Nghịch cảnh thời mở cửa - Đào Duy
Thứ Hai, tháng 1 19, 2009NGHỊCH CẢNH THỜI MỞ CỬA
Đào Duy
(Thân tặng các bác K5 mẩu chuyện vui, nhân dịp năm mới và khai trương Blog của các bác. Chuyện này là chuyện tôi bốc phét, được bác KQ góp ý và chỉnh sửa. Chúc các Bác một năm mới an khang, thịnh vượng vợ con hạnh phúc, sinh lực dồi dào và vui vẻ)
Nước nhà thời "mở cửa" sướng thật. Xã hội thời gian này như được "thả nổi" chả ai kiểm soát, chả ai định hướng sức dân bị dồn nén bấy lâu được dịp bùng lên mạnh mẽ. Dân chúng đua nhau làm kinh tế, đua nhau làm giàu. Đại bộ phận bà con, nhất là nơi phố thị sau gần hai thập niên trở nên khác hẳn, phất lên trông thấy. Dân ta bắt đầu quen với thói nhìn phía trước thảng có lúc mới ngoái lại quá khứ bỗng giật mình, ngỡ ngàng hệt giấc chiêm bao.
Trong phố, ngoài bãi sông, nơi ngoại ô người ta đua nhau xây nhà, sửa cửa, nhà cứ như chuồng chim, cao vót lên không trung. Không dám lấn sang hai bên sợ hàng xóm kiện, sợ chính quyền cưỡng chế thì lấn lên "giời", chả thằng nào làm gì được. Xây kiểu gì thì xây, sửa kiểu gì thì sửa dứt khoát phải bắt tay thợ làm cho kỳ được trên đỉnh một tí chóp nhòn nhọn cho giống mấy anh biệt thự cổ xây từ thời Pháp trên phố.
Bọn đàn ông ngày xưa cái eo chỉ bằng chét tay bây giờ thắt lưng nới đến ba bốn lỗ đinh mà thấy bụng vẫn ấm ách. Các bà, các cô ngày trước hai má hóp như má lão Khúng trong "Đất và người" đôi mắt trũng sâu như ao làng, cặp mông teo tóp sờ cả ngày chả thấy tí thịt. Chỗ cho con bú mỏng dính, chiếc Coocxê xộc xệch, hờ hững làm cảnh "hù dọa" lũ đàn ông yếu bóng vía.
Giờ cả hai, trên dưới đầy đặn. Chả biết thịt ở đâu đùn ra lắm thế, tràn ra cả hai bên nách, mạng sườn, chảy ra chung quanh bụng. Má, môi căng mọng, phơn phớt tí phấn, tí son, tóc gạch cua, mũi độn "ống hút" cao vống lên, chỏm nhọn như sừng Tê giác, mắt cắt hai, ba mí xếch ngược, lúc nào cũng nheo nheo hệt các cụ ngày xưa bị chứng mắt hột để lâu không chữa hóa lông quặm ...
Nhưng công bằng mà nói kỹ nghệ hiện đại can thiệp vào các bộ phận của các bà, các cô cũng làm cho cánh đàn ông cảm thấy là lạ, hay hay.
Thằng bạn có thằng con thứ, lỏng khỏng, lòng khòng hai mắt đeo cặp đít chai dầy cộp bò xoài trên bàn, trước mặt chiếc màn hình máy tính chạy nhoang nhoáng. Thấy lạ! ghé mắt lườm, chóng hết cả mặt. Bạn nói: "Cu cậu đang luyện Toefl chuẩn bị du học".
