Bạn tôi - Đào Duy




Đào Duy


Biết bạn bị bệnh, tưởng loàng xoàng. Ai ngờ khi ra Hà Nội tới thăm thấy bạn người còng xuống, chân tay lẩy bẩy, bước đi chậm chạp, giật cục như Robot, ánh mắt ngày xưa nhìn bạn bè lúc nào cũng như ngỡ ngàng, hiền lành đầy biểu cảm giờ dại đi. Ôm bạn trong vòng tay mà nước mắt cứ thế rơi .  

  Bạn tôi là con đầu, sau là hai người em trai. Mẹ mất khi bạn tôi mới sáu tuổi. Bố công tác ở bộ tổng tham mưu. Ông là phái viên của bộ nên hầu như ông đi công tác suốt. Năm 1966 Nhìn con lũn cũn đeo ba lô tập trung đầu phố chuẩn bị đi học xa, lên Trường Trỗi. Phút cuối ông bỗng đột ngột thay đổi quyết định, xin cho con ở lại.

Thế rồi Ba anh em cứ thế lớn lên trong tình thương của bố, của bà.

Cuối năm 1971 sau khi học xong phổ thông bạn nhập ngũ rồi  vào chiến trường. Đầu 1973 được đơn vị cử ra Bắc học. Kỷ vật  sau hai năm chiến trường là tấm Huân chương và thân hình gầy gò da xạm tái cùng hai chiếc bít tất Mỹ đầy chặt bóng bán dẫn, sò, điện trở … bạn tháo được từ những “cây nhiệt đới” mà máy bay Mỹ rải đầy những cánh rừng Trường sơn.

Sau kỳ thi đại học cuối năm 1973 chúng tôi vào học năm thứ nhất ĐHKTQS. Năm 1979 ra trường bạn lấy vợ. Bạn bè tứ tán nhận công tác, mỗi đứa mỗi nơi nên cũng ít gặp nhau.

Nhớ những năm đầu 80 mỗi lần có dịp về Hà Nội ghé thăm vợ chồng bạn Nhà bạn nằm giữa trung tâm thủ đô nhưng nhỏ như cái lỗ mũi, thế mà vợ chồng vẫn phải cắn răng ưu tiên cho hai ông trung úy “éc éc” gần hai mét vuông. Lo lắng, chăm bẵm hai ông “trung úy” còn hơn lo cho thằng con hai tuổi éo uột thiếu sữa.

Gian bếp kiêm chuồng nuôi lợn (thời bao cấp)
Ngồi nói chuyện với bạn, nồi cám lợn đặt ngay trước cửa khói bay mù mịt xộc vào mắt, vào mũi cay xè, mùi bỗng rượu chua như cứt mèo, thương bạn chả dám kêu. Mà lạ nồi cám cứ sôi ùng ục như núi lửa phun nham thạch. Chổng mông cúi xuống nhìn chỉ thấy nồi cám nằm trên mấy viên gạch, chả thấy củi lửa đâu. Thắc mắc lớn giọng hỏi. Vừa há miệng chưa được nửa câu thằng bạn nhao tới đưa bàn tay còn nguyên cám đang chuẩn bị cho hai ngài  “trung úy” xơi bữa tối, chụp ngay lấy miệng: “Khẽ thôi không mất cần câu cơm của gia đình tôi bây giờ”. 

Thì ra thằng bạn “xài nhờ” điện của cơ quan bộ quốc phòng ngay trong thành, cắm “khò” trực tiếp vào nồi cám 24/24, cám nhuyễn như cháo bột nấu cho con. Hai “trung úy chuyên nghiệp” thương thằng thiếu úy có số, lớn như thổi. 

Bạn tôi giỏi. Nào nấu rượu lấy hèm nuôi lợn, rồi nhận lạc về rang đóng gói cùng với rượu đem bỏ mối cho các quán cóc, chạy vạy tất bật ngược xuôi chả khác gì đám nhân viên tự do cuối phố Huế. Nhiều lúc giật mình. Quái nhỉ! công đèn sách bao nhiêu năm, thi lên lộn xuống mấy bận, gian khổ đêm hôm, bao nhiêu lần thi, một lần đồ án, nghĩ lại thời mài đũng quần thấy ngại. Vất vả nhường ấy mà bây giờ nghiệm thấy kiến thức học hành chả xử dụng được là bao, đêm nắm vắt tay lên trán nghĩ, tiếc!

