Đạp xe



Buổi chiều, trời đẹp hẳn lên. Không nắng, không mưa, gió lạnh thổi nhè nhẹ. Thời tiết y như Sa Pa, Đà Lạt, … vậy. Thật lý tưởng cho một chuyến vi hành. Tuyến đường đã được định trước: một vòng đường men hồ Tây.

Du ngoạn vòng quanh hồ Tây chỉ là cái cớ để có một cuộc tổng “kiểm tra sức khỏe”. Nói vậy thôi, chứ mới cách đây chừng một tháng, vẫn đôi chân này – đôi chân gần 60 năm chinh chiến “vào Nam ra Bắc”, “lên rừng xuống biển”, rồi cả những khi “lên bờ xuống ruộng” nữa – đã thử sức ở cung đường này rồi. Và cái chính là phương tiện lựa chọn: Xe đạp.

Khi giã từ tuổi thiếu niên, tôi đã từng đạp xe từ thị trấn Hưng Hóa (tỉnh Phú Thọ) để về Hà Nội. Khi đó, chiếc xe tôi mượn một ông anh họ là một chiếc xe đạp khung gióng ngang (xe nam). Phía trước có gắn một lá cờ đuôi nheo màu đỏ, có tua rua màu vàng. Trên đỉnh cây cờ có con sư tử nhôm gật gù theo từng vòng quay của bánh xe. Cái yên xe cũng bọc một cái “áo” vải xanh đỏ gì đấy… Tóm lại chiếc xe lúc đó có hình thức như những con xế hộp có nhiều “đồ chơi” của các “đại gia chịu chơi” ngày nay. Cả một ngày đạp xe, chỉ dừng lại uống nước ở Thị xã Sơn Tây chừng 15 – 20 phút thôi. Đến chừng 3 giờ chiều mới về đến Hà Nội, vừa đói vừa khát vừa mệt và … ê đít. Quãng đường chừng hơn 70 km, nhưng hồi đó đi lại rất khó khăn. Đường xấu đã đành, lại còn phải qua phà ở Trung Hà, rồi máy bay Mỹ xẹt qua… Nhưng đó là kỷ niệm không thể nào quên được, lần đầu tiên thực hiện một chuyến đi dài như thế.

Xuất phát thong dong, vừa đi vừa trông chừng để tránh lũ xe máy, ô tô, … nên cũng chả thấy sung sướng gì. Thoát ra khỏi phố phường để bắt đầu vào con đường sát mép hồ mới tĩnh tâm lại. Từ đây, đầu óc cảm thấy vô cùng thoải mái. Gió lộng từ mặt hồ lướt qua các rặng liễu rủ thướt tha dọc theo bờ hồ. Phong cảnh nơi đây không khác những khu du lịch nổi tiếng trên thế giới. Chỉ khi thoang thoảng mùi thum thủm bốc lên từ các bến nước mới đánh thức ta trở lại với… hồ Tây. Chân đạp xe, mắt nhìn ra mặt hồ xa xa, cảm giác thật khỏe khoắn, tưởng như mình mới hai mươi. Bắt đầu là đoạn “Tình Yêu”, rồi đến “Ven Hồ”, “Trích Sài”, “Võng Thị”, … chả mấy chốc đã lên đường Lạc Long Quân. Vượt qua cái dốc nhỏ mới bắt đầu thấy hơi đau ở cái đầu gối. Nhưng do dốc ngắn nên cái đau không lâu, hai chân vẫn đều đều khoan khoái.

Lúc này chợt nghĩ đến thời kỳ sơ tán ở chợ Bầu (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Vẫn cái xe đạp cũ, của “cha truyền con nối”, tôi “tung hoành” khắp nẻo đường Bắc Giang, Bắc Ninh, … Không những thế, thỉnh thoảng lại còn đèo cả ông “bạn vàng” Duy Cường về Hà Nội. Hồi ấy, tôi chỉ chừng 50 kg mà phải đèo một thằng tẩm hơn 70 kg. Không phải là vì nó không biết đi xe đạp. Mà vì tôi không muốn cho nó phá xe của tôi. Thằng này khi đi xe, nó chả để ý gì trên đường cả. Mắt nheo nheo, tay vung lên theo cái mồm hung hăng “chém gió”. Gặp “ổ gà”, vũng trâu ỉa, … nó vẫn lao. Hơn nữa, tôi cũng không muốn bị thằng này nó “tra tấn” bằng những phát… trung tiện, mà vụ này tôi thường hay “thả ra” khi phải gồng toàn thân đạp xe.

