Ngôn và luận, bài 2


Xem: Ngôn và luận, bài 1


1

LB:
- Không đúng!
Trái tim tự bản thân nó không mê sảng thì cũng mù quáng, và hơn nữa, luôn là "kỳ đà cản mũi" lý trí. Rất nhiều người cho rằng chính tình yêu đơn thuần mới là yếu tố quyết định đến sự tốt xấu về nhân cách của con người trong xã hội, từ đó mà có tác dụng làm cho đời sống xã hội yên bình hơn hay bất an hơn, "hiền" hơn hay "dữ" hơn. Đó là một định kiến không những nông cạn mà còn sai lạc. Do bị chi phối, khống chế rất mạnh bởi bản năng mà tình yêu thông thường luôn hàm chứa sự thiên vị, ích kỷ, dễ dẫn đến những hệ lụy như: vụ lợi nhỏ nhen, ghen tỵ thấp hèn, và thậm chí là cả oán thù...

- Vì thế mà trái tim cũng là một trong vài chướng ngại thuộc hàng lớn nhất trên bước đường tiếp cận chân lý của lý trí. Nghĩa là muốn có cơ may thấu đạt chân lý thì trước hết, lý trí phải chinh phục được trái tim.

- Vậy thì làm sao chinh phục được trái tim khi tư duy (cái quá trình hun đúc nên lý trí) được phát ra từ khối óc nhưng lại bị chính trái tim chế ngự? Phải có ý chí? Sai! Ý chí là cái gì nếu không phải là lý trí đã bị tình cảm mù lòa lũng đoạn, hoặc không phải là tình cảm chưa được lý trí sáng suốt khai phóng? Quá ư nan giải!!!Hãy nghiền ngẫm câu nói sau đây của Plăng (Max Planck,1858-1947, nhà vật lý lừng lẫy tiếng tăm người Đức, được mệnh danh là cha đẻ của Cơ học lượng tử, được trao giải Nô-ben về vật lý năm 1918): "Một chân lý mới của khoa học thường thắng lợi không phải bằng cách những kẻ chống đối nó sẽ được thuyết phục và tuyên bố mình được dạy dỗ, mà đúng hơn là bằng cách những kẻ chống đối dần dần chết hết, và thế hệ mới ngay từ đầu được làm quen với nó".

- Lịch sử phát triển nhận thức loài người cho thấy lý trí thuần túy giúp chúng ta hiểu biết chân lý, nhưng chỉ với một lý trí đã được trang bị kiến thức hoàn thiện, để hoàn toàn sáng suốt, thì chân lý mà chúng ta hiểu biết mới trở nên chính xác, đích thực.

- Chính vì không thể dùng lý trí chủ quan, vừa phát biểu chân lý, vừa khẳng định đó là chân lý đích thực, cho nên C. Mác mới nói: "Thực tiễn là tiêu chuẩn để xác nhận chân lý". Nói như thế chỉ đúng trong phạm vi hẹp và theo qui ước. Cơ học Niutơn được khoa học - kỹ thuật ứng dụng chứng thực "không chê vào đâu được", ấy vậy mà mới chỉ là chân lý "hạng hai" chứ đâu đã là chân lý đích thực?

- Có lẽ phải là thời gian mới xác định được mức độ đích đáng của nhận thức. Thuyết địa tâm của Ptôlêmê phải cần đến hàng ngàn năm mới bị "truất ngôi" chân lý! Đừng vội vã cho rằng có như thế hoàn toàn là tại thuyết địa tâm được bảo vệ bởi thế lực thống trị chuyên quyền và khắc nghiệt gần như tuyệt đối về tư tưởng của giáo hội La Mã. Đúng là đã xảy ra hiện tượng đó, nhưng mãi sau này, vào thời khoảng Côpécnic, và không phải là nguyên nhân chủ yếu. Trước đó, trong một khoảng thời gian không hề ngắn kể từ lúc xuất hiện, thuyết địa tâm đã được mọi người mặc nhiên thừa nhận là một chân lý khoa học đích thực, không thể chối cãi được bởi thực tế quan sát cũng như tính toán (thực chứng) vào thời ấy đã chỉ ra. Ngày nay nhìn lại, dễ thấy được rằng chính trình độ quan sát và nhận thức còn thấp kém về Tự Nhiên của loài người đã đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại "bền bỉ" của một "tà thuyết" mà giáo hội La Mã đã "lỡ" dựa vào để ca ngợi sự "sáng tạo thiêng liêng" của Thượng Đế. Nghĩa là do trình độ quan sát và nhận thức còn rất nhiều hạn chế mà loài người thời cổ-trung đại đã chưa phát hiện được sự thể hiện "lá mặt lá trái" (tính tương đối) của chuyển động, do đó đã bị Tự Nhiên "đánh lừa", cho thấy "hình ảnh phản chiếu gương" của hiện thực chứ không phải chính hiện thực!...