Ngày trước thằng con đầu èo uột gầy trơ xương, thương con nhưng nghèo lấy chó đâu tiền mua sữa, đành chịu. Bây giờ sữa Mĩ, sữa Úc, sữa New Zealand ... rặt thứ tốt, rặt thứ đắt tiền thế mà pha bưng tận nơi, hò như hò đò, nịnh như nịnh mèo giống mà thằng con chả chịu uống cho. Lắm lúc bực mình giận con, vợ sẵng giọng: "Thế con có thương bố, thương mẹ không?". Thằng con mắt vẫn dán vào màn hình: "Mẹ hỏi buồn cười thế nhỉ! không thương bố, thương mẹ thì còn thương ai." - "Nếu thương bố, thương mẹ thì con cố uống hết cốc sữa cho bố mẹ vui" Thằng con ngập ngừng ra chiều quyết tâm nhăn mặt, đưa cốc sữa lên miệng, ợ hơi đến mấy bận mới hết.
Có khi trúng gió, hoặc lắm lúc giở giời, trong người buồn bực, mệt mỏi, thần kinh yếu đi, nhè cơ hội ấy là những ảnh hình cũ lại ùa về trong cơn mơ như trận lũ quét. Đang đêm, trên tường máy lạnh vẫn chạy vo vo mà người mồ hôi vã ra, chồm dậy cấu vào da vào thịt xem có còn là mình nữa không. Nhao vội ra khỏi giường, chạy bổ đến cái tủ lạnh, mở toang hai cánh: vẫn đấy ắp thức ăn, táo Tàu, nho Mĩ , bia lon, rượu chát, chai Henissi uống dở ... tất cả vẫn còn y nguyên. Cơn lạnh từ trong tủ thốc vào mặt làm đầu óc nhẹ đi. Thì ra vẫn là cái tủ lạnh hai cánh to tướng nằm chình ình ra kia, thế mà trong mơ sao lại là cái Gacmangie năm nảo năm nào.
Cứ nghĩ tới cái Gacmangie thời bao cấp mà hãi. Bên trong khươm năm chỉ có hũ mỡ nước để dành, mùa đông đặc quánh, trắng như băng Nam cực làm sân trượt cho lũ kiến đen. Hũ dưa, hũ cà bạn hàng xóm thâm niên với đám lọ thủy tinh lọc xọc dăm ba viên lạc mặn chát, lọ mắm tôm rang tóp mỡ, lọ muối vừng, thảng lắm mới có miếng cá kho, tí thịt nạc. Thương con, vợ ngồi còng cả lưng tỉ mẩn lọc từ mớ xương hay dính đâu đó trong lạng mỡ mua tiêu chuẩn tháng mà cô nhân viên cửa hàng thực phẩm mải buôn "dưa lê" với tay bồ già suốt ngày trồng "cây si" cắt lẹm vào, kho mặn để dành cho con.
Vãi cả linh hồn
Giời lạnh, cởi quần áo lao vào phòng tắm. "Cạch!" nước nóng phun phì phì da thịt đỏ au, tha hồ ngâm, tha hồ kỳ cọ. Lòng chạnh nhớ ngày xưa hẹn bạn gái đi chơi, mùa đông nước lạnh như đá mà cũng chả đủ dùng, chỉ dám rửa ráy qua loa rồi phi xe đạp lao tới chỗ hẹn. Nửa đêm mới mò về miệng lẩm bẩm sao đàn bà con gái lại nặng mùi thế nhỉ? Chột dạ nghĩ tới mình, hay là cái mùi nằng nặng ấy là của chính mình?
Khi miếng ăn đã no, người ta nghĩ tới ngon. Khi áo quần đủ ấm người ta nghĩ cách mặc sao cho đẹp cho lạ mắt, cũng là thói thường.
Cuộc sống khấm khá người ta bắt đầu nghĩ đến nhau, nhớ đến nhau, tìm đến nhau nhiều hơn thì sự bùng nổ các loại "Hội" là lẽ tự nhiên. Chả khác nào như khi còn học bên tây. Tháng năm tuyết tan cây cỏ hoa lá đua nhau vươn lên, đua nhau khoe sắc từng giờ, từng ngày.
