Lời nói đầu - Ban biên tập, SRTKL2: 5-9



Lời nói đầu


Ban biên tập

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống của trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, thuộc Tổng cục Chính trị (15-10- 1965 – 15-10-2005), tập II “Sinh ra trong khói lửa” ra mắt bạn đọc. So với tập I, đây là sản phẩm tinh thần mang tính toàn trường, từ khâu chỉ đạo, phát động, đôn đốc viết,...v.v. đến khâu biên tập rồi in ấn, phát hành. Lần này Ban biên tập có kinh nghiệm và thời gian chuẩn bị kỹ hơn, đã huy động được nhiều thầy, cô và các cựu học sinh của trường ở khắp nơi trong cả nước và ở nước ngoài, tham gia viết bài, sưu tầm, cung cấp những tư liệu quý.

Chúng tôi xin nêu một vài sự việc vô cùng cảm động. Phan Nam, học sinh khóa 5 của trường, ra Hà Nội tiễn Văn Tiến Huấn về nơi yên nghỉ cuối cùng, đã lưu giữ được mấy bài thơ của bạn, như những lời trăn trối trước khi đột ngột ra đi. Văn Tiến Huấn viết:

Tôi chết nhưng hình bóng tôi không chết
Sẽ có người thương nhớ đến tôi
Không phải siêu nhân nhưng tôi biết
Tên tôi để kỷ niệm cho bao người…

Tạ Việt Chiến, học sinh khóa 3, đã sưu tầm được bức thư đầu tiên cũng là bức thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Minh Tân, gửi về gia đình. Là học sinh khóa 3, sau khi tốt nghiệp lớp 10, Tân vào Khoa Chế tạo Máy (Đại học Bách khoa) rồi nhập ngũ đi chiến trường. Anh vượt lên mọi khó khăn, thử thách, kiên trì, bền bỉ phấn đấu và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Đạt được “cái đích đó”, theo Lê Minh Tân, mới xứng đáng gửi thư về cho ba má. Anh viết: “... Đến nay, đã tròn một năm, một năm đầy thử thách với sự đi lên của con. Nay con đã vinh dự được cùng ba má gánh vác nhiệm vụ quang vinh của Đảng giao phó. Con biết đây mới chỉ là cái mốc đầu tiên; còn phải vươn lên nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng…”. Lê Minh Tân đã anh dũng hy sinh ngày 1 tháng 4 năm 1974, tại Mặt trận Quảng Nam.

Trên đây chỉ là vài tài liệu quý trong nhiều tài liệu phong phú, đa dạng, đầy ắp sự kiện, chan chứa niềm yêu thương, sâu sắc về nội dung giáo dục và rất đỗi tự hào, tiềm ẩn trong những bài văn, bài thơ, trong từng trang viết của các thầy, các cô, của học sinh các khóa gửi về cho Ban biên tập. Chúng tôi thiết nghĩ, gần 2000 ngày sống bên nhau “trong khói lửa” của cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, trong những giờ phút cam go, thử thách ác liệt nhất của lịch sử dân tộc; trong cái nôi của mẹ hiền, chở che mọi hiểm nguy, bom đạn, tình đồng chí, đồng đội, nghĩa thầy trò nảy nở, gắn kết và sâu đậm hơn bao giờ hết. Vì thế đã hơn 30 năm qua, dù đi đâu, ở đâu, dù sinh cơ lập nghiệp ở phương trời nào thì ai nấy vẫn không thể nào quên những ngày tháng gian khổ, lao lung để cắm một cái mốc son trong cuộc đời một con người.

