Tài... trốn học








Tài... trốn học

Thời kỳ Khoa Chế tạo máy sơ tán ở Cẩm Xuyên, chúng tôi được xếp ở trong nhà một ông bà nông dân. Hai ông bà có lẽ chừng ngoài 50 tuổi nhưng già đẫy, có một đàn con lít nhít.

Cả nhà đi vắng suốt ngày, thi thoảng ông hoặc bà mới tạt về nhà một lúc, xong lại đi ngay. Chỉ có cậu con út của ông bà là thường xuyên ở nhà hơn. Cu này răng sún, thỉnh thoảng trò chuyện chơi với chúng tôi. Có lần nó đi chơi về chạy tọt vào trong buồng chái, sau chạy ra miệng nhai tóp tép và lại chạy biến đi. Chúng tôi liền vào chái nhà thám thính thì thấy có cái nồi hông treo trên xà nhà vẫn còn lắc lư. Đây rồi, thọc tay vào khua khoắng thì ra trong đống bột mịn có mấy cái kẹo lạc. Thế là chia nhau mỗi thằng một cái. Ăn thế thôi, chứ chén hết thì lộ.


Làng Cẩm Xuyên nay


Chúng tôi cũng thỉnh thoảng “ngứa ngáy”… mồm nên cũng tí toáy của ông bà chủ nhà: khi thì củ khoai, khi thì nắm lạc. Chả là các thứ này họ thường xuyên để dưới gậm gường chúng tôi ngủ. Khoai thì mang ra bếp ăn tập thể của Khoa để nướng, lạc thì đút túi mang về Hà Nội… “làm quà” rồi liên hoan với nhau. Đêm đêm, chuột chạy rinh rích, chén khoai, chén lạc, chén thóc, … rồi thậm chí có hôm còn gặm cả ngón chân chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi cũng không để ông bà chủ thiệt thòi. Lê Ninh “lùn” có mang một lọ dưa chuột muối, loại xuất khẩu đóng lọ thủy tinh, có nhãn toàn tiếng Tây. Đến bữa tối mang ra để ăn tươi. Cả bọn nhá được một miếng thì bỏ vì chua loét mà lại có vị ung ủng. Sau này nghe nói là Tây nó thích ăn thế chứ không phải là dưa chuột hỏng. Không ăn được, bạn Phạm Phúc Trí lễ phép mang sang mâm ông bà chủ… kính biếu. Sáng sau, như thường lệ, các bạn Phạm Phúc Trí và Lê Ninh ghé qua bể nước của chủ nhà soi bóng để vuốt tóc, chải đầu làm dáng trước khi lên lớp thì thấy trong cái vại nước gạo cho lợn nổi lều phều mấy quả dưa chuột. Bà con nông dân chê, thậm chí cả lợn cũng chê chứ chả phải mấy anh học trò Hà Nội khảnh ăn.

Thời gian này, chúng tôi còn phải đào hầm trong nhà dân: lên Khoa vác mấy cây tre về lợp mái chữ A và đắp đất lên. Những hôm mới có hầm, hễ nghe tiếng máy bay là chúng tôi chạy ra hầm, nhưng hôm thì chạy ra chạy vào cũng ngại, nhất là đang ngon giấc, hôm thì chủ nhà đã chiếm hết chỗ. Thế là về sau nghe tiếng máy bay cũng mặc kệ, không ra hầm nữa. Có hôm nghe tiếng bom ì ùm, ông chủ nhà lăn từ trên gường xuống chui vào gậm gường miệng hô vợ con ra hầm mà chúng tôi vẫn nằm yên trên giường, không buồn động cựa.

Rồi vào năm học, chúng tôi lại tổ chức lớp học tập. Nhưng “chứng nào tật nấy”, “ngựa quen đường cũ”: tôi lại tìm cách… trốn học. Do “từng trải” và có nhiều kinh nghiệm hơn nên tuyệt đối không lộ được. Thời gian này tôi có chiếc xe đạp Sterling của cha tôi để lại khi đi B. Chiếc xe này, anh cả tôi cũng dùng một thời gian đi về từ Lạng Sơn – nơi sơ tán – về Hà Nội. Có lần khi đổ đèo Sài Hồ, cái vỏ yên bằng da cứng đã rơi đâu mất, anh cả phải độn nguyên cái quần dài bộ đội mà ngồi, mới về được đến Hà Nội. Khi anh đi B thì đương nhiên tôi là người "thừa kế hàng thứ nhất" rồi. Nó là phương tiện cùng tôi đi lại Hà Nội và Cẩm Xuyên.





