Câu chuyện từ bức ảnh ở Trường mới năm 1968

Kỷ niệm 55 năm
Sinh ra trong khói lửa 

Câu chuyện từ bức ảnh ở Trường Trỗi mới năm 1968



Sau khi tôi đăng bài trên K8 Trỗi thì Lê Minh Chính (K6 và là em họ tôi) gọi điện nói rằng bức ảnh chụp má tôi với nhóm Trỗi là ở Trường Bé chứ không phải Trường Trỗi. Lê Minh Nghĩa cũng bình luận vậy. Thực ra là ảnh chụp ở phía trước nhà hành chính của Trường Trỗi mới nhưng câu chuyện sau đó mới đáng kể vì nó đã làm rơi nước mắt rất nhiều người.
Ảnh của Nguyễn Mạnh Trí - từ trái sang: Cao Quý Vũ K8, Lê Minh Chính K8, Lê Minh Nghĩa K8, má, tôi, Thái Văn Quang K8, Nguyễn Trung K8, Nguyễn Đình Hòa K7, Lê Quý K6.


Trước hết nói về tấm ảnh thì sau khi nội chiến ở Quế Lâm lắng xuống khoảng giữa năm 1968, má tôi là Hiệu phó cấp III trong đoàn của Trường Nguyễn Văn Bé sang thăm Trường Nguyễn Văn Trỗi. Hôm đó Trường Trỗi tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng. Tôi nhớ là các bạn nữ C11 hát bài “Oan xây Mao Chu Xi” rất hăng hái. Tôi nghe không thích vì có vẻ sùng bái quá. Lúc tôi đứng với má ở phía sau thì chị con bác Nguyễn Chí Thanh đùa câu gì đó làm tôi phản ứng khá mạnh đến mức má nói tôi không được như thế. Sau đó má bảo các em họ của tôi là Minh Chính, Minh Nghĩa, Quý Còi, Trung (con các chú em ba tôi ở Huế) và bạn là Thái Quang (K8, 12 A Lý Nam Đế), Đình Hòa (K7, 12A Lý Nam Đế), Cao Quý Vũ (B2,K8 con tướng Cao Văn Khánh) cùng chụp ảnh. Má cũng chụp riêng với tôi một bức.

Thực ra việc má con tôi có mặt ở Quế Lâm là một câu chuyện dài đẫm nước mắt của nhiều người. Năm 2016 tôi được chị Nhân giao lại các tập hồi ký, ghi chép của ba má. Tôi đã đăng câu chuyện của ba má trên trang Học Sinh Miền Nam và nhận được hàng trăm bình luận rất cảm động. Tôi nghĩ rằng câu chuyện này phần nào giải thích lý do thành lập các trường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé nên trích đăng cho các bạn Trỗi xem.

Tôi sinh ra và lớn lên trong các trường học sinh Miền nam số 7, số 4, số 18 vì má tôi là Hiệu trưởng hoặc Hiệu phó các trường này cũng như các trường Đông Triều, Nguyễn Văn Bé. Má tôi là Má Trâm của hàng ngàn học sinh miền Nam quen gọi Má, xưng con. Thực sự má tôi đã lao động hy sinh hết mình vì Học sinh Miền Nam thân yêu. Đọc những trang hồi ký má viết khi đã 84 tuổi, tôi thấy rất nhiều nước mắt trong đó. Trang viết về việc để 2 anh em tôi đơn độc giữa bom đạn Mỹ về lại trường Học sinh Miền Nam theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục được má viết đi viết lại 3 lần mà vẫn tẩy xóa.
“Từ năm 1955 đến năm 1964, gần 10 năm phụ trách các trường Miền nam số 4 ở Nghệ An, Hà Đông; Trường MN số 7 ở Hải Phòng, Trường MN số 4, 18 ở Hải Phòng, tôi được về công tác ở Bộ Giáo dục, Hà Nội. Tôi rất mừng vì chồng tôi là bộ đội. Trong kháng chiến chống Pháp ở các chiến trường từ Miền Trung lên Việt Bắc, Khu 4, Khu 3. Hòa bình lập lại về tiếp quản Thủ đô và đóng quân ở Hà Nội. Mẹ con tôi cứ theo trường nên gia đình không được sum họp. Nay được về Hà Nội để gia đình sum họp thì còn gì bằng. Thế nhưng đầu năm 1965 chồng tôi được lệnh đi B, vào chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Thế là niềm vui mới sum họp đã phải chia ly phân tán.”
Ba ra chiến trường vào một buổi chiều xẩm tối, ngày 8 tháng 5/1965. Ba đi trong đoàn cán bộ quân khí, quân giới tăng cường cho Miền Nam. Cả đoàn xếp hàng ở ngõ 12A Lý Nam Đế lúc đó còn là cổng phụ của Thành Hà Nội. Mọi người đều mặt đồ bà ba đen, đeo ba lô nặng trĩu, súng và dao găm dài đeo bên hông. Hầu như không ai nói gì hoặc tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ em Tín khóc và tôi dỗ “đừng khóc, ba sẽ về”. Lúc đó tôi đã cảm nhận được sự nguy hiểm đang kề cận, cổ như tắc nghẹn nhưng vẫn cố gắng giữ vững tinh thần. Đoàn người đi lặng lẽ về phía Cửa Đông. Ba bắt đầu hành trình hơn 2000km đi bộ, 5 tháng leo đèo, vượt núi, bơi sang sông, đói khát, sốt rét, bom đạn, nhiều lần rất gần cái chết để đến Trung ương cục Miền Nam ở Chiến khu Dương Minh Châu-Tây Ninh.