Năm năm có bấy nhiêu ngày
Mà sao tình nghĩa cao dầy lắm thay
Đọc từng trang viết hôm nay
Xôn xao sống dậy những ngày năm xưa…

Chúng tôi trân trọng, cân nhắc mỗi chữ, mỗi câu trong quá trình biên tập. Tác phẩm gửi về dù dài, dù ngắn, thơ hay văn xuôi, viết theo nhiều thể loại phong phú như hồi ký, nhật ký, truyện ký, tản văn… tất cả đều xuất phát từ những trái tim nóng bỏng yêu thương, từ những suy nghĩ chín muồi, sâu sắc nên chân thực, gây ấn tượng mạnh, làm xúc động lòng người; nhất là các bài viết về anh hùng, liệt sĩ. Hơn nữa, chủ đề tư tưởng cũng rất tập trung ở những trang viết này. Đó là nhiều kỷ niệm không dễ gì quên được dưới mái trường xưa; tình nghĩa thầy trò sâu nặng và học sinh mang truyền thống của nhà trường đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Chúng tôi cũng vui mừng khi đọc một số tác phẩm đã đạt tới trình độ của cây bút chuyên nghiệp. Xúc động trước sự hy sinh của Anh hùng, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung bên bờ sông Gianh (Quảng Bình) và các liệt sĩ Bùi Hữu Thích, Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh, Đặng Bá Linh, Y Hòa hy sinh bên bờ sông Thạch Hãn mà Nguyễn Xuân Lăng (học sinh khóa 3) đã có bài thơ “Phù sa mặn”. Bài thơ có đoạn:

... Tôi vẫn biết: Trong suốt cuộc đời
Sông cũng như người, buồn vui đủ cả,
Có khác chăng,
Sông đục phù sa mùa hạ.
Sông trong xanh nổi đá mùa đông.
Nhưng sông ơi! Sông có còn nhớ không?
Những đồng đội tôi đến bên sông ngày ấy
Những con người đầu trần, lưng cháy
Những “thiên thần” đi xuyên bóng đêm!
Có phải vô tình hay lâu quá sông quên?
Như con nước vẫn đổ xuôi về biển,…
May có lớp phù sa còn lưu luyến
Giữ lại trong mình bao kỉ niệm xa xăm...

Ở tập II “Sinh ra trong khói lửa”, Ban biên tập cố gắng nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức thể hiện để tác phẩm thoát ra khỏi mức độ của một “tập san nội bộ”; có tính khoa học, hệ thống, tính văn học và tính xã hội hoá của các thầy, các cô, các cựu học sinh trong toàn trường ở khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, trong khi biên tập văn chương, chữ nghĩa, chúng tôi tôn trọng phong cách riêng “không giống ai”của trường ta; tôn trọng “giọng điệu” và “khẩu khí” rất “lính Trỗi”, như “mật khẩu” để tìm đến nhau, tin nhau của người chiến sĩ chung một chiến hào… Và vì thế mà những trang văn, trang thơ của tập sách này tuy thô ráp, mộc mạc nhưng không dễ dãi, dung tục; xúc động đến nao lòng nhưng không uỷ mị, bi quan; tế nhị, hóm hỉnh nhưng không tếu táo, bông phèng; văn chương lưu loát, sáng rõ nhưng không bóng bảy, sáo mòn…

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định các bài gửi về, còn ít tác giả phản ánh sự trưởng thành hôm nay của cựu học sinh nhà trường. Số lượng thơ ca không nhiều bằng các bài văn xuôi. Một vài khóa hầu như còn ít bài. Các thầy, các cô, cựu học sinh ở miền Bắc tham gia viết bài chưa nhiều. Chúng tôi hy vọng rằng, những nhược điểm này sẽ được khắc phục khi hai tập “Sinh ra trong khói lửa” được tái bản hoặc biết đâu, những năm tiếp sau, chúng ta lại hăng hái tiến hành xuất bản tập III “Sinh ra trong khói lửa”!

Lời sau chót, Ban biên tập rất cám ơn gia đình các anh hùng, liệt sĩ cùng các thầy, các cô, các cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã nhiệt tâm đóng góp ý kiến, tham gia viết bài, góp phần tích cực xuất bản hai tập sách quý của nhà trường - “Sinh ra trong khói lửa”!

BAN BIÊN TẬP