THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 12/h


CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI (Tiếp theo TT&HĐ 12/g)

“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng... ”
Vidhusekharsastri


Thôi, huyên thuyên nhiều quá rồi, chúng ta làm một "tường thuật" đơn giản để... giải lao và coi như cũng đưa ra được... thực chứng... cho vui vậy!
Có ba thằng "nhà báo" (ở nhà báo vợ, tức thất nghiệp, vô công rồi nghề) "hơi bị" thông thái, tên lần lượt là A, B, C, ngồi khề khà "trà dư tửu hậu" với nhau. Cả ba thằng đều có máu "tám", nhất là khi đã sương sương thì... thôi rồi! Nhưng cà kê dê ngỗng kiểu gì thì kiểu, bao giờ đề tài cuối cùng cũng là về đàn bà và cứ thế rề rà cho đến khi hết rượu mới "tan hàng". Cuộc nhậu lần này hơi khác, "tám" đủ thứ chuyện "thời sự" trên trời dưới biển xong thì hình như đã chán chuyện "các má", ba thằng "hết đường binh", xoay sang "tào lao" chuyện thuộc hàng "rỗi hơi" bậc nhất thế giới, đó là "Hiện thực là gì?". Thằng A "nổ" tiếng khai mào:
- Đố chúng mày, "thực hiện" có phải "hiện thực" không?
Thằng B "đòm" luôn:
- Ơ, thằng này điên à!? Thực hiện không là hiện thực thì là cái giống gì?
- Trong thực tế, "hiện thực xã hội chủ nghĩa" và "thực hiện xã hội chủ nghĩa" đâu có thể dùng thay thế nhau được. Vậy chúng phải khác nhau chứ? - Thằng A "nổ" thêm.
- Vẫn thay thế được, bởi có cái gì ngăn cấm, không cho phép thay thế đâu nào? - Thằng B "đòm" lại.
Thằng A đâu chịu thua, tiếp tục nổ:
- Mày đéo biết gì! Nói cứ ngang như cua ấy!... Thay vì nói "thực hiện công việc cho xong" lại nói "hiện thực công việc cho xong", nghe không "điếc con ráy", không nghịch lỗ tai à?
- Kể ra cũng không bùi tai thật! Nhưng đó là do cách nói đã thành quen hay chưa quen mà thôi - Thằng B đòm chống chế.
Đến lúc này thằng C mới "lảy cò" tham gia cuộc "đấu khẩu":
- Moi móc to chuyện ra thì có mà cãi đến tám kiếp chưa chắc đã xong! Theo tao, có lẽ chỉ cần hiểu đơn giản thế này: nếu không bị ràng buộc thì hai từ ấy đồng nghĩa, nhưng quá trình sử dụng đã làm cho "hiện thực" trở thành danh từ và "thực hiện" trở thành động từ. Do đó, "thực hiện" là làm cho cái gì đó chưa "hiện thực" trở thành "hiện thực", còn "hiện thực" là cái gì đó chưa được "thực hiện" đã được "thực hiện" xong... Thôi nào, cụng ly!...
Một tiếng "cờ... ốp" và ba tiếng "ực" vang lên nghe thật... "phồn thực"!
Chúng nó tợp xong ly rượu của mình thì đặt ly xuống (chứ không lẽ quăng đi?). Thằng C tiếp tục rót rượu cho cả bọn, miệng cười cười ý nhị. Thằng B cúi đầu gật gù ra vẻ thấm thía. Còn thằng A thì ngồi ưỡn lưng, mím mồm, hết nhòm thằng C cười cười đến nhòm thằng B gật gù. Nhìn mồm nó, biết chắc có viên đạn đã "lên nòng" ở họng nó. Đúng vậy! Nó lại nổ thách thức:
- Ê C, mày giải thích thế, dù chưa biết đúng sai cỡ nào, thì cũng phải nói rõ "hiện thực" cụ thể là cái của nợ gì chứ?!
- Đéo ai mà không biết! Thằng nhiều chuyện dễ nể (đã "tám" mà còn chê nhiều chuyện mới lạ!?)!... Thì "hiện thực" là cái mày đang thấy xung quanh mày ấy - Thằng B "nhân danh công lý" đòm trả chát chúa.
- Là toàn bộ cảnh vật - hiện tượng đang hiển hiện quanh chúng ta... Nói thế có lẽ chuẩn hơn, B ơi! - Thằng C lảy cò theo ngay, "củng cố" cho thằng B.
Hình như chỉ đợi có thế, thằng A cười ré lên, nổ luôn một tràng "to tát" như tiếng trung liên RPD:
- Hé, hé... hé... hé!... Hai "lính" đéo biết gì ráo! "Hiện" thì đồng ý là "hiện" rồi, nhưng "thực" thì làm gì có "thực"? Phật bảo tất cả những gì hiện ra trước "người trần mắt thịt" đều là giả hợp, nghĩa là không phải thực. Hơn nữa, bản thân cái sự "đang hiện" cũng có vấn đề. Nói cái gì đó hiện ra thì chỉ có thể là hiện ra trong thời gian chứ không thể ngoài thời gian được. Mà thời gian thì chúng mày cũng biết, là một "xâu chuỗi" đéo phải vật chất, lại còn vô thủy vô chung và cực kỳ phù phiếm, được người ta phân ra một cách cực kỳ mơ hồ thành ba khoảng kế tiếp nhau là quá khứ, hiện tại, tương lai, hay (thời gian) "đã", (thời gian) "đang" và (thời gian) "sẽ", nghĩa là "hiện tại"="đang". Sự vô thủy vô chung của thời gian làm cho không thể xác định được "đã" và "sẽ", nhưng sự phân khoảng lại làm cho phải xác định được "đang" vì nó bị khóa hai đầu bởi "đã" và "sẽ". Thế thì "đang" là bao nhiêu? Bao nhiêu chưa biết nhưng biết chắc "hôm qua" không phải "đang", thậm chí cách đây một "tích tắc" cũng không phải "đang" mà "đã", rốt cuộc, có lẽ "đang" chỉ có độ dài thời gian chính xác bằng một thời điểm. Vậy thời điểm là bao nhiêu thời gian? Trả lời được "bao nhiêu" một cách cụ thể bằng con số thì thời điểm đéo còn là thời điểm nữa, nghĩa là phải cho rằng thời điểm hay "đang" là không xác định được, cực tiểu vô hạn, "tiến tới" O nhưng không bao giờ bằng O. Ha,ha... ha!... Dị thường quá, đúng không? Người đời cứ "xoen xoét" nào là "hiện đại", "hiện tại", "hiện nay", "hiện thực", "hiện hữu"... thực ra chỉ là theo thói quen cảm giác chủ quan vớ vẩn và qui ước khiên cưỡng tùy tiện, chứ khoảng thời gian được gọi là "đang" ấy chỉ có mỗi một thời điểm vô cùng ngắn và bất định đúng là "đang" thôi, còn tất tật đều là "đã" hết, nên cũng có thể nói, thực tế là không có "đang". Mà "đang" đã không có thì làm thế đéo nào cho có "hiện thực" được!? Kết lại, nói "hiện thực" là sai, nói "hiện giả" mới đúng! Hé, hé... hé... hé!... Cạn ly đê!
Thằng B như bị trúng đạn, cầm ly lên mà không uống, mắt cứ trờn trợn ngó thằng A. Có lẽ nó sững sờ vì không ngờ thằng A đột xuất nổ "dòn dã" quá. Thằng C thấy thế tội nghiệp, lảy cò phá đám:
- Ồi dào ơi, uống vui đi B, có ghê gớm quái gì đâu! Nó dựa hơi câu "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" của Hêraclit để nổ bạt mạng ấy mà... Tao hỏi mày này A: "Mày có bao giờ "đang" đói không hay toàn "đã" đói và "sẽ" đói? Nếu mày nói không thì vì cũng phải nói không với "đang" không đói, nghĩa là chỉ ừ với "đã" không đói và "sẽ" không đói, nên mày đừng bao giờ ăn nữa, chỉ vô ích! Nếu mày nói có thì vì "đang đói" là "hiện giả" như mày nói, nghĩa là thực ra mày cũng "đang" không đói, vậy cũng không cần ăn làm gì! Dù mày có "đang" nhậu với chúng tao hay không, không cần biết, nhưng đừng cầm ly lên mà nốc nữa! Mày bỏ ra một đống tiền "mua" vợ về làm gì khi mày chẳng bao giờ được "đang" sướng với vợ mày mà toàn thằng khác "đang" sướng với vợ thằng khác?". Đấy, mày trả lời tao đi!...
Khoái chí ra mặt, thằng B làm bộ xun xoe bắt tay bắt chân thằng C, rồi quay sang thằng A đòm "bồi", khiêu khích thêm:
- Đấy, mày trả lời nó đi!...
Có vẻ đã hết đạn nên thằng A ngồi im khe, so vai, rụt cổ, hai tay chống đùi, còn mắt thì lom lom vào đĩa thịt gà luộc trên bàn cứ như cố moi móc cho ra những viên đạn "nấp" ở đó vậy. Mặt nó nổi đanh, thấy thương hơn ghét!... Bạn nhậu thân thiết với nhau, "tám" cho vui đời, ai dè hóa ra chọc quê cho nhau buồn, lỗi không? Thằng B nghĩ vậy, đòm phát ân huệ:
- Mình chuyển đề tài đi anh em!... Tìm chuyện nào nhè nhẹ thôi chứ chuyện này nặng như đá đeo, oải quá!... A ơi,... mà thôi, C ơi, đến lượt mày đấy, "đề pa" đi!...
- Hượm đã nào!... Chuyện này không hay thì còn chuyện nào hay? - Hóa ra thằng A chưa hết đạn (hay đã tìm được đạn trong đĩa thịt?). Nó trỗi dậy nổ dù không còn "hung hăng" như nãy - ... Thằng C hỏi đúng là hiểm thật và tao đang... bí thật. Nhưng đâu phải vì tao sai... Mày có thấy tao sai chỗ nào không hả B? Nếu thấy thì chỉ ra cho tao biết đi! Nếu không, chúng mình phải tiếp tục câu chuyện cho ra ngô ra khoai chứ cứ để ấm ức, lát hồi hết nhậu, cả lũ về đéo ngủ được, vợ nó lại tưởng...
- Đèo mẹ! Mày và cả thằng C, tao nhắc, hôm nay đéo nói chuyện "các má" đâu nhé! - Thằng B đòm ngắt tiếng nổ đì đẹt của thằng A.
Đâu có hiền, thằng C lảy cò lia lại liền:
- Đéo đéo gì mà cứ đéo hoài, chuyện nào cũng chêm đéo vào được, chuyện gái, đéo, chuyện lừa đảo cướp giật, đéo, ừ, thôi thì ba cái chuyện đó... đéo đã đành, chuyện quốc gia đại sự cũng đéo, bàn luận văn thơ cũng đéo, thông báo tin tức khám phá khoa học cũng đéo, giao lưu triết học cũng đéo, đéo lung tung, đéo tuốt tuồn tuột, đéo vung xích chó, đéo oang oang mà đéo biết ngượng mồm... Thôi, đéo nhậu với chúng mày nữa, tao về!...
Thằng C rục rịch chưa kịp đứng dậy đã bị thằng A tóm áo ghì xuống, nổ cuống quít:
- Thôi mà!... Đừng nóng thế! Ở lại nhậu với bạn bè cho vui đi mà!... Tao năn nỉ đấy!...
- Ừ, ở lại nhậu vui C ơi! Mày là cây chuyện mà bỏ về thì chúng tao chán chết... Ở lại đi! Chúng tao đéo, xin lỗi, không văng tục nữa đâu, thề đấy! - Thằng B đòm tăng cường thêm.
