Cuộc hội ngộ giữa cựu tù Hỏa Lò với thế hệ con em


Cuộc hội ngộ giữa cựu tù Hỏa Lò với thế hệ con em




KTNT - Khi bắt tay làm phóng sự “Sự kiện Phú Riềng Đỏ cách đây 85 năm”, Đại tá - Đạo diễn Đoàn Hoài Trung (Kênh truyền hình QPVN) đã nhạy cảm nắm bắt được chân dung cụ Trần Tử Bình (Bí thư chi bộ làm nên sự kiện này) gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử.

Đặc biệt, đúng tháng 3 năm nay, kỷ niệm 70 năm Cuộc vượt ngục Hỏa Lò mà cụ là “Trưởng Ban sinh hoạt” tù chính trị và tham gia tổ chức, giúp hơn 100 tù chính trị trở về với phong trào, trở thành những cán bộ chủ chốt trong Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Vậy là ý tưởng cùng gia đình làm tiếp phóng sự “Cuộc đại vượt ngục Hỏa Lò” trong các đêm từ 11/3 đến 16/3/1945, được hình thành.
>> Bài 1: Vượt ngục Hỏa Lò: Chuyện bây giờ mới kể


Công tác chuẩn bị
Sinh thời, Thiếu tướng Trần Tử Bình sống rất chân thành, quảng giao với bạn bè, đồng đội. Dù cụ mất đã gần nửa thế kỷ (Tết 1967) nhưng bạn bè, đồng đội từ ngày hoạt động bí mật cho đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vẫn rất quý trọng. Hơn nữa, thế hệ con cháu của gia đình vẫn duy trì được mối quan hệ quý giá này. Vì thế công việc rất thuận lợi.

Kênh QPVN lên kịch bản ghi hình cuộc gặp mặt của các cựu tù chính trị Hỏa Lò với con em gia đình các cựu tù tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.


Những ngày sát Tết Nguyên đán 2015, anh Trần Kháng Chiến (con trưởng cụ Trần Tử Bình) bay ra Hà Nội, đến thăm cựu tù chính trị còn sống.

Cụ Trần Văn Cử (93 tuổi) vui vẻ nhận lời nhưng trước hẹn một ngày lại báo lỡ hẹn vì yếu. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười (98 tuổi), người thoát ngục trong tốp thứ 2 đêm 11-3-1945, cũng không thể đến dự…

Cụ bà Nguyễn Thị Phúc Hằng thì vui vẻ nhận lời. Qua gia đình cụ Nguyễn Tạo có số máy của cụ Tạ Quốc Bảo, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Hỏa Lò (1930-1945). Thấy thế hệ con cháu trân trọng lịch sử, cụ đồng ý liền.


Ngày hội ngộ
Thứ bảy 7-2-2015, dù trời Hà Nội rét ngọt nhưng đúng 8 giờ sáng, hai cựu tù Tạ Quốc Bảo và Nguyễn Thị Phúc Hằng đã có mặt. Thật cảm động khi thấy cụ Hằng bước xuống từ xích lô. Cụ Bảo lần đầu tiên gặp thế hệ con cháu bạn tù nhưng cảm thấy như quen biết từ lâu.

Con em cựu tù tham gia vượt ngục ra trong các đêm từ 11-3 đến 16-3-1945 có: Đại tá Trần Tuấn Quảng (con trai tử tù Trần Đăng Ninh, nguyên Xứ ủy Bắc kỳ), Đại tá Lê Thanh Trung (con trai Xứ ủy viên Lê Tất Đắc), Đại tá Trần Vinh Quang (con thứ Trung tướng Trần Độ), chị Nguyễn Hồng Nga (con gái cụ Trương Thị Mỹ); Trần Việt Anh, Trần Việt Trung (con trai cụ Trần Văn Cử - 1 trong 3 người tìm ra lối đi “độn thổ”) và bốn người con của cụ Trần Tử Bình (Kháng Chiến, Thắng Lợi, Hạnh Phúc, Việt Trung). Đặc biệt là sự có mặt của Trung tá Nguyễn Trung Quốc, gia đình cụ Nguyễn Tạo - người đầu tiên vượt ngục Hỏa Lò, năm 1932.

Cụ Tạ Quốc Bảo kể về cuộc vượt ngục.


Các cụ cùng con em cựu tù vào thắp hương trước Đài tưởng niệm trong khu di tích. Trong giây phút tĩnh lặng, cả không gian thơm lừng hương khói, mọi người thành kính tưởng nhớ tới các anh hùng, liệt sĩ, các cựu tù Hỏa Lò đã hy sinh vì dân, vì nước.