Nhà nước có hội của nhà nước, đoàn thể có hội của đoàn thể, các thànhphần khác trong xã hội có hội đoàn riêng, có tư cách pháp nhân con dấu hẳn hoi. Bên cạnh đó còn có các hội "lụi", chả dấu má, quyết định, chỉ hình thành trên tinh thần tự nguyện nói mồm, vỗ vai nhau như: Hội đồng hương, hội cùng lớp, hội du học, hội đồng ngũ, hội độc thân, hội nhảy đầm, hội tenits ... cũng mọc lên như nấm.
Người ta lần tìm đến nhau khi trên đầu đã hai thứ tóc, khi mặt mũi đã bị thời gian "vò" cho tơi tả, nhăn nhúm, nứt nẻ như cánh đồng quê khô hạn vì chứng Enino. Họ gục đầu bên nhau:
- Giá ngày ấy không vướng tí lý lịch thì chúng mình đã se duyên.
- Ai bắt hồi ấy cấm thấy nói năng gì? Người đâu nhát như thỏ đế, miệng cứ câm như hến, biết đâu mà lần.
- Chưa ra đâu vào đâu mà đã "đòi", sùng sục như quỷ ấy, rách cả áo người ta mà chả biết đường xin lỗi, làm lành. Ghét! Rồi đâm ra xa cách!
...
Thôi thì đủ thứ lý do để người ta thì thầm vào tai nhau cái thời vụng dại. Bất chợt những khuôn mặt chùng xuống buồn bã, đôi mắt lơ đãng như nghĩ ngợi về một "Thời Hoa đỏ" năm nào xa vắng.
Trong cái phong trào "trăm hoa đua nở" ấy chúng tôi những thằng học cùng lớp thời phổ thông cũng dò hỏi, lùng sục tìm kiếm nhau
Từng ấy năm xiêu dạt sống chết giờ gặp lại, có đứa lờ mờ vẫn nhận ra, có đứa phải giới thiệu sùi cả bọt mép mà mãi mới tường. Khối đứa lôi hết kỷ niệm này, quá khứ nọ như cô giáo dậy ngoại ngữ trước cậu học trò không có khiếu học tiếng nước ngoài, giải thích thế nào cũng không chịu hiểu, không chịu nhớ đành tặc lưỡi chấp nhận ông bạn trước mặt mình là học cùng lớp, cùng trường ngày xưa và quá khứ xa lắc là có thật.
Cả lớp hẹn nhau, mỗi năm mỗi bận còn lại từng nhóm thân nhau, hợp tính, tùy! Qua lại thường xuyên. Sau nhiều năm biền biệt dần già đám bạn hiểu được gia cảnh, tính nết của nhau.
Mỗi người mỗi tính:
Có ông bạn sau này không buổi họp mặt nào của lớp, của nhóm vắng mặt. Phải thừa nhận ông bạn quảng giao, vui tính còn khả năng uống thì như hũ nút. Nhưng ngặt nỗi ông bạn thần kinh "yếu" nên hay bị say, mà cứ nhè vào lúc chuẩn bị thanh toán tiền cho nhà hàng là ông bạn mới chịu "say". Say ngả nghiêng, say như không còn "biết gì". Những lần đầu bạn bè sợ, khi ra về đều cử một hai người trong ai đó còn tỉnh táo dìu bạn. Ra tới cổng nhà hàng có nhẽ do "gió" thằng bạn tỉnh hẳn, cứ nẳng nặc quả quyết: "Tôi về một minh được, khỏi phiền các ông".
Thằng bạn nhảy phắt lên xe nhanh như máy khâu, nổ máy phóng vù vù chúng tôi cố đuổi theo, kéo đứt cả dây ga mà chả kịp. Rồi cái màn say này của ông bạn bị chúng tôi phát giác. Nhưng thôi, chuyện vặt chả mấy ai để ý, ngần này tuổi đầu lâu lâu được nhìn thấy mặt nhau là vui, là thích rồi. Tiền nong, thằng có bù thằng không, chạy quanh quẩn trong túi bạn bè, chả đi đâu mà thiệt.
