Tôi bị kỷ luật






Tôi bị kỷ luật


Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có ý định học khoa Chế tạo máy mà không phải ngành khác. Nhớ lại lúc đó không hề có một sự cân nhắc nghiêm túc, đầu óc lơ mơ, phần nghe đài, xem báo: cơ khí là then chốt, tức là rất quan trọng, rất “hot” – theo kiểu nói thời nay. Thế rồi các bạn tôi cũng bàn tán, khuyên nhủ, rủ rê…

Thế là tôi ghi ngay nguyện vọng: cơ khí và đóng tàu nữa. May mắn cho tôi là suốt 5 năm học đại học tôi không bị chuyển sang ngành khác, thậm chí trường khác như một số bạn của tôi. Vì thế mà tôi có được diễm phúc trong cuộc đời: có những người bạn thân thiết cho đến hôm nay, khi ngồi viết lại những chuyện này.

Sau năm thứ nhất, tình hình chiến sự căng thẳng. Chúng tôi lại đi sơ tán. Giai đoạn đầu, chúng tôi sơ tán ở thôn Thanh Xuyên (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên) – đến ga Tía rẽ vào bên phải theo tỉnh lộ 73, qua cầu Đồng Quan thì rẽ trái. Lúc này chủ yếu là ở nhà dân, hàng ngày lo ăn, lấy gạo, lao động lặt vặt, … chả học hành gì. Tôi nhớ nhất là vài lần ra sông Nhuệ bơi và mò trai cải thiện, món này khi ở Hà Đông năm 1965 tôi cũng hay theo các anh lớn đi mò ở sông La Khê (một nhánh của sông Nhuệ) nên có chút gọi là kinh nghiệm. Lúc này là mùa hè năm 1972 – mùa hè đỏ lửa, mùa hè ác liệt – hàng ngàn sinh viên các trường Đại học nhập ngũ và vào chiến trường… Tôi cũng được chọn trong số đó. Qua lần khám sức khỏe, tôi không được chọn. Tôi đoán có thể là do có cha và anh cả đã là bộ đội mà hiện đang ở B2 rồi nên tôi không “đắt” bộ đội. Số bạn được gọi đi đợt này cũng toàn cánh ở Hà Nội như : Nguyễn Duy Cường “tẩm”, Lê Ninh “lùn”, Nguyễn Đình Đại “gà”, … nhưng số được chọn rất ít mà lại chọn đi học khí tài mới ở nước ngoài.




Chúng tôi được trả về trường nhưng cũng không ai quản lý cả, như những người tự do. Lúc này cả trường đã tỏa đi các cơ sở : nhà máy, kho tàng, … lao động “phục vụ chiến đấu” cả. Đàn đúm, lang thang hơn chục ngày, chơi bời chán chê khắp Hà Nội sơ tán vắng tanh. Kéo nhau ra trước Nhà hát Lớn chụp ảnh kỷ niệm, gần như có đủ mặt các bạn Hà Nội thời đó. Những bạn như Minh, Tùng, Phong, Toàn, Bảo thì ngày nay ít gặp hoặc không còn liên lạc gì. Những bạn vẫn còn gặp gỡ thường xuyên là: Dũng, Ninh, Cường, Đạt, Đại, Thêm, Hùng. Khi có tiền rủng rỉnh, còn rủ nhau đi ăn bánh tôm ở Hồ Tây. Chi tiết này tôi không nhớ nhưng có bạn bịa chuyện, đem ra giễu cợt tôi mãi: ăn xong, còn mang bát đĩa đi xuống ven hồ định… rửa. Có lần rủ nhau ra trước nhà Ngân hàng ăn kem. Bạn Nguyễn Ngọc Thêm còn thách đố: ăn hết một phích kem que. Thế là mua một phích kem, Thêm rút ăn từng que kem một trước những cặp mắt thèm thuồng của các bạn. Kem thời đó thì chủ yếu là nước đá pha đường thôi. Ăn sang que thứ ba bắt đầu thấy uể oải rồi, … Que thứ năm thì bắt đầu nghẹn, chảy cả máu răng, … Thế là thua. Bà bán kem cũng rất thông cảm, đưa cho chiếc khăn mặt để Thêm lau và nghẹn ngào nói: con bác cũng đi bộ đội như các cháu, không biết ở đâu.

Chơi mãi cũng chán, nghỉ học mãi cũng lo sợ kỷ luật của Nhà trường. Được biết các bạn cùng lớp đã theo các đoàn sinh viên đi vào công xưởng, nhà máy, đơn vị quân đội để phục vụ chiến đấu hơn một tháng rồi. Chúng tôi quyết định rủ nhau “mò” lên nơi sơ tán của Khoa lúc này ở thôn Cẩm Bào (chợ Bầu), xã Cẩm Xuyên, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Chúng tôi lên đến nơi gặp lãnh đạo Khoa, sau khi trình bày lý do rất chi là “chính đáng”: chuẩn bị đi bộ đội. Nhưng đều bị Khoa bắt làm kiểm điểm, thậm chí còn bị đe dọa… đuổi học nữa cơ. Sau đó, tôi và các bạn được Khoa thông báo kỷ luật cảnh cáo do… trốn học. Tuổi trẻ vốn ham hoạt động chân tay thế mà chúng tôi cứ vật vờ ở Cẩm Xuyên, học không được học, chơi không được chơi. Thế rồi cũng đến lúc lãnh đạo Khoa cử chúng tôi bổ sung cho một đơn vị quân đội. Chúng tôi cũng rất háo hức chờ ngày lên đường …


Kỳ sau: Nhớ rừng Yên Thế