Các phóng viên Kinh tế nông thôn và kênh QPVN bắt đầu tác nghiệp. Cụ Tạ Quốc Bảo năm nay 89 tuổi, phải ngồi xuống ghế bên bờ tường, sôi nổi kể:
“Vì anh Trần Tử Bình chỉ thị: những đồng chí nào bị án nặng, lớn tuổi thì được ưu tiên đi trước. Năm đó, tôi mới có 16 nên được giao ở lại. Đến tháng 8-1945, dưới sức ép của xu thế cách mạng mà chính quyền Trần Trọng Kim phải phóng thích nhiều tù chính trị, trong đó có tôi…”.
Rồi cụ chỉ lên bờ tường:
“Chính ở góc tường này, các tù chính trị và thường phạm đã lần từ mái nhà ra, thả các dây bện từ chăn chiên xuống để trèo ra ngoài, đêm 11-3.
Anh Trần Đăng Ninh được anh Lê Trọng Nghĩa hộ tống, thoát theo đường này. Trong đêm đó, còn nghe cả tiếng súng của lính Nhật bắn loạn xạ khi tù thường phạm tranh nhau trèo ra. Lo không biết có anh em tù chính trị nào dính đạn? Sau mới biết an toàn cả. Thật là may!
Ngay hôm sau, anh em tù chính trị bàn nhau tìm đường trốn. Khi anh Bình đưa ra ý tưởng chui cống ngầm thì có người bàn chùn. Anh cương quyết: “Hãy thử đi tìm!” Đến khi anh Hòa, anh Cử, anh Vân tìm được lối đi, về báo cáo; anh Bình đã lên danh sách cho đợt đi trong đêm đầu tiên (12-3-1945) gồm 29 đồng chí, và bàn giao danh sách các đợt sau cho anh Nguyễn Lam. Cũng có anh sắp mãn hạn tù nên không muốn liều mạng…”.
Cụ bà Nguyễn Thị Phúc Hằng năm nay 94 tuổi, cảm động chia sẻ cùng chị Nguyễn Hồng Nga:
“Cánh tù chính trị nữ có bà Trương Thị Mỹ - mẹ cháu, bà Phạm Thị Lê Hải, tôi… Cũng không ít đâu. Chúng tôi là một tập thể kiên cường và bị giam ở khu riêng. Ngày 10-3, thấy anh Lê Trọng Nghĩa sang gặp chị Mỹ rồi chúng tôi được chị thông báo: ai có cơ hội trốn ra được thì tranh thủ sớm. Bà Mỹ và bà Hải nhờ có người nhà vào thăm, mang theo cái quần bâu, áo cánh nên đã thay, rồi trà trộn cùng đám thăm thân ra ngoài theo đường cổng chính. Tụi lính Nhật gác mà không biết gì. Chả khác gì “vuốt râu hùm”. Còn tôi được ra theo đường hợp pháp.
Riêng trong gia đình tôi đã có đến 3 người là tù chính trị Hỏa Lò: chồng tôi - ông Trần Độ, chị chồng - bà Tạ Thị Câu và tôi nên Hỏa Lò là địa chỉ thân thiết của chúng tôi…”.

Hai anh em Trần Kháng Chiến, Trần Việt Trung.

Đứng trước miệng cống Trại J, nơi xuất phát của hơn 100 tù chính trị đi theo “đường độn thổ”, được Khu di tích giữ lại làm kỷ vật, anh Trần Việt Anh kể:
“Bố tôi cùng bác Nguyễn Huy Hòa được bác Trần Tử Bình giao nhiệm vụ lần xuống hệ thống cống, tìm lối đi. Còn bác Phan Vân ở trên nhận canh chừng, khi thấy có ám hiệu thì ra mở nắp cống. Cụ kể, khi bò trong hệ thống cống đen ngòm, không một tia sáng. Bên trong ngột ngạt, hôi thối; chuột, gián bò qua người, qua mặt… Có đoạn cống thấp quá, phải nằm ngửa người, dùng cùi trỏ và gót chân mà đi. Quanh co cả tiếng đồng hồ thì đến một hố ga, thấy có ánh sáng. Hai cụ nghe thấy cả tiếng động của xe cộ và người đi bộ. Quay trở lại nắp cống này, bác Vân chạy ra mở cho lên. Cánh tù cả chính trị lẫn thường phạm chạy lại, dò hỏi. Hai ông người hôi thối lắc đầu: “Tắc! Chả có lối ra”…
Vì bố tôi và bác Hòa là 2 người trực tiếp tìm thấy đường ra nên bác Hòa được giao dẫn nhóm đầu (có bác Trần Tử Bình, bác Nguyễn Tuân, bác Phan Vân), còn bố tôi dẫn đường cho nhóm 2 (có bác Đỗ Mười và bác Nguyễn Cao Đàm). Thế mà nhóm bố tôi lạc tới cửa cống gần đê sông Hồng mới lên được. Đêm đầu tiên, 29 tù chính trị đi trót lọt. Lần lượt các nhóm đi dần vào các đêm sau.
Sau này, bố tôi vẫn thường dẫn anh em tôi đến thăm Hỏa Lò”.