Rồi ông bạn thay đổi chiến thuật, những lần nhậu sau cứ thấy rục rịch thanh toán tiền là ông bạn chui vào Toalet. Bên ngoài bạn bè tự dưng ngẫu hứng gọi mấy chai nữa uống thêm. Chờ mãi mà không thấy thằng bạn trở ra, sợ bạn làm sao! Lò mò vào Toalet tìm. Thấy bạn đứng, hai tay đan vòng vào nhau đặt lên tường, trán tỳ vào tay, dáng nghiêng nghiêng hệt phương án dùng dầm sắt để cứu cái tháp ngiêng Pisa bên Ý đại lợi. Phía dưới cái "khóa phẹc" vẫn ở vị trí "On". Cái "ấy" của ông bạn ngoặt nghẹo trong thế "chân trong, chân ngoài" như chiếc đồng hồ từ thời Pháp ở nhà thằng bạn, có con chim cứ đến giờ lại tung cửa sổ nhảy ra hót véo von bị "kẹt cơ", cửa sổ không đóng lại được nên chịu chết, con chim nằm vắt vẻo trên cửa sổ.
Tôi vỗ vai: "Còn chó nước đái đâu nữa mà đứng mãi đây!". Thằng bạn giật mình: "Tôi buồn ngủ quá nên thiếp đi".
Nghĩ cũng lạ! thứ chất thải của lũ bợm nhậu phun ra trong Toalet nhà hàng lưu cữu từ sáng tới tối, khai hơn nước đái quỷ, thế mà thằng bạn vẫn "sưa" được trong cái không gian ấy, thì tài thánh thật.
Màn đi Toalet rồi cũng trở nên nhàm. Ông bạn nghĩ ra chiêu khác. Ông bạn căn me thấy tiệc sắp tàn là bốc điện thoai. Loạch soạch một hồi rồi tiếng oang oang như chửi vào máy: "Con đi học giờ này vẫn chưa về hả? Thế này thì láo quá! để anh đi tìm".
Mấy thằng bạn nhậu lo lắng: "Thôi ông về đi lo mà tìm con." Sau khi mở thêm chai nữa và tu hết thằng bạn mới chịu xin lỗi: "Tôi phải về trước, các ông ở lại vui vẻ, hẹn gặp lại".
Ông bạn này gia cảnh khá, ông chỉ quen dùng thẻ, trong bóp đủ các loại thẻ từ tín dụng đến thẻ tacxi nên ít khi có "tiền lẻ" trong túi, đến cái xe máy gửi bãi cũng phải xin bạn mấy đồng để trả. Nghe nói hắn buôn bán, làm ăn tiền bạc sẵn lắm nhưng "cá tính" ấy nó ăn vào máu mất rồi, biết làm sao nữa hở giời!
Có ông bạn một năm mới được nhìn thấy mặt một bận vào ngày hội lớp. Gặp nhau tay bắt mặt mừng thật cảm đông. Thằng bạn nói: "Nhớ các ông lắm! Muốn gặp các ông lắm! Để được ngồi tán phét cho nó quên đi cái sự đời. Gia cảnh mình khó quá, con bệnh nặng, tháng mấy triệu tiền thuốc mà chả chắc đã ăn thua, mình già đã đành, con còn thơ dại mọi thứ đang ở phía trước. Lắm đêm nằm gạt nước mắt thương con. Mình như con chuột chạy vạy luồn lách chắt bóp từng đồng . Tôi biết! Tôi cảm ơn bạn bè vẫn nhớ và thông cảm cho hoàn cảnh tôi, các bạn cho tôi tiền, bốn, năm triệu lớn quá. Nhưng tôi nghĩ cái lớn hơn đồng tiền mà bạn bè gửi gắm là nguồn động lực để đông viên tôi chứ làm sao bạn bè tháng nào, ngày nào cũng chu cấp cho mình được, "tự lực cánh chim", gắng vượt qua số phận là chính.
