Nhà văn Phùng Quán - Ngô Trọng Huấn


Nhà văn Phùng Quán

Trong tất cả các văn tài của đất nước, Phùng Quán là người tôi trân trọng và yêu mến, cảm phục tự đáy lòng! Tài hoa về văn phong và cao cả, sáng trong về nhân cách!

Ngưỡng mộ tài - đức ông tôi càng xót xa cho số phận một kiếp người của ông - chỉ vì dính vào vụ NHÂN VĂN - GIAI PHẨM, Phùng Quán (mặc dầu có một người bác ruột làm đến Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng chuyên trách về văn nghệ) mà vẫn phải đi cải tạo lao động nhiều năm nơi rừng thiêng nước độc, phải sống chui rúc hàng mấy chục năm trong cái chòi sát hồ Tây, chấp nhận cuộc đời cá trộm, rượu chịu, văn chui nơm nớp đầy cay đắng!
Ngưỡng mộ ông - tôi càng ngưỡng mộ chị Bội Trâm, người con gái đoan trang của phố cổ HN, vượt qua bao cản ngăn của GĐ, tổ chức, đoàn thể, bạn bè và bao khó khăn về cơm áo, những hiểm nguy về chính trị (với tình yêu và lòng tin mãnh liệt) đã đến với ông, sắt son, chung thủy cho đến phút cuối của cuộc đời.

Tôi xin kể lại một câu chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Lập nói về sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán, câu chuyện xảy ra trong thời kỳ nhà văn tài hoa của dân tộc đang ẩn mình "cá trộm, rượu chịu, văn chui".


          Tôi cố gắng kể (theo trí nhớ) một cách chính xác nhất:

Những năm 80 mình ở quê, mỗi lần ra HN đều ở nhờ nhà Phạm xuân Nghiêm và Phùng Quán. Hai nơi đó là thoải mái nhất, tự nhiên như ở nhà mình. Nhà thằng Nghiêm chật chưa đầy mười m2, vợ chồng nó rất khổ trong sinh hoạt nhưng vẫn luôn vui vẻ. Mỗi khi ăn tối tôi đều uống cho say khướt rồi lăn ra ngủ ngầm ý rằng tao ngủ rồi, "chết rồi", mần chi thì mần đi, khỏi sợ - hi hi...

Một bữa anh Quán đến chơi, lúc về anh nháy tôi đi theo, ra tới cổng anh bảo Lập vào lấy đồ về nhà anh, tôi hỏi răng rứa anh, anh bảo mi có vợ rồi mà tồ rứa, mi ,nằm chình ình giữa nhà thì tụi nó mần ăn ra răng, tôi nhe răng cười rồi chạy vào lấy đồ, chào vợ chông Nghiêm rồi tót lên xe anh. Lúc ấy tôi mới để ý đến chiếc xe đạp anh Quán, đó là một chiếc xe to lớn, thô kệch mà tôi chưa từng thấy, ống tuýp xe to bằng cổ tay, nan hoa phải bằng đầu đũa không thèm nói ngoa. Anh Quán giải thích đó là xe Liên xô, người Nga dùng để thồ, tôi hỏi anh mua ở mô thì anh cười cái hậc tiền mô mà mua, mà có tiền cũng không mua được, cả Hà nội không có chiếc thứ hai.

Tôi hỏi tại răng mà anh có anh nói người ta tặng, tôi hỏi ai tặng anh bảo Lênin, tôi bảo anh không biết nói xạo Lênin chết hồi nào anh sống hồi nào mà bảo Lênin tặng? Anh nói: rứa mới tài.

Tôi không thèm hỏi anh nữa vì biết tính anh chưa muốn kể thì cậy răng cũng không kể. Nhưng tôi biết đến một lúc nào đó anh sẽ kể ngọn ngành.

Một buổi chiều trời mưa anh Quán ào vào nhà, tay cât đồ miệng la Lập Lập mang xe vào nhà cho anh, tôi chạy ra vác, úi cha mẹ ơi, như một chiếc xe máy, tôi la: nó đúc bằng săt hay răng mà nặng rứa, anh bảo sắt chứ răng có tý nhôm nào đâu, rứa mới khỏe mới bền hè.

Rồi anh lôi chai rượu ra rót đầy hai chén bảo tôi ngồi xuống và anh kể...

