47 - Với một gia đình liệt sĩ - (Vân Anh) - SRTKL2: 209-211



Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc
 
Với một gia đình liệt sĩ


VÂN ANH thực hiện

Đúng 35 năm, kể từ ngày Đỗ Tấn Mỹ cùng một số bạn rời trường đi chiến đấu, chúng tôi mới tìm gặp được anh. Cảm động nghe kể lại tường tận cái chết của Nguyễn Văn Ngọc, chúng tôi không cầm được nước mắt. Là liệt sĩ đầu tiên của trường, Ngọc hy sinh ngay trên trận địa pháo cao xạ 57 ly, bảo vệ phà Bến Thuỷ vào ngày 10 tháng 10 năm 1968, khi chỉ còn 21 ngày nữa, giặc Mỹ buộc phải “ném bom hạn chế” trên toàn miền Bắc. Ngọc đi ngày ấy còn trẻ quá, mới 18 tuổi đầu!

… Khi công nghệ viễn thông phát triển thì việc liên lạc thật dễ dàng, vấn đề còn lại là việc kết nối những địa chỉ có trong bộ nhớ... Gọi ra Hà Nội cho anh Ba Biển thì xin được số máy của anh Nghiêm Sĩ Chúng (phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật). Tôi reo lên trong máy: “Chào thầy Chúng, sinh viên của thầy ở Đại học quân sự đây. Em là… thầy có nhớ? Sao ngày đó thầy không cho tụi em biết, Ngọc chính là em thầy?”. Hàn huyên rồi, anh Chúng cho biết, cô Trần Thị Ngọ - mẹ Ngọc - đang ở phòng 12, nhà A5, khu tập thể Nam Đồng.

Lại nhấc máy gọi ra Hà Nội nhờ Thắng Lợi, Tăng Tiến (khóa 8), thay mặt anh em đến thăm cô. Tại Nam Đồng, các em đã nối điện thoại cho tôi nói chuyện với cô. Thế mới biết cuộc đời cô thật vất vả, Ngọc là con riêng của cô, bố Ngọc đã hy sinh hồi Chín năm. Hòa bình, về Hà Nội, cô xây dựng với chú Điềm (khi đó là Tư lệnh Bộ đội dù). Anh Nghiêm Sĩ Chúng là con riêng của chú, còn mẹ anh đã hy sinh ngày ở Chiến khu D. Ngọc sau này còn có thêm hai đứa em. Rồi chú Điềm bị ung thư và mất tại Hà Nội… Thăm cô về, Lợi điện thoại cho tôi: “Thấy cô vất vả quá, anh thử bàn xem có cách nào... Ngay tấm ảnh của anh Ngọc trên bàn thờ cũng đã cũ lắm rồi.” Không suy nghĩ, tôi nối máy ngay với Lê Bình ở Hà Nội. Hai đứa thống nhất: việc làm này chỉ có ý nghĩa khi huy động được sức mạnh tập thể!

Điện thoại cho Phục Quốc (Ban Liên lạc khóa 4). Qua dăm câu, anh thống nhất ngay cách làm. Thư cho các bạn ở hải ngoại được gửi ngay sau đó. Không lâu sau, ban vận động đã nhận được 1 triệu trích từ quỹ khóa 4 cùng thư của ba bạn Trỗi ở Leipzig (Hoàng Quang, Tôn Gia Quý, Phạm Võ Hùng) kèm theo 150 Euro.

Ngày chủ nhật 22 tháng 12 năm 2002, tại khách sạn Ba Son, khóa 5 tổ chức họp mặt. Ban tổ chức có sáng kiến phát động bạn bè, thầy cô cùng đóng góp lập sổ tiết kiệm cho mẹ liệt sĩ. Thùng đóng góp được đặt trang trọng giữa phòng dưới tấm phông có dòng chữ “Họp mặt khóa 5 trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, 1965-2002”. Thầy, cô và các bạn có mặt lần lượt lên thả vào thùng những đồng tiền nghĩa tình. Cảm động hơn khi cháu Nhã Nam (8 tuổi, con bạn Chỉnh Huấn) rút trong túi ra tờ mười nghìn đưa cho ba: “Đây là tài sản duy nhất của con, con xin đóng góp cùng các chú, các bác.”

Số tiền đóng góp hôm đó là 1.400.000đ cùng với tiền của khóa 4 và các bạn ở CHLB Đức được chuyển ngay ra Hà Nội. Hai bạn Lê Bình và Nguyễn Thế Bắc đã tiếp nhận số tiền này. Nhân dịp Tết Quý Mùi, các bạn đã mang tấm ảnh liệt sĩ cùng số tiền nghĩa tình đến thăm cô. Giữa không khí của ngày xuân đang về, các bạn trân trọng đặt tấm ảnh của Ngọc lên bàn thờ và thắp những nén nhang tưởng nhớ đến người bạn thân thiết, người liệt sĩ đầu tiên của nhà trường.

Sau Tết ta, Tô Văn Hoành sắp xếp thời gian từ Quy Nhơn ra Hà Nội và đến thăm gia đình Ngọc ở Nam Đồng. Như mọi lần tới thăm, cứ gặp Hoành là cô lại khóc. Cô Ngọ nhờ Hoành chuyển lời hỏi thăm và cảm ơn tới thầy trò ở phía Nam. Hoành còn được cô tặng lại cho ba lá thư cuối cùng của Ngọc gửi mẹ từ mặt trận. Những lá thư ấy được viết, thế mà đã 35 năm. Đọc những gì bạn viết mới thấy Ngọc là người con có hiếu, bạn rất yêu thương mẹ và Ngọc của chúng ta là một người lính dũng cảm, bạn không sợ hy sinh, xứng đáng là một đàn em của anh Trỗi.

Ngọc thân yêu, xin mãi cảm ơn bạn! Bạn đã góp phần tô đẹp thêm cho truyền thống của nhà trường. Bạn đã hy sinh để chúng tôi được sống!

V.A