Trung tuần tháng 3 vừa qua, nhóm bạn Trỗi HN cùng gia đình đã có chuyến đi Mianma rất tuyệt. Mời ACE xem lại một số hình ảnh đã được chia sẻ trên FB Võ Kim Dung, Sơn Kều, Minh Nguyen, Trung Le, Hung Chi, Lan Phung cùng một số thông tin sưu tầm trên mạng.
Lời dẫn của Anh Minh:
Hưu hắt rồi ae vẫn rủ nhau đi chơi bù cho hồi còn là người nhà nước cũng đi nhiều nhưng toàn đi riêng, không cùng ae bantroi.
Chuyến đi này gồm 1 Trỗi K1 là bác Tuấn anh trai Anh Minh. K6 đi cặp gồm vợ chồng Anh Minh, Ngô Sơn, Thanh Trung, Tạ Chính, Chí Hùng. Bình tũn, Thái bò, Sơn ton đi 1 mình. K7 có vợ chồng Hà mít. Còn lại là bạn bè Trỗi.
Ae đi là muốn thăm lại cảnh 1 đất nước mới mở cửa, giống VN khoảng 20 năm trước. 90% người Miến theo Phật giáo nên đất nước rất yên bình. Đời sống ở thành phố như Yangon cũng rất khá, nhưng ở ngoài vùng nông thôn thì còn nghèo. Tuy nhiên mọi người đều nhận xét chắc trong thời gian không xa Mianma sẽ vượt VN về kinh tế. Trật tự XH của họ mang lại cảm giác yên bình, thủ tục qua cửa khẩu thấy cũng đơn giản, không phát sinh phức tạp như bên mình...
Trong 4 ngày đi thăm được nhiều chùa, lớn nhất là Chùa Vàng và Chùa Đá Vàng. Nghe nói còn nhiều chùa đẹp nữa. Ẩm thực khá giống VN.
Ae đi rất vui, mỗi người được giao nhiệm vụ mang 1 chai rượu để uống dọc đường. Chuyến đi này lãi nhất Thái bò, ôm được mấy em gái Miến.
Sau chuyến này ae đang muốn phát huy tổ chức thêm các chuyến khác nữa, gần nhất chắc sẽ đi Lào. Biết đâu sẽ tổ chức chuyến sang châu Âu để thăm ae mình sinh sống bên đó.
Myanmar nằm ở phía tây bán đảo Trung Nam, với diện tích 676.581km2 gấp 3 lần diện tích của Việt Nam và có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Ngôn ngữ chính thức của Myanmar là tiếng Myanmar. Trong các công sở tiếng Anh cũng được dùng tương đối phổ biến.
Myanmar là một quốc gia Phật giáo, các công trình kiến trúc và văn hóa của Myanmar mang đậm màu sắc tôn giáo. Tháp Phật có ở khắp mọi nơi, nổi tiếng nhất là tháp vàng Shewedagon ở thủ đô Yangon và một quần thể chùa thờ Phật gồm hơn 200 ngôi chùa ở Bangan.
Myanmar là đất nước chặt chẽ trong vấn đề tôn giáo và văn hóa truyền thống phong tục tập quán có nhiều nét thú vị, người dân hiếu khách, thông minh và nền văn hóa đa dạng. Sự nổi tiếng được nhiều người biết đến của Myanmar là kiến trúc chùa chiền, đồ thủ công mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý. Đây là điều khiến du khách cảm thấy vô cùng thú bị khi đến Myanmar.
Myanmar có ba mùa rõ rệt. Mùa thu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9. Mùa thu thích hợp cho du lịch ở Myanmar hơn cả. Mùa mưa, ở Yangon mưa cả ngày lẫn đêm, còn ở Bangan và Mandalay trời lại rất ít mưa. Từ tháng 10 đến tháng 2, khách du lịch đến Myanmar rất đông vì thời gian này ít mưa, khí hậu ôn hòa.
Theo Tours
Phật giáo
Người dân Myanma sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn ở Myanma, cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo. Mùa chay Phật giáo cũng được ghi trên lịch của Myanma là ba tháng mùa mưa, tương đương với thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Trong thời gian đó có các hoạt động ăn chay, cưới xin, chuyển nhà thường được hoãn lại.
Trong các tín đồ Phật giáo ở Myanma có 99% là người Miến, người Shan và người Karen. Cả nước Myanma có khoảng 500.000 tăng ni. Đạo Phật ở Myanma theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy – tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, giáo phái Nam Tông. Sự tu hành của các sư cũng giống như Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia: các sư không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực, không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn.
Dưới thời thủ tướng Ne Win, Phật giáo tại Mianma từng được đưa vào Hiến pháp là quốc đạo, nhưng các chính quyền quân sự Myanma tiếp theo đã xóa bỏ điều khoản này để đảm bảo công bằng về tôn giáo.
Cả nước Myanma có hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp đất nước. Vì vậy, cũng như Campuchia, Myanma còn được gọi là đất nước Chùa tháp.
Chùa thấp tập trung nhiều nhất ở thành phố Bagan, gồm khoảng hơn 4000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên diện tích khoảng 40km2. Nhiều chùa, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ nguyên Bagan (thế kỷ 11).
Nhiều chùa tháp của Myanma thường được xây trên các đỉnh núi cao hơn mặt nước biển hàng nghìn mét để cất gi, bảo quản xá lợi Phật và các Phật tích khác. Các ngọn tháp cất giữ xá lợi Phật là những cấu trúc liền khối hình nón với một căn phòng chứa báu vật ở bên dưới. Khu nền bao quanh ngọn tháp là nơi dành cho hành khách hương cầu nguyện, thiền định, tụng kinh hay dâng hương. Những kiến trúc Phật giáo khác gồm có: tượng Phật – được dựng ngoài trời hay dưới một mái che, Phật đường – là nơi tổ chức thuyết pháp và các buổi lễ.
