“Góc để tính sau”

Nếu Chúa trời là có thiệt và tạo ra muôn loài thì có lẽ cách làm của ổng khi đó là:
Trước hết ổng nghĩ và “nặn” các loại cỏ cây hoa lá, thú vật và các loại người. Sau khi đã có đủ 1 “kho” các loài, ổng mới bắt đầu nhìn xuống trần gian và sắp xếp chúng lên các lục địa giống như tụi nhỏ ngày nay chơi Lego vậy.

Ổng sắp xếp loại cây này ở đây, loài thú kia ở đó và giống người này ở chỗ nọ sao cho hài hòa (theo ý ổng lúc bấy giờ)… bỗng lòi ra một vài loại đã “nặn” sẵn nhưng lúng túng không biết đặt vào đâu cho phù hợp? Vậy là ổng tạm để qua một góc để tính sau. Nhưng sau khi sắp xếp xong (có lẽ cũng lâu và hao tổn không ít nơ-ron thần kinh), mệt quá nên ổng quên lửng luôn mấy thứ vốn “để tính sau” và ổng “bấm nút”  cho thế giới hoạt động.

Cái “góc để tính sau” đó ngày nay được gọi là nước Úc. Bởi vậy ở Úc có tới hơn 400 loài chim không có ở bất cứ đâu trên thế giới. Có những loài cây (như cây Banksia) không những còn sống sót qua những đám cháy mà thậm chí còn cần lửa để phát triển. Có những loài thú có vú nhưng lại đẻ trứng và cho con bú (như loài thú mỏ vịt).



con "Tao ko hiểu!"

Lại còn có một thứ con trông hết sức quái lạ, nhẩy nhót linh tinh mà cách đây hơn 200 năm khi những người Anh đầu tiên tới đây đã quá ngạc nhiên và hỏi đám thổ dân (tất nhiên bằng tiếng Anh): Con gì vậy? – Người thổ dân trả lời: Tao không hiểu mày nói gì! Và tất nhiên họ nói bằng tiếng thổ dân mà phát âm ra nghe là “Kang-gu-ru”. Vậy là con đó bị chết tên “Kangguru” cho tới nay mà dân mình gọi là con chuột túi!



thật sự lười biếng

Mà cũng may sao, khi bỏ quên cái “góc” này, Chúa trời đã không “đánh rơi” vào đây một con dã thú nào, nên các loài thú ở đây thật hiền hòa. Có con như gấu túi Koala thật sự lười biếng, nằm trên cây ăn lá giữa chừng bỗng lăn ra ngủ, ngủ chán, tỉnh dậy lại tiếp tục nhấm nháp chẳng có gì để nó lo lắng. Cây cối có sẵn, mọc muôn trùng, ăn hoài không hết, lại không có thứ động vật nào thèm bắt nó ăn thịt. Vậy có gì để mà đề phòng?

Và con người ở đây cũng vậy. Từ xa xưa, ở Úc chỉ có khoảng 1 triệu thổ dân sống trên 1 cái lục địa rộng hơn 8 triệu rưởi km vuông (TB mỗi người có hơn 8,5 km2 !!!) nên cũng chẳng hơi đâu mà đánh nhau tranh giành đất đai như ở nơi khác mặc dù họ có tới hơn 200 ngôn ngữ khác nhau (có nghĩa là hơn 200 dân tộc!).



cờ Thổ dân bên cạnh cờ Úc

Chắc cái tính đó đã “nhiễm” vào đám thực dân da trắng qua đây làm cho chúng phần nào cũng “hiền” hơn thực dân nơi khác. Sau hơn 200 năm từ khi tụi thực dân sang đây, thổ dân Úc giảm xuống còn khoảng 60.000 người (tức là còn khoảng 6%) so với dân da đỏ ở châu Mỹ chỉ còn 2% sau khoảng thời gian tương tự (từ 1637 đến 1890). Và đây là nơi duy nhất có lá cờ riêng của thổ dân được bay cùng với cờ quốc gia.


Vậy đó, nước Úc hiền hòa (và còn hiền hòa hơn nếu không có sự can thiệp con người cũng như động thực vật ngoại lai!).



cái cây này còn lạ hơn!