được mua bán ở đây 



Buổi sáng dạo phố Luang Prabang vẫn giữ được nét riêng cổ kính


Một con phố nhỏ yên bình


Những ngôi chùa lớn



Những kiến trúc kiểu Pháp



Cuộc tham quan cố đô Luang Prabang bắt đầu từ chùa Xieng Thong. Đây là ngôi chùa lớn nhất Luang Prabang



Tiếp theo, thăm quan Cung điện Hoàng gia và Bảo tàng quốc gia. Đây nguyên là cung Vua Lào hiện có ba khu vực thăm quan: Đền Hawprabang



Cung điện Hoàng gia nay là Bảo tàng Quốc gia



… và nơi Trưng bày các loại ô tô của Hoàng gia.

Sau đó chúng tôi leo 328 bậc thang lên đỉnh núi Phu si, từ đây có thể bao quát toàn bộ thành phố Luang Prabang và đoạn sông Mekong uốn lượn.

Trên đỉnh núi Phu si


Thành phố du lịch nổi tiếng nhất Lào đang phát triển, tuy vậy không hề có nhà cao tầng.

Toàn cảnh thành phố Luang Prabang


Xuống núi, chúng tôi thăm chùa Visuon. Đây là ngôi chùa cổ nhất ở Luang Prabang, được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI. Ngay trước ngôi chùa chính là một mộ tháp uy nghi cao tới 34,5m Tha Pathum



Buổi chiều, chúng tôi thuê một xe tuk tuk đi vào thác nước Kuang Si, cách trung tâm Luang Prabang 30 km.

Đường vào thác Kuang Si


Thác nước Kuang Si không lớn nhưng có chiều cao nước đổ xuống chừng 50 mét qua nhiều bậc và tới bậc cuối cùng có chiều cao chừng 30 mét.



Dọc dòng suối được ngăn từng bậc ngắn trở thành nhưng hồ bơi tuyệt đẹp 



Khách du lịch đu dây, nhảy nước, bơi lội, chụp ảnh, … suốt dọc con suối.



Nếu có thời gian, du khách ngược dòng Mê Kông êm đềm nhìn ngắm phong cảnh hai bên bờ.

Chiều trên dòng nước Mê Kông

Hoặc ghé thăm động Pak Ou trên thượng nguồn.

Buổi sáng trên sông Mê Kông


Ngày 6: Luang Prabang – Phonsavan (Xiêng Khoảng)

Từ Luang Prabang, chúng tôi quay lại Quốc lộ 13 tới ngã ba Phou Khoun, sau đó vào Quốc lộ 7 tới Xiêng Khoảng. Do đường dài, khó đi nên phải dừng nghỉ dọc đường vào buổi trưa. Nơi dừng nghỉ ăn trưa khả dĩ là Bản Nam Chat trên Quốc lộ 7.

Quán ăn ở bản Nam Chat

Từ quán ăn nhìn ra cây cầu Nam Chat trên Quốc lộ 7


Đến Phonsavan khoảng 16g00, nên đi tham quan Cánh đồng Chum – một địa danh nổi tiếng của Lào cũng như của thế giới.

Xiêng Khoảng có 4 địa điểm tập trung nhiều chum đá, nhưng chỉ có cánh đồng Chum Bản Ang là nhiều nhất và được tổ chức làm khu du lịch.

Cánh đồng Chum Bản Ang nằm rải rác xung quanh những ngọn đồi trọc, sườn đồi toàn một loại cỏ tranh rậm rạp. Được biết ở đó còn rất nhiều bom mìn chưa nổ. Khu vực này trong chiến tranh là một trận địa của quân đội Pa thét Lào, còn lưu lại nhiều dấu tích chiến tranh: hố bom, chiến hào, … một cái hang được cho là nơi trú quân trong chiến đấu.

Toàn cảnh Cánh đồng Chum Bản Ang.


Có trên 300 chum đá lớn nhỏ nằm rải rác trên cánh đồng. Những chiếc chum lớn nhỏ khác nhau rải rác khắp hai ngọn đồi, có cái rất lớn, cao đến 3 mét, duy nhất có một cái chum có nắp, …



Sau chiến tranh, quân đội đã dọn bom mìn mở lối đi duy nhất cho du khách thăm quan cánh đồng chum này



Nghỉ tối tại Khách sạn Xieng Khouang – doanh nghiệp của Quân khu 4 đầu tư, có thể đặt ăn tối nơi đây



Từ khách sạn nhìn ra trung tâm thành phố Phonsavan 


Ngày 7: Phonsavan – Cửa khẩu Nậm Cắn – Tân Kỳ (Nghệ An)


Buổi sáng, chúng tôi ra thăm chợ trung tâm – nằm ngay cạnh khách sạn.

Ngắm người, ngắm cảnh… chợ sáng


Mua sắm ít hàng nông sản về làm quà cho gia đình xong, chúng tôi chạy về Cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An).

Trên dọc đường, hoa ban trắng rừng 


Qua cửa khẩu, xuống Mường Xén nghỉ ngơi ăn trưa. Buổi chiều, theo Quốc lộ 7 chạy về thị trấn Tân Kỳ.

Cánh rừng săng lẻ ở Con Cuông trên Quốc lộ 7


Ngày cuối cùng, từ Tân Kỳ theo đường Hồ Chí Minh về Hà Nội. Kết thúc chuyến đi.


Kỳ sau: Sa Pa ngày cuối năm



Xin nhấp chuột vào danh mục các điểm đến - menu (góc trên bên trái bản đồ)