Ở lối vào những ngôi đền, chùa lớn thường có nhiều quầy bán hoa tươi, cành lá, nến, vàng thếp, những chiếc dù, quạt nhỏ bằng giấy màu để dâng lên Đức Phật. Giày dép của khách thập phương phải bỏ bên ngoài mỗi khi bước chân vào đền, chùa.
Theo Wikipedia
Nhấp chuột vào ảnh nhỏ để xem ảnh gốc có độ phân giải lớn hơn
Hà Nội – Yangon: Bay hơn 1 tiếng rưỡi
Một góc bức tranh tường khổng lồ treo ở sân bay quốc tế Yangon. Bức tranh phác họa cảnh vật và con người đặc trưng của Myanmar. Ảnh tanpt trên Net
Bữa ăn đầu tiên ở đất Mianma thưởng thức đồ ăn Thái 11/03/2015 Asia Plaza Hotel (Ảnh Chí Hùng)
Chùa Kyaikhtyo, còn được gọi là Chùa Đá Vàng, là một ngôi chùa cổ tọa lạc ở bang Mon, được xây dựng vào năm 574 trước Công Nguyên, là kỳ quan có một không hai trên thế giới. Ngôi chùa chỉ cao (7,3 mét (24 ft)), được xây trên tảng đá lớn hình quả trứng, màu vàng. Hòn đá này nằm ở một vị trí kỳ lạ, nó nằm chênh vênh trên mỏm vách núi ở độ cao 1.100 m so với mặt biển, trông rất ngoạn mục, nghiêng hẳn ra miệng vực mà không hiểu sao lại không bị lăn xuống bên dưới.
Trong ngôn ngữ Môn, từ "Kyaik" có nghĩa là “chùa”, còn “yo” nghĩa là ngự trên đầu của nhà ẩn sĩ; còn trong tiếng Pali thì “hti” nghĩa là một nhà ẩn sĩ và vì thế Kyaikhtiyo hàm ý ngôi chùa mang đầu của nhà ẩn sĩ.
Ở Myanmar, Hòn đá Thiêng (Kyaik-htiyo) là chốn linh thiêng với những người theo đạo Phật.
Truyền thuyết cổ ở Myanmar kể rằng: Đức Phật rất hay ghé thăm vùng đất này. Trong một lần ghé thăm ấy, Ngài trao một sợi tóc của mình cho một vị Cư sĩ có tên là Taik Tha. Vị Cư sĩ rất băn khoăn làm thế nào để có thể cất giữ được báu vật này. Ông mang dâng lên đức Vua của mình và mong muốn sợi tóc Phật phải được lưu giữ bên dưới một tảng đá có hình thù giống như chiếc đầu của vị Cư sĩ. May thay, Đức Vua lại chính là con trai của một Zawgyi (một nhà giả thuật có đầy đủ pháp thuật, quyền uy) và một Naga (rắn biển). Nhà vua liền đi tìm tảng đá và cuối cùng phát hiện nó nằm dưới đáy biển sâu. Được sự giúp sức của Thagyamin (vị Vua cai quản chốn bồng lai theo thuyết vũ trụ của Phật giáo), Đức Vua đã tìm được một nơi chốn lý tưởng là đỉnh núi Kiaikhtiyo để đặt hòn đá. Đức Vua cho đóng một con thuyền lớn để chở hòn đá về núi và cho xây một tháp chùa bên trên để cất giữ sợi tóc Phật. Dù hòn đá nằm chênh vênh bên bờ vực nhưng nó không thể rơi xuống dưới bởi nó đã được sợi tóc Phật giữ cho thăng bằng.
Truyền thuyết cũng kể rằng khi hòn đá có hình chiếc đầu của vị Cư sĩ đã yên vị và là nơi cất giữ sợi tóc thiêng của Đức Phật thì chiếc thuyền chở nó cũng cùng lúc hóa đá. Nơi chiếc thuyền hóa đá giờ là nơi thờ tự thiêng liêng của người hành hương và nó nằm cách Hòn đá Thiêng khoảng 300 mét. Khu thờ tự này được biết dưới cái tên Kyaukthanban Stupa tức là “Tháp thờ con thuyền đá”.
Khu đền thờ với Hòn đá Thiêng này nằm cách Yangon 180 km về hướng Đông. Con đường từ Bago tới chân núi rất dễ đi, nhưng bắt đầu hành trình từ chân núi để lên đến khu thờ tự thì quả thực đó là con đường hành hương gian khổ mà bất cứ ai muốn đặt chân lên đỉnh núi cũng đều phải trải qua.
Kinpun là một thị trấn nhỏ nằm ở chân núi Kyaikhtiyo, đây là nơi tập kết của những người hành hương và các du khách. Từ đây, những chiếc xe chuyên dụng sẽ đưa bạn vượt qua 13 km đường núi hiểm trở để lên khu trại Yathedaung nằm ở độ cao 700 m.
trải nghiệm ngồi xe tải mui trần leo núi rất thú vị...
... vượt qua 13km đường núi quanh co
khách tự leo bộ lên chùa, mất khoảng 1 tiếng 30 phút (có thể thuê kiệu khoảng 30-35 USD/ kiệu/ chiều)
Hòn đá Thiêng nằm trên khu vực cao nhất của dãy núi Kiaikhtiyo. Đây là một khu thờ tự khá lớn.
Cặp sư tử uy nghi đứng gác hai bên cổng các ngôi chùa ở Myanmar. Nó được gọi là Sư tử Thần Chinthe.
Tảng đá có chiều cao là 7,3 mét. Bên trên tảng đá là một tháp thờ được đúc bằng vàng khối có chiều cao là 7,6 mét nên toàn bộ Hòn đá Thiêng này có chiều cao khoảng 15 mét.