Sau này đọc nhật ký của ba tôi càng thương ba tôi và khâm phục nghị lực phi thường, tình yêu gia đình của ba.
“8/5/1965. Xa Hà Nội yêu quý đã sống liên tục 11 năm nay. Xa vợ con, anh em, bà con để đi làm nhiệm vụ. Mỗi lần nghĩ đến vợ con, ruột đau như cắt, cố xua đuổi đi cho khỏi phiền lòng. Nhiệm vụ trước mắt là cao cả: giải phóng Miền Nam… Đoàn tôi đi trên 2 chiếc xe hơi qua cầu Long Biên, qua các phố phường Hà Nội, nhìn về hướng Lý Nam Đế nơi vợ con đang sống không khỏi cầm nước mắt! Nhưng lòng quyết tâm giải phóng Miền Nam đã thắng, lôi kéo lại nhiệt tình, phấn khởi”…

“15/7. Lại dậy lúc 12g30 khuya... Đường lầy lội, trơn, đi đêm…thật là gian khổ. Cũng hôm nay kỷ niệm lần thứ 19 ngày cưới của vợ chồng tôi Đoàn Trâm. Cùng nhau sum họp 19 năm, có được 4 con. Vợ chồng luôn luôn đoàn kết, không bao giờ có sự xích mích, to tiếng xảy ra. Thương yêu thắm thiết, thông cảm nhau trong mọi trường hợp nên vợ chồng thấy hạnh phúc đầm ấm. Gần Trâm thấy Trâm có nghị lực phi thường, đảm đang, thương chồng con nhiều và lo lắng hy sinh nhiều cho chồng con. Giờ đây xa Trâm và các con không khỏi nhớ nhiều, nhớ những ngày hạnh phúc đầm ấm trải qua. Lần này ba sẽ đi tương đối lâu cho đến ngày thống nhất nước nhà. Mọi việc gia đình đều do Trâm đảm nhiệm. Tin tưởng ở Trâm nhiều.”
Tuy vậy má Trâm cũng không thể lo việc gia đình vì nhiệm vụ quay lại trường Miền Nam. Má viết:
“Tôi về công tác ở Vụ Sư phạm Bộ Giáo dục nhưng lại đi sơ tán theo cơ quan, lúc thì ở Hà Bắc (Bắc Ninh), lúc thì ở Hà Tây vì lúc bấy giờ giặc Mỹ đã leo thang đánh phá Miền Bắc. Được công tác ở Bộ gần 2 năm, vào khoảng giữa năm 1966 Bộ gọi tôi về nhận công tác mới: Đó là theo trường HSMN cấp 3 Nguyễn Văn Bé mới được thành lập, sơ tán sang Quế Lâm Trung Quốc, làm Hiệu phó. Bộ cho đem 2 con nhỏ, một cháu mẫu giáo, một cháu lớp 3 đi theo và sẽ đi học chung với các cháu học sinh Miền Nam tập kết vì chồng tôi là người Miền Nam, lại đang ở chiến trường B2 Nam Bộ. Coi như các cháu có tiêu chuẩn vào học trường Miền Nam. Thế nhưng sau khi tính toán Bộ thấy nếu các con của cán bộ, công nhân viên, giáo viên đi phục vụ các trường Miền Nam sơ tán sang Quế Lâm mà được đi theo trường thì Bộ sẽ phải thành lập thêm 1 trường Miền Nam nữa mới đủ. Như thế thì kinh phí bạn cấp không đương nổi. Bộ phải thay đổi kế hoạch, cho