Thằng C cương chưa kịp cứng đã xìu liền. Nghe tiếng lảy cò của nó là biết nó thực lòng còn muốn nhậu tiếp:
- Nhậu đang ngon trớn mà chúng mày... Được rồi, tao ở lại!... Nói thật, tục tĩu hay không tục tĩu chưa cần biết, nhưng tao nghe chói tai lắm... Nếu còn nghe một tiếng "đéo" nữa, tao sẽ về đấy và xin chúng mày đừng giận tao làm gì...
Cuộc nhậu lại tiếp tục nhưng xuống trầm. Xoay thêm hai tuần rượu rồi mà khí thế không bốc lên được. Cả ba thằng cứ như mất hồn, toàn bắn chim, cũng "nổ" cũng "đòm" cũng "lảy cò" mà sao nghe rời rạc, vu vơ, lãng nhách...
Mãi đến khi bước vào tuần rượu thứ tư, không khí cuộc nhậu mới có phần thay đổi theo hướng bớt vô duyên, bớt nhạt nhòa, không còn rôm rả như trước nhưng cũng không đến nỗi quá trầm lắng, mặt khác, thay cho "nổ", "đòm", "lảy cò" là những đối đáp nghe có tình có lý hơn, "hợp quần" hơn, và ba "thằng bợm rượu" vụt hóa thành ba "nhà hiền tửu". Có lẽ vì thế mà cuộc chuyện trò mới trở nên "chính luận" hơn, hấp dẫn hơn chăng?
Cuộc đổi hướng đó bắt đầu từ thằng B:
- C này, ban nãy bạn hỏi A, nếu A không trả lời được thì bây giờ bạn trả lời được không?
- Được chứ B, dù có thể không gãy gọn lắm... Mà bạn đang muốn nói gì hả A? Bạn nói trước đi.
Thằng A ậm ừ rồi lên tiếng:
- Trước khi C luận giải, tớ muốn hai cậu lưu ý dùm là, tớ chỉ cho rằng "hiện tại" cũng có nghĩa là "đang hiện" nên mới nói "hiện tại"="đang". Mặt khác, tớ cũng cho rằng "hiện tại" hay "đang hiện" có thể là "hiện thực", nhưng "hiện thực" không phải là "hiện tại" hay "đang hiện". Dù xét ở góc độ khách quan nhất (hay có lẽ gọi đúng hơn là "góc độ hêraclit"), cả ba thứ "hiện" ấy đều chỉ là "đã hiện", thì vì một cách tương đối (theo cảm giác, theo qui ước) coi như vẫn tồn tại khoảng thời gian (và cả khoảng không gian) gọi là "đang hiện", nên rõ ràng là phải có hai loại "hiện thực", đó là "hiện thực trong quá khứ" và "hiện thực trong hiện tại", hay gọn hơn, "hiện thực đã" và "hiện thực đang"... Tớ chỉ lưu ý có vậy thôi. Mời C!
Thằng B vụt giơ tay kiểu "xin phát biểu", rồi nói:
- Cho mình có ý kiến một tý... Trong thực tế, cái gì đã hiện ra thì cái đó, vì có nguyên nhân tạo thành nên phải là thực, có thực, dù nó là cầu vồng, ảo ảnh trên sa mạc... , hay cả những thứ gọi là "hàng giả", "đồ giả"... Nếu thừa nhận như thế, cũng phải thừa nhận ngay cả những gì hiện ra trong giấc mơ của một người cũng phải là thực đối với người đó. Nghĩa là đến đây cần phải cho rằng ngoài hai loại "hiện thực" mà A nêu, còn có một loại "hiện thực" nữa gọi là "hiện thực ảo" ("hiện thực" trên mạng internet, trong phim, hay trận bóng đá được truyề hình trực tiếp chẳng hạn!). Như thế, về mặt thực tế và chỉ thực tế khách quan thôi, thì dù là hiện thực "đã", "đang" hay "ảo", đều không thể giả được, hoặc quá lắm, có thể chủ quan "gắn nhãn mác" là "giả" nhưng trước hết vẫn phải là thực cái đã, và do đó làm gì có "hiện giả" hả A? Hơn nữa... Hơn nữa... . Ủa, mình định nói gì nhỉ?... Quên béng rồi!
Thằng C nâng ly rượu đầy lên, hai thằng kia nâng lên theo. Lại "cờ... ốp" và "ực"! Xong, thằng C rít một hơi thuốc lá rõ dài, ngửa mặt lên trời phà ra một cuộn khói đặc quánh, rồi cúi nhìn xuống đất. Hình như nó đang lựa lời để mở đầu nội dung mà nó định nói. Tuy nhiên, thằng A đã lại lên tiếng:
- Vừa rồi B nói cũng có lý đấy. Nhưng tớ vẫn có cái cảm giác ngờ ngợ bất ổn thế nào ấy. Đúng là mọi thứ trong hiện thực, hợp thành hiện thực, từ vật thể đến hiện tượng đều phải có nguyên nhân tạo thành và thực sự được tạo thành nên xét theo cách nhìn này, không thể nói "hiện giả" mà phải nói "hiện thực". Hơn nữa, phải thừa nhận rằng, sự hiện ra, tồn tại và mất đi của vạn vật-hiện tượng nhất thiết phải tuân theo qui luật tự nhiên, do đó, bản thân chúng đều phải có tính duy nhất, nghĩa là tính "phải thế này chứ không thể thế khác" (dù chúng ta có tác động đến hay không, không cần biết!), hay còn gọi là "tính khách quan". Cho nên, khi nói đến hiện thực thì phải hiểu ngầm một cách đầy đủ đó là, như người ta vẫn thường nói, "hiện thực khách quan". Tuy nhiên, đây chính là điều gây cho tớ cái cảm giác ngờ ngợ bất ổn: nếu xét theo cách nhìn khác, không chú ý tới quá trình sinh-tồn-vong mang tính duy nhất của hiện thực, mà chỉ chú ý tới sự thể hiện của nó thôi, thì vì sự thể hiện ấy hình như không nhất quán, không trung thực, nên có vẻ như nó không khách quan hay chí ít, có thể nói tính khách quan vốn dĩ của nó đã bị "lu mờ" đi, không hoàn toàn thực sự nữa, và như thế, coi như hiện thực nhiều ít gì cũng đã bị giả hóa. Chẳng hạn, không cần lấy ví dụ đâu xa, hoạt cảnh chúng mình đang ngồi nhậu đây là một hiện thực. Chắc rằng hai cậu và cả tớ nữa đều thừa nhận hiện thực này là khách quan. Nó khách quan ở chỗ các sự kiện xảy ra trong nó có tính tự nhiên, tuyệt đối duy nhất, chỉ một lần chứ không lặp lại, và nói chung, mỗi chúng ta, người này thấy thì hai người kia cũng thấy về sự hiện hữu của các đồ vật cũng như sự diễn tiến của các hiện tượng trong cuộc nhậu. Thế nhưng ngẫm nghĩ kỹ hơn một chút sẽ thấy cuộc nhậu hiện ra trước mỗi chúng ta là không đồng nhất, nghĩa là có ba hiện thực không hoàn toàn giống nhau về cuộc nhậu. Nếu ngay bây giờ tớ và B cùng nhìn bàn nhậu thì đều cùng thấy cái bàn, bình rượu, đĩa thịt gà, ly, chén... và qua đó mà cho rằng bàn nhậu hiện ra trước tớ và B là như nhau. Nhưng không những nhìn mà tớ và B còn chụp ảnh nữa và đem so hai bức ảnh đó thì sẽ thấy đó là hai hiện thực không trùng nhau về cảnh vật- về vị trí, vóc dáng, màu sắc... của các sự vật hiện hữu trong đó. Như thế, có thể kết luận, sự thể hiện khách quan của một hiện thực chỉ ở mức tương đối, không hoàn hảo... Điều cuối cùng mà tớ băn khoăn nhất ở đây là làm sao đánh giá được trong số hai hiện thực về cùng một khoảng khắc của bàn nhậu ấy (hai bức ảnh), cái nào thể hiện đúng khách quan hơn cái nào?
- Khá lắm! -Thằng B búng tay cái "pách", thốt lên.
Cả ba thằng "không hẹn mà nên", cùng nâng ly cụng cái "cờ... ốp", uống cái "ực" và lần này còn thêm ba cái "khà" đầy hỉ xả. Những âm thanh ấy, lúc thường, chẳng có gì phải "ầm ĩ", nhưng trong bầu lắng đọng đầy bao dung của đêm muộn, nghe sao mà "tròn vành rõ tiếng" đáo để!
Rồi thằng B lại giơ tay xin phát biểu. Tưởng nó định tham luận gì ghê gớm lắm, té ra chỉ là một câu hỏi gọn lỏn:
- Bạn thấy thế nào, C?
- Vấn đề mà bạn và A vừa trình bày rất hấp dẫn. Trong đó có nhiều điều rất thú vị để mà đào sâu suy nghĩ. - Thằng C từ tốn nói - Thú thực ra, mình từ trước đến nay vẫn cứ đinh ninh "hiện thực" có gì đâu phức tạp, trái lại là đơn giản và đã rất rõ ràng, chẳng còn gì phải bận lòng suy nghĩ, tìm hiểu. Đến đây, sau khi nghe hai bạn biện giải mới thấy mình còn rất lơ mơ về bản chất của "hiện thực"... Kỳ lạ thật! Cuộc chuyện trò nãy giờ làm mình sực nhớ đến chuyện này. Số là cách nay hơn hai tuần, mình với thằng em trai nhậu bia ở quán gần nhà nó. Vừa chọn bàn xong, ngồi chờ nhân viên phục vụ tới thì nghe tiếng: "Tính tiền đi em ơi!" ở bàn bên cạnh. Mình nhìn sang thấy hai ông khách có vẻ đã "thấm đòn", một ông mắt lờ đờ ngồi rụt cổ nghe, một ông mắt long lanh ngồi chồm tới nói liên hồi. Chẳng biết ông ta nói gì nữa. Mãi khi họ trả tiền xong, đi qua bàn chúng mình để ra về, mình mới nghe được lõm bõm một đoạn đại ý là: "thực tại" và "hiện thực" là hai thứ khác nhau, con người không thể thấy được toàn bộ và đích xác "thực tại" mà chỉ thấy được một phần nhỏ dưới dạng đã "biến hóa" của nó gọi là "hiện thực", cho nên "hiện thực khách quan" chỉ tương đối, "thực tại khách quan" mới tuyệt đối. Lúc đó em mình cũng nghe được, nhe răng cười: "Uống nhiều quá thành "chiết ra" rồi!". Mình cũng cười, đế thêm: "Sự thông thái nhảm nhí!"... Bây giờ có ông ta ở đây thì tuyệt! Tiếc thật đấy!
-Ừ, tiếc thật đấy! Hì,hì... hì!... Tiếc thật!... Tiếc vì - Thằng A cười, giơ bình rượu lên lắc lắc - hết... gụ... gồi! Hì,hì... hì!
- Ủa! Hết thật à? Sao mình còn tỉnh thế nhỉ? - Thằng B thảng thốt.
Thằng C đùa:
- Nói hăng quá hả hết rượu chứ thắc mắc gì nữa!... Mà thôi cũng đã khuya, chúng mình nên tản... , suýt nói bậy(!), giải tán đi, có gì bàn tiếp vào cuộc nhậu lần sau...
- Đúng đấy!- Thằng A ủng hộ.
Thế là cuộc nhậu, thú vị nhưng có phần vô hậu, tan hàng.
Vì thế mà bài tường thuật của chúng ta cũng kết thúc.
Nhưng không phải câu chuyện lớn của chúng ta kết thúc...
Và chúng ta tiếp tục nhé!