Các nơi thờ tự Phật giáo ở Myanmar, chỉ có nam giới được phép bước đến gần hay chạm vào các pho tượng hoặc các biểu tượng thiêng liêng. Hòn đá Thiêng trên đỉnh Kiaikhtiyo này cũng không ngoại lệ. Người ta cho dựng một hàng rào sắt ngăn cách Hòn đá Thiêng với các khu vực thờ tự khác trong sân chùa. Phụ nữ đến đây sẽ đứng ngoài hàng rào sắt, thắp nến và cầu nguyện. Nam giới được phép đi qua chiếc cổng nhỏ, bước trên một chiếc cầu để đến bên Hòn đá Thiêng.
Thành phố Bago, tên trong quá khứ vinh quang là Pegu, Hanthawaddy, là thủ phủ của vùng Bago. Thành phố này cách Yangon khoảng 80 km về phía Bắc. Thành phố nằm ở hai bên bờ sông Ayeyarwady, bên bờ phía Đông là khu phố cổ và bên bờ phía Tây là khu phố mới. Thành phố có khoảng hơn 200.000 dân.
Các điểm tham quan chính:
- Mahazedi Paya
- Tượng Phật Shwethalyaung (Phật nằm)
- Shwemawdaw Paya
- Kyaik Pun Paya
- Kanbawzathadi Palace
Ngôi chùa Tháp Kyaikpun này nằm cách Yangon khoảng 80km và cách trung tâm Bago khoảng 5km. Trên con đường từ Yangon đến gần Bago, bạn sẽ nhìn thấy một chiếc cổng lớn chào đón mọi người rẽ vào thăm Kyaikpun Paya. Đi thêm khoảng 1 cây số đường làng, trước mắt bạn sẽ là những pho tượng “Phật ngồi” khổng lồ nổi bật dưới bầu trời xanh ngắt.
Ngôi chùa được vua Dhammazedi xây dựng năm 1476 trước Công nguyên. Tại đây, có bốn bức tượng Phật khổng lồ cao 27m trong tư thế ngồi tựa lưng chiếc cột trụ hình vuông nhìn ra 4 hướng, là biểu tượng của Đức Phật giác ngộ trên khắp thế gian. Theo đó pho tượng Phật hướng về phía Đông là Phật Kakusandha (Câu Lưu Tôn), phía Tây là Phật Kassapa (Ca Diếp), phía Nam là Phật Konagamana (Câu Na Hàm), phía Bắc là Đức Phật Gautama (Cồ Đàm).
Bốn bức tượng thể hiện 4 trạng thái hỷ, nộ, ái ố khác nhau của Đức Phật. Mỗi gương mặt Phật có biểu hiện một tình cảm rất khác nhau nhưng người xây dựng tượng cố ý không để cho ta dễ dàng xác định trên gương mặt Phật nào có biểu hiện tình cảm gì (Vui, buồn, hạnh phúc, mãn nguyện hay tức giận)...
Tương truyền rằng: Tại Vương Quốc Bago Nhà Vua sinh ra 4 công chúa xinh đẹp, cả bốn người đều có đức công dung ngôn hạnh đến tuyệt vời, Một ngày mùa Xuân bốn Công chúa được phép Vua cha đến lễ chùa như những tín đồ Phật giáo khác trong vùng. Biết được điều này Đức Phật rất mừng và cho đồ đệ chuẩn bị đón tiếp 4 Công Chúa rất mực ngoan đạo đến viếng Chùa.
Dưới điện Phật đài 4 cô gái đều khấn rằng, họ sẽ suốt đời đi tu mà không xuất giá - lấy chồng - họ nguyện mãi mãi đi tu dưới bóng Phật đài mà không xây dựng gia đính... khi ra về ai trong họ cũng muốn mình phải giữ mãi lời thề với Phật...
Mấy năm sau, người Công Chúa thứ ba đi lấy chồng và sinh con đẻ cái, có một cuộc sống gia đình rất hạnh phúc và mãn nguyện. Mùa xuân năm ấy bốn chị em lại đến Chùa để cầu Phật trời phù hộ cho chúng sinh và Vương Quốc. Đến nơi thì bốn cô gái phát hiện ra rằng vẻ mặt của Phật bỗng nhiên đổi khác, hình như Ngài có lúc vui, lúc buồn, lúc tức giận... Không ai trong họ hiểu nỗi những tình cảm xuất hiện trên gương mặt Phật khi họ đến thăm chùa...
Có người cho rằng vì thấy người Công chúa thứ 3 đã đi lấy chồng, sinh con đẻ cái có cuộc sống hôn nhân vô cùng hạnh phúc, nên đức Phật đã rất buồn vì nàng không giữ trọn lời nguyền trước Phật năm nào?
Có người cho là Ngài rất vui khi thấy cố công chúa thứ 3 kia đã có cuộc đời như mình mơ ước lúc còn thiếu nữ, và Ngài rất lấy làm buồn cho 3 cô công chúa kia mãi mãi không lấy chồng vì đã trọn lời thế dưới bóng Phật đài?
Chỉ những người có niềm tin sâu xa vào Phật Giáo, những người thấm nhuần chân lý đạo Phật mới giải thích được những nỗi niềm ẩn hiện trên kia, trên gương mặt đức độ của Người...
Myanma cũng có rất nhiều thiền viện – là nơi ở của các nhà sư. Các Phật tử trong và ngoài nước thường tới thiền viện để tỏ lòng kính trọng và dâng đồ bố thí, cúng dường như thức ăn, tiền bạc, áo cà sa và vật dụng cho các sư. Phật tử có thể lưu lại cả tuần, cả tháng, cả năm trong thiền viện để học thiền, nghe thuyết pháp hay nghiên cứu Phật pháp. Nhiều nghi lễ tôn giáo, trong đó có lễ thụ giới và lễ dâng cà sa,… được tổ chức rất trang trọng tại các thiền viện. Một số khu vực trong thiền viện cấm phụ nữ không được lui tới. Vào các kỳ nghỉ hè hằng năm, học sinh từ 6 đến 16 tuổi cũng tập trung ở đây làm lễ xuống tóc, đổi áo và dự một khóa tu khoảng 1 tháng để học các giới luật, nghe thuyết pháp và tu thiền.