Chờ đợi mua chất đốt ở phường 17, quận 5, TP.HCM (ảnh chụp tháng 10/1984 - thời bao cấp) Hai thằng ngồi nhâm nhi chén rượu nhà với mấy viên lạc rang lép, quán không nhận để lại “bồi dưỡng” thì vợ hớt hơ hớt hải từ ngoài ngõ ào vào chả kịp chào hỏi giọng hổn hển như bị mất cắp “Anh ra ngay Gầm Cầu tối nay có Dầu! khuya mới về, không nhanh “xếp lốt” thì có tới sáng". Thế là thằng bạn ôm cái chiếu manh, xách chai rượu, gói lạc lôi thốc tôi đi. 

Vợ bạn là dân Chu Văn An, nhà ngay Châu Long. Gia đình nhiều đời sống ở con phố vào loại ngắn nhất Thủ đô này. Tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ, ra trường lên mãi Hà Bắc dạy học, thỉnh thoảng  tắt đường lỉnh kỉnh “sắn, khoai” lặn lội đạp xe sang Vĩnh yên thăm chúng tôi. Sau này khi cưới nhau, mãi mới chuyển được về Hà Nội. Cũng là dịp may, Hồi đó cơ quan Bộ Tổng Tham Mưu  có nhu cầu cần một số cán bộ trình độ đại học thông thạo tiếng Nga. Vợ bạn nộp đơn, trúng tuyển rồi trở thành sỹ quan.

Ra tới điểm bán Dầu vứt hòn gạch vào “Thế chỗ" thằng bạn triển khai chiếu ngay trên vỉa hè hai đứa ngồi uống tiếp, truyện trò đến 1 giờ sáng mới xách được mấy lít Dầu mò về  nhà. Lăn ra sàn chả mùng màn, ngủ như chết, muỗi con, muỗi mẹ cấm con  nào dám đựng đến thứ máu của hai ông sỹ quan lúc ấy dễ đến 60% là cồn.

Thời gian khổ qua đi cùng với sự phấn đấu, rồi tu nghiệp thêm trong, ngoài nước. Kiến thức cũ tưởng vứt, được hâm nóng trở lại, cuộc sống không còn thúc bách, chú tâm vào chuyên môn, vào công việc. Sau từng ấy năm công tác giờ bạn đã là trưởng, phó phòng quan trọng của bộ tổng tham mưu, cơ quan mà ngày xưa bố của bạn mấy chục năm công tác.

Gia đình hạnh phúc, kinh tế vững, hai vợ chồng đều là sỹ quan cao cấp,  đứa con trai ngoan ngoãn to khỏe học giỏi giờ cũng là sỹ quan tiếp bước chân bố mẹ, ông bà. Những tưởng như thế chả còn gì mong mỏi hơn. Thì đùng một cái bạn bị bệnh. Đầu óc vẫn minh mẫn tỉnh táo, ăn được ngủ được chỉ phải cái chân tay cứ co lại, suội đi, không điều khiển được, người cứng ra đi đứng khó khăn, chiều hướng mỗi ngày mỗi xấu. 

Gặp bao nhiêu chuyên gia, uống bao nhiêu thuốc nhưng chả chuyển. Có người bạn thân bác sỹ đầu ngành thần kinh nói thật: “Bệnh của cậu y học bó tay hiện chỉ một hai nước trên thế giới có nền y học tiên tiến họ có giải pháp cấy  con “chíp” kích vào vùng điều khiển vận động vỏ não may ra  ăn thua.” 

Có ít tiền tiết kiệm rồi vay mượn thêm, vượt qua bao nhiêu khê phức tạp về thủ tục vợ bạn quyết định đưa chồng ra nước ngoài chữa bệnh. 

Cách đây gần tháng thấy bạn gọi thông báo, hai vợ chồng đang ở Nội Bài chuẩn bị lên máy bay, hẹn ngày về khỏe sẽ vào Sài Gòn thăm.

Cả tuần nay sốt ruột, điện cho bạn máy “tò te tí” không kết nối được. Chả biết tình hình bạn ra sao? Tết tới nơi rồi. Mong bạn chóng bình phục, đoàn tụ gia đình, vui tết. Sang xuân có dịp đón bạn vào chơi.

T/P. HCM cuối năm 2008


Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại „Blog Bạn Trường Trỗi”: Thứ hai, tháng một 05, 2009)