Trước hết, chúng ta cho rằng ba anh chàng A, B, C, vì chưa thấy được sự "thiểu năng" của khái niệm cũng như chưa thấy được mối quan hệ uyển chuyển, sinh động, có thể chuyển hóa qua lại nhau một cách hình thức giữa tính khách quan và tính chủ quan, nên đã làm cho cuộc trao đổi trở nên "hoang mang giao động".

Tiện đà, chúng ta đặt lại câu hỏi: "Hiện thực là gì?". Muốn nhận thức đúng đắn được bản chất của hiện thực thì phải "chú ý" đến thực tại, nghĩa là cần phân biệt dứt khoát sự khác nhau giữa hai khái niệm "hiện thực" và "thực tại". Chúng ta cho rằng thực tại cũng phải được hiểu là thực tại khách quan, và sự khách quan này là khách quan tuyệt đối. Vậy, một thực tại khách quan là một vùng (khoảng) không-thời gian với bao gồm toàn bộ sự vật-hiện tượng thuộc về nó và vốn dĩ tồn tại, tự nhiên tồn tại. Ở tầm sâu rộng nhất, cùng cực nhất về không-thời gian thì thực tại khách quan chính là Vũ Trụ tổng thể các sự vật-hiện tượng mà chúng ta còn gọi theo tên khác là Tự Nhiên Tồn Tại để nêu bật tính khách quan tuyệt đối (tính tự nhiên) của Nó. Còn hiện thực thì được chúng ta hiểu là phần "hiện ra" của thực tại khách quan. Đã "hiện ra" thì phải hiện ra trước cái gì hay những cái gì chứ không thể hiện ra trước Hư Vô được, và như thế, (những) cái gì đó chính là (những) thực thể, cũng có nghĩa là (những) giác hay cảm giác. Nói cách khác, hiện thực là một phần nào đó của thực tại khách quan "lộ ra" trước một thực thể sau khi thực thể tiếp nhận, cảm nhận, nhận thức thông qua giác, cảm giác, cảm thức. Mức độ "lộ ra" về qui mô sâu-rộng cũng như về tính chân thực (hay nói ngược lại là tính giả tạo) hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng, cách thức, trình độ cũng như trạng thái, vị trí của giác, cảm giác, cảm thức, hay nói gọn lại là tùy thuộc vào "chủ quan" của thực thể tri-giác. Xét cho đến cùng thì sự "chủ quan" của thực thể tri-giác có nguyên nhân khách quan, nhưng ở mức độ, phạm vi nhìn nhận nào đó cũng có nguyên nhân chủ quan, và như vậy, có thể phân tương đối sự chủ quan thành hai loại là chủ quan tuyệt đối (có tính mặc định, ổn định, do phương thức cấu tạo và vận động nội tại đặc thù của thực thể tri-giác qui định) và chủ quan tương đối (có tính bất định, biến đổi theo tình thế, trạng thái của thực thể tri-giác). Vì có nguồn gốc khách quan, được tự nhiên qui định nên tuyệt đối không thể loại trừ sự chủ quan "ra khỏi" quá trình tri-giác của thực thể, mà chỉ có thể hạn chế, khắc phục phần nào. Suy ra từ những lẽ đó, chúng ta cho rằng, một cách tuyệt đối, không thể có hiện thực khách quan mà chỉ có hiện thực chủ quan, hơn nữa, nói đến hiện thực thì phải là hiện thực của một thực thể tri-giác xác định, và như vậy, từ cùng một thực tại khách quan không thể hiện ra hai (hay nhiều) hiện thực chủ quan giống hệt nhau, trùng khít nhau. Chắc như bắp, hiện thực của cây cối phải khác "xa lắc" hiện thực của động vật, hiện thực của con vi khuẩn mà giống hiện thực của con người thì thật là "ghê hồn bạt vía"! Hai hiện thực của hai con người về cùng một thực tại khách quan dù có vẻ rất giống nhau cũng không thể trùng khít nhau được, bởi "ít nhất" cũng tại điều rất đơn giản này: tương tự như hai hệ thiết bị quan sát thiên văn, được chế tạo giống hệt nhau một cách lý tưởng, đồng thời quan sát cùng một khoảng Vũ Trụ, thì vì không có bất cứ cách nào làm cho góc độ quan sát của chúng tuyệt đối trùng nhau được, nên hai hiện thực của hai hệ vẫn là hai hiện thực khác nhau (dù có nhiều nét tương đối (hay "tưởng rằng") giống nhau).

Tuy nhiên, chính hiện tượng dù tuyệt đối khác nhau nhưng cũng tương đối giống nhau của hai hiện thực trong ví dụ nêu trên đã gợi ý cho chúng ta về một hiện thực tương đối khách quan, hay có thể gọi là "hiện thực khách quan của những thực thể có cùng chủ quan tuyệt đối về tri-giác". Hiện thực khách quan tương đối đó cũng chính là hiện thực chủ quan tuyệt đối của những thực thể tri-giác chưa có nhận thức hoặc chưa qua nhận thức (hiện thực của một đài quan sát thiên văn, bản thân nó, là hiện thực chủ quan tuyệt đối, nhưng khi đã bị con người "bình giảng" rồi thì tính chủ quan của nó không còn tuyệt đối nữa vì đã bị sự nhận thức xâm phạm, lũng đoạn, và thậm chí coi như đã chuyển hóa thành hiện thực khách quan của con người!). Thực ra, chỉ vì mục đích cố tỏ rõ bản chất của hiện thực mà chúng ta nói đến cái gọi là hiện thực của vật vô tri-vô cảm, chứ khó lòng mường tượng được cách thức tồn tại của cái hiện thực ấy, dù nó... có thật(!). Phải chăng vì ở vật vô tri-vô cảm không có hồi ức nên nó cũng tuyệt nhiên "không biết" quá khứ và do đó hiện thực của nó chỉ là hiện thực "đang xảy ra thực sự"? Nhưng phải hiểu thế nào về cái khoảng thời gian "đang xảy ra thực sự" ấy? Trong khi chờ đợi một hình dung "kín kẽ" nhất, có lẽ "đành" tạm thời hình dung rằng, mỗi một thực thể đều có cái gọi là "đơn vị thời gian riêng", có độ dài lâu được qui định bởi cách thức cấu tạo-vận động nội tại thực thể (như thế, những thực thể có nội tại giống nhau thì có đơn vị thời gian riêng giống nhau), và đó cũng chính là khoảng thời gian hiện thực "đang xảy ra thực sự" của thực thể(?)... Thôi, để bớt phần rắm rối, phải "rào trước đón sau" nhiều quá làm lan man thêm câu chuyện vốn đã lan man đến... phát sợ (!), chúng ta sẽ thu hẹp "sự kể lể" về hiện thực trong phạm vi hiện thực của con người nhận thức.