những chị em có con nhỏ ở lại trong nước để tuyển người khác không có con đi thay. Trong khi chờ người thay, Bộ phái tôi về làm Hiệu phó Trường cấp 3 Đông Triều, Quảng Ninh ( lúc bấy giờ bộ phận học sinh chuẩn bị sơ tán sang Quế Lâm đang tập trung ở Đông Triều). Tôi cùng Ban lãnh đạo trường chuẩn bị mọi mặt cho các cháu đi sơ tán. Vào cuối năm 1966 có công điện khẩn gọi tôi về Bộ. Từ 4 giờ sáng tôi vội đạp xe về Hà Nội, vào thẳng Vụ Tổ chức Bộ Giáo dục gặp đồng chí Lê Huyên Vụ trưởng. Ông Huyên hỏi sơ qua về tình hình trường sau đó với một giọng rất nghiêm túc nói: “Tổ chức không đánh giá chị đâu nhưng chị xem có thể để con ở lại trong nước theo trường sang Quế Lâm được không chứ đã mấy tháng nay chúng tôi tìm người thay thế chị mà không tìm được. Các con chị ở lại Bộ sẽ lo cho các cháu đi sơ tán cùng con em cơ quan Bộ.” Nghe xong tôi lặng người đi. Quá đỗi phân vân. Chồng đang ở chiến trường Miền Nam ác liệt sống chết chưa biết thế nào. Nay mình lại theo các cháu Miền Nam sang tránh bom đạn, để các con thơ còn nhỏ ở nhà chịu cảnh bom rơi đạn lạc thì thế nào đây? Bố đi xa còn có mẹ ở gần lo che chở cho con. Nay mẹ cũng lại đi xa nữa thì sao đây? Thật là một thách thức lớn đối với tôi.”

“Bên con bên cháu, làm sao đây? Các cháu học sinh Miền Nam mà lâu nay mình xem như con ruột của mình. Cha mẹ các cháu đang ngày đêm sống chết với kẻ thù Mỹ Ngụy, phó thác con em họ cho mình nuôi dạy. Các cháu đang cần mình. Từ chối không đi theo trường được sao? Vì Miền Nam ruột thịt. Vì tuyến đầu của Tổ quốc thân yêu. Tất cả vì học sinh Miền Nam thân yêu. Những khẩu hiệu mà đã bao năm nay tôi hằng tâm niệm lại vang lên trong đầu tôi. Nhưng nghĩ đến các con lòng tôi lại quặn đau. Bố đi xa thì đã có mẹ ở gần chăm lo săn sóc. Nay các anh chị lớn đã đi học xa, bố mẹ lại đi xa nữa thì ai lo cho các cháu? Các cháu có chịu nổi sự thiếu thốn người thân không? Tính mạng, sức khỏe và sự học hành của các cháu sẽ như thế nào? Có bà mẹ nào để con ở lại nơi bom rơi đạn lạc mà đi đến nơi an toàn không? “Tổ chức không đánh giá chị đâu”. Câu nói của đồng chí phụ trách tổ chức của Bộ nghe dễ mà khó làm sao. Lương tâm nghề nghiệp và tình thương các cháu Miền Nam bảo tôi là không được từ chối. Nhưng tôi xin phép đồng chí Huyên cho về suy nghĩ rồi sẽ xin trả lời sau vài ba ngày.

