Những năm tháng ở trường Văn hóa Quân đội (4. Hưng Hóa)
Thứ Năm, tháng 1 15, 2015Hưng Hóa
Ở đây đến tháng 8 năm 1968, chúng tôi được về nước. Sau khi được về nhà vài ngày với gia đình, chúng tôi lại tập trung lên trường ở địa điểm đầu bến phà Trung Hà (nay là Trường Sơ cấp Kỹ thuật Công binh). Rồi sau đó lại chuyển quân sang Hưng Hóa. Hôm chuyển quân, chúng tôi ngồi yên vị trên chiếc xe Hải Âu đậu sẵn ngoài sân, đầu xe hướng ra cổng. Chẳng biết bác tài đi đâu, bất ngờ chiếc xe từ từ trôi xuống dốc hướng về phía cổng. Gọi là cổng nhưng đó chỉ là hai cái cột to xây bằng gạch. Trong khi cả lũ hoảng sợ chưa biết xử lý ra sao thì một bạn đã lao lên chỗ lái xe, giật mạnh cần phanh tay. Xe khựng lại trong bàng hoàng của cả xe và sau khi hoàn hồn thì nhận ra bạn Trần Thành Công. Tôi và những bạn trên xe nể phục bạn từ đấy.
Trường chúng tôi thời gian này ở trong doanh trại của một trung đoàn Công binh đã đi phục vụ chiến đấu xa. Thẳng cổng vào phải đi qua một khoảng sân lớn như sân đá bóng, đến nhà của hiệu bộ, sau đó đến hai dãy nhà chúng tôi ở và lớp học. Cuối hai dãy nhà này là một nhà hai tầng để làm gì tôi quên mất rồi. Sau nhà này là dãy nhà ăn một tầng dài suốt chiều ngang doanh trại. Ở đầu nhà ăn có giếng nước rất mát và luôn có nhiều nước kể cả mùa khô. Chúng tôi thường kéo nhau vào đây tắm giặt kể cả khi giếng nước cạnh nhà có nước cũng như khi nó cạn kiệt. Khu vực ở và sinh hoạt của chúng tôi là hai dãy nhà hai tầng khang trang, cầu thang lên xuống ở hai đầu hồi. Chúng tôi ngủ trên gác hai, học dưới nhà. Gường là tấm phản và kê hai cái chân mễ hai đầu. Bàn ghế trong lớp học được kê bằng các thanh dầm cầu phao bằng gỗ thông vuông vắn dài hết chiều ngang lớp học, một thanh dầm làm bàn, một thanh dầm làm ghế.
Cuộc sống của chúng tôi ở đây là tương đối ổn định nhất từ khi thành lập trường. Chúng tôi được học thêm nhiều môn học đặc thù quân sự như một chiến sĩ thực thụ: tập sử dụng vũ khí, tập võ, … Lúc này, có thầy Hồng Tuyến dạy nhạc đã sáng tác bài hát Sinh ra trong khói lửa – sau này là “Trường ca”, rồi tập văn nghệ và biểu diễn ở sân trường trong các đợt kỷ niệm. Dạo này, tôi cũng tham gia hát hò ở nhóm tốp ca và hay được phân công đi bè. Chả thế mà một dịp, trong một buổi giao lưu bia bọt, bạn Đăng Sơn giới thiệu: Bạn này ngày xưa hay hát lắm! Lũ lính tráng cơ quan tôi ngạc nhiên vì những lần đi karaoke tôi toàn hát bằng… tay.
Ở Hưng Hóa, Trường còn có đội bóng đá. Thỉnh thoảng tổ chức thi đấu giao hữu với đơn vị hay cơ quan xung quanh. Có một trận đá bóng mà kết quả ra sao tôi không nhớ, chỉ nhớ là có đánh nhau. Cầu thủ của trường là Đức Dũng (sau này là cầu thủ của đội Công an Hà Nội) đá hay và võ cũng hay (kín, trọng tài không thấy). Cầu thủ đối phương tức quá đấm lại vừa thô vừa lộ nên bị khán giả phản ứng la ó và trọng tài cảnh cáo… Nói chung rất sôi động.