Hồi đó con gái anh mới học lớp 6. Mùa đông thức khuya học bài rồi ngủ vùi trong chăn, lúc choàng dậy thì đã 7, 8 giờ... con đi học muộn bị cô giáo la hoài anh xót lắm nghĩ phải cố làm thế nào để có được cái đồng hồ báo thức. Đồng hồ Liên xô lúc ấy giá 30 đồng là cả một gia tài của anh. Mà có đươc 30 đồng, đến cái sổ gạo anh còn nơm nớp lo bị cắt thì làm sao mà được phân phối đồng hồ Liên Xô?

Môt hôm đến chơi nhà Trần Dần thấy có tờ họa báo PHỤ NỮ LIÊN XÔ anh mở ra đọc thì thấy Tòa soạn mở cuộc thi viết về Lê-nin cho tất cả 12 nước XHCN, giải khuyến khích là một chiếc đồng hồ báo thức, anh về quyết viết để giành được giải kk, vậy là viết tù tỳ hai đêm xong được truyện ngắn" con cò vàng trong chuyện cổ tích".
Chuyện viết rồi nhưng biết lấy tên ai đây? Chuyện thi cử anh không dám mượn tên các nhà văn mà anh đã từng mượn tên cho các bài viết trước, bèn viết thư vào Nghệ an cho một cậu em họ làm công nhân một lâm trường miền núi xin mượn tên. Dù sao cũng là người nhà, hơn nữa cậu ta thuộc thành phần giai cấp công nhân chăc người ta cũng có ưu tiên.

Bài dự thi gửi đi rồi và sau đó là những ngày mong chờ phấp phỏng... cứ thấy có người đưa thư là lại hồi hộp chạy ra, trông ngực đập liên hồi tưởng chú em viết thư ra báo trúng giải...

Thời gian trôi qua hơn 6 tháng, lúc đầu kỳ vọng... rồi hy vọng... rồi thất vọng... rồi tuyệt vọng...

Anh Quán cứ dằn vặt mình ngu ơi là ngu, dám múa rìu qua mặt các anh tài 12 nước XHCN... đến cái dải rút cũng ngồi đấy mà mơ.

Một hôm anh uống rượu xong đang ngủ, chị Trâm về véo cho một cái rồi hua hua tờ giấy báo trúng giải cậu em vừa mang ở Nghệ an ra, anh chồm dậy, rồi cũng véo đùi mình một cái, cha mẹ ơi, giải nhất! - một chiếc xe đạp đàng hoàng!

Cậu em đứng bên mồm méo xệch: anh giết em rồi, tin về đến lâm trường buổi sáng thì buổi trưa loa lâm trường, đài tỉnh phat tuyên dương rầm rầm. Một anh công nhân ở cái lâm trường khỉ ho cò gáy mà lại được giải nbất của Liên xô mà lại về Lênin mới kinh. Cánh nhà báo kéo tới nhao nhác, hai vợ chồng em hồn xiêu phách lạc, mặt xanh như đít nhái cứ thấy ai gọi là tim như muốn nhảy xuống ruộng, lừa lúc không ai để ý em phắn nhanh ra ga nhảy đại tàu chuồn thẳng về HN. Chừ anh mần răng thì mần!

Vấn đề nghiêm trọng rồi đây, chuyện này mà lộ ra thì chẳng những mất toi giải thưởng, cậu em bị đuổi việc mà anh cũng dính tù tội không chừng. Hai anh em ngồi suốt ngày và đêm hôm ấy để anh làm công tác tư tưởng, thôi đã đâm lao thì theo lao, đã trót thì chét. Anh phải cố vấn cho cậu em từng đường đi nước bước: trả lời nhà báo thế nào, các quan tỉnh ra sao... v.v. Tội nghiệp cho cậu công nhân, thôi thì đành chứ biết răng chừ, anh mà chết thì vợ chồng em cũng chết!

Hồi hộp, lo sợ, bồn chồn mãi rồi cũng đến ngày trao giải. Anh Quán đưa cậu em đến Đại sứ quán Liên Xô còn mình thì đứng từ xa bên này đường Trần Phú ôm chặt gốc cây. Trời hôm đó rất lạnh mà cả cái áo bông anh mang ướt sũng. Ba tiếng đồng hồ chờ đợi khủng khiếp trôi qua, lúc cậu em đẩy chiếc xe đạp đi ra, gặp nhau anh ôm ghì lấy cậu ta mà khóc nức: ơn em đời đời kiếp kiếp, anh đi bộ đội vệ quốc đoàn, vào sống ra chết không biết bao nhiêu lần, chưa lần nào anh sợ như lần này.


 ❧ ❀ ❧