Ở Myanmar, các vị tu hành rất được sùng bái và kính trọng. Để trở thành một người tu hành được khoác lên mình chiếc y vàng, các vị sư ngoài sự tu hành diệt dục còn phải biết giữ gìn giới hạnh mới mong có ngày đạt được sự siêu thoát. Người dân Myanmar khi vào chùa tu một thời gian thì thấy rằng để diệt được dục là điều cực khó và hầu như họ đều có lần phạm giới. Chính vì thấu hiểu được sự tu hành gian khổ mà các vị tăng phải trải qua nên trong xã hội ở Myanmar, các nhà sư luôn có một vị trí được tôn kính. Ở quốc gia mà Phật giáo được coi là Quốc giáo này có đến 450 nghìn nhà sư nam và 28 nghìn nhà sư nữ.
Kyat Khat Wine Monastery là một học viện Phật giáo khá lớn và là tu viện lớn thứ ba của Myanmar, nơi tu học của các vị tăng theo trường phái Phật giáo nguyên thủy (Tiểu thừa). Tùy vào từng học kỳ hoặc từng năm mà số học viên tại tu viện này dao động từ 700 đến 1200 vị tăng. Tu viện Kyakhatwine là nơi học tập, nghiên cứu chuyên sâu và thi các cấp độ cho các vị tăng.
Các đoàn khách ngoại quốc ngày ngày kéo nhau đến đây để xem các nhà sư… ăn cơm. Các sư theo dòng Tiểu thừa vẫn có thể ăn thịt cá như người thường, chỉ tránh sát sinh và không ăn bữa tối. Ngày hai bữa sáng, trưa. Từ chính Ngọ trở đi họ sẽ nhịn cho đến sáng hôm sau...
Từ cổng vào, bạn sẽ nhìn thấy một dãy tượng cao 3m dát vàng, các sư với trang phục và chiếc hũ khất thực đặc trưng của trường phái Phật giáo nguyên thủy (Tiểu thừa).
Khoảng 11h30, các nhà sư mặc áo tía đứng im lặng ở điểm xuất phát từ những trai phòng rồi sắp hàng một...
... bước chầm chậm đến nhà ăn.
chuẩn bị chuyến sau sang... tu học tại đây
Thăm Chùa Shwe Maw Daw
(nơi đang bảo tồn xá lợi tóc và xương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni)
Chùa Hoàng Thần Shwemawdaw – chùa cao nhất Myanmar
được phủ trên 5.000 viên kim cương và 2.000 viên hồng ngọc, có một viên kim cương cực kỳ quý hiếm nặng 76 carat – với chóp cao nhất 114m.
Chùa vàng Shwemawdaw ở Bago nhìn cũng giống Shwedagon ở Yangon
Đỉnh tháp của chùa Shwemawdaw cổ bị đổ và được lưu giữ cạnh tòa tháp vàng Shwemawdaw ngày nay.
Người dân ở đây không bày biện lễ vật như bên mình. Tiền cúng tiến được cho vào thùng kính phía bên bệ thờ. Không thắp hương hay đốt nến, nếu có chút hoa tươi hoặc hoa quả thì cũng chỉ bày khiêm tốn, lễ xong phải mang đi.
Hoàng cung Kambawzathardi được vị Vua Bayint Naung cho xây dựng ở Pegu vào năm 1553 tức là hai năm sau khi ông lên ngôi. Dưới triều đại của Bayint Naung, nhiều vùng đất đã bị thu phục và ông Vua này luôn truyền bá tư tưởng Phật giáo ở các miền đất mà ông cai quản.
Năm 1562, vua Bayint Naung đã thống nhất Myanmar và đến năm 1566 thì cho xây dựng thành phố mới được đặt tên là Hamshawaddy (thành phố của chim công vàng Hams) tức là Bago ngày nay.
Năm 1581, vua Bayint Naung qua đời và để lại ngôi vua cho người con trai của mình là Nanda.
Năm 1599, Hoàng cung Kambawzathardi bị đốt cháy hoàn toàn.
Hoàng cung ở Bago ngày nay được phục dựng lại từ những nghiên cứu khảo cổ học cùng hiện vật được tìm thấy trên nền cung điện cũ.
Shwethalyaung Buddha là một tượng Đức Phật nằm ở phía tây của thành phố Bago (Pegu), Miến Điện (Myanmar). Bức tượng này có chiều dài 55 m (180 foot) và cao 16 m (52 foot), là bức tượng lớn thứ 2 thế giới, sau bức tượng nằm dài 74 m ở Dawei (Tavoy). Người ta cho rằng bức tượng này được tạo dựng năm 994, trong thời trị vì của vua Môn Migadepa. Bức tượng này bị mất năm 1757 khi Pegu bị cướp bóc và vào thời kỳ Anh quốc cai trị Miến Điện năm 1880, Shwethalyaung Buddha đã được tìm thấy lại và được phục hồi năm 1881.
Tượng phật nằm dài hơn 50m, được tạo dựng cách đây rất lâu, do chiến tranh bị lãng quên trong rừng già nhiều thế kỷ. Cách đây gần 200 năm mới được phát hiện và trùng tu lại. Anh Minh
Yangon, thủ đô cũ của Myanmar, là thành phố lớn nhất Myanma, là nơi kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa một bên là nền văn hoá Miến Điện thực thụ, bên kia là những di sản thời thuộc địa sót lại, vẫn còn tồn tại hàng thập kỷ sau khi Anh Quốc rút lui. Nhịp đập của thành phố hòa nhịp cùng những con đường rộn rã của nó đã tạo nên nét rất riêng của đất nước và người Myanmar. Du khách tới đây sẽ hứng khởi khi chứng kiến những cuộc diễu hành rất nghiêm trang của các nhà sư trong bộ áo choàng màu vàng nghệ và tím, những ni cô đang tìm của bố thí, và những phụ nữ Myanmar sang trọng điểm xuyết cho mình những món trang sức giả kim vàng óng. Kẻ trẻ, người già thích kéo dài cuộc tán gẫu trong những phòng trà, trên môi là điếu xì gà truyền thống thơm ngát, trong những bộ trang phục truyền thống theo kiểu longyi và htamein đã có từ hàng thế kỷ qua.