Còn anh Trần Tuấn Quảng thì lặng đi khi vào khu xà lim dành cho tử tù:
“Cũng từng qua lại đây nhiều lần; nhưng lần này, đúng dịp kỷ niệm 70 năm cuộc vượt ngục Hỏa Lò, tôi thực sự xúc động khi đứng trước xà lim - nơi thực dân Pháp giam giữ bố tôi và bác Hoàng Văn Thụ.
Cụ Trần Đăng Ninh, bố tôi, tháng 7-1941, được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Cuối năm đó, ông bị mật thám bắt và bị kết án 20 năm tù khổ sai. Năm 1942, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, đến cuối năm bị chuyển lên nhà tù Sơn La. Tháng 3-1943, ông vượt ngục lần thứ nhất từ nhà tù Sơn La cùng các ông Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu trở về xuôi và hoạt động trong Ban thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Đến tháng 9-1943, ông bị bắt lại và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội.
Nếu ông bị tử hình như bác Hoàng Văn Thụ thì đâu có tôi hôm nay. Chừng ấy năm chịu tra tấn, tù đày, chắc đã suy giảm sức khỏe của ông. Năm 1955, bố tôi vĩnh viễn ra đi, thì tôi còn nhỏ quá, chưa biết gì. Chỉ qua câu chuyện của mẹ và các chú, các bác bạn tù mới biết ông đã sống và chiến đấu như thế nào cho độc lập và tự do của Tổ quốc…”.
Trần Việt Anh kể lại chuyện cụ Trần Văn Cử, Nguyễn Huy Hòa tìm ra lối đi qua hệ thống cống ngầm


Đại tá Lê Thanh Trung, bạn học anh Quảng, cũng nhắc lại cuộc đời hoạt động của cụ Lê Tất Đắc:
“Cha tôi là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng sau 3-2-1930. Ông tham gia Xứ ủy Trung Kỳ và thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 6-1931 đến tháng 8-1939, ông bị địch bắt, giam ở các nhà lao Vinh, Thanh Hóa, Quảng Nam và bị kết án 13 năm tù, bị đày đi Lao Bảo rồi Buôn Ma Thuột. Do ảnh hưởng của Mặt trận Bình Dân, ông được trả tự do. Tháng 8-1940 ông bị địch bắt lại, bị kết án 12 năm tù và tiếp tục đày đi Buôn Ma Thuột. Tháng 1-1944, ông cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh vượt ngục, rồi được bầu là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Từ tháng 2-1944 đến tháng 4-1944, Trung ương điều ông ra tham gia Thành ủy Hà Nội. Tháng 5-1944, ông lại bị bắt, bị kết án tù chung thân, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò…”.
Khi dẫn đoàn ra phía đường Quán Sứ, anh Kháng Chiến chỉ vào 2 nắp cống:
“Năm 1960, tôi đã 14-15 tuổi. Khi dẫn tôi đến thăm Hỏa Lò, đưa ra đây, cụ kể:
“Đêm 12-3 khi ngoi lên thì trời tối đen và cũng phải vội vàng thoát thân nên giờ không còn nhớ là lên từ nắp cống nào. Ngoảnh lại thấy sau lưng là bờ tường cao 5m, có 2 chòi canh còn lấp ló đầu lính Nhật. Bên kia là vườn hoa Chí Linh. Chạy ào qua, may gặp cái tăng-xê tránh máy bay Mỹ có nước mưa đọng, tạt lên lau người cho bớt hôi, rồi hớt hải đi qua ga Hàng Cỏ, xuống Khâm Thiên, qua Lăng Hoàng Cao Khải về ATK (An toàn khu Vạn Phúc) của Xứ ủy ở Hà Đông…”.
Nay, tường cao này bị đập, thay vào đó là vườn hoa lối vào của Tháp Hanoi Tower.
Trong các cuộc phỏng vấn, phóng viên báo Kinh tế nông thôn và kênh QPVN còn ghi được câu chuyện hấp dẫn của anh Nguyễn Trung Quốc kể về cụ Nguyễn Tạo - người vượt ngục Hỏa Lò từ năm 1932 cùng cụ Nguyễn Lương Bằng:
“Không phải thăng thiên hay độn thổ như cuộc đại vượt ngục năm 1945, mà bố tôi cùng bác Nguyễn Lương Bằng có kiều trốn khác.
Là đảng viên từ 1930. Ngày 31-3-1931, cụ bị mật thám Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù giam tại Hỏa Lò. Thời gian này Hỏa Lò cũng là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, như: Tống Văn Trân, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Hới, Hạ Bá Cang, Lương Khánh Thiện, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến, Đặng Việt Châu…
Thấy nhà tù Hỏa Lò quá kiên cố, 2 cụ Nguyễn Tạo và Nguyễn Lương Bằng đã bàn bạc với nhóm tham gia vượt ngục (gồm các ông: Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển và Võ Duy Cương) giả ốm để được đưa ra bệnh viện. Mỗi người nghĩ ra một căn bệnh hiểm nghèo, buộc địch phải cho chuyển sang nhà thương Phủ Doãn. Còn việc chuẩn bị tiền, thẻ thuế thân, lưỡi cưa sắt… được vợ chồng nhà tư sản dân tộc Nguyễn Đình Thiện giúp đỡ.
Sau nhiều ngày cưa chấn song sắt, vào đêm Noel (24-12-1932), lợi dụng lính gác lơ là, 7 chiến sĩ cộng sản bẻ song sắt, trốn khỏi buồng bệnh, vượt tường ra phố Quán Sứ.
Đây là cuộc vượt ngục Hỏa Lò thành công đầu tiên của các chiến sĩ cách mạng. Cuộc vượt ngục năm đó trở thành nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Và cũng từ vụ vượt ngục này, cha tôi có thêm biệt danh Nguyễn Phủ Doãn, hay Tạo Doãn…”.

