Nhớ rừng Yên Thế






Nhớ rừng Yên Thế


Thời chiến, xe ô tô thường chạy ban đêm để tránh máy bay địch. Tối đó, chúng tôi nai nịt gọn gàng, ba lô trên lưng tập hợp ở cái bãi chợ Bầu. Nơi đây, mỗi lần có chiếu phim là cả bọn lại kéo nhau đi xem. Xem phim là phụ, mục tiêu chính là “gẹo” gái làng. May mà trai làng rủ nhau đi bộ đội sạch, chứ chúng nó mà ở nhà thì thế nào bọn tôi cũng có anh sứt đầu mẻ trán…

Đoàn xe của bộ đội đưa chúng tôi lên Kho K680 Quân khí đóng quân trong một khu rừng nằm giữa hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn mà “tương truyền” là nơi nghĩa quân Hoàng Hoa Thám lập căn cứ chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Xe chạy suốt đêm, mờ sáng vào đến Nhã Nam, chúng tôi được nghỉ một lát. Nghe nói ở đây có một sinh viên ngủ quên không ai biết. Khi đến nơi kiểm tra quân số thấy thiếu mới quay lại tìm. Sau đó, chúng tôi vào thẳng nơi đóng quân. Chỗ chúng tôi ở là ven một khu rừng già cây cối thưa thớt, nhưng toàn cây cổ thụ, cao lớn, xanh mướt. Nhiều thân cây còn bám chằng chịt các loại dây leo, các loại thực vật ký sinh khác. Rất nhiều sinh viên Bách khoa đã làm việc ở đây từ hơn một tháng trước. Chúng tôi được xếp vào ở một dãy nhà tranh cùng với lớp K16A.

Ban ngày, chúng tôi đi bộ vào làm việc trong các nhà kho sâu trong rừng, trưa về nhà bếp ăn trưa. Nghỉ trưa chừng một tiếng, sau đó làm việc tiếp cho đến khi có kẻng báo thì về nhà ở nghỉ ngơi, làm vệ sinh rồi ăn tối. Nhà bếp bố trí bên cạnh một bờ suối lớn, ngoài sân có một cây nhãn già. Lúc này vào khoảng tháng 7 nên cây nhãn được bao một tấm lưới lớn để ngăn dơi phá.

Chúng tôi cũng lần lượt thay phiên nhau nấu ăn, mỗi đợt làm liên tục một tuần lễ. Khi đến lượt, cũng bắt chước nhau “giấu” thức ăn vào chậu đựng cơm cho các bạn hữu của mình, tổ mình, … So với những năm tháng còn nhỏ, tôi sơ tán theo trường Văn hóa Quân đội ở Đại Từ, Thái Nguyên thì ở đây thực sự là sung sướng hơn rất nhiều.



Một trong những kỷ niệm khó quên của tôi với bạn Cường, bạn Đạt là trong một lần rủ nhau “mò” vào nhà dân kiếm ăn. Vào một nhà, thấy có cây mít quả lúc lỉu, chúng tôi liền hỏi mua. Nghe nói vỗ bồm bộp là mít chín, chúng tôi chọn được một quả xem ra có vẻ sắp ăn được: tròn vo, mắt đã thưa và … quả nhỏ hợp với khả năng tài chính của bọn đói ăn chúng tôi. Chủ nhà quả quyết là chén được ngay nên cả bọn hí hửng vác ra suối dự định tắm xong sẽ làm … mít. Nhưng khi dịch vị đã tràn cả ra mép cả ba thằng thì quả mít bổ ra vẫn chưa chín. Cố ăn nhưng miếng mít sường sượng, nhạt hoét. Tiếc của, lại đậy lại chờ cho chín. Nhưng bàn tính nếu mang về nhà thì lộ, vả lại “thóc đâu mà đãi gà rừng”. Thế là quyết định chôn ngay tại chỗ tức là bên bờ suối. Hai ngày sau không nhịn được nên cả bọn quyết định ra đào lên thì ôi thôi, mít đã bốc mùi thum thủm.

Chủ nhiệm Kho là ông Thiếu tá Lê Trung. Ông này tôi có được gặp vài lần ở kho, dáng người không to cao lắm nhưng được cái rất oai vệ, lúc nào cũng khệnh khạng, tay cầm ba toong, dắt chó béc ghê đi theo. Tôi nhớ nhất là khi ông đứng nói chuyện thì hai tay tỳ vào cây ba toong chống phía trước… Sau này lên công tác ở Kho KV1, tôi được biết gia đình ông vẫn theo Kho đi các nơi, ông đã mất vài năm rồi, con trai ông hiện công tác tại kho đó. Kho K680 còn có trung úy Hảo – ban kỹ thuật. Sau lấy vợ là cô Phương, sinh viên K15 Chế tạo máy, cũng lên K680 lao động đợt ấy. Khi về công tác ở Tổng cục Kỹ thuật, tôi có gặp lại anh Hảo – lúc này là Phó Cục trưởng Quân khí.

Thế rồi cũng qua những tháng ngày “quần quật”, chúng tôi kết thúc chuyến công tác đặc biệt trở về tiếp tục học tập. Hôm ra về, ai cũng được một tặng phẩm : đó là một cái thùng sắt vuông cỡ 40 x 40, sâu 15 phân sơn màu xanh quân sự kiểu như thùng đạn, để làm cái chậu tắm rửa thì còn gì bằng. Trên thân thùng có dòng chữ sơn trắng: K680 KINH TANG (kính tặng). Mang về Hà Nội, bà già lấy làm đồ chứa nước và giặt khăn lau nhà – công việc quan tâm nhất của bà. Đương nhiên là nó mau gỉ và hư hỏng.

Riêng tôi còn được Ban lãnh đạo Kho cấp cho Bằng khen về thành tích lao động do Thiếu tá Lê Trung ký. Do khen thưởng đợt này mà tôi được bạn bè nể trọng hơn. Những khuyết điểm nhỏ sau này tôi phạm phải, sẽ kể vào dịp khác, phụ trách lớp và các bạn cũng lơ đi cho.




Kỳ sau: Đi nhờ xe