“Tôi lên thăm con nơi sơ tán. Thấy các cháu đều khỏe ngoan, học tập tốt tôi rất mừng. Tôi đến gặp cô chú phụ trách trại trẻ, gặp Ban giám hiệu và cô chủ nhiệm lớp nơi các cháu đang học, báo cáo việc tôi sắp phải đi công tác xa và gửi gắm các con, nhờ các đồng chí quan tâm chăm sóc, giúp đỡ các cháu nhiều hơn. Ai cũng thấy rằng việc bố mẹ các cháu đều đi xa là điều khó khăn cho họ trong việc nuôi dạy các cháu nhưng vì trách nhiệm nên đều nhận lời sẽ cố gắng làm tôi yên tâm. Cuối cùng đến việc khó khăn nhất là nói cho các con biết mẹ sắp đi công tác xa. Vừa nghe xong các cháu òa lên khóc nức nở. Tôi cũng khóc theo. Ba mẹ con ôm nhau khóc, ruột gan tôi rối bời. Tôi lựa lời khuyên dỗ các cháu, nói cho các cháu hiểu tôi và bố các cháu đi xa là vì nhiệm vụ. Các cháu còn nhỏ nhưng đã hiểu biết nên nói với tôi: thôi má cứ đi, các con ở nhà với các dì các cậu, các cô chú và các bạn cùng trại. Tôi nói các cháu: Thế má đi công tác xa, các con ở nhà phải ngoan hơn, giữ gìn sức khỏe, học tập tốt hơn thì má mới an tâm công tác được. Các con có hứa được không? Các cháu trả lời là các con xin hứa. Tôi càng yên tâm hơn. Ở lại với các cháu một ngày, lo tắm giặt, xắp xếp áo quần cho các cháu, dặn dò thêm rồi về Bộ nhận công tác mới.”

“Tháng 2/1967 tôi theo trường sang Quế Lâm. Tôi lao vào công việc nuôi dạy các cháu, không dám nghĩ đến chồng con. Nhưng những lúc nghe đài Tiếng nói Việt Nam báo tin máy bay Mỹ đến xâm phạm vùng trời Miền Bắc và đến gần Hà Nội hoặc đang bắn phá Hà Nội là tim tôi lại lo lắng cho các con ở nhà. Mong mỏi tin tức các con nhưng không giám lơ là trách nhiệm của mình đối với các cháu học sinh Miền Nam.”
Má tôi còn viết đi viết lại đoạn này 3 lần, lần nào cũng tẩy xóa. Có một đoạn chi tiết hơn nên tôi ghi chép lại:
“Nghe tôi báo sắp đi công tác xa, các cháu òa lên khóc nức nở. Ruột gan tôi đứt từng khúc. Tôi ôm các con và 3 mẹ con cùng khóc. Một hồi lâu cháu lớn (là tôi)nói: thôi má cần đi làm nhiệm vụ thì cứ đi. Các con ở nhà với các cô chú ở trại, các cậu, các dì và các bạn. Cháu nhỏ (em Tín) cũng gạt nước mắt, ôm lấy tôi hôn rồi thì thầm: con đồng ý cho má đi xa. Nghe lời các con tôi như được cởi tấm lòng nhưng càng thấy thương con da diết…”
Tôi và em gái khi đó ở Trại sơ tán của con cán bộ kỹ thuật Quân đội tại xã Song Phượng, trong khuôn viên Đền Sông nằm sát bờ sông Đáy, gần Phùng. Ở đấy thờ Mẫu, có các bà cô lên đồng. Tôi cũng đã xem một buổi lên đồng mà lúc đó chẳng hiểu gì cả. Chỉ thấy cô đồng mặt áo xanh áo vàng múa may lắc lư. Xung quanh có các cô, các bà ngồi hát chầu văn. Rồi cô đồng tự nhiên rú lên, xoay xoay, nói gì đó tôi không hiểu mà cũng hơi sợ nên không xem nữa.