Chúng tôi đóng quân ở giữa thị trấn, ra ngoài cổng là phố huyện rồi. Được ra ngoài thế nào tôi cũng kiếm hàng quà chén vài quả chuối – chuối ở đây thì tuyệt rồi, và chén một hai quả trứng luộc tùy theo túi tiền. Còn đi chơi thì chẳng có chỗ nào hay. Phố xá lèo tèo vắng vẻ. Mỗi lần ra phố thế nào tôi cũng vào cửa hàng bách hóa, ngay sát hàng rào của trường. Xem hàng hóa thì ít mà ngắm cô bán hàng thì nhiều vì nghe bàn tán là thầy Núi dạy chúng tôi sắp cưới cô mậu dịch viên.
Hè năm 1969, cha tôi từ chiến trường ra Hà Nội họp, rồi sau đó ở lại cho đến sau ngày Bác Hồ mất. Tôi được đón về chơi với gia đình gần một tuần lễ nhưng sau khi lên trường vẫn muốn “chuồn” về. Thế là tôi lên “kế hoạch” tẩu thoát. Một ngày, tôi lẻn ra khỏi doanh trại từ sớm, đón chiếc xe đạp từ một người anh họ đang công tác gần đấy. Lên xe và đạp ngay về Hà Nội. Đến khoảng buổi trưa thì về đến nhà – lúc đó, cha tôi ở nhà khách số 7, Nguyễn Cảnh Chân. Quãng đường hơn 70 km chả làm tôi mệt, duy chỉ có hai mông ê ẩm mấy ngày sau. Tất nhiên là tôi nói dối trôi chảy là được nghỉ về thăm cha từ chiến trường ra – nghe rất có lý.
Nhưng sau hai ba ngày, tôi nhận thấy bất an, lo nhà trường cử người đi tìm thì lộ chân tướng là “trốn trại”. Tôi trở lại trường và chịu án kỷ luật cảnh cáo, tất nhiên là lại đạp xe thôi.
Sống tập thể kiểu gì thì cũng có chút va chạm. Nhẹ thì cãi nhau, nặng thì không chơi với nhau, thậm chí… đánh nhau. Mặc dù suốt những năm ở trường, tôi rất ngoan hiền, lớn lên ra công tác luôn tự kiểm điểm “e dè nể nang”, nhưng thực chất là rất mặc cảm, tự ty, hèn nhát. Thế mà dạo đó, cũng đánh nhau một trận. Lý do thì cũng vớ vẩn, trận đánh cũng chỉ diễn ra chừng vài chục giây, ở chỗ đông người nên được can ngăn kịp thời. Nhưng đến tận bây giờ mà chả quên được.
Một chuyện đáng nhớ nữa là năm học này tôi có làm đơn xin vào Đoàn. Đơn nộp rồi, Kim Hồ - Bí thư Đoàn, trả lại và hướng dẫn viết theo mẫu quy định. Được vào Đoàn rồi, nhưng dạo đó đi sinh hoạt cứ như các cụ hoạt động bí mật ngày xưa. Chả nhớ nội dung họp hành có âm mưu gì không nhưng luôn bị “khủng bố”, thường thì đang họp trong lớp, bên ngoài gạch đá ném uỳnh uỵch!
Kết thúc năm học vào hè năm 1970 cùng lúc giải tán Trường Văn hóa Quân đội. Năm đó tôi cũng học xong lớp 9 theo chương trình phổ thông 10 lớp. Cùng các bạn, tôi tiếp tục theo học nốt lớp 10 tại các trường cấp III ở Hà Nội. Rời khỏi trường, chia tay bạn bè và nhất là xa các thầy cô, cán bộ nhà trường mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ những tình cảm tốt đẹp nhất về những năm tháng của tuổi niên thiếu. Nhớ mãi những người thầy tận tâm như thầy Tiệp dạy Toán ở Đại Từ, thày Ninh làm Chủ nhiệm lớp tôi. Sau này, khi còn công tác tôi có gặp thày vài lần ở Nhà máy Z176 – Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Hoặc nhớ mãi thày Tô Ngọc Cừ dạy môn Lịch sử. Hồi ở Quế Lâm dẫn tôi và Tuấn Quảng đi chụp ảnh kỷ niệm mà cho đến nay tôi vẫn còn giữ được những tấm ảnh từ thời ấy.
Viết từ 2009, hoàn chỉnh 12/2014
Kỳ sau: Bước qua cổng Parabol
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>