Chữ Quốc ngữ - HaMeoK6



Chữ Quốc ngữ


Từ những năm 1550, khi các nhà truyền giáo Châu Âu đầu tiên tới Việt Nam, họ đã bắt đầu dùng mẫu tự La-tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Cho tới năm 1615, các tu sĩ dòng Tên (Jesuit) Bồ Đào Nha bắt đầu truyền đạo ở Đàng Trong và từ 1617 họ khởi công la-tinh hóa tiếng Việt.

Người có công đầu trong việc này là linh mục Francis de Pina. Ông sinh tại Bồ Đào Nha năm 1585, đến giảng đạo tại Đàng Trong năm 1617 và sinh sống tại Việt Nam liền trong 8 năm. Lúc này, trụ sở của dòng Tên Bồ Đào Nha đặt tại Thanh Chiêm là dinh trấn của Nguyễn Phước Nguyên, nay là huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Bề trên của nhà dòng là linh mục Buzomi cũng là một nhà ngôn ngữ học và chính ông đã sáng tác một hệ thống văn phạm tiếng Việt.

Năm 1618, linh mục Francis de Pina là người đầu tiên dịch các bản kinh tiếng La-tinh sang tiếng Việt. Đến năm 1622, linh mục Francis de Pina hoàn thành một hệ thống ghi âm theo mẫu tự La-tinh thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt. Năm 1624, linh mục Pina mở trường dạy nói tiếng Việt và dạy viết chữ quốc ngữ tại Thanh Chiêm để dạy các giáo sĩ mới đến giảng đạo tại Việt Nam, trong số đó có Alexandre de Rhode (tên Việt là Đắc-Lộ).

Linh mục người Pháp Alexandre de Rhode (1591 - 1660) đến Việt Nam vào khoảng cuối năm 1624 cùng với 4 linh mục dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản. Ông bắt đầu học tiếng Việt từ một cậu bé khoảng 10 tuổi. Sau đó ông được linh mục Pina dạy tiếng Việt đến cuối năm 1625 thì chẳng may linh mục Pina bị tai nạn chết đuối tại bến cảng Đà Nẵng.

Alexandre de Rhode đã tập hợp và hệ thống hóa lại toàn bộ các công trình về tiếng Việt được La-tinh hóa bởi các người tiền nhiệm. Hai phần quan trọng liên quan đến chữ quốc ngữ là 2 cuốn tự điển Việt-Bồ và Bồ-Việt là công lao của 2 linh mục Bồ Đào Nha Gaspar de Amaral và Antonio de Barbose. Cả 2 ông đều đã chết sớm. Alexandre de Rhode là hiệu đính và bổ sung chứ không phải là tác giả của những cuốn tự điển quan trọng này, nhất là về phần Việt ngữ.

Trong vòng 20 năm, Alexandre de Rhode bị trục xuất đến sáu lần do các chính sách của triều đình lúc bấy giờ. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép. Ông mất năm 1660 ở Ispahan - Ba Tư, 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam.

Đặc điểm của tiếng Việt là các dấu, trong đó có 4 dấu xuất phát từ tiếng Hy Lạp và dấu thứ 5 lấy từ tiếng La-tinh hoặc các tiếng Âu châu:

Dấu Sắc (accent aigu) dùng vào 1 âm đọc lên giọng mạnh, ký hiệu ( ´ ).

Dấu Huyền (accent grave) dùng vào 1 âm đọc giọng nhẹ, ký hiệu ( ` ).

Dấu Ngã (accent circonflexe) dùng vào âm đọc lên giọng rồi xuống giọng ngay, ký hiệu ( ~ ).

Dấu Nặng, vốn không phải là một Dấu mà là một Chữ trong tiếng Hy Lạp. Đó là chữ I (đọc là iota) viết tắt, ký hiệu là ( . ).

Dấu Hỏi, phát tích từ âm điệu của câu hỏi trong tiếng La-tinh hay Âu châu, ký hiệu ( ? )