- Từ câu chuyện trên dẫn đến nghi vấn: biết đâu chừng nhận thức khoa học về tự nhiên - xã hội của loài người hiện nay, trong những thập niên đầu thế kỷ XXI này, cũng đang ở tình trạng tương tự như thế? Có thể nói triết học là khoa học nhận thức thực tại khách quan, mang tính thuần lý, dựa chủ yếu vào sự suy luận từ những quan sát và kết quả hiểu biết về tự nhiên - xã hội mà con người đã đúc kết được. Vì xã hội là một bộ phận của tự nhiên nên những hiện tượng xã hội cũng phải mang bản chất tự nhiên, nghĩa là những qui luật của vận động xã hội cũng chính là những qui luật tự nhiên được thể hiện ra một cách đặc thù trước quan sát và nhận định chủ quan của con người tư duy. Ra đời có lẽ muộn hơn một chút, nhưng sát cánh với triết học, vừa hỗ trợ đắc lực cho suy lý triết học vừa đóng vai trò "giám sát" tính chân lý của triết học, đồng thời cùng triết học hợp thành lực lượng nòng cốt, cơ bản nhất của loài người trên bước đường nhận thức, khám phá bản chất của thực tại khách quan , đó là hai "ông tướng": toán học và vật lý học. Cần nhấn mạnh rằng, "khối" hợp thành triết-toán-lý (hay cả toàn bộ khoa học nói chung) không phải là thực tại khách quan đích thực mà chỉ là một thực tại khách quan ảo, là phản ánh của hiện thực khách quan (thực tại khách quan còn phiến diện) vào tâm trí con người và được con người "trình bày" ra theo cách đặc thù mà tự nhiên qui định cho con người, cũng như theo trình độ quan sát và nhận thức của con người về tự nhiên ở từng thời đại.
Hiện nay, nếu "chịu khó ngắm nghía" kỹ một chút, rất dễ đi đến nhận định rằng, toán học đang lạc trong "trò chơi đố chữ" cao siêu và đầy huyền hoặc, vật lý học đang cố vùng vẫy một cách bất lực hòng vượt thoát những mâu thuẫn nội tại "chết người" của nó, còn triết học thì trong tình trạng hoang mang cực độ, chia năm xẻ bảy, chưa có một học thuyết nào đủ bản lãnh đóng vai trò "ngọn cờ chí lý chí tình" mà qui phục được trí tuệ ở khắp năm châu bốn bể, mà chế ngự được những phản biện triết-khoa đến từ mọi hướng. Phải chăng loài người đang ở trong tình trạng bế tắc, khủng hoảng về nhận thức tương tự như thời "Tai biến tử ngoại" trong vật lý học, đang ở trong "đêm trước" của một cuộc cách mạng tư duy (lần cuối cùng?)?