Không có cảm giác và hồi ức, thực thể chỉ có được một hiện thực biến đổi, hoàn toàn bất ổn, phiến diện, manh mún và... mù tịt. Ở con người, một mặt do chỉ cảm giác tự nhiên được một khoảng ở tầng Vũ Trụ vĩ mô mà thiên nhiên "qui định", mặt khác nhờ sở hữu được một năng lực cảm giác sinh học ở tầm cao nhất là trực-gián giác, một hồi ức sinh học dài lâu và bền vững nhất trong thế giới sinh vật, chưa kể còn được hỗ trợ đắc lực bởi sự nhận thức ngày một tăng tiến cũng như bởi những công cụ, thiết bị giác và lưu nhớ nhân tạo ngày một hiện đại, mà hiện thực của nó có tính ổn định, tổng thể, sáng tỏ, tồn tại lâu dài theo thời gian, đồng thời cũng có tính ngày một thấu suốt, ngày một sâu rộng, ngày một khách quan Như đã nói, thiên nhiên, một cách trực tiếp, chỉ có khả năng ban cho loài người một cách hạn định về năng lực cũng như số loại hình cảm giác phù hợp với lối sống trong thiên nhiên của nó, sao cho vừa đủ đáp ứng những đòi hỏi trong hoạt động sinh tồn của nó. Nghĩa là con người chỉ có thể cảm giác trong phạm vi (tạm gọi là) "tầm sinh học", hay có thể nói, chỉ cảm giác trực tiếp được theo cách đặc thù, mang tính thực dụng (nên cũng có hạn độ) những thứ cần cảm giác nhằm mục đích duy nhất và sát sườn là phục vụ đời sống (trước hết) cho bản thân nó trong thiên nhiên. Theo qui định của cảm giác ấy cũng như thông qua cảm giác ấy mà thực tại khách quan trình diễn ra một cách hạn chế (nghĩa là chỉ một phần, một bề, một tầng nấc qui mô... ) và "biến dạng" thành hiện thực của chủ quan con người, "giành riêng" cho con người. Vì hiện thực là sự thể hiện một phần thực tại khách quan dưới dạng đặc thù (biến dạng) theo chủ quan cảm giác, mà sự tồn tại chủ quan cảm giác này, xét cho cùng là có nguyên nhân khách quan (ở đây, chủ quan cảm giác không bao hàm chủ quan đánh giá, nhận định... -những "thứ" được cho là thuộc chủ quan có nguồn gốc chủ quan!), cho nên dù phần thực tại khách quan ấy có "biến dạng" thì chỉ là biến dạng mang tính hình thức, nghĩa là mọi sự vật-hiện tượng trong hiện thực ấy, dù tồn tại-vận động dưới bất cứ hình thức nào, theo bất cứ kiểu cách gì, cũng đều phải tuân theo tuyệt đối các qui luật - những dạng đặc thù đã được mặc định một cách trực tiếp hay gián tiếp bởi ba nguyên lý tương tác, nhân quả, bảo toàn đóng vai trò là ba hệ quả cơ bản của nguyên lý Tự Nhiên. Như vậy, hiện thực của con người có tính luôn luôn hàm chứa sự thật khách quan tuyệt đối. Mặt khác, do nguyên lý cấu tạo sinh học làm xuất hiện sự cảm giác ở mọi con người là như nhau, cho nên nếu bỏ qua những sai lệch sinh ra từ sự chủ quan có nguyên nhân chủ quan (như góc độ, cự ly, trạng thái chuyển động, trạng thái tâm sinh lý, trình độ nhận thức... khi cảm giác, ở từng con người-chủ thể cảm giác), thì tất cả hiện thực của mỗi con người về cùng một thực tại khách quan, trong cùng một thời gian, đều giống nhau, trùng khít nhau. Đó được gọi là tính khách quan tương đối của hiện thực ở con người. Với hai sự thể hiện khách quan ấy, có thể nói không sai rằng, nếu bỏ qua những chủ quan có nguyên nhân chủ quan thì hiện thực của con người là một hiện thực hoàn toàn khách quan đối với chủ quan cảm giác con người, và vì thế, đến mức độ toàn bích, cũng chính là hiện thực tuyệt đối khách quan đối với chủ quan cảm giác-nhận thức của loài người và chỉ cho "riêng" loài người. Nghĩa là thông thường, có thể nói "hiện thực khách quan của chúng ta", nhưng hiểu rằng đó là một hiện thực khách quan tương đối-một phần thực tại khách quan được cảm nhận theo cách chủ quan "chưa thực sự sáng tỏ" của loài người. Khi loài người đã nhận thức đến tuyệt đích đúng đắn và tuyệt cùng triệt để về Tự Nhiên Tồn Tại thì cũng là lúc hiện thực khách quan đó chuyển biến thành hiện thực khách quan tuyệt đối đối với chủ quan cảm thức của loài người, hay "mạnh miệng" hơn nữa, là thực tại khách quan theo cách cảm thức, hình dung riêng có của con người nhận thức... Ôi! "Loạn lạc" quá đi! Thật là... điên rồ!... Nhưng... biết đâu chừng!... Đã ai đếm xuể trong lịch sử phát triển tri thức nhân loại, bao nhiêu sự điên rồ bị lãng quên vụt hóa thành chân lý?... Thế thì, xin nghe lời Trịnh Công Sơn: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!"...

Nếu sự trình bày nên trên là hợp lý thì đó cũng có thể được coi là minh chứng hùng hồn rằng con người không thể tiếp cận trực diện để "thấy" đích xác được thực tại khách quan vốn dĩ cũng như thứ mà nhà triết học I. Kant gọi là "vật tự nó", nghĩa là con người không tài nào nhận thức trực tiếp được thực tại khách quan, mà chỉ có thể bằng cách gián tiếp thông qua nhận thức hiện thực của nó, cũng chính là chỉ có thể bằng cách trên cơ sở cảm giác trực-gián giác và thông qua hệ thống khái niệm mà nó sáng tạo ra. Điều đó cũng đồng thời đưa ra lời giải thích đầy sức thuyết phục rằng vì sao quá trình nhận thức thực tại khách quan của loài người lại nhiều khúc khuỷu quanh co, chướng ngại gập ghềnh gây biết bao nhiêu lầm lạc, và vất vả, gian lao đến thế, nhất là trong suốt thời kỳ đầu, khi mà loài người chưa hề hay biết tí gì về bản chất của hiện thực. Có lẽ trường hợp xuất hiện (vào thế kỷ II-SCN) và tồn tại lâu dài (đến cuối thế kỷ XVI) của thuyết Địa Tâm (Trái Đất là trung tâm, mọi thiên thể, kể cả Mặt Trời, quay quanh nó) do Ptôlêmy đề xướng cũng như sự phủ định nó là ví dụ điển hình của điển hình làm sáng tỏ nhận định đó.