Theo Tours
Chùa Shwedagon (chùa vàng Shwe - có nghĩa là vàng (gold) và dagon là tên cũ của Yangon. Shwe biến âm với Việt ngữ Khè, kê (loại hạt mể cốc mầu vàng). Ta có từ đôi vàng khè. Theo qui luật từ đôi ta có vàng = khè = Shwe- = kê) ở Yangon – nổi tiếng thế giới, được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất, là Trái Tim của Phật giáo Myanmar. Tại đây có lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm Phật trượng (cây gậy) của Phật Câu Lưu Tôn (Phật Kakusandha), bầu lọc nước của Phật Câu Na Hàm (Phật Konagamana), một mảnh áo của Phật Ca Diếp (Phật Kassapa), và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca (Phật Tổ Gautama). Stupa dát vàng lá của chùa cao tới 98-99 mét. Chùa nằm trên đồi cao Singuttara, từ đây có thể quan sát được cả thành phố Yangon.
Nét nổi bật của Shwedagon là có đến hàng nghìn bức tượng Phật lớn nhỏ, được làm bằng vàng hoặc cẩm thạch vô cùng tinh xảo. Trên đỉnh chóp của ngôi chùa này có gắn viên kim cương 76 kara. Chùa Phật vàng Shwedagon là biểu tượng và cũng là niềm kiêu hãnh của đất nước Myanmar Kiến trúc
Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa. Mỗi lối lên có một cặp chinthe (sư tử thần) canh gác. Lối phía đông và phía nam có rất nhiều cửa hàng bán dụng cụ thờ Phật và dụng cụ tu hành. Tại các bậc thang cuối của lối lên phía Nam có chân dung hiện thân thứ hai của Phật, tức là Phật Câu Na Hàm.
Đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng. Trên đế tháp là sân hiên mà chỉ có các nhà sư và nam giới được phép đi vào. Tiếp theo là phần hình chuông của tháp. Trên phần hình chuông là phần mũ tháp. Trên phần mũ tháp là phần giả như các cánh sen. Trên phần giả các cánh sen là phần có hình dáng hoa chuối, rồi trên nữa là phần hình vương miện. Phần hình vương miện còn gọi là lọng (hti) được nạm 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g).
Vàng giát quanh tháp là những tấm vàng dát mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Các tín đồ mua các tấm vàng dâng nhà chùa để giát vào tháp. Việc dâng vàng này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu.
Thăm viếng
Chùa từ lâu trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanma. Khi vào chùa phải cởi giày dép. Thời thuộc Anh, chính quyền thực dân ra quy định rằng người Anh và quan chức chính phủ đô hộ vẫn được đi giày dép khi vào chùa. Người Myanma thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.
Theo Wikipedia
Chùa Shwedagon là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng trên thế giới. Không ai biết chính xác thời điểm ngôi chùa này được xây dựng, các nhà khảo cổ chỉ ước chừng ngôi chùa có lịch sử khoảng 2.500 năm, được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ X. Shwedagon đã trở thành một điểm đến thu hút rất đông khách du lịch đến thăm quan, lễ phật và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của chùa.
Ngôi chùa toạ lạc trên đỉnh đồi Singuttara, vừa bề thế, vừa uy nghi. Cả bốn hướng đều có những bậc thang dài dẫn vào chùa. Toà tháp vàng khổng lồ cao tới 99m. Cổng phía Nam chùa có một đôi tượng sư tử cao 9m, hướng ra phía trung tâm thành phố.
Quần thể Chùa Vàng bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh toà tháp trung tâm. Trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá có thờ tượng Phật bên trong. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn đêm, ngôi chùa vàng luôn phát những tia sáng vàng lấp lánh.
Ngoài vẻ nguy nga hoành tráng của ngôi chùa cổ, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi cách bài trí cả bên trong và ngoài của ngôi chùa. Chỉ tính riêng nội thất của ngôi chùa đã được chạm khắc tinh vi, cầu kỳ với khoảng 8.690 lá vàng dát cực mỏng. Toàn bộ ngôi chùa còn được tô điểm bằng 5.450 viên kim cương đủ kích cỡ và 2.320 viên hồng ngọc, lam ngọc.
Trong chùa còn lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca, bảo vật linh thiêng nhất của Phật giáo. Tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật, được phủ kín bằng 9.300 lá vàng với tổng khối lượng là 500kg, và được trang trí bằng hàng ngàn viên đá quí, kim cương và hồng ngọc, cùng với hàng trăm chiếc chuông vàng. Trên đỉnh tháp là lá cờ đuôi nheo được làm hoàn toàn bằng vàng, khảm kín với 5.448 viên kim cương và 2.317 viên đá quí. Đỉnh tháp treo tất cả 1.065 chiếc chuông vàng và 421 chiếc chuông bạc.
Theo Wikimapia
Xung quanh ngôi chùa chính là 64 chùa nhỏ; 4 chùa lớn hơn phân bố đều ở giữa mỗi bên và rất nhiều bảo tháp và các bức tượng của người, các con vật… Có 4 lối vào dẫn đến ngôi chùa chính, mỗi cửa có một cặp tượng sư tử lớn canh giữ. Trong chùa, nhiều nơi như nền, điện thờ, hoa văn được trang trí với hàng ngàn hạt kim cương, vàng, ngọc lục bảo, hồng ngọc, đá sapphire và nhiều loại đá quý khác.
Tòa tháp Vàng trung tâm. Phần bên ngoài của các tòa tháp đều được dát bằng vàng lá. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn đêm, ngôi chùa vàng luôn phát những tia sáng vàng lấp lánh.
