Những chuyện tình của Hà mà tôi biết - DĐ
Thứ Ba, tháng 6 30, 2009Những chuyện tình của Hà mà tôi biết
DĐ
Đọc xong tiểu thuyết "Quyên" của Nguyễn Văn Thọ. Em lại nhớ tới Hà, cô người yêu của thằng bạn học ở Nga với em hơn hai mươi năm về trước.
Một lần ra HN có tí việc. Đã tính "Âm thầm đảng viên" chả hiểu sao rò rỉ thông tin thế quái nào mấy thằng bạn Trỗi của em chúng nó cũng biết. Thế là chúng nó "bắt cóc", ép bằng được ra Ngọc Hà ngồi tán phét uống bia hơi với thịt chó tới say khướt, "chửi bới nhau" cho tới khi ánh trăng cuối tháng vắt qua rặng tre phía lăng "Cụ" một lúc lâu chúng nó mới chịu "anh dìu em về".
Biết tính mấy thằng bạn "hũ chìm" của mình nên em đã "tã lót" trước bằng một tô tái gân và cẩn thận thổi vào tai mụ béo bưng bê "tô đặc biệt đấy nhé".
Y hẹn em đến sớm kiếm cái bàn khuất nẻo ở phía trong cho đỡ ồn.
Ngồi một mình lơ đãng bỗng em thấy thấp thoáng sau màn hơi mù mịt của nồi lẩu chắc đang sôi ùng ục trên bàn cách chỗ em quãng vài dãy có hai người, một đàn ông, một đàn bà. Em có tật xấu là ít khi ngắm nhìn bọn cùng giới. Trong trường hợp cụ thể này là vì mái tóc nhuộm nâu và khuôn mặt có vẻ "tây tây" quen quen của người phụ nữ cứ đập vào mắt em.
Ồ! Sao thế này. Nhìn người phụ nữ tay thoăn thoắt ném các " phụ kiện" vào nồi. Chớp mắt đến mấy bận sợ mắt mũi kèm nhèm, sợ khuôn mặt người phụ nữ bị sai lệch đi do ánh sáng bị khúc xạ qua làn hơi nước.
Sau này đã vợ con, rồi bao nhiêu phiền muộn của đời sống, những căng thẳng trong cuộc mưu sinh tưởng như làm cho người ta quên hết những ảnh hình cũ. Nhưng không! rõ ràng là Hà, cô bồ của thằng bạn em hơn hai mươi năm về trước đang hiển hiện ngồi kia, thấp thoáng sau màn "sương". Có khác chăng là Hà bây giờ đẫy đà hơn, nét tươi trẻ năm nào không còn nữa và cái khác cơ bản nhất là thằng đàn ông ngồi đối diện trước mặt Hà lại không phải là thằng bạn của mình mà là mặt một thằng đàn ông lạ hoắc.
Thế mới đau!
Mười năm tuổi học hết cấp hai cơ thể phổng phao làm cho Em cảm thấy ngượng nghịu bên lũ bạn gầy đen còi xương nhếch nhác trong ngôi trường ọp ẹp nơi thị trấn vùng ven.
Chán! Bỏ học nằm nhà. Nằm nghe mãi Chế Linh, Khánh Ly ... cơ thể như nhão ra. Nhà mặt tiền gia đình cho thuê quán cơm. Em lăng xăng phụ việc cho đỡ buồn. Rồi quen một tay lái xe cho xếp của cơ quan bên cạnh hay qua ăn cơm. Tuổi 16 em trao tình yêu đầu đời và quả "đắng" đầu tiên mà em nếm trải, em có bầu với tay lái xe trong một lần đi tòa thánh Tây Ninh chơi trong chính cái xe của xếp. Chẳng biết có phải vậy không mà nghe nói tay xếp này xui, một thời gian sau hắn bị mất chức.
Sau này biết tay lái xe đã vợ con, em vật vã chia lìa.
Anh rể của em tôi biết, anh từng là cựu HSMN đã có lần tham chiến với cánh lính xe tăng cạnh trường trên Vĩnh Yên năm nào.
Thấy cô em vợ xinh xắn to khỏe mà chả nghề ngỗng, học hành nên thương, anh rể xin cho vào làm công nhân dệt.
Tình yêu lại sùng sục trỗi dậy trong cơ thể như có lửa của tuổi 17. Em lại yêu, yêu say đắm. Bạn trai của em đồng trang lứa, nhà con một, bố mẹ là cán bộ kha khá. Nên cu cậu quậy như một ông trời con.
Rồi em có tên trong danh sách của nhà máy đi Nga, xuất khẩu lao động. Ở sân bay sau khi bỏ va li cân hành lý mải khóc lóc chia tay. Quay đầu lại thấy chiếc va li sau khi cân cô nhân viên hàng không "ấn nút" băng chuyền kéo chiếc va li của em chạy tít vào phía trong. Hết hồn, em la thất thanh rồi nhảy phắt lên băng chuyền đuổi theo. Em tưởng bọn trộm cắp lôi va li của em giữa thanh thiên bạch nhật.