Biết bạn bè thương, ngôi nhậu đâu cũng alô réo gọi, nhưng mình ngại để các bạn mời mãi, bao mãi cũng thấy bất tiện Nên một năm "chỉ dám" gặp các ông một hai bận, mong bạn bè cảm thông".
Lại có ông vừa lấy vợ, vợ hai đẹp, khỏe, to như võ sỹ Summo, tình duyên đang độ "nẫu", thì đùng một cái thấy cái tin nhắn của tụi bạn: "Vợ hắn từ trần, đang nằm ở nhà tang lễ Chợ Rẫy".
Sáng hôm sau bạn bè đứa này gọi đứa kia nháo nhác như chợ trước cổng bệnh viện. Tất cả bủa đi tìm. Trong nhà tang lễ chỉ thấy mỗi cái quan tài, lọ mọ đi tìm người nhà dò hỏi, chả thấy có ai. Tò mò tới bên quan tài, thấy cái ảnh một thiếu phụ đã luống tuổi, trong bụng chợt nghĩ "Thế mà bạn bè kêu vợ hắn trẻ lắm! Tràn đầy sinh khí lắm!". Nhưng thôi! tình yêu mỗi thời mỗi khác, mỗi người có quan niệm già, trẻ ... khác nhau, đem ra bàn chỉ tổ cãi nhau, với lại đâu có phải tuổi tác, ngoại hình ... làm nên tình yêu.
Nhưng vẫn cứ ngờ ngợ, rồi đánh bài liều rút mục kỉnh quay lại tiến sát vào quan tài mắt chằm chằm nhìn bức ảnh. Trời ạ! Không phải thiếu phụ mà là một bà lão cỡ ngoại tám chục. Hay là nhầm? trí tưởng tượng dù phong phú thế nào đi chăng nữa cũng không thể thoát khỏi thực tế. Đúng là nhầm bố nó rồi. Tôi hớt hơ hớt hải chạy ngược trở ra thì thấy bọn bạn đang túm lại bên người nhà vợ bạn nhưng chả thấy nhân vật chính đâu.
Sự tình là mẹ vợ thằng bạn mất, méo mó thông tin thế quái nào lại ra vợ bạn chết.
Ý nguyện gia đinh là muốn đưa bà về quê nằm bên các cụ nên sáng sớm đã thuê xe đông lạnh, hai tài thay phiên nhau một mạch ngày đêm giông thẳng ra Bắc.
Bây giờ mới bỏ mẹ! Tiền phúng điếu thì dễ, cứ để đấy hôm nào thằng bạn từ ngoài Bắc trở vào kêu hắn ra quán dúi phong bì bắt "khao" thế là ổn. Khổ nhất là hai cái vòng hoa tươi nặng chình chịch không biết giải quyết ra sao. Định bán lại gỡ gạc tí vốn nhưng mấy cửa hàng hoa gần nhà tang lễ không chịu mua. Vứt đi thì không tiện với lại xử sự như thế e không hợp đạo. May quá tôi vừa đọc xong cái truyện ngắn của Hồ Anh Thái, tình huống trong truyện sao lại giống tình huống của chúng tôi lúc này thế nhỉ.
Tôi bàn với tụi bạn: "Gần đây có cái bia kỷ niệm chiến thắng Vườn Lài, ở ngay ngã tư gần trung tâm Medic", to nhỏ một hôi rồi chúng tôi nhất trí.
Thế là tám thằng, bốn xe chở theo hai vòng hoa. Bỗng một thằng thông minh "bất thình lình" phát hiện ra điều khinh suất la tướng lên: "Thế còn dải băng đen với dòng chữ "Thương tiếc tiễn đưa em" trên vòng hoa thì tính sao đây?" .
