Anh tôi - DĐ


Anh tôi




Anh cả tôi về hưu sống ở quê trông coi nhà thờ và chăm bẵm mấy ngàn mét vuông đất hương hỏa mà các cụ bao đời nay để lại, theo lời khuyên của ông già.

Tĩnh vật - Sơn dầu 60x55 - F. Lực

Một lần, khi còn tại ngũ, ông trung tướng chính ủy quân khu tới nhà chơi (ông là bạn với ông già tôi, cụ mất đã lâu). Ông sục khắp nhà kiểm tra tài sản thắng cháu tiện thể kiểm tra xem  đời sống sỹ quan cao cấp, những phụ tá thuộc quyền quản lý của ông vật lộn với cuộc sống ra sao.  Chả biết ông nhặt nhạnh thu gom ở chỗ nào trong căn nhà tuềnh toàng được mấy cái chén uống nước cáu bẩn vứt tứ tán mỗi nơi mỗi chiếc. Ngồi xuống ghế  đặt mấy cái chén lên bàn ông ngao ngán lắc đầu rồi lầm bâm một mình: "Khổ thật!" ông bỗng chạnh lòng nhớ tới cái thời tiêu thổ kháng chiến xa lắc năm nảo năm nào.

Đưa tay đón cái điếu cày anh tôi đưa cho, ông ngồi "è è ..." một lúc lâu,  hai ngón tay  vê vê viên thuốc lào chưa kịp cho vào lõ điếu cứ thế đưa lên cổ vuốt nơi yết hầu một chập cho tan cơn suyễn.

Trầm ngâm một lúc ông  vỗ vai anh tôi: "Về thôi cháu ạ! Quân hàm đại tá (ba sao) thế cũng là kịch rồi. Còn vài năm nữa làm cái anh kỹ thuật cũng chỉ đến thế thôi, chắc chả ăn thua đâu, gia cảnh mày thế này tao chán lắm. Để bác nói bên cán bộ nó lo"

Hồi đó quân đội "chưa nghĩ " ra việc cấp đất cho sỹ quan như sau này.  Ôm hai bao xi măng tiêu chuẩn  vứt lên chiếc 67 ghẻ, kỷ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng phi như bay về làng. Mấy hôm sau một xe tải nhà binh "tiếp tế" thêm mấy chục cân sắt, vài ngàn gạch lính tráng tự  sản xuất. Thấy mấy chú lính nghĩa vụ nhảy từ trên thùng  xe xuống, anh tôi băn khoăn không tiện hỏi. Nhân lúc các chú đang vạch quần  "chĩa súng" vào hàng rào dâm bụt đầu hè giải quyết nỗi buồn anh tôi nhao lên thùng xe, thùng xe trống trơn. Mặt ông anh tôi thưỡn ra, tiêu chuẩn hỗ trợ cho sỹ quan cao cấp về hưu chỉ có thế.

Mấy ngày đầu anh tha thẩn khắp làng về nhà bên mâm cơm với bốn mụ đàn bà, tám con mắt nhìn anh chòng chọc như nhìn tấm vải hoa trưng bày trong cửa hàng mua bán  hợp tác xã. Anh rũ người ra,  phấn đấu "cật lực" mà chả ăn thua lại thêm nghe cái tin vợ đi xem bói "có đẻ mười bận nữa cũng chỉ một bề"  nghĩ chán! chả thiết gì nhà cửa thế là xi măng, sắt thép, gạch đem bán hết dồn tiền cho ba cô con gái ăn học

Nhìn mâm cơm, trước mặt anh một quả trứng gà ta được chiên không mỡ nằm hoành tráng  trên miếng là chuối đã héo xoăn lại vì hơi nóng, bên cạnh một cốc rượu trắng to. Nhìn cốc rượu và quả trứng  anh lại liên tưởng tới  bức tranh tĩnh vật mà  thằng bạn cùng học thiếu sinh quân QL vẽ tặng năm nào.

Bên "mâm cơm" anh trịnh trọng "Nhà ta giờ thường xuyên có năm người, bố nghỉ hưu về hẳn nhà". Lườm qua phía ba cô vịt giời ông anh tôi nói tiếp "tao với mẹ mày sẽ lo phần cơm nước còn nhiệm vụ của ba đứa là chú tâm vào mà học. Họ hàng nhà ta truyền thống từ xưa tới nay đường học hành không phát mấy, cùng lắm là hết đại học. Cánh đàn bà con gái học có phần kém hơn  nên ba đứa phải cố. Bố ra tiêu chuẩn mỗi đứa được thi đại học hai bận, nếu quá không vượt được thì ở nhà ngửi đít trâu rồi lấy chồng”.

Gần hai chục năm qua nhanh ba đứa cháu tôi đứa nào cũng đạt tiêu chuẩn mà bố đưa ra  tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định và thu nhập khá đúng với chuyên môn của mình. Anh tôi nói “thế mà chả có đứa nào ở lại làng ngửi đít trâu, giờ chúng nó tếch vào SG hết. buồn lắm chú ạ”. Trong giọng nói tôi thấy ông anh mình vẫn tưng tức một điều gì đó.

Anh chị tôi với mấy ngàn mét vuông vườn  quy hoạch vải nhãn sum xuê nhà cửa xây lại đàng hoàng tiện nghi chả khác gì tỉnh thành.

Mỗi lần về quê ngồi truyện trò với anh bên mâm rượu anh tôi lại ngậm ngùi nhớ tới người thủ trưởng cũ của mình không có cụ thì chắc đời anh đã rẽ đi một ngã nào đó chứ chả được như hôm nay.

13 July, 2009 10:37::

Đăng lại bài viết của Duy Đảo (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi K5”: 13/7/2009)