Vỹ thanh
Quay trở về TP. Hồ Chí Minh, anh Kháng Chiến đến thăm cụ Nguyễn Thọ Chân. Năm nay vừa tròn 95 tuổi, nhưng cụ vẫn tinh tường:
“Các cháu vừa tổ chức cuộc gặp mặt tại Hỏa Lò hôm rồi thật ý nghĩa. Nên làm lắm, nhất là khi con em Hỏa Lò tự đứng ra làm việc này!Chú cũng là cựu tù Hỏa Lò. Sau đó, bị đày ra Côn Đảo đến tận 1945 mới được đón về cùng Cụ Tôn Đức Thắng và các anh Lê Duẩn, Trần Xuân Độ…
Gia đình chú cũng khá đặc biệt, có 2 bà chị ruột – chị Tam, chị Tứ và cháu ruột Đỗ Mười cũng là cựu tù Hỏa Lò. Cả thảy 4 người…”.

Những tù chính trị thời ấy kể lại “Cuộc đại vượt ngục Hỏa Lò”


Nhà tù đúng là trường học lớn cho các đảng viên Cộng sản. Khâm phục trước sự táo bạo, dũng cảm của thế hệ đi trước, thế hệ con cháu nhớ mãi lão đồng chí Nguyễn Huy Hoà khi còn sống từng kết thế này:
“Cuộc vượt ngục đã thành công một cách thần kì nhờ “ba cái có” của anh em tù chính trị: có lòng dũng cảm, có mưu trí, sáng tạo và còn có cả máu mạo hiểm”.
Ngẫm lại thấy, nếu không dám mạo hiểm có lẽ sẽ mất thời cơ!

Hầu hết cựu tù Hỏa Lò đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc và đã mất vì tuổi cao sức yếu. Mới gặp đó mà khi viết bài này, cụ Lê Trọng Nghĩa - người bảo vệ tử tù Trần Đăng Ninh vượt tường rào Hỏa Lò đêm 11-3-1945 - cũng đã về với Tổ tiên hôm 22-2-2015.

Bài viết như một nén tâm hương tưởng nhớ tới những người có công với nước và những cựu tù chính trị Hỏa Lò!


Minh Tuấn – Kiến Quốc





 ✯✯ 




Đăng lại bài viết của Minh Tuấn – Kiến Quốc (đã đăng tại Báo Kinh tế nông thôn: Thứ năm, ngày 5 tháng 3 năm 2015 | 10:0).