"Đi một ngày đàng ..." - D.Đ
Thứ Năm, tháng 6 18, 2009"Đi một ngày đàng ..."
D.Đ
Các cụ nói "Đi một ngày đàng ..." thật chả sai. Hôm vừa rồi đi NT có cái chuyện thế này kể cho các bác nghe.
Em nghỉ ở khách sạn Hòn Chồng. Biển ở đây thoải sóng êm và không sâu như ở Trần Phú nên thích hợp với tuổi của em, tuổi của con và hợp nhất là với vợ, vì vợ em chỉ biết mỗi kiểu bơi chó học lỏm được từ thời sơ tán ở làng Vạc làng Lòn. Sau bao nhiêu năm chả tập dượt ôn luyện nên nói dại chả may nhỡ làm sao thì em còn nhao ra lôi vào được.
KS phòng ốc khá, giá cả bình dân phù hợp với cánh gia đình công chức như chúng em. Chỉ tức mỗi cái là nước tắm hơi lờ lợ, gội đầu bọt xà bông chạy đi đâu hết, gội xong tóc cứ xơ ra cứng quèo. Mãi sau em mới biết KS có hai hệ thống nước: Một để ăn uống tắm giặt (nước máy), một để rửa và tưới cây (nước giếng khoan). Em lại lẫn, mở bố nó sang hệ thống nước giếng khoan. Có chữ mà chả chịu đọc, ngu ráng chịu.
Vì lý do ấy mà em quyết định lang thang vào trong phố gội đầu tiện thể hớt lại mái tóc quá lứa.
Quán nằm mặt phố, phòng không thật lớn bài trí nhẹ nhàng, có máy lạnh, nhạc dìu dặt thơ mộng tạo cảm giác dễ chịu cho khách. Chủ quán là một cô gái khoảng 30 tuổi cao ráo da trắng có khuôn mặt đẹp. Nghe giọng không thể biết cô ta là người vùng nào. Quán chỉ có chủ và khách nên cả hai chả đi đâu vội. Vừa hớt tóc chúng tôi vừa chuyện trò. Bất giác tôi nhìn thấy ở mảng tường cuối phòng một cây đàn Gita treo bên cạnh cây đàn bầu. Thấy là lạ, một bên là cây đàn đặc trưng phong cách tây phương một bên là cây đàn dân tộc. Tò mò tôi hỏi:
- Hai cây đàn treo trên tường kia là của em?
- Vâng! Thỉnh thoảng buồn, hay lúc vắng khách em chơi cho vui.
Một người phụ nữ tâm trạng và có nhiều bí ẩn đây, em nghĩ bụng và tìm cách gợi chuyện.
Tiếng cô gái buồn buồn:
Nếu anh có dịp ra Bắc khi đi qua cầu Hiền Lương, ngay phía trái khi qua cầu có một cái làng nhỏ, đó là ngôi làng của em. Em sinh ra lớn lên và học hết phổ thông ở đó. Từ nhỏ em đã thích ca hát. Cuối năm 12 em bỏ học theo cô bạn cùng lớp ra Hồ Xá dự tuyển lớp văn công của đoàn ca múa nhạc Khánh Hòa. Kết quả hai chúng em đều đậu.
Bố mẹ em là lính Trường Sơn. Hai người quen nhau lúc còn chiến tranh. Bố em người Tuyên Quang, còn mẹ em quê Vĩnh Linh quê mẹ em chính là cái làng nhỏ bên kia cầu Hiền Lương ấy. Mẹ em bảo em được thừa hưởng những nét đẹp của cả cha và mẹ.
Bố em đã đưa mẹ về Tuyên Quang nhưng chả hiểu sao một thời gian sau ông lại đưa vợ trở về quê ngoại. Có lẽ Trường Sơn, đồng đội nằm lại sau những năm chiến tranh đã níu kéo ông chăng?
Bố mẹ không muốn em làm nghệ thuật. Nhưng tuổi trẻ lòng đam mê đã lướt qua tất cả, lướt qua cả chữ "hiếu". Em bỏ nhà theo bạn vào Nha Trang. Em học múa, học hát, học nhạc, em có thể chơi được tất cả các nhạc cụ.
Nhưng rồi đam mê là một chuyện tài năng lại là chuyện khác. Sau gần chục năm em xin ra khỏi đoàn. Em làm MC cho các nhà hàng rồi ca sỹ quán bar, quán trà, café, tiệc cưới... việc gì liên quan tới nghệ thuật em đều làm miễn lương thiện và có thu nhập. Sau bao nhiêu năm tích cóp em mua được một căn nhà nhỏ xinh xắn, cái tổ ấm cô đơn của em.
Thỉnh thoảng em có về quê thăm bố mẹ. Nỗi buồn cũ nguôi ngoai hai ông bà già không còn giận em thay vào đó là tình thương vô hạn. Thăm bố mẹ cho hai cụ ít tiền rồi em lại tất tả trở lại mảnh đất Nha Trang nơi mà không bao giờ em xa được nó nữa. Và bây giờ nghề cuối cùng của em, nghề làm đẹp và nó cũng có liên quan đến nghệ thuật. Em còn cô em út đang học năm cuối Học viện hành chính quốc gia thành phố HCM. Em nhận trách nhiệm nuôi và chăm sóc đứa em như lời hứa với bố mẹ.
Chuyện của cô chủ quán chỉ có vậy thôi. Em kể lại cho các bác nghe, em thề 100% không bốc phét tẹo nào.
18 June, 2009 08:40::
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>