Sâu nặng nghĩa tình học trò cũ! - Phạm Đình Trọng
Thứ Bảy, tháng 7 25, 2009Sâu Nặng Nghĩa Tình Của Học Trò Cũ
Một ngày đầu tháng 6 – 2009 tôi đang loay hoay trên giường, bực bội với cú té xe lãng nhách trên đường Điện Biên Phủ TP HCM thì có tiếng chuông điện thoại reo. Một giọng nói lễ phép, thân tình và vui vui vang bên tai :
- Thầy Trọng ạ. Em Bình đây. Em mới thấy thày trên tivi.
- Ờ, HTV9 mới làm phim tài liệu về các nhà báo chống tiêu cực.
- Trên mạng em cũng thấy bài của thày.
- Bài kiến nghị về vụ bô-xít phải không? Không phải thầy đâu. Ông Trọng nhà văn đấy. Ông ta còn có tên là “Trọng Kính”. Thày gặp cấp trên không khó lắm nên không cần đến mạng để kiến nghị.
- Thế ạ. Em cũng nghi nghi, không phải thày. Hóa ra trùng cả họ tên và tên đệm. Thày có khỏe không?
Tôi buột miệng:
- Thày vừa bị té xe.
Bình sửng sốt kêu lên: “Trời ạ!” rồi hỏi thăm về tình trạng tai nạn. Tôi trả lời, nhẹ thôi, và không quên dặn em đừng thông báo cho ai biết.
Vài hôm sau, tôi đang ăn trưa thì thằng cháu ngoại 6 tuổi gọi: “Ông ơi, có khách!” Thì ra Vũ Anh và Phan Thăng Long đến thăm. Các em hỏi tôi về tình huống va quệt, xem chân cẳng “thương binh” thấy chỉ là vết nứt đầu xương bàn chân mới yên tâm hỏi đến thuốc thang chữa trị. Thăng Long tỏ ra có “kinh nghiệm” gãy xương, bày cho tôi phải ăn gì uống gì. Thày trò quên cả thời gian, từ chuyện tông xe đến kỉ niệm Đại từ - Quế Lâm – Trung Hà – Hưng Hóa sang chuyện gia đình. Năm 1984, nhân kỉ niệm 30 năm chiến thắng ĐBF, tôi lúc đó là Phó ban Đại diện báo QĐND ở phía Nam, đã tổ chức cho một số nhà báo trung ương và địa phương tại TP HCM gặp Thượng tướng Vũ Lăng, giám đốc Học Viện QS Đà Lạt và Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (anh Năm Ngà), Tư lệnh QK7. Một người nguyên là trung đoàn trưởng trung đoàn 98 sư 316, một người nguyên là trung đoàn trưởng trung đoàn 812 diệt GM 100 Âu phi ở chiến trường phối hợp Tây Nguyên. Buổi làm việc rất sống động và hấp dẫn nên các báo có được loạt bài đầy ấn tượng. Tôi, với vai trò nhà tổ chức, được mời nâng ly mệt nghỉ!
Gần 1 giờ chiều, khi hai em đứng dậy chào để về, tôi thấy Vũ Anh móc ví, vội chối:
- Các em đến thăm thày lại có quà thế là được rồi. Thày không lấy tiền đâu.
- Em đâu có cho thầy tiền. Mà tụi em có biếu thày tiền thì thầy cũng nhận đi, đó là tấm lòng của chúng em mà.
Đoán là mật gấu, tôi nói:
- Mật gấu thày có rồi.
- Cũng không phải Mật gấu – Vũ Anh móc trong ví ra miếng cao bằng đầu ngón tay cái – Em có miếng cao hổ pha da tê-giác, rất có tác dụng về xương cốt. Em cắt biếu thầy một nửa. Thày nói với cô hấp cơm, mỗi lần bằng hạt lạc.
Cầm miếng cao của em học sinh cũ, tôi rất cảm động.
Sau Vũ Anh và Phan Thăng Long đến là nhiều em khác. Bác sĩ Viện 175 bắt vào viện điều trị. Đại tá Nguyễn Nam Điện, khóa 6, giám đốc nhà in QĐND 2 kéo cả guồng máy đến, rồi Văn Hoài Nam, Bình Tổng v.v…Điện thoại thì rất nhiều, đầu tiên là Trần Kiến Quốc, từ HN, đọc trên Blog “ut troi” mà biết. Ngoài việc hỏi thăm, Quốc còn thông báo ý định làm “Sinh ra trong khói lửa” tập 3. Có em vừa nghe tôi nói, cái cậu lạng lách vượt ẩu, đánh vào tay lái làm tôi té xe, không những không dừng xe còn quay lại cười đểu, đã chửi toáng lên trong máy:”Cái thằng mất dạy”. Em cằn nhằn: ”Thày già rồi, đừng chạy hon-đa nữa. Bọn thanh niên bây giờ bạt mạng lắm. Lỡ ra vỡ đầu thì khổ cả nhà!”.
“Chắc từ nay bỏ chạy xe 2 bánh thật!” – Tôi tự nhủ và trong lòng âm vang mãi tình cảm của các em Trường Trỗi, 40 năm rồi mà vẫn không hề nhạt phai.
Sài gòn 17 – 07 – 2009
Phạm Đình Trọng
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>