Khuôn viên chùa có diện tích khoảng 60.000m², có tổng cộng 1.000 đơn thể bao quanh tòa tháp vàng trung tâm với 72 ngôi chùa bằng đá có thờ tượng Phật bên trong. Xen giữa các ngôi chùa là vô số bức tượng và hình khắc sư tử, voi...
Cũng như mọi chốn chùa chiền khác ở Myanmar, khi bước vào thăm chùa bạn phải ăn mặc chỉnh tề: Không mặc quần short hay áo ba lỗ. Váy phải dài quá đầu gối và tốt nhất là váy trùm mắt cá chân. Giày dép đều phải gửi lại ở khu vực cổng ra vào, chỉ được đi chân trần bước vào trong chùa.
Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật. Chẳng hạn như bạn sinh vào thứ sáu, bạn sẽ tìm đến biển treo Friday Corner... Tại đây, bạn sẽ làm lễ dâng hoa, tắm cho tượng Phật, cầu chúc những điều bình an cho gia đình và bản thân. Số cốc nước được tắm cho tượng Phật sẽ bằng số tuổi của bạn.
Tòa tháp trung tâm cùng các mái tháp vàng rực
Đỉnh của tòa tháp vàng
Quả cầu trên đỉnh tháp gắn kim cương, ngọc, đá quý.
(Ảnh chụp qua tư liệu lưu trữ trong Bảo tàng Shwedagon).
Cây bồ đề ngàn năm tuổi - được triết cành từ cây bồ đề đã che bóng mát cho Đức Như Lai - xum xuê tỏa bóng mát xuống khoảnh sân rộng.
Theo truyền thuyết được các vị sư ghi chép: Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, hai anh em nhà buôn người Miến có tên là Tapussa và Bhallika sang buôn bán ở Ấn độ và được giác ngộ về đạo Phật. Trở về Myanmar, họ mang theo hai bảo vật của Ấn độ là tám sợi tóc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng một nhánh rễ cây bồ đề nơi Đức Phật ngồi thiền chứng ngộ nỗi thống khổ của chúng sinh và thành đạo. Với của cải của mình cùng sự quyên góp, họ đã đứng ra xây dựng ngôi chùa Shwe Dagon. Tám sợi tóc của Phật Thích Ca, 3 bộ tàng kinh, áo cà sa của Phật Ca Diếp, cây lọc nước của Phật Câu Lưu Tôn, cây gậy chống của Phật Câu Na Hàm là những báu vật hiện đang được lưu giữ trong tòa bảo tháp cao 99 mét được dát bằng vàng lá này. Nhánh rễ cây bồ đề xưa giờ đã trở thành một cây cổ thụ nghìn năm tuổi mà tán lá che mát cả khoảng sân trước tòa bảo tháp. Các nhà nghiên cứu khảo cổ thì cho rằng Chùa Vàng Shwe Dagon được xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X sau công nguyên.
Cư dân thành phố Yangon sống chủ yếu trong những ngôi nhà tập thể cao tầng
Đường phố chỉ có ô tô được lưu thông do chính phủ cấm xe máy. Trên đường, không có cảnh đi sai làn, bóp còi inh ỏi rồi đòi vượt. Ở các ngã tư, ngã năm, xe đều giảm tốc độ và nhường cho các xe khác theo thứ tự ưu tiên.
Bogyoke Aung San được ví như là một Myanmar thu nhỏ, bởi du khách có thể tìm thấy được bất cứ món đồ đặc sắc nào của văn hóa Myanmar tại đây.
Chợ Bogyoke Aung San(tên tổng thống đầu tiên của quốc gia Miến Điện độc lập, thời Anh, còn có tên là Scott Market) bán từ thực phẩm đến vải vóc, giày dép, từ đồ thủ công mỹ nghệ (chủ yếu gia công bằng chất liệu sừng, gỗ, đá và vỏ trai) cho đến đá quý cỡ vài ngàn đô la Mỹ một viên. Đá quý là một đặc sản của Myanmar. Myanmar nổi tiếng với những viên ruby và saphire xanh tìm thấy từ hai vùng mỏ Mong Hsu và Mogok.
Bogyoke Aung San, là khu chợ đá quý lớn nhất Yangon, lúc nào cũng nhộn nhịp. Và hầu hết là khách nước ngoài.
Trung tâm buôn bán đá quý lớn nhất Myanmar nằm ngay trục chính, chia làm hai khu lớn. Đá quý ở đây sau khi từ các mỏ như Mogok – mỏ đá quý lớn nhất thế giới, qua chế tác, được chở về tập trung tại các đầu nậu trên con phố Swe Bon Tha, sau đó chuyển đến Bogyoke để bán cho người nước ngoài. Thời điểm mua hàng tốt nhất ở Bogyoke là sau 3 giờ chiều, khi đó hàng mới sẽ được chuyển về.
Bogyoke không phải là chỉ chuyên bán đá quý. Ở đây có hầu hết mọi mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Myanmar, với giá chạy từ vài trăm kyats đến vài chục nghìn kyats (đơn vị tiền tệ Myanmar).
Chi em sắm đồ tại chợ tổng hợp ở Mianma Chợ Bagyoke Aung San - Bogyoke Market
đồ trang sức, đá quý...
... hàng thủ công mỹ nghệ
Những con thú làm từ gỗ thơm như cá vàng, voi, rùa, heo... rất đẹp
Sinh nhật Sơn kều 13/03/2015
tại nhà hàng nổi Karaweik Palace Restaurant, Kandawgyi Nature Park.