- Ừ nhỉ! Suýt nữa thì bỏ mẹ. "Thì gỡ bố nó ra vứt đi chứ còn làm sao. Em nó đã đi xa đâu mà đưa mới chả tiễn" - Tiếng một thằng nào đó trong đám bô bô "góp ý", át cả tiếng xe.
- Rồi chúng tôi rồ máy vút đi.
Dân chúng chả hiểu làm sao tự dưng thấy sồng sộc tám thằng đàn ông, ngồi trên bốn xe máy dừng trước đài tưởng niệm cung kính đặt vòng hoa lầm rầm khấn vái. Thấy trái ngày mà lại chả có thông báo gì với địa phương, đồn công an phường ngay bên cạnh vội cho người ra hỏi. Tôi nhanh mồm: "Hôm nay là ngày sinh của cụ tôi, cụ tôi hy sinh trong cuộc bạo động Vườn Lài, nên con cháu bạn bè hôm nay đem hoa, nhang tới viếng hương hồn cụ".
Ổn! Thật là "Nhất cử lưỡng tiện". Ngàn lần cảm ơn cái ý tưởng của nhà văn đã đưa đường dẫn lối.
Tháng trước lang thang ở Đà Nẵng gặp thằng bạn mới gả con gái. Thấy bạn buồn buồn gặng hỏi. Thằng bạn bị chọc đúng ý bức xúc vòn vọt tuôn: "Thằng rể quê Thanh Hóa Ngăn mãi con không được, cấm mãi không xong, cái bả tình yêu thời nay nó mạnh thật chúng nó gan tới độ dám hôn nhau trước mặt mình, ông bảo thế có liều không cơ chứ. Vẫn biết là những thứ ấy, sau lưng mình có giời mà giám sát. Nhưng thôi! Thây kệ, của nó nó giữ. Tôi chỉ ức nhất con gái mình, giận nhất con gái mình, yêu đâu không yêu lại nhằm đúng thằng Thanh Hóa mà yêu".
Không phải bạn bè thì tôi "vả" gãy răng thằng bạn. Hắn không biết đứng trước mặt hắn lù lù một thằng Thanh Hóa chính gốc hay sao.
Ông đừng coi thường, xứ Thanh nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt đấy.
Biết thế! "Dưng" tôi vẫn không thích thằng rể tôi là dân Thanh Hóa ông hiểu không? - Hắn nói như gào lên.
Nhưng rồi đất chẳng chịu giời thì giời phải chịu đất chứ còn biết làm sao, đành chấp nhận cho nó ở rể - ông bạn ngao ngán thở dài.
Rồi bạn tiếp tục kể tội thằng con rể: "Có bận sau bữa cơm, nhà chỉ có hai thằng đàn ông, ngồi xỉa răng nói chuyện một lúc lâu mà chẳng thấy thằng con rể động đậy gì, tôi nghĩ cách, tôi nói với nó: "Bây giờ tao với mày chơi trò "oẳn tù tì " thằng nào thua thì thằng ấy phải đi pha trà"
Thằng con rể lắc đầu quầy quậy buông một câu "Thôi! Chả chơi"
Ông tính! tới nước ấy thì "y học bó tay" còn chó gì nữa, đành phải hầu trà thằng con rể chứ biết làm sao.
Nó còn nói với mẹ vợ: "Lần sau còn cơm nguội thì má đem rang, đơn giản mà lại nhanh. Chỉ thêm tí nạp xưởng, ít hạt đậu Hòa Lan, chút tương Tàu, đập thêm quả trứng gà ta ... Như cơm Dương Châu ở nhà hàng, ăn được! Chứ hấp cơm nguội: cơm mới, cơm cũ lẫn lộn, lục cà lục cục, khó nhai lắm".
Rõ lộn ruột, thử hỏi ông vào hoàn cảnh tôi ông có "dịn" được không?
...
Thời nào cũng vậy, sao lại lắm nghịch cảnh thế nhỉ !!!.
Thành phố HCM cuối năm 2008
Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi K5”: Thứ hai, 19 tháng một, 2009)
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>