18 - Tấm ảnh tư liệu quý giá - Trần Hữu Nghị K8, SRTKL2: 80-82

Tấm ảnh tư liệu quý giá

TRẦN HỮU NGHỊ *
Học sinh khóa 8

Nhớ lại quãng tháng 5 năm 2000, Ban biên soạn của “Sinh ra trong khói lửa” đã nhóm họp và thống nhất: Quyết tâm ra cho được quyển 1 để tạo “cú hích” nhằm khởi động toàn bộ 1500 thầy trò trường ta chuẩn bị xuất bản quyển 2, với nội dung và quy mô “đồ sộ” hơn. Sau khi sách đến với bạn đọc, đã có nhiều ý kiến phản hồi. Một trong những ý kiến đó là: Trong bài “Thời gian và Kỷ niệm” có chú thích tấm ảnh ở trang 330 chưa chính xác. Thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc!

Chúng ta hãy cùng lật lại trang 312, trong đó có trích bài “Bữa cơm ngày Tết của Bác Hồ” (tác giả Nguyễn Đình Cần, ghi theo lời kể của chú Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ). Tết Kỷ Dậu, năm 1969, theo kế hoạch, Bác sẽ đến thăm và chúc Tết một số đơn vị, trong đó có trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng sức khoẻ Bác năm đó đã rất yếu, buộc phải thay đổi chương trình. Sớm ngày mùng Một, Bác chỉ đến chúc Tết bộ đội Phòng không-Không quân ở Bạch Mai (Hà Nội), sau đó lên Hà Tây trồng cây trên đồi Vật Lại, không xa dãy Ba Vì. Ngày 2 tháng 9 năm đó, Bác đã đi xa.

Gần một năm sau ngày Bác mất, trung đội 5 (khóa 8) do thầy Khổng Mạnh Côn phụ trách đã nỗ lực phấn đấu và giành được danh hiệu “Trung đội Quyết thắng”. Năm đó, khóa 8 kết thúc chương trình cấp II, cả lớp B5 đều được chuyển cấp lên học lớp 8 (hệ 10 năm). Trung đội 5 đã đón nhận cờ thi đua luân lưu của Tổng cục Chính trị. (Vì đơn vị thi đua cơ sở trong toàn quân lúc bấy giờ là cấp đại đội nên trung đội 5 đã được trao lá cờ “Đại đội khá nhất”). Nhìn trên tấm ảnh thấy những gương mặt non nớt, ngây thơ, hết sức vô tư nhưng cũng “hết sức lính”. Cả bọn trong đồng phục Thiếu sinh quân (quần xanh không quân, áo blu-dông, chân xỏ dép cao su), ngoan ngoãn ngồi quây quần bên Đại đội trưởng Ngô Hồng Chiêu (người đeo kính) và thầy Thanh. Riêng thầy Côn ngồi ở vị trí giữa hàng sau cùng. Bọn con gái trường ta là “mì chính cánh”, bao giờ cũng vẫn hay e thẹn, ngồi ở mãi cuối hàng, có mấy đứa còn không dám nhìn vào ống kính máy ảnh. Thầy Chiêu mặt rạng rỡ, đang nở một nụ cười thật tươi. Chắc rằng, thầy vui lắm trước những tiến bộ của cả lớp?!

Nhưng các bạn lớp B5 có còn nhớ, chúng ta đã chụp ảnh này ở đâu không?

Năm đó, trường ta đã hoàn thành nhiệm vụ do Quân ủy Trung ương giao. Kết thúc đào tạo, học sinh từ khóa 6 đến khóa 8 phải trở về với gia đình. Sắp đến ngày phải chia tay nhà trường, đại đội đã tổ chức cho các lớp đi thăm cây đa Bác trồng trên đồi Vật Lại. Hôm đó là chủ nhật, anh em thức dậy từ sáng sớm, “cơm đùm cơm nắm” lên đường. Dọc đường nghe chim hót líu lo đón chào một ngày mới. Đại đội phải hành quân 4-5km mới tới ngọn đồi có cây đa của Bác. Cả bọn vừa đi vừa chuyện trò rôm rả vì được rời doanh trại đi dã ngoại. Hè đã về, khắp nơi ra rả tiếng ve. Đến nơi, các lớp dựng lều cắm trại. Các trò chơi kéo co, đá bóng, thi hái hoa dân chủ… được các thầy tổ chức quanh cây đa. Bọn trẻ chúng tôi chạy nhảy, nô đùa ríu rít. Đứng trên đồi thấy gió từ ngã ba sông Đà, sông Thao thổi về mát rượi. Cây đa Bác trồng giữa một đồi toàn bạch đàn, ngày đó còn bé nhỏ, có rào nứa bảo vệ.

Thầy Ngô Hồng Chiêu, thầy Trần Hữu Thanh và thầy Khổng Mạnh Côn cùng trung đội 5 Quyết thắng (khóa 8) trước cây đa Bác Hồ, trồng trên đồi Vật Lại (Hà Tây), hè 1970

Cây đa Bác Hồ tròn 1 tuổi.

 

Cây đa Bác trồng nay đã hơn ba chục tuổi, tỏa bóng một vùng; còn những đứa cháu của Bác ngày nào nô đùa bên gốc cây đa nay đã ở vào độ tuổi “nửa trăm”, và luôn là những người có ích cho xã hội. Lời Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm – trồng cây, vì lợi ích trăm năm – trồng người” thật chí lí!

Nay xin sửa lại chú thích cho tấm ảnh đó là “Thầy Ngô Hồng Chiêu, thầy Trần Hữu Thanh và thầy Khổng Mạnh Côn cùng trung đội 5 Quyết thắng (khóa 8) trước cây đa Bác Hồ, trồng trên đồi Vật Lại (Hà Tây), hè 1970”.

T.H.N




* - Kiến trúc sư, Xí nghiệp Dệt-may-Thêu Trần Thành Công.