Quen biết nhờ... móc cống






Quen biết nhờ... móc cống



Rồi chiến tranh cũng chấm dứt. Chúng tôi lại về trường tiếp tục học tập. Năm 1975, sau ngày toàn thắng, Nhà nước tổ chức mít tinh diễu hành ở Quảng trường Ba Đình. Chúng tôi được huy động tham gia diễu hành quần chúng.

Đêm đó, mỗi thằng được phát một cái bánh mì kẹp thịt, tập trung đi từ trường ra đường Thanh Niên từ 2 giờ sáng. Vì náo nức nên không ngủ, khi đi ngang qua cổng công viên Thống Nhất đường Nam Bộ, tôi buồn ngủ quá. May mà kẻ trước đỡ, kẻ sau đẩy nên tôi vẫn đi được như người mộng du. Đến ngã tư Phan Bội Châu – Hai Bà Trưng bắt đầu dồn ứ toàn người là người. Thế rồi chen chúc, lần lần cũng ra được đường Thanh Niên. Khi đã tập kết ổn định trên đường Thanh Niên, có ai đó phát cho mỗi người một lá cờ giấy. Tôi cũng không để ý xem xét và cứ nghĩ đó là lá cờ Tổ quốc như mọi người cầm trên tay. Khi trời mờ sáng, các đội ngũ bắt đầu dồn dịch thì có ai đó giật lấy lá cờ của tôi. Chúng tôi đi vào Quảng trường trong tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng đọc lời giới thiệu, tiếng hô khẩu hiệu, … rồi giải tán khi ra đến đường Điện Biên Phủ. Mấy hôm sau, Ban Bảo vệ Nhà trường có triệu tập tôi lên và hỏi về lá cờ vì như họ mô tả thì lá cờ có in hình gì đó lem nhem. Họ hỏi tôi là ai đưa cho lá cờ này? Tôi nói không biết và họ cứ tra vấn mãi. Rồi sau tôi bực quá nên vặc lại vì đã nói hết rồi cứ tra mãi. Sau cũng không có chuyện gì nữa, có thể họ xác định được rằng đó là lỗi in ấn thôi: in lá cờ trên nền giấy họa báo chứ không phải giấy trắng.

Thế rồi thấm thoát chúng tôi cũng đã tốt nghiệp Đại học. Thời đó cứ học xong Đại học nghiễm nhiên trở thành cán bộ CNV Nhà nước tức là trong biên chế rồi. Ngay khi là sinh viên Đại học thì hàng tháng được hưởng sinh hoạt phí, sổ gạo và tem phiếu như nhân viên Nhà nước. Ra trường đương nhiên là các cơ quan Nhà nước phải sắp xếp công việc không phải xin xỏ, chạy vạy. Khi đó tôi được phân công về Sở Công nghiệp Hà Nội cùng với anh Trương Văn Nhi và Lê Thị Minh Chính. Ngày đầu tiên lên Ban Tổ chức chính quyền, chúng tôi được trả lời là cứ chờ, khi nào cần sẽ gọi. Chờ tức là chưa có việc làm mà chưa có việc làm là chưa có gạo, chưa có tem phiếu, chưa có lương, nghĩa là đói. Vì vậy, nghe kể, anh Trương Văn Nhi còn phải đi Thái Nguyên mua sắn về cứu đói gia đình (?). Một tháng rồi hai tháng trôi qua, chả thấy gọi, sốt ruột quá, ngong ngóng chờ đi làm xem cuộc đời sẽ ra sao.





Đến tháng 4/1977, không chịu được cảnh ngồi chơi xơi nước, tôi làm đơn gửi lãnh đạo trường Bách Khoa để trình bày nguyện vọng xin chuyển giấy phân công công tác vào Quân đội. Làm đơn thì dễ nhưng gửi đi đâu? gửi cho ai? Mấy năm học có biết Hiệu trưởng mặt mũi ra sao? Mà gửi lên Khoa thì lo họ không giải quyết, ...

Lúc này tôi nhớ ngay đến ông Bí thư Đảng ủy Trường, chỗ này tôi cũng phải kể lể đôi chút vì sao tôi lại biết ông Bí thư Đảng ủy. Chả là hàng năm, sinh viên có đi lao động vài tuần. Năm thì phụ việc xây dựng nhà, năm thì đi đào đất, nhổ cỏ, năm thì lao động ở xưởng cơ khí, … Lần đó, tôi được cử vào một nhà cán bộ của trường để… móc cống. Khi đến làm thì chỉ có cô con gái con ông chủ nhà ra tiếp và chỉ bảo. Mặc dù chỉ có một buổi thôi nhưng tôi đã kịp nắm được đây là nhà ông Bí thư Đảng ủy trường Đại học Bách khoa Hà Nội lúc đó. Và cũng không ngờ việc này lại giúp tôi chuyển hướng cuộc đời nhanh như vậy.

Sinh viên năm nào cũng ít nhất có một đợt lao động chân tay. Khi thì xuống xưởng trường, khi đi các nhà máy thực tập... và cũng có khi đi lao động ngoài công trường xây dựng, lao động tạp dịch. Thời gian tham gia lao động, chúng tôi được bồi dưỡng mỗi ngày 1 hào và 100gr tem lương thực. Gom lại cả đợt thì cũng được khá khá, mà nhất là mấy người bạn Hà Nội chung nhau thì thành một món lớn. Tập hợp số tem gạo lại, đem ra ngoài thị trường, bán cho “con phe” – tên gọi những người buôn bán hồi ấy, lấy tiền đi đánh chén là một việc rất hào hứng. Bạn Lê Ninh được giao nhiệm vụ “giao dịch” với “con phe”. Ra ngã tư Cửa Nam, nơi tập trung nhiều “con phe” “ngành hàng” tem phiếu, Ninh “lùn” vẫy tay rồi vỗ vỗ vài cái, lập tức một đám đàn bà túa ra bao vây: “Bán gì? Tem gạo à? Bao nhiêu?”. Khi được biết là có mấy ki lô gam tem lẻ thì bị chê, ép giá, … Bán xong, tất nhiên là cả bọn rủ nhau đi đánh chén.

Lại kể tiếp chuyện xin chuyển nơi phân công công tác. Khi tôi đến nhà ông Bí thư Đảng ủy, trong tay cầm lá đơn viết sẵn, không may cho tôi là ông đi vắng. Tiếp tôi lại là cô con gái ông. Nghe tôi trình bày là đơn xin chuyển nơi phân công công tác, cô nói ngay: “Việc này bố tôi không làm được đâu”. Kệ, tôi cứ gửi đơn lại và nhờ cô chuyển tận tay ông Bí thư Đảng ủy. Thế mà nhanh, ngày 13/5/1977 tôi nhận được quyết định phân công về Bộ Quốc phòng. Thế rồi ra trạm đón tiếp ở phố Đặng Dung gặp anh Long “râu” – cán bộ nhân sự của Phòng Cán bộ, TCKT – nơi sau này tôi công tác một thời gian. Anh Long tiếp nhận và nói “Bây giờ ở gần Hà Nội không còn chỗ nào xếp được. Gần nhất thì cũng là ở Sơn Tây”. Không nghĩ ngợi tôi trả lời ngay lập tức: “Sơn Tây cũng được”. Thế rồi ngày 15/5/1977 tôi đã lên Nhà máy Z.151 nhận công tác, kết thúc cuộc sống sinh viên nhiều kỷ niệm ...