Hàng tuần chúng tôi học buổi sáng, chiều tự học. Một tuần học từ thứ Hai đến thứ Bẩy, riêng thứ Năm không có tiết. Vì vậy, lịch trình của tôi là: sáng thứ Hai lên học bình thường cho đến sáng thứ Tư cũng bình thường lên lớp… nhưng chỉ sau một tiết ra chơi, cố gắng lượn lờ, nói chuyện với các bạn trong lớp, đặc biệt là thế nào cũng hỏi cán bộ lớp một câu. Khi các bạn vào học tiết thứ hai, ấy là lúc tôi chuồn. Thời gian đó, lớp học tập trung ở đình làng Cẩm Xuyên, ngồi trong lớp trông thẳng lên bờ đê, nên tôi phải đi dưới bờ ruộng qua làng mới vọt lên đê. Sáng thứ Sáu lại lên lớp bình thường và chiều thứ Bẩy mới ngoan ngoãn xin phép về Hà Nội. Tôi cũng không hiểu lúc đó hay về Hà Nội để làm gì, chơi với ai. Mẹ tôi đi làm, các em đi sơ tán, bạn bè đi học, … nhưng thích là về, có thể cái máu “bất kham” tuổi con ngựa của tôi, cái cảm giác tự do làm cho tâm hồn, đầu óc tôi khoan khoái khi đạp xe trên bờ đê sông Cầu, qua bến đò Ngọt, rồi chợ Chờ, Từ Sơn, … qua cầu Long Biên, ngắm dòng sông Hồng đỏ quạch màu bùn.

Ngay khi đợt B52 đánh Hà Nội, do nắm được thông tin – tôi có một cái radio bán dẫn nghe tin trong, ngoài nước – nên sáng sớm ngày 25/12 là ngày lễ Nô En chuồn về Hà Nội. Thằng bạn ruột – Cường “tẩm” – bám ngay theo. Hai thằng đi từ 4 giờ sáng, khi mà trời đất vẫn còn tối tăm mù mịt. Mọi hôm giờ này là giờ mà B52 ném bom ác liệt nhất. Lần mò mãi cũng ra được đường Quốc lộ 1. Đi qua ga Yên Viên, còn khét lẹt khói lửa, bom đạn, hàng hóa vung vãi trên bờ tường, trên cây và trên đường. Qua cầu Đuống, lúc này nhịp giữa cầu đã sập chỉ con trơ trọi hai thanh ray xe lửa. Thế mà hai thằng cũng đi qua được, thế mới tài chứ. Lóp ngóp về Hà Nội lúc 10 giờ sáng. May quá tôi về nhà thì mẹ tôi vừa mới từ cơ quan về lấy ít đồ đạc. Bà đuổi tôi quầy quậy và không quên tiếp tế cho tôi đồ ăn. Mấy hôm Mỹ ném bom, bà ở hẳn trong cơ quan mà thực chất là trong hầm ở cơ quan, chỉ thỉnh thoảng qua nhà thu dọn và sắp xếp ít đồ dùng mang đến cơ quan. Đến nhà Cường thì cũng vậy. Mẹ Cường giục chúng tôi đi mau, không ở nhà được đâu. Dạo quanh những nơi quen thuộc ở Hà Nội một lúc thấy quang cảnh không suy suyển mấy như Bờ Hồ, công viên Thống Nhất, trường Bách Khoa, … chúng tôi quay lại khu sơ tán. Đến nơi bọn bạn, đặc biệt là bọn ở Hà Nội há hốc miệng nghe chúng tôi tường thuật chuyến đi. Hãnh diện lắm. Những ngày ấy mà chúng tôi vẫn ở Hà Nội. Đến bây giờ mỗi khi kể lại, Cường “tẩm” vẫn còn cao giọng.


Trở lại nơi sơ tán năm 1972


Ở Cẩm Xuyên một thời gian khá dài, sinh hoạt cá nhân cũng thu xếp ổn thỏa, vệ sinh buổi sáng nhờ nước gánh từ sông của chủ nhà, tắm thì ra sông Cầu. Mùa đông có ngại tắm hơn vì nước lạnh, bãi sông rộng và trống trải. Tết Nguyên đán năm Quý Sửu (1973), chúng tôi lại tập trung lên Cẩm Xuyên sau khi kỳ nghỉ. Sáng hôm sau, nghe mọi người báo có sinh viên chết đuối ở ngoài bờ sông Cầu. Thì ra đêm hôm trước có anh sinh viên gọi đò đêm không được đã bơi qua sông. Chắc vì lạnh quá, kiệt sức hoặc bị chuột rút nên đã chết đuối. Sáng sớm những người đi gánh nước, tưới rau ngoài bãi thấy đồ đạc, ba lô dạt vào bờ thì mở ra xem và phát hiện ra đó là sinh viên. Buổi trưa, dân thuyền chài câu lưới được xác anh ta và kéo vào để trên bãi cát bên bờ sông. Anh ta tên là Bồi, nguyên là công nhân cơ khí đi học, vào khóa 15. Đêm hôm đó, chúng tôi phải luân phiên thay nhau ra gác bên thi hài của anh. Một cái chăn chiên (loại chăn dạ mỏng) được trùm lên thi hài co quắp của anh trông xa một đống lù lù làm những người yếu bóng vía đứng tim. Tôi cũng được phân công ngồi trông chừng 1 tiếng đồng hồ… Sau đó, chúng tôi trở về Hà Nội tiếp tục lên các giảng đường học hành đàng hoàng cho đến ngày tốt nghiệp.





Kỳ sau: Quen biết nhờ... móc cống