45 - Lần cuối gặp nhau - Nguyễn Trí Dũng K3, SRTKL2: 201-203



Lần cuối gặp nhau


NGUYỄN TRÍ DŨNG
Học sinh khóa 3

refont.com - Glitter textau ngày về học ở Thậm Thình (Vĩnh Phú), vì thấy học kĩ thuật khó vào, tôi đề đạt với Cục Cán bộ cho chuyển về trường Sĩ quan Hậu cần. Trường Hậu cần, ngày đó, đóng ở gần Kho xăng Đức Giang (Gia Lâm). Đầu năm 1972, khi ta tập trung lực lượng vào mặt trận Quảng Trị, quyết làm chuyển biến thế trận trên chiến trường, thì Bộ Tổng đã huy động học viên các nhà trường, bổ sung cho chiến dịch. Thế là tôi lên đường với đầy đủ vũ khí, đạn dược: ba-lô đeo vai với hai bộ áo quần, khẩu AK sau lưng, ống nhòm một bên, xà-cột bản đồ một bên, bi-đông nước toòng teng cùng hai trái lựu đạn mỏ vịt và con dao găm. Đơn vị tôi nhận nhiệm vụ rất đặc biệt, không được phép lộ bí mật cho bất kì một ai. (Ngày ra đi cũng không được phép tạt qua nhà thăm mẹ).

Thời gian đó, quãng tháng 6 năm 1972. Bắt đầu vào hè, trời nắng, nóng như đổ lửa, nhất là khi đặt chân vào đến đất Thanh Hóa. Mà hành quân thì hầu như bằng đôi chân vì đi bằng xe rất nguy hiểm, dễ bị máy bay địch phát hiện, ném bom. Quần áo, mũ đều “rung rinh lá ngụy trang”, áo đẫm mồ hôi, gặp gió Lào lại khô ngay. Một buổi trưa, đã quá giờ Ngọ, tốp chúng tôi hành quân qua một làng thuộc vùng núi huyện Thọ Xuân (miền tây Thanh Hoá). Dọc đường, các đơn vị gặp nhau, lính tráng kẻ đi, người ở, chào nhau í ới và tìm đồng hương. Chợt thấy bên vệ đường có cánh lính tân binh, cậu nào cậu nấy rất măng tơ, đang gối đầu lên mũ tranh thủ nghỉ trưa dưới bóng cây. Nhìn các em, tôi chợt nghĩ tới thằng Chí Cường, đứa em trai mình. Không biết có nó trong đoàn quân này không?

Đang mải bước, bỗng nghe tiếng gọi:

- Anh Dũng!

Quay lại thì thấy ba đứa em là học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi: Nguyễn Lâm (em Lương Sơn)1, Y Hoà (em Y Nguyên)2 và Phương Bình (em Hồ Xuân Nam)3. Chúng nó mừng rỡ bật dậy, chạy theo tôi:

- Anh vào hay ra?

- Đang vào Quảng Trị.- Tôi trả lời nhưng không được phép dừng, vẫn phải chạy theo đội hình hành quân.

- Bọn em cũng vậy, chắc sẽ về sư 325. Sao anh không học nữa à?

- Không, học nhức đầu lắm. Chán quá, anh xin đi “B”. – (Tôi phải dối các em mà không dám lộ nhiệm vụ của đơn vị mình).

Ba đứa vừa bám theo tôi vừa nói chuyện. Thì ra Lâm đang học năm thứ hai đại học, còn hai đứa vừa thi xong lớp 10 phổ thông. Lâm rút trong túi ra gói Trường Sơn bao đỏ, dí vào tay tôi:

- Thôi, anh cầm lấy bao thuốc mà hút. Tụi em vẫn còn thuốc lào và mấy đứa hút chung là được rồi.

- Anh đi nhé! Mấy đứa cố giữ gìn! – Tôi nghẹn ngào nói.

Ba đứa đã theo tôi đến hơn 200m mới dừng lại, vẫy tay chào. Mắt tôi nhòe nước mắt nhưng không dám quay lại nhìn các em.

Thật ra đơn vị tôi nhận nhiệm vụ nghi binh chiến dịch. Lúc gặp ba đứa là khi tốp nghi binh của tôi đang mang phiên hiệu Đoàn 48B của sư 308B. Ba-lô, súng ống trên vai cùng máy thu phát vô tuyến sóng ngắn 102E. Chúng tôi cứ âm thầm đi tới một địa điểm, theo quy định của Bộ Tổng, thì dừng lại, rồi mở máy phát sóng lên trời, dùng thoại và tín cố tình làm lộ là sư đoàn 308B đã vào đến đây. Sau đó lại lầm lũi cõng máy, cõng súng lên đường. Lần đó, chúng tôi đã vào đến mặt trận Quảng Trị rồi lại vòng ra xưng danh một sư đoàn mới. Cứ như vậy tiếp tục làm nhiệm vụ nghi binh cho đến khi chiến dịch kết thúc. Sau này nghĩ lại mới thấy, các chiến dịch của ta khi triển khai đã được “các cụ” tính toán chi li đến từng bước.

Ngày hòa bình, trở về nhà, gặp Lương Sơn được nghe kể lại: trong ba đứa thì chỉ Phương Bình còn sống trở về, Y Hòa và Nguyễn Lâm đã anh dũng hy sinh. Nghe xong tôi cảm thấy trống trải làm sao! Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi những đứa em mà lẽ ra chúng được phép tiếp tục học tập để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Các em thật dũng cảm và đã có những suy nghĩ, những hành động phi thường, rất đáng tự hào! Tôi giữ mãi trong tim kỷ niệm về những giây phút gặp nhau hiếm hoi trên đường hành quân. Có ai ngờ đó lại là lần cuối!

N.T.D





1.  Con đại tá Hoàng Hữu Kháng, cục trưởng Cục Cảnh vệ, người bảo vệ Bác Hồ thời gian 1945-1951.
2.  Con phó trưởng Ban Dân tộc Trung ương Y Wang.
3.  Con liệt sĩ Trần Quốc Thảo, nguyên bí thư Thành uỷ Sài Gòn 1956-1957 và Trung ương cục miền Nam.