Đi hết chiều dài con đường “Nhật Chiêu” bắt đầu đến Quảng Bá, tôi mới bắt đầu cảm thấy hai bắp chân bắt đầu đau nhức. Khi xuống con dốc dài, đôi chân có cảm giác như đeo đá, nhất là khi hết dốc và guồng lại theo tốc độ. Vòng vèo theo con đường “Bến Nhật Bản” rồi sang Quảng An, tự nhiên cơn đau nhức, ê mỏi biến mất. Chân lại đạp xe bình thường như chưa từng chạy hết một quãng đường dài như vậy.
Thật lạ! Phải công nhận là đẹp nhất con đường ven hồ Tây là đoạn này. Phía ngoài là hồ rộng bát ngát, phía trong là các hồ sen như đầm Đông, đầm Trị, ao Thủy Sứ, …Đến mùa sen nở chắc nơi này sẽ đông đầy “trai thanh gái lịch”, không còn chỗ mà đạp xe nữa cũng nên.

Nhớ những năm tháng gian khó, đi công tác cũng phải đi đạp xe. Khắp vùng Sơn Tây, sang Hòa Bình, … chúng tôi cứ rong ruổi ngày này qua ngày khác bằng xe đạp mà không biết mệt. Mang tiếng là cán bộ cấp trên đến làm việc tại đơn vị, khi được hỏi: “Xe các anh để đâu?” chỉ vào mấy chiếc xe tòng tọc mà… phán: “Kia”. Chủ và khách cùng cười ngượng nghịu… Thế rồi, thời làm ăn. Chỉ có mặc cả giá mà phải đi đi lại lại chục lần mới xong. Và đương nhiên là phải lọc cọc chiếc xe đạp từ nhà đến Cầu Diễn hay khu Cao Xà Lá, … mà nếu như ngày nay chỉ cần một cú “phôn” là xong. Thế đấy!

Hết đoạn Quảng An đi ven hồ một khúc nữa vào bán đảo có khách sạn Sheraton Hà Nội. Cố vòng thêm ra phía sau khách sạn – đường ven hồ - rồi bắt đầu leo lên một con dốc dài tới ngã ba Nghi Tàm (nay là ngã ba Âu Cơ – Xuân Diệu). Đến đây buộc phải xuống dắt xe vì cũng muốn cho đôi mông nghỉ ngơi một chút. Cái ngã ba này trước kia có một cái đồn công an và trước cửa thường có góc vườn nở mấy bông hướng dương vàng óng. Nay chả còn dấu tích. Hết con dốc, tôi lại thả dốc đường Yên Phụ rồi nhập vào phố phường Hà Nội ồn ào chen chúc, như người tỉnh cơn mê dài…

Dọc con đường ven hồ, tôi bắt gặp rất nhiều người đạp xe. Trai có, gái có. Trẻ có mà già cũng nhiều. Trông họ, người ta có thể nhận ra ngay đó là các “cua rơ” chính hiệu. Đầu đội mũ bảo hiểm, khoác lên người bộ quần áo bó sát, có nhiều chữ ghi trên đó nhưng không đánh vần được – chữ ngoại quốc. Chân đi giầy thể thao đủ các nhãn hiệu “Adidas”, “Nike”, “Reebok”, … Và đương nhiên, xe đạp của họ là xe thể thao các loại.

Có anh bạn khi biết tôi đi vòng quanh hồ bằng xe đạp… thường thì rất ngạc nhiên. Anh ta còn khăng khăng: Không đi được đâu! Không đi được đâu! …và khuyên tôi nên chọn lấy một cái xe đạp ngoại (có giá 1000 đến 3000 tiền Mỹ). Thế mà tôi vẫn đi, mà không phải một lần để biết. Ba lần rồi. Mà chắc sẽ còn đi nữa, cho đến khi … không đi được nữa thì thôi. Cái xe đạp của tôi nguyên là xe tôi mua cho con tôi khi vào cấp III. Qua lớp 10, 11 rồi lớp 12 và hàng trăm km đi học thêm nữa, chiếc xe đáng ra đã hết “khấu hao” và phải về… hưu rồi. Giờ trông nó khó mà phân biệt được với xe đạp của mấy em đồng nát. Nhưng tôi quyết định dùng xe đạp này để “rèn luyện sức khỏe” chính vì nó mới tạo ra cái động lực vươn tới của con người.

Đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Quán Thánh – Nguyễn Biểu thì “rầm” một cái phía sau. Thôi chết! Khéo toi con xe. Quay lại. Một khuôn mặt kiều diễm bị các phụ kiện như nón, quai nón, khăn quàng, … che khuất với đôi quang gánh hiện ra cùng với tiếng oanh vàng thỏ thẻ: “Iemiem xin lỗi bác. Iem tránh cái anh lày” và nhanh chóng chạy lên vỉa hè. Những tưởng bị một con “xế hộp” của đại gia nhà giàu tông vào thì chắc chắn phải… ăn vạ cho đến khi “lòi ra” cho ông một con xe đạp thể thao cỡ 1000 tiền Mỹ mới chịu, thì lại gặp “iem lày”. May mà không sao. Của đi thay người!


Xuân 2013


 ❧ ❀ ❧