Lán của chúng tôi nấp dưới những hàng cây. Trại trẻ rất đông. Bọn học sinh lớp 4 chúng tôi là lớn nhất nên phải lo những việc lớn trong trại như đào hầm trú ẩn, vận chuyển lương thực, giúp các cô nấu ăn, chia cơm, sơ tán các em vào hầm khi có máy bay và cả bảo vệ cả đám trẻ khi đi qua các làng khác có bọn “choai choai” chặn đánh. Tôi có 8 năm ở trường Học sinh Miền Nam nên khi đó còn nói giọng Nam bộ. Một hôm cả đoàn trẻ chúng tôi bị chặn đánh. Tôi xông ra quát tháo bằng giọng Miền Nam. Thế mà đám “choai choai” kia hô nhau “thằng này người miền đù có võ, chạy thôi”. Có lần chúng tôi được đến thăm một cơ sở đang chuẩn bị vũ khí gửi vào Miền Nam. Tôi thấy các cô chú bôi mỡ dày lên các khẩu súng, quấn vải nhiều lớp rồi nhúng vào bể paraphin hay còn gọi là sáp để có thể thả trôi sông từ đầu nguồn trên rừng xuống vùng hạ lưu. Các cô chú còn nhắc không được kể chuyện này vì đây là bí mật quân sự. Không khí lúc đó sục sôi lắm.

Khi đó Mỹ đã ném bom ác liệt ở gần nơi sơ tán. Tôi đã thấy máy bay bổ nhào, cắt những quả bom đen trũi lao xuống đất, nổ tung lên. Hôm sau nghe nói có xác người văng lên trên bụi tre. Có điều lạ là tôi không thấy sợ hãi gì. Chúng tôi đào hầm con cóc ở bờ sông Đáy. Lớp học cũng trong hầm sâu khoảng 1,5m có lá ngụy trang trên bờ hầm. Chúng tôi đội mũ rơm đi học. Mũ rơm do chúng tôi tự làm. Cứ tết rơm như con gái tết bím tóc rồi xoắn theo hình chiếc mũ rộng vành.

Trong lứa bọn tôi khi đó có bạn cùng học rất thân với tôi là Nguyễn Thế Hùng mà tôi còn gặp lại sau này. Hè 1967, tôi cùng Thế Hùng được chọn lên trường Nguyễn Văn Trỗi sơ tán sang Trung Quốc. Bây giờ nghĩ lại thì thấy điều này là sự quan tâm chăm sóc lớn lao đối với những đứa trẻ, con cán bộ Quân đội đang chiến đấu hy sinh trên chiến trường. Điều này cũng giúp ba má chúng tôi thêm yên tâm chiến đấu trong cuộc chiến khốc liệt. Trường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé đã hình thành trong hoàn cảnh như vậy và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Còn bọn trẻ chúng tôi đôi khi có nghịch ngơm, quậy phá nhưng được chăm sóc học hành tốt nhất có thể được trong môi trường tương đối an toàn đã là điều trân quý nhất rồi.

Vì vậy việc tôi được chụp ảnh với má ở Quế Lâm không còn là bình thường nữa mà có cả câu chuyện đằng sau đó. Tôi đăng lại ảnh chụp cùng với má ở cổng trường Nguyễn Văn Trỗi mới và ảnh cả nhóm, từ trái sang: Cao Quý Vũ K8, Lê Minh Chính K8, Lê Minh Nghĩa K8, má, tôi, Thái Văn Quang K8, Nguyễn Trung K8, Nguyễn Đình Hòa K7, Lê Quý K6. Nhân tiện tôi đăng lại một số ảnh trường Trỗi ở Y Trung và trường mới, có thể có bạn chưa được xem.

 
Ảnh của Lê Minh Nghĩa - từ trái sang: Cao Quý Vũ K8, Lê Minh Chính K8, Lê Minh Nghĩa K8, má, tôi, Thái Văn Quang K8, Nguyễn Trung K8, Nguyễn Đình Hòa K7, Lê Quý K6.


Manh Tri Nguyen >> K8 Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi - 25 tháng 6/2020

Hình ảnh của mấy “chú bé” khi mới nhập trường Trỗi...
...Chẳng phải ngẫu nhiên mà tình bạn, tình anh em chúng ta bền chặt đến vậy cho tới hôm nay.d.đ-k6.
Tấm ảnh kỷ niệm - Blog ÚT TRỖI, Thứ Ba, 11 tháng 3, 2008 Từ trái qua gồm: Nguyễn Thăng Long, Nguyễn Phan Bắc, Lê Hoà Bình K7, Hồ Bá Đạt, Nguyễn Kim Phúc K8.
Nơi chụp là đằng sau dãy nhà ở của K6 bên Ytrung, nơi K6, K7 hay đi bơi vì có cái hồ gần đó.Hồ Bá Đạt.