Cũng may cô nhân viên nhanh tay dùng hết sức lôi được cơ thể to cao nặng tới gần 60 kg của em ở lại rồi mắng như tát nước: "muốn chết à! Đi đâu mà mất, "talon" đây giữ lấy, sang bên kia rồi nhận lại. đúng là ..."
Xuống sân bay tay nhân viên phụ trách lao động của "Sứ" ra đón đoàn đã để ý ngay em, hắn vồn vã giúp em xách đồ, hỏi han rồi gí ngay "cạc" mắt nhìn em hấp háy: "Khó khăn hay thiếu thốn gì cứ điện cho anh".
Em thấy là lạ người tuổi cỡ dượng em mà sao "anh, em" nhẹ thế nhỉ! em cứ thấy ngường ngượng thế nào.
Chân ướt chân ráo về thành phố nằm ở ngoại ô Mat. Mấy ngày sau em phải vào viện. Chị phiên dịch thì thào: "Có giai gái gì không mà sao bầu bì? nói cho chị biết để chị còn liệu".
Vắt tay lên trán, thôi chết! đúng rồi, đã bảo là đừng, đang kỳ "quả rụng" mà cu cậu cứ hùng hục như trâu húc mả vừa âu yếm cu cậu vừa tán tỉnh "biết bao giờ lại gặp em".
Thây kệ! cho cu cậu chấm mút lần cuối coi như món quà kỷ niệm lúc chia tay với lại mình cũng yêu cu cậu thực sự cơ mà.
Nửa tháng nằm viện, buồn! tiếng tăm không biết bạn bè người thân chẳngcó, tí toáy thế quái nào bỗng chiếc "cạc" của tay phụ trách lao động "sứ" gí cho em hôm ở sân bay Mát trong bóp lòi ra.
Em tò mò, ngập ngừng bên bót điện thoại. Thế mà hắn mò xuống thật, hắn tưởng em bị ốm, hắn đem cho em nào táo, nào mận, nào Socola rặt những thứ lạ mà em thích. Sao "chú ấy" đoán tài thế nhỉ!!!
Khi chia tay "chú ấy" dúi cho em tờ giấy polime mầu hồng hồng có con số 10. Sau này em mới biết số tiền ấy quá to đối với kẻ chân ướt chân ráo mới qua như em.
Thời gian sau hắn điện cho em liên tục rủ em lên Mat chơi hắn sẽ đón. Nhưng rồi em "ngãng ra" vì bận bịu và cái chính là em hãi, hãi nhất là đôi mắt hấp háy của "chú" mỗi lần nhìn em chỗ nào là chỗ ấy cứ nóng ran lên như phải bỏng ... và tất nhiên cũng còn vì em có nhiều niềm vui khác háo hức hơn. Dần dà hắn mất hút trong bộ nhớ của em.
"Xa mặt cách lòng" các cụ nói không sai. Thằng bạn em quen Hà trong bối cảnh ấy. Bơ sữa nhiều lại không bị dị nghị bởi dư luận xã hội và quá khứ. Thằng bạn em yêu Hà như điên hai bên đã rục rịch hướng tới hôn nhân.
Bạn em biết những chuyện của Hà, chả phải cật vấn mà là trong một đêm ngà ngà men Hà đã kể cho bạn em nghe về quá khứ.
Rồi Hà có bầu với thằng bạn em, bầu bì đến "tam phen, tứ phen". Tới độ bà đội trưởng phụ trách Hà dọa: "Cứ đà này thì dạ con của mày khéo chỉ còn mỏng dính như tờ pơluya, rồi sau này đẻ đái khó đới".
Tốt nghiệp chúng em về nước, Hà còn ở lại hơn một năm nữa mới hết hợp đồng.
Nhận công tác tứ tán mỗi đứa mỗi phương em và thằng bạn cũng từ đó chưa một lần gặp lại.
Nghe phong thanh sau khi chúng em về nước Hà ở lại tiếp tục yêu một tay người HN trên Mat. Hơn năm sau hai người hết hợp đồng cùng về một đợt. Họ thành vợ thành chồng và Hà trở thành công dân phố cổ.
Bây giờ họ ngồi kia, chỉ cách em mấy dãy bàn sau làn "khói lẩu". Nhìn cách họ truyện trò ăn uống ra chiều hạnh phúc lắm và dường như họ còn son rỗi.
Em rất mong họ hạnh phúc và mong cho cái điều mà bà phụ trách năm nào dọa Hà đừng bao giờ xảy ra.
Từng ấy năm không biết thằng bạn cùng học với em giờ lang bạt phương nào? Chắc "vết thương" cũ hắn đã liền sẹo thậm chí đã thành chai rồi cũng nên, em cầu mong như thế.
30 June, 2009 07:41::
Đăng lại bài viết của Duy Đảo (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi K5”: 30/06/2009)
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>