NHỚ ĐỘI MÚA RỐI B3C5.K6



Đại Từ, An Mỹ, trại Bưởi, hồi học lớp 5. Một chiều mưa bỗng thấy Chiến què và Thế đùn đi đâu về gánh theo một bao tải căng phồng. Mở ra thì, ôi đủ các loại con rối, trông thật thích. Cả bọn bu lại, thèm thuồng, nhưng hai đứa nhất quyết không cho thằng nào sờ vào. Chiến què tuyên bố: Đại đội giao bọn tao biểu diễn rối. Rồi nó kể hồi ở trại Hòe làm múa rối thế này … bọn tao làm thế kia … Mấy thằng tôi là “lính mới” lên trường ở Đại Từ cứ há hốc miệng ra mà nghe nó nói. Riệng tôi thấy hơi ấm ức tự cho mình là có “năng khiếu” vì đã từng xem múa rối nhiều (!) chứ chẳng thua gì như nó kể. Rồi mọi chuyện cứ từ từ trôi qua mà chẳng thấy ai nói tới múa rối, múa may gì cả.

Nhưng rồi bữa kia, khi đã chuyển sang trại Đồi, trong một buổi họp Trung đội, thầy Mãn tuyên bố sẽ thành lập đội múa rối. Rồi thầy chỉ định khoảng hơn chục thằng tham gia, trong đó có tôi. Đầy sung sướng và tự nhủ: chắc thầy đã nhìn ra “năng khiếu” của mình (có lẽ vì bắng nhắng như con rối!). Nhưng sau khi đã vào đội rồi mới biết thì ra thầy chọn mấy thằng lùn lùn như Đoàn Khánh, Phạm Bình, tôi … để cầm con rối cho mấy thằng cao hơn như bọn Thảo gù, Tạ Thắng, Đồng vâu … điều khiển. Con rối hồi đó phải có một đứa cầm cái cây nối từ thân xuống để đưa nó đi tới đi lui, còn một đứa khác cầm hai sợi dây thép nối với tay để điều khiển nó múa may.

Thầy quyết định cho bọn tôi tập vở rối “Thánh Gióng”. Tuấn sáo được giao thổi sáo bài “Con cò ba lả bay la …” làm nhạc đệm. Hoàng lao được giao đọc lời thuyết minh. Bọn còn lại, cứ hai thằng một con rối tập điều khiển theo hướng dẫn của thầy. Lúc đầu tôi được giao cầm con rối vai bố Thánh Gióng. Vai này chỉ xuất hiện có một chút lúc vào đầu. Cầm con rối đi qua đi lại vài phút rồi biến mất. Chán thật, chẳng làm thể hiện được “tài năng”. Nhưng dù sao vẫn hơn những thằng không ở trong đội rối!


Vở rối được thầy Mãn giàn dựng theo lối kể chuyện. Hoàng lao vốn được đánh giá có khả năng tập đọc tốt nhất ngồi đọc câu chuyện do thầy viết sẵn. Tụi tôi chẳng nói câu nào cứ thế điều khiển con rối đi qua, đi lại, múa may …. hợp theo với lời kể. Tới đoạn tướng giặc Ân xuất trận và thét lên: “Thằng nhãi con miệng còn hơi sữa kia, muốn chết hả!” thì Hoàng lao vẫn đúng theo chuẩn tập đọc, từ từ từng chữ rõ ràng (nghe như đối thoại trong phim Việt Nam ngày nay vậy). Thầy Mãn sửa mấy lần mà nó vẫn không làm được. Tôi nghe thấy tức mình, bất chợt hét toáng lên theo kiểu giọng cải lương: “Thằng nhãi con …” – Đúng rồi! Phải nói như thế. – Thầy Mãn tươi ra mặt. Và thầy giao ngay cho tôi nói câu này khi diễn. Đồng thời để động tác và câu nói phù hợp nhau, thầy chuyển tôi qua điều khiển tay thằng giặc Ân. Rồi cũng chẳng hiểu tôi múa may thằng giặc này thế nào mà thầy khoái quá giao luôn cho tôi điều khiển tay bố ông Gióng thay vì chỉ cầm cây đi qua đi lại. Sướng!

Tới bữa biểu diễn ở Gốc đa cho toàn trường xem (chẳng biết nhân cái ngày gì đó), thầy Mãn đã cho tụi trong Trung đội làm một cái khung tre, treo mấy cái chăn xung quanh vừa đủ để che tất cả tụi tôi chui vào đó và giơ tay lên … múa rối. Vở diễn tiến hành đúng như đã tập. Tới đoạn giặc Ân xuất hiện, Hoàng lao dí cái micro vào miệng tôi và tôi gằn giọng thét lên: “Thằng nhãi con ….”. Ở dưới mọi người cười quá trời và vỗ tay rào rào, nhất là phía Đại đội 5 ngồi. Tôi khoái cứ như mình đang diễn chứ không phải là con rối!

45 năm sau, trong một dịp ra Hà Nội, Thanh Trung cho tôi tấm hình chụp đội múa rối B3C5 hồi đó và nói là: mẹ Bằng ruồi chụp. Xem hình, chẳng hiểu sao lại không có thằng tôi – thằng “oai” nhất đội. Hay hôm đó mình trốn đi chơi? Mà thật ra cũng chẳng thằng nào nhớ bác đã chụp hồi nào. Ừa, nhưng dù sao cũng là một tấm hình cực quý – Kỷ niệm một thời không bao giờ có trở lại.

 ❧ ❀ ❧