“Thần chú” - hameok6






“Thần chú”

 hameok6



Có một chuyện cũ thật 100% mà lâu nay tôi vẫn thường kể khi trà dư tửu hậu, nhưng không viết lên vì thấy nó nhố nhăng quá và chuyện này cần phải có diễn tả thì mới cảm nhận hết “ý nghĩa” của nó. Tuy vậy, hôm nay vẫn viết gởi AE xem cho vui (AE cần phải tưởng tượng ra các âm thanh nha!)

Nhớ hồi C61 ở Y Trung, có cái nhà cầu nằm riêng biệt sau dãy nhà ở. Một lần tôi đang ngồi bỗng nghe tiếng hát “Ta hải hang …” rất hùng dũng vang lên. Ủa, không lẽ có ai vừa hát vừa “hành tiến” đi cầu? Tiếng hát ngày một gần và đúng là đang tiến tới nhà cầu thật. Nghe giọng hát thì biết ngay là 1 “chú” GPQ đang hát. Thời gian đó có khoảng 1 tiểu đội GPQ TQ đóng trong cái nhà nho nhỏ gần đó cũng dùng chung nhà cầu này. “Chú” tiến vào nhà cầu, bước vào ngăn cách nơi tôi ngồi khoảng 2 – 3 ngăn gì đó (nên có lẽ “chú” nghĩ chỉ có 1 mình mình trong nhà cầu?).


“Chú” vẫn tiếp tục hát cho đến hết bài xen lẫn với nhữngtiếng mở - cài cửa, tiếng tháo dây nịt loảng xoảng. Khi hết bài hát “chú” tiếp tục đọc những câu quen thuộc thường có mà AE mình vẫn nghe trong thời gian đó. “Uầy ta xủng xoảng, uầy ta … ịị ….linh tinh …. ị ị …. Mao chủ …. ị ị ị …. sỉ …. ị …. oan xâ …. ị ị … ây … oan oan …. ị ị ị …. xây …ây ……” kết thúc là tiếng thở phào nhẹ nhõm. Chắc là ra rồi!? Tôi sực nhớ tới những câu chuyện đã từng nghe hồi trước khi đi TQ: Mao tuyển là “thần chú” của dân TQ bấy giờ. Nhiều diễn viên xiếc ra biểu diễn té lên té xuống. Song sau khi đọc 1 đoạn Mao tuyển thì biểu diễn trơn tru(?). Phải chăng “chú” GPQ này bị táo bón nên đang áp dụng phương pháp “thần chú” đó chăng? Chẳng hiểu có tác dụng gì với “chú” không? Nhưng với tôi thì có ngay tác dụng vì thấy quá ngộ nên phì cười trong nhà cầu làm cái “rẹt” . Thế là xong. Tôi đi ra ngay nên cũng chẳng có cơ hội để chiêm ngưỡng dung nhan “chú”. Thật đáng tiếc!

 ❧ ❀ ❧ 

Đăng lại bài viết của hameok6 (đã đăng tại Blog K8: Thứ hai, ngày 25 tháng bảy năm 2011).