Đây là một nhà hàng được xây dựng trên hồ Kan Daw Gyi trong công viên đẹp nhất Yangon, với hình dáng là một cặp thuyền đôi hình chim Hamsh, đôi chim của đức Phật và là biểu tượng của Hoàng gia Myanmar. Tòa nhà này quay đầu về hướng ngôi chùa Vàng Shwe Dagon nằm ở phía bờ bên kia của hồ Kan Daw Gyi (Ở Yangon, các tháp thờ, đền thờ, tu viện hay công trình mang biểu tượng Phật giáo đều được thiết kế quay đầu về tòa tháp trung tâm: Chùa Vàng Shwe Dagon). Một chiếc cầu nằm ở phía đuôi của đôi chim dẫn bạn vào phòng tiếp đón. Hai bên là khối nhà hai tầng với mái và trên cùng là đỉnh Pyatthat (tháp thờ hình vuông). Nội thất mang phong cách Hoàng gia thế kỷ XVIII, khách ngồi ăn và xem các tiết mục nghệ thuật truyền thống của Myanmar.
Một chiếc cầu nằm ở phía đuôi của đôi chim dẫn bạn vào phòng tiếp đón.
Ngay cổng đón tiếp là một cặp trai gái Miến ngồi chào đón khách.
Khách vừa ăn vừa thưởng thức ca múa dân gian Myanmar.
Chuyến đi này lãi nhất Thái bò, ôm được mấy em gái Miến.
Chùa Chaukhtatgyi với tượng Phật nằm khổng lồ (Yagon)
Chauk Htat Gyi cũng là một ngôi chùa nổi tiếng tại Yangon, được xây dựng từ năm 1907, có chiều cao bằng một tòa nhà 6 tầng. Điểm đặc biệt tại chùa Chauk Htat Gyi là bên trong đặt một bức tượng Phật nằm khổng lồ được tạc năm 1966, dài 65 mét cao gần 30 mét. Tượng Phật đầu quay về hướng Đông và mặt quay hướng Nam. Chùa được mở cửa suốt 24 giờ trong ngày và du khách được miễn phí vé khi vào cổng.
Tượng này đặc biệt là Phật mở mắt nhìn xuống thế giới. Đôi mắt biếc, long lanh. Đôi mắt Phật làm bằng pha lê do công ty chế tạo pha lê, thủy tinh nổi tiếng nhất của Myanmar cúng tặng.
Bôi kem dưỡng da kiểu Miến.
Thanakha - một nét đặc trưng văn hóa riêng biệt của đất nước Myanmar.
Đến Myanmar bạn sẽ thấy người dân nơi đây, từ người nội trợ cho đến dân công sở, từ người già cho đến trẻ con, thậm chí cả những người đàn ông … ai ai cũng bôi một lớp bột trắng lên khuôn mặt của mình.
Người dân nơi đây nói rằng cái thứ phấn trắng nhờ nhờ mà họ phết lên mặt ấy là một loại bột được mài ra từ một khúc gỗ được trồng rất nhiều ở miền Trung của Myanmar. Lúc đầu nó được bôi lên ở những phần da thường phải tiếp xúc với ánh nắng như cánh tay và khuôn mặt. Dần dần nó được vẽ lên mặt như một hình thức trang điểm chứ không đơn thuần chỉ có tác dụng như một loại kem chống nắng. Ngày nay, hình thức trang điểm bằng kem Thanakha của người Miến còn lan sang cả một số vùng đất các nước láng giềng trong đó có Thái lan.
Kem Thanakha được làm bằng cách: Ngâm rễ và vỏ cây thanakha trong nước. Giã và nghiền nhỏ bằng cối hoặc hòn đá mài. Thứ bột nước có màu vàng nhạt và có mùi thơm chính là kem thanakha. Một cách đơn giản hơn là cho một ít nước lên một miếng đá phẳng gọi là Kyauk pyin. Khúc gỗ của cây thanakha được đưa lên mài mạnh vào mặt đá. Nghe nói khúc gỗ này được cắt ra từ các cây thanakha đủ tiêu chuẩn được trồng ít nhất 35 năm trở lên. Thứ kem thanakha mà phụ nữ Miến bôi lên da rất thích hợp cho xứ nhiệt đới này. Nó không bao giờ bị tan chảy bởi mồ hôi như các loại mỹ phẩm khác.
Người Myanmar cho rằng bột kem thanakha đã được những người phụ nữ ở đất nước này sử dụng hơn 2000 năm trước. Trong thời kỳ hoàng kim của các vương triều Myanmar, người ta thường sử dụng một loại kem được mài từ loài cây có tên Sandal wood (loại gỗ thơm thường được dùng để dựng chùa hoặc tạc tượng Phật). Dòng dõi hoàng gia thường cho thêm bụi vàng trộn vào kem rồi vẽ lên mặt. Kẻ thường dân thì trộn thêm bụi phấn vàng của loài hoa có tên là Gant Gaw. Nó có mùi thơm cùng bụi phấn màu vàng nên ngày nay người dân vẫn sử dụng để làm kem thanakha.
Phần lớn người dân hay vẽ những lớp kem hình tròn lên hai gò má. Đôi khi điệu đà hơn, những lớp kem được kẻ vẽ theo hình chiếc lá hoặc vệt ngang bằng những ngón tay. Kem thanakha cũng có thể bôi từ đầu tới chân bởi mọi người ở đây tin rằng nó vừa làm đẹp, vừa làm mát da. Thanakha cũng được cho là có thể trị được chứng viêm các tuyến nhờn trên da và làm cho da dẻ mịn màng, xóa các nhược điểm của làn da đặc biệt như: tàn nhang, mụn trứng cá, mụn nhọt, mụn đầu đen & trắng, cháy nắng, sự đổi màu da, da phát ban ngứa, & phát ban mặt. Hơn nữa, nó làm tăng sản xuất Collagen và Elastin (protein da) để bảo vệ và ngăn chặn làn da của bạn sớm lão hóa như nếp nhăn và khô da.
Phong tục tô mặt thanakha có một bề dày truyền thống quan trọng trong lịch sử Myanmar. Loại mỹ phẩm này được sử dụng không chỉ trong cuộc sống thường ngày, mà còn được dùng trong các dịp lễ nghi để thể hiện ngôi thứ, địa vị xã hội của những người phụ nữ.
Thanakha cũng được dùng trong những nghi lễ tôn giáo.
