3 - Thư cảm ơn của gia đình liệt sĩ Ngô Ngời - (Ngô Câu) - SRTKL2: 28-30

Thư cảm ơn của gia đình
liệt sĩ NGÔ NGỜI

Quảng Ngãi ngày 4 tháng 2 năm 2003

Kính gửi: Ban Liên lạc phía Nam trường Nguyễn Văn Trỗi

(Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam)

Đầu năm 2002, gia đình tôi có nhận được cuốn sách “Sinh ra trong khói lửa”, do Ban biên tập tặng gia đình liệt sĩ Ngô Ngời.

Tháng 7 năm 2000, tôi - Ngô Câu, bố đẻ cháu Ngô Ngời - tròn 80 tuổi, bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên trái, phải vào điều trị ở Viện C17. Đến nay, có thể dùng nạng chống từng bước đi lại được trong nhà, tôi muốn viết vài lời cảm ơn tới thầy trò nhà trường.

Xem xong cuốn sách được tặng, tôi vô cùng xúc động khi thấy được công lao của thầy cô và sự chăm sóc của Tổng cục Chính trị đối với con em cán bộ ta nói chung và con em miền Nam tập kết nói riêng. Các cháu đã cố gắng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tuy lúc nhỏ rất nghịch nhưng lớn lên đã trưởng thành mọi mặt.

Con tôi, Ngô Ngời, hy sinh ở Tây Ninh, năm 1979. Vợ chồng tôi mong ước đưa được hài cốt con về với quê hương. Nhưng mơ ước sẽ chỉ là mơ ước nếu như không có các bạn học trường Trỗi đến thăm, xem giấy báo tử, rồi tự đi liên hệ với Quân khu Năm, Quân khu Bảy, với tỉnh Tây Ninh, với huyện, với xã... Lần theo địa chỉ cách đây trên 12 năm, các cháu đã tìm về Nghĩa trang liệt sĩ ở biên giới Tây-Nam khi cây cỏ, lau lách đã um tùm. Các cháu rất vất vả, tốn nhiều công sức mới tìm ra mộ phần Ngô Ngời. Chỉ riêng đoạn đường đi về của cháu Minh Tiến (đóng quân tận biên giới phía Bắc, tàu xe vào tận Đà Nẵng, rồi Tây Ninh) “tính khứ hồi” đến cả chục ngàn cây số, thời gian đi về mất cả tháng trời.

Bạn bè khóa 3 của liệt sĩ Ngô Ngời tại Quế Lâm, đầu năm 1968Bạn bè khóa 3 của liệt sĩ Ngô Ngời tại Quế Lâm, đầu năm 1968.

Việc làm của các cháu Tiến, Tấn, Cường, Dũng, Công - những học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi - đầy tình nghĩa thuỷ chung, hết lòng vì bạn, tất cả lo cho bạn, lo cho gia đình bạn hơn cho bản thân mình, cho gia đình mình. Tình nghĩa ấy xưa nay đã hiếm, nay trong nền kinh tế thị trường khi một số người chỉ chạy theo đồng tiền; đạo đức xuống cấp, mà các cháu vẫn giữ trọn tình nghĩa đồng cam cộng khổ, vui buồn, sống chết không bỏ nhau. Thật đáng quý! Chỉ nhờ có sự chỉ đạo chặt chẽ của Tổng cục Chính trị, sự giáo dục của nhà trường, sự dạy dỗ tận tuỵ của thầy, cô giáo và sự rèn luyện của các cháu trong mái trường xã hội chủ nghĩa mới có được những điều tốt đẹp như thế!

Cô chú nhìn các cháu, thấy các cháu đều trưởng thành lại nhớ đến con, mà nhớ đến con chừng nào thì tình cảm càng sâu nặng đối với các cháu chừng ấy!

Việc làm của các cháu làm cô chú vô cùng cảm động, không biết nói gì hơn và cũng không thể nói hết lòng mến phục của cô chú đối với các cháu. Nhìn và nghĩ đến các cháu mà cô chú không thể cầm được nước mắt. Mừng mừng, tủi tủi và vô cùng xúc động khi nhìn thấy hài cốt của Ngô Ngời được các cháu tốn bao công sức mới đưa về đến quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Công lao ấy cô chú và cả gia đình không bao giờ quên!

Xin chân thành cảm ơn Ban Liên lạc, thầy, cô giáo và tất cả các cháu học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Bố liệt sĩ Ngô Ngời - Ngô Câu.

(Thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Điện thoại: 055-610015).