Trước thời Ptôlêmy đã có không ít những hình dung thiên văn mà về đại thể phân thành hai loại là Địa Tâm và Nhật Tâm (Mặt Trời là trung tâm, Trái Đất và mọi thiên thể quay quanh nó). Vì thiếu hẳn bằng chứng khoa học, hầu như chỉ dựa vào suy đoán từ cảm giác hay niềm tin thần thánh, nhưng kinh nghiệm trực giác có phần gây ấn tượng mạnh hơn hẳn, mà quan niệm Địa Tâm luôn ở thế thượng phong. Rõ ràng, nếu không nhờ nhận thức khoa học chỉ ra thì khó lòng mà bác bỏ được thực tế quan sát là các thiên thể chuyển động quanh Trái Đất. Nói sâu xa hơn, sự "mù mờ" của hiện thực thời đó đã "không ủng hộ" con người suy ra điều ngược lại. Có như thế là vì con người đã "dùng" kinh nghiệm cảm giác cũng như quan sát có tầm hiệu dụng cho hoạt động sinh tồn trong phạm vi thiên nhiên và vẫn còn ở tình trạng "nặng nề trực giác" làm "công cụ" tìm hiểu Vũ Trụ. Ptôlêmy, trên cơ sở tiến bộ trong thu thập quan sát thiên văn và về toán học, đã là người đầu tiên nêu ra mô hình Địa Tâm có tầm vóc lý thuyết mang tính khoa học thực sự. Điều làm cho mô hình này được thừa nhận nhanh chóng và trở thành chân lý khoa học, thành sự thật "hầu như" hiển nhiên không cần bàn cãi, đứng "vững như bàn thạch" suốt hơn một ngàn năm là nhờ không những "cảm tính hiện thực" của nó mà còn, quan trọng hơn, có thể dựa vào nó tính toán, xác định được vị trí biểu kiến của các hành tinh (đã phát hiện được vào thời đó) trên bầu trời. Dù thế cũng nên nói cho ngay, vào thế kỷ III-TCN có Aristarchus, người xứ Samos, đưa ra một mô hình Nhật Tâm (người đời sau không biết cụ thể nó như thế nào vì đã thất lạc từ lâu), nhưng nó chỉ như ngọn nến trước gió, thắp lên le lói rồi vụt tắt. Khoảng hai-ba trăm năm sau, một người tên là Aryabhata ở Ấn Độ hình dung ra một mô hình Nhật Tâm với những ý chính là Trái Đất xoay quanh trục của nó, Mặt Trời đứng yên, các hành tinh quay theo quĩ đạo elíp. Tuy nhiên mô hình này cũng có số phận hiu hắt tương tự. Mãi đến thế kỷ XIV, trong thiên văn học Ả Rập mới thấy xuất hiện những khám phá, nghiên cứu khoa học có ý nghĩa đến việc xây dựng mô hình Nhật Tâm, và nhiều khả năng nó đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp nghiên cứu thiên văn của Côpécnic sau này. Kể từ thời Ptôlêmy, càng về sau, tài liệu thu thập trong thực tiễn quan sát thiên văn càng phong phú, chính xác hơn đã làm cho công việc tính toán chính xác vị trí các hành tinh trên bầu trời càng ngày càng trở nên phức tạp, khó khăn và đầy nặng nhọc. Đó cũng là một "kích thích" quan trọng tác động đến Côpecnic, tạo điều kiện chín muồi cho mô hình Nhật Tâm ra đời. Theo từ điển mở Wikipedia thì:
"Năm 1543 hệ địa tâm lần đầu tiên bị thách thức thực sự khi Côpecnic xuất bản cuốn Về chuyển động quay của các thiên thể (De revolutionibus orbium coelestium), ấn định rằng Trái Đất và các hành tinh khác đều quay quanh Mặt Trời. Hệ địa tâm vẫn còn tồn tại nhiều năm sau đó, bởi vì ở thời ấy hệ Côpecnic không đưa ra được các tiên đoán tốt hơn về vị trí các hành tinh so với hệ địa tâm, và nó đặt ra các vấn đề đối với cả triết học tự nhiên và kinh thánh. Với sự phát minh ra kính viễn vọng năm 1609, những cuộc quan sát đầu tiên do Galileo tiến hành (như Sao Thổ có các Mặt Trăng) đặt ra một số nghi vấn đối với những giáo lý của thuyết địa tâm nhưng không đe dọa nghiêm trọng tới vị trí của nó. Tháng 12 năm 1610, Galileo Galilei đã sử dụng kính viễn vọng của mình chứng minh rằng Sao Kim có trải qua các tuần, giống như các tuần Mặt Trăng. Đây là một bằng chứng cho thấy sự không chính xác của hệ Ptôlêmy. Ptôlêmy đặt Sao Kim bên trong mặt cầu của Mặt trời (giữa Mặt trời và Sao Thuỷ), đây là hành động tùy tiện; ông chỉ có thể đơn giản đổi vị trí Sao Kim và Sao Thủy rồi đặt chúng vào phía bên kia của Mặt trời, hay đặt chúng ở bất cứ vị trí nào, khi chúng luôn nằm gần đường thẳng từ Trái Đất tới Mặt trời. Trong trường hợp này nếu Mặt Trời là nguồn gốc của mọi ánh sáng, thì theo hệ Ptolemy, khi Sao Kim nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, pha của Sao Kim phải luôn là hình lưỡi liềm hoặc hoàn toàn tối, và khi Sao Kim ở phía bên kia Mặt trời, pha của Sao Kim phải luôn khuyết hoặc hoàn toàn tròn. Nhưng Galileo quan sát thấy ban đầu Sao Kim nhỏ và tròn đầy nhưng sau đó lớn lên và có hình lưỡi liềm. Các nhà thiên văn học thời kỳ này cho rằng nếu các kết quả được chấp nhận là đúng thì đó là một bằng chứng không thể phủ nhận cho thấy sự sai lầm của vũ trụ học Ptôlêmy".
Điều rất đáng chú ý là, có thể một phần cũng sợ những hệ lụy đến từ giáo hội Thiên Chúa Giáo, nhưng phần lớn hơn có thể bản thân Côpecnic, vào khoảng thời gian trước và khi công bố lý thuyết của mình, thực sự vẫn còn do dự, lưỡng lự về tính hiện thực của học thuyết Nhật Tâm mà mình đề xướng, nên một cách công khai, ông chỉ coi nó như một giả thuyết, một công cụ toán học cho phép có được những tính toán thiên văn đơn giản và chính xác hơn so với sự tính toán dựa trên thuyết của Ptôlêmy. Theo nhìn nhận trong Wikipedia:
"Về mặt thực nghiệm, hệ của Côpecnic không tốt hơn kiểu của Ptôlêmy. Côpecnic nhận thức được điều này và không thể đưa ra "bằng chứng" quan sát trong cuốn sách của mình, thay vào đó ông lại dựa vào những tranh luận về một hệ chính xác và đúng đắn hơn. Từ khi cuốn sách được xuất bản tới khoảng năm 1700, rất ít nhà thiên văn tin vào hệ của Côpecnic, mặc dù cuốn sách đó được truyền bá khá rộng (khoảng 500 bản sách được cho là vẫn còn tồn tại, đó là một con số lớn so với tiêu chuẩn khoa học của thời đó). Tuy nhiên, nhiều nhà thiên văn học, đã chấp nhận một số khía cạnh của lý thuyết so với những thuyết khác, và hệ của ông đã có ảnh hưởng lớn đối với những nhà khoa học về sau này như Galileo và Johannes Kepler, những người đã chấp nhận, đấu tranh cho nó và (đặc biệt là trường hợp của Kepler) tìm cách cải thiện nó. Những quan sát của Galileo về các tuần của Sao Kim chính là bằng chứng quan sát thực nghiệm đầu tiên cho lý thuyết của Côpecnic".
Đánh giá công lao của Côpécnic đối với loài người, cũng trong Wikipedia, có viết:
"Lý thuyết của Côpecnic có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử văn minh loài người. Nhiều tác giả cho rằng chỉ hình học của Euclid, vật lý của Isaac Newton và Thuyết tiến hoá của Charles Darwin là có thể có ảnh hưởng ở mức so sánh được với lý thuyết đó đối với văn hoá loài người nói chung và khoa học nói riêng. Nhiều ý nghĩa đã được gán cho lý thuyết của Côpecnic một phần từ ý nghĩa khoa học đúng đắn của nó. Tác phẩm của ông ảnh hưởng tới cả tôn giáo và khoa học, giáo điều cũng như tự do của vấn đề khoa học. Vị trí của Côpecnic với tư cách là một nhà khoa học thường được so sánh với Galileo Galilei. Công trình của Côpecnic phản đối giáo điều tôn giáo được chấp nhận sau đó. Nó có thể cho thấy rằng không cần thiết phải có một (Đức Chúa) tuyệt đối trao linh hồn, quyền lực và cuộc sống cho thế giới và con người, vì khoa học có thể giải thích mọi điều được cho là của Chúa. Tuy nhiên, chủ nghĩa của Côpecnic cũng mở một lối đi cho tính nội tại, quan điểm cho rằng một lực lượng siêu nhiên, hay một vị thần thánh, thâm nhập vào mọi vật tồn tại - một quan điểm từ đó được phát triển thêm trong nhiều triết học hiện đại. Chủ nghĩa nội tại cũng dẫn tới chủ nghĩa chủ quan với lý thuyết cho rằng có thể nhận thức được những tạo vật thực tế, rằng không có thực thể tồn tại độc lập với nhận thức (thực ra là với giác hay cảm giác-ĐC). Vì thế một số người cho rằng Chủ nghĩa Côpecnic đánh đổ những nền tảng của khoa học Trung Cổ và siêu hình học. Một hệ quả của Chủ nghĩa Côpecnic là quy luật khoa học không cần thiết phải phù hợp với thực tế. Sự đối nghịch này với hệ của Aristoteles vốn đặt cao tầm quan trọng về nguồn gốc của hiểu biết thông qua các giác quan. Khái niệm của Côpecnic đánh dấu một sự cách mạng khoa học. Thực vậy, một số nhà tư tưởng cho rằng nó đứng ngang bằng với sự khởi xướng của một "cuộc cách mạng khoa học". Immanuel Kant mang tính biểu tượng của cách mạng do Côpecnic khởi xướng - chủ nghĩa duy lý ưu việt của nó - công nhận rằng chính sự hợp lý của con người là cách làm sáng tỏ về những hiện tượng quan sát được. Những nhà triết học gần đây cũng tìm thấy những giá trị triết học trong chủ nghĩa Côpecnic".
Còn Gớt, người Đức, được thừa nhận là một trong những thiên tài bậc nhất của nền văn chương thế giới, thì ca ngợi:
"Trong tất cả các khám phá và ý kiến, không có cái nào có ảnh hưởng đến tinh thần hơn học thuyết của Côpecnic. Thế giới mới được biết là tròn thì phải bị đòi hỏi từ bỏ đặc quyền lớn lao của địa vị trung tâm vũ trụ. Có lẽ không bao giờ nhân loại bị đòi hỏi lớn lao như thế - vì khi chấp nhận điều này thì nhiều việc bị tan tành mây khói! Việc gì sẽ xảy ra với Eden (Vườn Địa Đàng) của chúng ta, thế giới của sự ngây thơ, lòng mộ đạo, và thi ca; bằng chứng từ giác quan; sự tin tưởng đến một niềm tin thơ - đạo? Không đáng ngạc nhiên khi những người đương thời không muốn từ bỏ những ý niệm này và chống đối bằng mọi cách một học thuyết mà những người tin tưởng cho phép và đòi hỏi một tầm nhìn tự do và ý tưởng vĩ đại chưa bao giờ được biết, hay tưởng tượng nổi".
Và đây là những dòng tâm sự nổi tiếng, còn lưu lại của Côpecnic:
"Vì tôi không say mê lắm với những quan điểm của riêng mình nên tôi không coi trọng suy nghĩ của người khác về chúng. Tôi biết rằng những ý kiến của một nhà triết học không phải là chủ đề cho sự phán xét của những người bình thường, bởi vì đó chính là sự nỗ lực của ông ta nhằm tìm kiếm sự thực trong mọi vấn đề, trong phạm vi sự cho phép của Chúa Trời với loài người. Tuy vậy, tôi cho rằng cần xa lánh những quan điểm hoàn toàn sai trái. Những người biết rằng sự kết luận của nhiều thế kỷ đã đưa tới việc thừa nhận quan điểm rằng Trái Đất đứng yên ở trung tâm Vũ Trụ, như trung tâm của nó là trung tâm của Vũ Trụ. Tôi phản đối, coi đó là một tuyên bố điên cuồng nếu tôi đưa ra điều xác nhận rằng Trái Đất chuyển động. Khi một con thuyền chuyển động êm đềm về phía trước, các thủy thủ thấy chuyển động của nó được phản ánh qua mọi sự vật bên ngoài, tuy nhiên mặt khác họ cũng có thể cho rằng mình đang đứng yên, cùng với mọi vật trên thuyền. Theo một số cách, chuyển động của Trái Đất có thể là điều không thể nghi ngờ, đưa lại cảm giác rằng toàn thể Vũ Trụ đang chuyển động. Vì thế cùng với những lý thuyết cổ đại, vốn không còn chính xác nữa, chúng tay hãy cho phép các lý thuyết mới đó được xuất hiện, đặc biệt khi chúng tỏ ra rất chính xác, đơn giản và mang lại nhiều thông tin quan sát quý báu. Khi các lý thuyết còn được quan tâm, không ai có thể chờ đợi một sự chính xác hoàn toàn từ thiên văn học, thiên văn học không thể cung cấp điều đó, ít nhất anh ta chấp nhận các ý tưởng chính xác được đưa ra cho một mục đích nào khác, và việc quay lưng lại với nó chính là điều ngu xuẩn lớn hơn việc quan tâm tới nó. Tạm biệt!".