Người Myanmar không chỉ coi bột thanakha là một loại mỹ phẩm làm đẹp da. Bột thanaka còn mang một ý nghĩa quan trọng khác với người Myanmar. Đối với họ, bôi bột thanakha lên mặt sẽ giúp họ tránh được tà ma và những điều không may mắn. Đây là loại bột được tin rằng sẽ đem đến may mắn với những ai sử dụng nó.
Thói quen bôi bột thanakha lên mặt không chỉ là để làm đẹp mà với người Miến Điện, đó là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của họ.
Xem: THANAKHA - Thanh Minh, 18/4/2014, Blog Bạn Trường Bé
khách được một cô gái mời ngồi xuống cho cô mài cây tanakha, thoa lên mặt, mỗi bên má một vệt ngang chừng hai lóng tay
Tục ăn trầu
Người Myanmar cũng có tục ăn trầu, giống như người Việt Nam chúng ta. Đàn ông, đàn bà, già, trẻ, gái trai... bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh nhai trầu trên đất nước này. Người ta luôn lôi miếng trầu ra bất cứ khi nào rảnh rỗi, làm đồng nhai trầu, chơi cờ nhai trầu thậm chí dừng đèn đỏ họ cũng bỏ miếng trầu ra nhai cho thơm miệng. Cách thưởng thức trầu lại phụ thuộc vào thói quen của từng người, có người nuốt cả nước trầu, có người không. Vì thế bạn cũng đừng lấy làm ngạc nhiên khi vô tình thấy một bãi nước trầu đỏ ngắt tại một khách sạn sang trọng hay hình ảnh một người nào đó bất giác nhổ toẹt một bãi nước trầu giữa phố. Người Myanmar xem miếng trầu như chúng ta hút thuốc lá giải khuây vậy, có điều đàn ông ở đây thích nhai trầu hơn hút thuốc lá. Trầu không cũng là một hình thức kinh doanh của người dân nơi đây,bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một tiệm bán trầu têm sẵn ở khắp mọi nơi trên khắp đất nước này, họ thường tụ tập ở các quán trầu ở vỉa hè, uống nước thậm chí cả đàn hát và trò chuyện với nhau. Cách tạo ra miếng trầu không ở Myanmar cũng khác Việt Nam chúng ta, và miếng trầu chỉ gồm một lá trầu có phết vôi loãng, thêm chút thuốc lào, một miếng hột cây bản địa. Tuy nhiên điều khác biệt nhất giữa Myanmar và nước ta là họ không dùng cau chung với trầu.
Đàn ông mặc váy
Trang phục truyền thống của người Myanmar là longyi, một kiểu váy quấn quanh hông cho cả nam lẫn nữ. Phụ nữ thường quấn váy thành nhiều lớp và khéo léo thắt lại bên hông, trong khi nam giới thắt nút ở phía trước.
Tập tục ăn uống
Người dân ở đây có truyền thống ăn bốc. Họ dùng bàn tay phải điệu nghệ vun vén cơm và đồ ăn, cuộn lại rồi ăn mà không hề vương vãi.
Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp viết trên tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày 23/8/2012, dầu “cù là” có nghĩa là dầu từ Myanmar bởi dân Nam Bộ xưa kia gọi tên quốc gia này là Cù Là. Cũng theo tác giả, đầu thế kỷ XIX thì người Cù Là (Myanmar) đã tới miền Tây buôn bán. Cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số có xóm gọi là xóm Cù Là (làng Vĩnh Hòa Hiệp) là nơi người Cù Là sinh sống. Ngày nay, xóm này ở Rạch Giá vẫn còn tên.
Từ tháng 11/1889 tới tháng 9/1921, hoàng thái tử Myingun Min đã sống lưu vong tại Sài Gòn sau một cuộc chính biến thất bại tại triều đình Myanmar. Người Pháp cho hoàng tử Myingun sống ở Sài Gòn và chu cấp tiền bạc cho ông để có thể sử dụng ông sau này. Bà Daw Phyu, con gái của hoàng thái tử Myingun đã lập gia đình với một người Việt nam và mở hãng dầu Mac Phsu có màu xanh lá cây nổi tiếng khắp Đông Dương (cạnh tranh trực tiếp với dầu Tiger Balm màu đỏ và dầu Nhị Thiên Đường). Dầu của bà Daw Phyu thời đó được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam như trên báo, trên bảng quảng cáo đặt tại các chợ nổi tiếng như chợ An Đông, chợ Thái Bình … với tên gọi dầu cù là, dầu gió hay dầu bạc hà chữa trị “tứ thời cảm mạo”.
Sau này, dầu cù là nổi danh trong Nam ngoài Bắc thì bất cứ loại dầu nào có tác dụng chữa bệnh (dầu cao) đều được gọi là dầu cù là, bất kể là người ở đâu sản xuất. Do vậy, trong Nam cũng gọi cả dầu của người Hoa sản xuất là dầu cù là (trong khi đó cộng đồng người Hoa gọi là Vạn Kim Du – Màn Cắm Yầu). Ngoài Bắc có hai nhãn hiệu dầu cù là là Sao Vàng và Bồ Câu Trắng cũng đã nổi tiếng khá lâu trước khi không còn thấy sản xuất trên thị trường.
Ngày nay, dầu cù là vẫn còn sử dụng ở Myanmar (tuy không phổ biến như xưa nữa) nhưng vẫn còn bán nhiều ở các chợ và đấy vẫn là loại thuốc chữa “tứ thời cảm mạo” ưa chuộng của người nghèo.
Theo http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=29207.55;wap2
Xin nhấp chuột vào danh mục các điểm đến - menu (góc trên bên trái bản đồ)
Người đăng bài
BanTroiK6.
/
0
comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến: Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a> - Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
-
QUÀ, QUÀ 1/7 Ngày 01/7/1969 được xem là ngày ra trường của tất cả học sinh
khóa 4 và cũng là ngày nhập ngũ của đông đảo các bạn trong khóa. Nhâp dịp
"trọng...
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>