50 - Chúng tôi có một người mẹ như thế! - Hồ Xuân Nam K3, SRTKL2: 217-219



Chúng tôi
có một người mẹ như thế !


HỒ XUÂN NAM *
Học sinh khóa 3

Trong hơn ngàn học sinh của trường ta có nhiều bạn là con em gia đình cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết sau năm 1954, hoặc con em các gia đình thuộc “diện chính sách”. Ba má các gia đình tập kết, ngoài việc công tác tại cơ quan, đơn vị của mình, còn tham gia sinh hoạt trong hội đồng hương các tỉnh. Ở Hà Nội, mỗi lần họp đồng hương thường tổ chức tại Câu lạc bộ Thống Nhất (nằm đối diện với khách sạn Phú Gia, Bờ Hồ) hoặc Câu lạc bộ Đoàn Kết (nằm ngay quảng trường Nhà hát Lớn). Các gia đình này đều có trong danh sách do Ban Thống nhất trung ương quản lí. Chủ nhiệm Ban Thống nhất lúc bấy giờ là bác Nguyễn Văn Vịnh (bố em Minh Thanh, Minh Tuấn trường ta).

Cô Ngô Thị Huệ, còn gọi là cô Bảy Huệ (vợ bác Nguyễn Văn Linh) là người trực tiếp phụ trách các gia đình chính sách thuộc Ban Thống nhất. Những gia đình này có bố hoặc mẹ, hoặc cả hai đang hoạt động bí mật trong các tỉnh, thành phía Nam, dưới chế độ hà khắc của Mỹ-ngụy. Với trách nhiệm của mình, cô nắm rất vững hoàn cảnh của từng gia đình, thậm chí nhớ cả tên của từng đứa con trong nhà. Cô thường thay mặt Ban, đi thăm hỏi, trao quà động viên mỗi khi Tết đến, nhất là khi các gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống. (Và gia đình cô Bảy Huệ cũng thuộc “diện chính sách” vì bác Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ hoạt động bí mật ở “R”).

Cô Bảy Huệ trong ngày đón hài cốt liệt sĩ Trần Quốc Thảo về Thành phốCô Bảy Huệ trong ngày đón hài cốt liệt sĩ Trần Quốc Thảo về Thành phố

Tôi còn nhớ, bác Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) vì hoạt động bí mật trong Nam Bộ, không có điều kiện chăm sóc nên đã gửi hai anh em Võ Dũng và Võ Hiếu Dân ra Bắc nhờ bạn bè, đồng chí nuôi hộ. (Thế mới thấy bậc cha mẹ chúng ta sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình, gửi con em vượt hàng ngàn cây số ra cho bạn bè đồng chí nuôi dưỡng, để lao vào cuộc đấu tranh cách mạng). Cô Bảy Huệ đón hai anh em về nhà nuôi và coi Dũng, Dân như con đẻ của mình. Cô lo lắng từ miếng cơm, manh áo cho đến việc học hành. Cô như người mẹ hiền chăm sóc hai anh em những lúc ốm đau, xa cha mẹ. Con cô - các em Hòa, Bình và Linh - yêu quý anh Dũng và Hiếu Dân như anh em ruột thịt. Còn Dũng và Dân gọi cô với hai từ thân thương “dì Bảy”.

Không chỉ hai anh em Dũng, Dân mà nhiều học sinh miền Nam cũng được cô dành cho tình cảm và sự quan tâm như thế. Cánh “con em chính sách” ở trường Trỗi có Phan Tiến, Phạm Thái Bình (Bình “tây”), tôi cùng nhiều bạn như Công Dũng, Đồng Hiền… cứ mỗi lần được về Hà Nội lại đạp xe đến thăm cô, ăn bữa cơm với gia đình. Xa cha mẹ, gặp cô, được thăm hỏi chăm sóc, chúng tôi như được gặp chính mẹ đẻ của mình. Những thiếu thốn tình thương được cô bù đắp phần nào. Chúng tôi lớn lên và trưởng thành cũng nhờ tình cảm ấy. Bọn học sinh miền Nam chúng tôi gọi cô là “má”.

Cảm động nhất là đầu năm 2002, ngày trường ta tặng cô cuốn “Sinh ra trong khói lửa”, cô đọc say sưa và khen có nhiều bài viết cùng tư liệu rất hay. Cô nói với riêng tôi: “Cái ảnh thằng Dũng các con tìm được đưa vào sách đẹp quá, giống nó quá. Cô hình dung ngay ra cái thằng hồi bé nghịch quá trời, vậy mà khi trưởng thành đã xung phong đi “B”. Về tới Sài Gòn rồi không chịu làm lính thông tin lại xin các chú cho về Khu 9 làm lính trinh sát. Nó đã dũng cảm xông ra trận tuyến chiến đấu trả thù cho má, cho hai em và cho đồng bào miền Nam. Lính Trỗi các con đã góp phần làm vẻ vang cho dân tộc…”

 

H.X.N





* - Giám đốc Công ty dịch vụ đầu tư, Bộ Thương mại.