Như vậy là suốt hơn một ngàn năm, khoa học loài người "đứng trước" một "hiện thực thiên văn" sai lầm và "hồn nhiên" tiến hành các quan sát, nghiên cứu thiên văn trên cơ sở hiện thực ấy mà (nói chung) không hề hay biết. Chỉ mãi đến khi phát hiện ra tính tương đối của chuyển động thì các nhà khoa học mới "té ngửa" ra rằng sự thấy một vật đứng yên hay chuyển động là không chắc chắn. Điều thú vị là ở chỗ trước một hiện thực thiên văn "lộn ngược" như thế, những tính toán của họ vẫn phù hợp với thực tế quan sát. Nhưng tại sao? Chúng ta nêu ra một ví dụ để trả lời câu hỏi đó.

Có hai con thuyền giữa đại dương bao la tuyệt đối "sóng yên biển lặng", không thấy bến bờ nào, phía trên chỉ một màu xanh thẳm của bầu trời. Hai con thuyền đó đối đầu nhau và khoảng cách giữa chúng dần rút ngắn lại một cách đều đặn rồi cuối cùng đâm xầm vào nhau. Theo quan điểm của các thủy thủ trên hai thuyền đó thì thuyền nào gây ra va chạm? Nếu đã biết đến tính tương đối của chuyển động thì họ sẽ đồng thanh: "Không xác định được!". Còn nếu chưa biết và dựa trên kinh nghiệm cảm giác thì đoàn thủy thủ trên thuyền nào cũng sẽ cho rằng thuyền họ đứng yên và thuyền kia chủ động đâm vào thuyền họ. Hơn nữa, nếu đó là va chạm (hoàn toàn) đàn hồi, thì cảm giác quán tính làm cho đoàn thủy thủ trên thuyền nào cũng "thấy" thuyền của họ đã từ trạng thái đứng yên chuyển sang trạng thái chuyển động theo hướng rời xa con thuyền kia và khoảng cách giữa hai thuyền tăng dần một cách đều đặn (bỏ qua hiện tượng ma sát và giai đoạn tăng tốc!). Giả sử có con thuyền thứ ba ở gần đó và đoàn thủy thủ trên con thuyền này quan sát được toàn bộ quá trình vừa kể của hai con thuyền kia thì họ sẽ thấy như thế nào? Tùy trạng thái chuyển động (đều!) của con tàu thứ ba mà đoàn thủy thủ trên đó sẽ thấy như thế nào! Nhưng nói chung, một cách đại thể, sẽ thấy một trong ba hoạt cảnh này: thứ nhất, một thuyền đứng yên bị thuyền kia chuyển động đâm vào, thứ hai, một thuyền "lùi" một thuyền "tiến" cùng phương chiều và thuyền "tiến" đâm vào thuyền "lùi", thứ ba, hai thuyền cùng chuyển động hướng vào nhau và đâm nhau, trong cả ba trường hợp ấy đều thấy sau khi va chạm, cả hai thuyền đều biến đổi trạng thái chuyển động. Vậy là từ cùng một diễn biến trong thực tế dẫn đến ba hiện thực khác nhau ở ba đoàn thủy thủ. Vậy thì trong ba hiện thực đó, hiện thực nào sát thực nhất? Đó là câu hỏi thiếu điều kiện nên... chào thua! Tuy nhiên, dễ hình dung rằng tại "hiện trường" sau khi xảy ra va chạm, nếu yêu cầu ba đoàn thủy thủ đưa ra nhận xét về ba hiện thực ấy, thì đoàn nào cũng khẳng định thuyền của họ đứng yên trước khi va chạm (riêng đối với thuyền thứ ba thì cả sau khi va chạm) và diễn biến va chạm mà họ quan sát được là sự thực "không thể chối cãi", "đúng là" hiện thực khách quan, hơn nữa, họ còn có thể đo và tính toán ra được các giá trị tốc độ của hai con thuyền trước và sau khi va chạm hoàn toàn phù hợp với "thực tế".

Bây giờ, cũng ví dụ ấy với ba con thuyền ấy và diễn biến va chạm ấy, nhưng thêm dữ kiện là cả ba đoàn thủy thủ đều thấy một ngọn hải đăng trên một bến bờ. Rõ ràng, từ kinh nghiệm cảm giác mà cả ba đoàn thủy thủ đều phải thừa nhận sự đứng yên tuyệt đối (!) của ngọn hải đăng trong môi trường thiên nhiên. Do đó, cả ba đoàn thủy thủ đều phải lấy ngọn hải đăng làm chuẩn mốc (gốc tọa độ) để xác định các giá trị tốc độ của hai con thuyền trước và sau khi xảy ra va chạm, và tất nhiên kết quả tính toán của ba đoàn thủy thủ về các giá trị tốc độ ấy phải trùng nhau, cũng có nghĩa là hiện thực về diễn biến hai con thuyền va chạm của ba đoàn thủy thủ lúc này là như nhau, hay có thể nói rộng ra, với việc lấy ngọn hải đăng (hay bất cứ thứ gì đứng yên trên mặt đất) làm chuẩn mốc xác định trạng thái (cũng như) phương chiều chuyển động thì ba đoàn thủy thủ có cùng một hiện thực và hiện thực đó cũng được coi là hiện thực khách quan đích thực (trong môi trường thiên nhiên!) của họ.

Từ ví dụ trên có thể suy ra vài điều sau đây.
Thứ nhất, chỉ xét trong khoảng thời gian diễn tiến va chạm, nếu coi con thuyền thứ ba là Trái Đất và hai con thuyền kia là hai hành tinh, và dù người quan sát từ Trái Đất tưởng Trái Đất đứng yên hay biết Trái Đất đang chuyển động, thì kết quả đo đạc và tính toán nhằm xác định vị trí (biểu kiến) tại thời điểm nào đó của hai hành tinh so với Trái Đất là không đổi (!). Đó là lời giải thích sự tương đồng nhau về kết quả tính toán giữa hệ Ptôlêmy và hệ Côpécnic, cũng như vì sao thực tế những tính toán đó không thể chỉ ra được Trái Đất đứng yên hay chuyển động.
Thứ hai, trong hiện thực khách quan đích thực (lấy ngọn hải đăng làm chuẩn mốc), việc tính toán chuyển động của hai con thuyền va chạm sẽ cho ra kết quả: hai tốc độ tổng hợp (tính theo giá trị tuyệt đối) trước và sau va chạm của hai con thuyền đó có giá trị bằng nhau nhưng tương phản nhau (trong trường hợp này, vì va chạm trực diện nên "gọi là" đồng phương, ngược chiều), không những thế, còn có thể suy ra, đó cũng là kết quả rút ra được từ đo đạc và tính toán trong hiện thực khách quan "riêng" của bất kỳ đoàn thủy thủ nào có mặt tại hiện trường không có ngọn hải đăng (!). Việc từ mọi quan sát-tính toán về cùng một sự kiện đều dẫn tới kết quả tối hậu duy nhất đã "tiết lộ" ra rằng kết quả tối hậu đó phải có tính khách quan tuyệt đối, nghĩa là nó phải là sự thể hiện nào đó về bản chất của thực tại khách quan. Đúng vậy! Hoàn toàn có thể rút ra được từ kết quả tối hậu ở đây (ít ra là) ba trong số các định luật cơ bản về chuyển động cơ học mà nhà vật lý thiên tài I. Niutơn đã thiết lập được, đó là định luật quán tính, định luật tác dụng tương hỗ, định luật bảo toàn động lượng, và theo quan niệm của chúng ta thì ba định luật đó chính là những thể hiện dưới dạng đặc thù hay cũng có thể được coi là những hệ quả của ba nguyên lý tổng quát và tuyệt đối khách quan (nhắc lại: nguyên lý tương tác, nguyên lý nhân quả và nguyên lý bảo toàn) về (của) Tự Nhiên Tồn Tại.
Thứ ba, suy lý mở rộng, triết học Mác về tự nhiên phát biểu ba luận điểm gồm "sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập", "lượng đổi chất đổi và ngược lại", "phủ định của phủ định", và cho rằng đó là ba qui luật cơ bản, phổ quát nhất, đóng vai trò nền tảng của vận động vật chất. Nếu đúng thế thì vì Vũ Trụ là thống nhất và duy nhất nên ba qui luật ấy phải có mối quan hệ bản chất với nhau, hơn nữa, không trực tiếp thì cũng gián tiếp, chúng phải có tác dụng mang tính "khống chế nghiêm ngặt" đến mọi sự vật-hiện tượng, mọi quá trình vận động, nghĩa là "hình bóng" hay "dấu vết" của chúng phải xuất hiện khắp nơi, cho nên dứt khoát không những chúng không thể vắng mặt mà còn phải ở vị trí hàng đầu trong vật lý học, đóng vai trò "đầu mối" trong việc làm kim chỉ nam cho nghiên cứu vật lý nói riêng và khoa học nói chung, dù có thể dưới dạng phát biểu này hay dạng phát biểu khác. Do đó, từ trường hợp ví dụ đang xét hay từ ba định luật cơ học đã nhắc tới ở trên, cũng phải suy ra được sự tồn tại ba quy luật cơ bản của Mác. Ai suy ra được? Chúng ta thì... không! Nghĩa là chúng ta không thừa nhận sự tồn tại khách quan ba qui luật tự nhiên của triết học Mác, hay nói đúng hơn, chỉ có thể coi chúng là ba hình thức biểu hiện tương đối nổi trội của tồn tại và vận động được thấy (cảm giác) trong hiện thực ở phạm vi nhất định. Nếu lập luận đó là hợp lý, thì phải đi đến nhận định rằng, dù quan niệm về tự nhiên-xã hội của triết học duy vật biện chứng có đúng đến đâu chăng nữa thì vì phần triết học về tự nhiên của nó đã có sự ngộ nhận nghiêm trọng và sự ngộ nhận này gây không ít hệ lụy đến phần triết học về xã hội của nó, cho nên phải đặt nó, tức toàn bộ triết học duy vật biện chứng, vào tầm nghi vấn và nhận thức lại xem mức độ đúng-sai của nó tới đâu, với bước đầu tiên dĩ nhiên là phải rà soát lại khái niệm "vật chất" mà nó nêu ra.
Thứ tư, cũng là suy lý mở rộng, trong thực tại khách quan nhưng "ngoài" hiện thực (!), vì không tồn tại sự hồi ức nên cũng không tồn tại thứ gọi là "thời gian" (để mà "có" "sự trôi thời gian" cũng như "quá khứ" hay "tương lai"), và do đó, biến cố va chạm của hai con thuyền phải được nhận thức (một cách đúng đắn) là sự thực tuyệt đối và duy nhất đối với chính nó về không-thời gian. Hiện thực là biểu hiện của thực tại cho nên sự va chạm đó trong hiện thực cũng chính là biến cố xảy ra thực sự trong thực tại khách quan ( dưới dạng tạm gọi là "sự tương tác giữa hai thực thể năng lượng"!) và vì thế, nếu không có sự "che khuất" (cả chủ quan lẫn khách quan) nào ngăn cản, và đồng thời nếu có thể loại trừ tất cả những sai lạc do chủ quan cảm giác và nhận thức (dù có nguyên nhân chủ quan hay khách quan) gây ra, thì trong mọi hiện thực đều phải thấy nó xảy ra theo cùng qui luật và tại cùng một thời điểm, sao cho kết quả cơ học của chúng, khi qui về hiện thực khách quan đích thực chung thì như nhau. Trong ví dụ trên, giả sử quan sát từ thuyền thứ ba thấy rằng hai thuyền kia tiến đến nhau với tổng giá trị tuyệt đối về tốc độ (tốc độ rút ngắn khoảng cách giữa hai con thuyền) lớn hơn tốc độ truyền sáng trong chân không (tốc độ cực đại trong Vũ Trụ). Trên cơ sở đó đoàn thủy thủ ở thuyền thứ ba, trong hiện thực khách quan riêng của họ, sẽ tính ra được một tổng giá trị tuyệt đối về động lượng của hai con thuyền, mà nếu đem so với kết quả xác định trong hiện thực khách quan đích thực (có mốc không-thời gian là ngọn hải đăng), thì như nhau. Trong khi đó, đoàn thủy thủ ở một trong hai con thuyền tham gia va chạm xác định tốc độ rút ngắn khoảng cách giữa hai con thuyền và tổng giá trị tuyệt đối về động lượng là bao nhiêu? Theo Anhxtanh, tốc độ đó chỉ có thể nhỏ hơn hoặc (xấp xỉ) bằng tốc độ truyền sáng. Vì thời điểm va chạm là sự thực khách quan mang tính bất biến trong mọi hiện thực (vì đã loại trừ sự nhiễu loạn thời gian của hiệu ứng xa-gần!), cho nên để tương đồng về thời gian với quan sát trong hiện thực của đoàn thủy thủ trên thuyền thứ ba, thì khoảng cách giữa hai con thuyền tham gia va chạm, trong hiện thực của đoàn thủy thủ ở một trong hai con thuyền này phải bị "co rút" ngắn lại một cách tương ứng theo "sự giảm" tốc độ. Mặt khác, trong hiện thực khách quan riêng của đoàn thủy thủ này, tổng khối lượng của hai con thuyền cũng phải được thấy khác đi sao cho giá trị động lượng "ở đó" khi qui về trong hiện thực khách quan đích thực chung thì phải bằng giá trị động lượng được xác định trong hiện thực khách quan riêng của đoàn thủy thủ trên thuyền thứ ba. Nhưng sự "co rút" và "biến đổi" làm sao lại tự nhiên xảy ra được khi khoảng cách và tổng khối lượng không hề chịu bất cứ tác động nào từ bên ngoài chúng? Chỉ có thể là do sự "lũng đoạn" của tính chủ quan trong hiện thực và do đó, sự "co rút" cũng như "biến đổi" nói trên cũng chỉ là hình thức (nhưng là thứ hình thức có tính khách quan tương đối nên "tự nhiên tồn tại" trong quá trình nhận thức, không thể loại trừ được!). Tương tự như thế, không thể tin được trong thực tại khách quan, tính bất biến và cực đại của tốc độ truyền sáng lại như một lực lượng tồn tại thực sự, tác động gây co-giãn không-thời gian được, cho nên phải suy ra rằng sự co-giãn không-thời gian ấy chỉ có thể "xảy ra" trong hiện thực và cũng chỉ là kết quả của cảm giác, mang tính "tất yếu hình thức". Vậy phải chăng cũng nên "nhốt" luôn thuyết tương đối hẹp của Anhxtanh vào vòng nghi vấn để nỗ lực nhận thức lại?... (Kính thưa Mác và Anhxtanh, thời tuổi trẻ, chúng tôi vì tin tưởng hầu như tuyệt đối vào nhận thức của quí vị nên cũng kính phục quí vị. Giờ đây, khi đã về già, coi như đã trải qua một đời chiêm nghiệm và gặp không ít "trục trặc" khi tìm cách giải thích những hiện tượng xảy ra trong hiện thực, trên cơ sở quan niệm tự nhiên-xã hội của quí vị, nên trong chúng tôi đã bắt đầu nảy sinh những hoài nghi. Dù niềm tin vào quí vị đã có những rạn nứt thì lòng kính phục của chúng tôi đối với quí vị vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Trong thời đại của quí vị, phải là bậc thiên tài mới có được quan niệm về tự nhiên mang tầm vượt thời đại như thế. Chúng tôi, xét về trí tuệ, chỉ là lũ nhà quê có tầm học vấn... nông choẹt, nhưng lại có thuận lợi là "kẻ hậu sinh" trong tình thế "cờ ngoài, bài trong", vừa được quí vị dạy dỗ vừa thấy được nhiều điều mà quí vị không thể thấy vì bị... thời đại của quí vị che khuất! Sự đam mê tìm hiểu vì sao Vũ Trụ lại phải như thế này chứ không thể như thế khác, trong điều kiện khó khăn và thuận lợi đó đã dần hun đúc trong chúng tôi một nhận định rằng, đã là chân lý khách quan thì phải hiển hiện ở khắp nơi chứ không phải chỉ "trú ngụ" ở những nơi phức tạp và cao siêu trong triết-khoa mà đám "hạ tiện" chúng tôi không thể với tới được, và rằng chân lý là giản dị và phải giản dị mới là chân lý đích thực. Nhận định đó đã trở thành niềm tin sắt đá làm nhẹ bớt sự sợ hãi trong chúng tôi nên chúng tôi mới dám "tả xung hữu đột" và mạo muội nêu ra ý kiến "phản nghịch" (dù có thể sai bét nhè!) như vậy. Biết làm sao được?! Thành thật xin lỗi quí vị, và đồng thời cảm ơn Arixtốt bởi câu nói bất hủ: "Thầy đã quí, chân lý còn quí hơn" !!!...

Đến đây, có lẽ chúng ta đã "thấm thía" cái quan niệm "nắm bắt" chân lý nhờ cảm giác trực giác thuần túy của Charvaka là như thế nào rồi. Nhưng đúng là chẳng cái dại nào giống cái dại nào, đúng là "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"! Vì quá tò mò mà chúng ta tạm rời xa hiện tại-cuộc "ăn chơi" ở thế kỷ XXI, để "phi" về hiện thực thời cổ đại "nhòm ngang ngó ngửa", "bươi móc lung tung" cho thỏa chí tang bồng, nào ngờ những bí ẩn trong "đống tro tàn triết học" phát lộ ra, tỏa sức nóng hầm hập làm chúng ta... phát sốt đến độ "lảm nhảm hãnh tiến" và "hùng hục cắm đầu" cứ như nhà triết-vật (triết học kiêm vật lý học!) thứ thiệt, nên "vô tình" đã tự dựng lên một chướng ngại khổng lồ không thể có chướng ngại nào khổng lồ hơn trước mũi mình, "mở ra" nguy cơ nhãn tiền chấm dứt cuộc hành trình đi tìm cái gì đó của riêng mình. Nói toạc móng heo ra, chúng ta đã tự tạo ra tình huống thách thức, đối đầu với "cột sống" tri thức đương đại của loài người! Thế có "chết tiệt" không cơ chứ!... Làm sao vượt qua đây nếu không muốn quay về? Một lũ nhà quê lang thang lếch thếch, hở cơ là lại say mèm rồi mà đòi qua "đỉnh olympia" (của Đài truyền hình Việt Nam!) sừng sững về sự bảo thủ đến... gàn rở, ngất ngưởng "mút mùa lệ thủy" về sự khinh mạn đến mức... ương ngạnh, bất chấp tất cả (!), thì thật là điều quái lạ của những điều quái lạ! Không, chúng ta không thể chinh phục theo cách "leo trèo" đó, vì muốn thế phải cần đủ bốn "chi", trong khi chúng ta chỉ có mỗi một "chi" để "nhảy lò cò" theo kiểu kenguru thôi! Cũng không thể theo cách "liều mình như chẳng có", chỉ tổ "nực cười châu chấu đá voi", "lấy trứng chọi đá" vô ích, hay "điên" hơn, theo kiểu "tráng sĩ ra đi đầu không mọc tóc" để rồi uổng mạng lãng nhách như... Kinh Kha! Đối với những kẻ kém mọn về trí tuệ, có vấn đề về tâm thần và yếu bóng vía như chúng ta mà muốn chinh phục được khối thành trì triết-toán-lý "chắc cú" thực chứng và "hùng hồn" suy lý gợi liên tưởng đến gã phì đại "vai u thịt bắp"... Himalaya, thì cách chinh phục "siêu" nhất là... đừng chinh phục gì cả, mà hãy len lỏi tìm lối "cưỡi ngựa xem hoa" vòng qua nó, bỏ nó lại phía sau, "tỉnh bơ" tiếp tục "lang thang" lên phía trước, cầu may có ngày diện kiến... Đấng Tạo Hóa, để hỏi "cho da nhẽ" tử huyệt hay "gót chân asin" của "ló"!...

Nói nôm na, trong khi loài vật chỉ phải (và chỉ biết!) đấu tranh sinh tồn trong môi trường thiên nhiên đơn thuần, thì có thể coi loài người cùng lúc phải đấu tranh sinh tồn trong cả hai môi trường tự nhiên và xã hội, hay nói cách khác, con người phải tham gia cuộc đấu tranh sinh tồn tổng hợp trên hai "mặt trận" là môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Thuở đầu tiên trong tiến trình hình thành và tồn tại xã hội, khi mối quan hệ gắn kết, vận động phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành phần, các bộ phận nhân sinh hợp thành nội tại xã hội còn hời hợt, "lỏng lẻo", hoặc ''chỉ có'' tác động thuận, thì sự đấu tranh sinh tồn của con người trong môi trường xã hội cũng thể hiện nhạt nhòa, thiếu hẳn tính cạnh tranh, và hoạt động mưu sinh chính yếu vẫn là đấu tranh sinh tồn trong môi trường thiên nhiên. Quá trình vận động đi lên có tính xoay vần tự nhiên với các trạng thái thịnh-suy (trong mối so sánh tương đối với nhau) kế tiếp nhau, vừa (có lúc) là kết quả vừa (có lúc) là nguyên nhân của sự tồn tại tiến trình tinh tế hóa, sâu sắc hóa cảm giác hơn nữa ở con người, làm xuất hiện và duy trì hầu như thường xuyên trạng thái cảm giác cao độ gọi là tình cảm (như yêu-ghét, hạnh phúc-khổ đau, chê khinh-tôn vinh,... ), coi như chỉ ở loài người mới có, nhất là khi đã xuất hiện sự tiêu dùng phi thực phẩm như một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội, cũng như sự sản xuất, trao đổi và mua bán hàng hóa đã trở thành những ''nơi chốn'' mưu sinh thực sự của con người, đã làm cho cuộc đấu tranh sinh tồn trong môi trường xã hội dần trở nên nổi trội, thể hiện lấn át trong toàn cảnh mưu sinh của con người, và ngày nay như chúng ta cảm thấy, đấu tranh sinh tồn trong môi trường xã hội đã như một phương thức phổ quát và cơ bản trong việc duy trì cuộc sống ở mỗi con người nói riêng và đối với cả loài người nói chung, dù rằng trong sâu thẳm của thực tế, đấu tranh sinh tồn giữa loài người với thiên nhiên vẫn "âm thầm'' đóng vai trò nền tảng, cốt lõi, giềng mối...

Cùng trong một hiện thực khách quan, cùng bất mãn đối với hiện thực khách quan ấy, nhưng do có "khuôn khổ" hoàn cảnh và điều kiện sống tương đối khác nhau, nên nảy sinh ra hai cảm giác-nhận thức tương đối khác nhau, từ đó mà cũng xuất hiện hai mơ ước cụ thể, hai phản ứng về ''kiếp trần'', về ''quyền sống cơ bản'' tương đối khác nhau, tương phản nhau trước thời cuộc, dẫn đến hai thái độ, hai chủ trương sống đều có tính cực đoan nhưng ngược nhau. Trong khi chủ nghĩa duy vật-thực dụng Charvaka chủ trương: mục đích duy nhất của cuộc sống là hướng tới lạc thú trần tục cho nên hãy tận hưởng mọi niềm vui sướng ''trước mắt'' một khi có cơ hội, thì Kỳ Na Giáo chủ trương: tham sống là mù quáng, sát sinh và hưởng lạc là tội lỗi, hạnh phúc thực sự là sự giải thoát khỏi mọi cám dỗ, mê lầm nơi cõi thế, và chỉ có thể đạt được sau khi chết. Qua đó mà thấy, nếu Charvaka "kêu gọi" con người quay về lối sống thuần túy vật chất, phồn thực hồn nhiên, đáp ứng bản tính sinh vật (sự ham muốn) vốn có, do đó mà có vẻ dễ dãi tầm thường, tha hóa, ''vui đâu chầu đấy'', ích kỷ, thì Kỳ Na Giáo "kêu gọi" con người hướng tới lối sống thuần túy tinh thần, tiết thực khiên cưỡng, triệt tiêu bản tính sinh vật vốn có, do đó lại có vẻ khắc kỷ phi phàm, thánh hóa, vô cảm. Đến thời Ấn Độ cổ đại của những Charvaka hay Kỳ Na Giáo, tâm tư tình cảm trong đại chúng nhân quần nói chung đã tiềm ẩn những ý nghĩ hun đúc nên chuẩn mực khách quan lẫn chủ quan về đạo đức (sự ứng xử hữu tình, hay, đẹp!) trong quá trình mưu sinh giữa môi trường xã hội. Theo chuẩn mực đạo đức đó, con người ta sống đâu phải chỉ đơn giản là hưởng thụ vật chất một cách tầm thường, tha hóa, bất chấp, ''chỉ biết mình'' như con vật, mà phải còn có cái tình cao cả (tình người, nhân hậu!) đối với đồng loại nữa, nhưng đến mức phải hy sinh tất cả cuộc sống của riêng mình, trái ngược với chính đòi hỏi tự nhiên của sự sống một cách quá quắt, quá ư hà khắc thì cũng thật... vô cùng khó khăn. Nghĩa là hai chủ trương về lối sống đó đều ''vi phạm'' ước vọng và tình cảm hồn nhiên, trong sáng của kiếp đời con người bình dị. Vì thế, cả hai chủ trương đó về lối sống của con người đều đã tỏ ra có phần không phù hợp với yêu cầu của văn hóa đại chúng dân gian Ấn Độ ngay từ thời kỳ đó, đòi hỏi cần có một chủ trương sống trung dung, bình giản, hợp lý hợp tình hơn, như nhiên hơn, mà cũng thanh thoát hơn, cao khiết hơn... Đó chính là yếu tố quan trọng hợp thành nguyên nhân cơ bản của sự ra đời luân lý Phật Giáo.

Theo truyền thuyết thì Đức Phật Thích Ca... Ô hô, mà... thôi!... .Thông cảm nhé, anh em!... Con tàu vượt thời gian kia rồi!... Dù còn rất xa, dù hình thù con tàu vẫn khuất tất, thì ánh sáng ''hiện đại'' chói lói, phản chiếu từ thân con tàu trong buổi sáng thu cổ đại đang vào trưa, làm cho con tàu như đã lồ lộ trước ''thanh thiên bạch nhật''... Vào thời đoạn mịt mùng trong binh đao rối loạn này mà hớ hênh thế thì thật nguy hiểm quá!... Vì vậy và cũng vì sự sốt ruột bấy lâu bỗng dưng bùng phát không kìm lòng được, chúng ta vội chạy như ''ma đuổi'' về phía (chắc như bắp là!!!) con tàu đang đậu...
Sau này, cứ nghĩ đến khuôn mặt nhăn nhó cùng với điệu bộ hối thúc, múa may loạn xạ của ông trưởng tàu, chúng ta lại bật cười khùng khục!...

***



(Còn tiếp)

Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