- Tóm lại: mối quan hệ khối óc - con tim là cực kỳ bi hài, như mối quan hệ trai-gái vậy. Khối óc ỷ khôn, chinh phục con tim bằng tài, còn con tim ỷ đẹp chinh phục khối óc bằng sắc, cứ thế mà lúc tỉnh lúc mê, mê mê tỉnh tỉnh, khó mà biết đúng-sai nằm ở đâu. Hình như, con người ta, hầu hết ai cũng hướng thiện, nhưng khi hành động thì lại thường gây ra cái ác đi kèm với khổ đau. Hãy cẩn trọng nhé, nhất là "dân" trí thức đang hăng máu chính trường! Phản biện không xấu, chỉ phản biện vô tội vạ, ác ý có chủ đích mới xấu. Bảo thủ không xấu, chỉ bảo thủ cực đoan, cố chấp đến gàn rở mới xấu. Song, để nhận định đích đáng được mức độ đúng sai, để phân biệt rành mạch được tốt xấu, là rất khó khăn, thậm chí, nhiều khi là không thể. Tại sao vậy? Rất có thể là tại thực ra trong thời đại ngày nay, người ta vẫn chưa "đủ sức" làm sáng tỏ đến tận cội rễ (để đi đến thống nhất, đồng thuận trong nghiên cứu cũng như tranh biện) những khái niệm từng nảy sinh rất sớm, thậm chí từ thuở sơ sử của quá trình đi nhận thức những hiện tượng tự nhiên, trong đó có hoạt động xã hội của loài người, tưởng đơn giản đến mức "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" vì đã được triết học phương Tây mổ xẻ đến (tưởng chừng như) không thể mổ xẻ hơn được nữa, chẳng hạn như những khái niệm: vật chất, tinh thần, không gian, thời gian, đạo đức, tự do, nhân quyền,... Bây giờ mà hỏi bất cứ "đại ca" trí thức nào (ở mọi bên tranh luận!) rằng: dân chủ hoặc đạo đức là gì(?), thì...ôi thôi, lại "một mâm" những "món hàn lâm có tiếng" của Tây, Tàu, còn "món" Ta chỉ là để..."đưa cay" , "mắm ớt hành tỏi chanh" thêm cho có "hương vị quê nhà", để..."ăn theo"(!), được trưng ra, mà rồi cũng chẳng biết "nhai cách nào cho hợp, nuốt kiểu gì cho trôi" vì không "đụng lạc vị này thì cũng vướng chối chõi kia". Thế mới...lạ kỳ!

- Đời riêng Khổng Tử là một thất bại. Thuyết "Chính danh" của ông là một mê lạc, bị chế độ phong kiến lợi dụng, gây biết bao nhiêu thảm cảnh đầu rơi máu chảy, tuẫn tiết quyên sinh vô nghĩa đến xót xa và còn di hại đến ngày hôm nay. Đừng đóng vai "quân tử Tàu" nữa, hỡi trí thức Việt Nam, nhất là các "lão làng" đang "say máu" phản biện một cách ngạo mạn vì đinh ninh ngộ nhận về sự "biết tuốt" của mình, cũng như chắc mẩm mù quáng rằng chân lý đích thực thuộc về mình, đến mức chửi cả bậc tiền bối (mà bản thân mình đã từng nể phục!) là ngu dốt! Coi chừng thành những "kẻ đốt đền"! Đã mang danh trí thức thì trước khi hành sự nên "nhìn cho rộng, suy cho kỹ" và quan trọng hơn là nên thật bình tâm mà "ngẫm ngợi" lại tất cả. Bởi vì, tưởng rằng "danh chính ngôn thuận" chắc gì đã là "danh chính ngôn thuận" đích thực(?), và khi đã "nhất ngôn phát xuất" rồi thì "tứ mã nan truy"! Xét về năng lực chuyên môn thì một nhà toán học nổi tiếng xuất sắc cũng chẳng khác gì một vị đầu bếp nổi tiếng tài hoa, và cả hai chắc gì đã thấu tỏ được nhân tình thế thái, nhận chân được thị phi thời cuộc hơn một gã thất phu vô danh tiểu tốt nhưng từng trải, từng nghiệm trên trường đời? Đừng vì được trọng vọng, ngợi ca mà hãnh tiến thái quá, dẫn đến ảo tưởng về trình độ nhận thức tổng quát của mình, kẻo lại "hư bột hư đường", "thân bại danh liệt", thậm chí là mắc tội đối với vận mệnh dân tộc, uổng lắm!

- Có thể chúng ta vẫn nhớ, vẫn thuộc nhưng chưa thấu hiểu lời dạy cực kỳ thâm thúy của tổ tiên ông bà mình: "Im lặng là vàng". (Vàng ở đây là chỉ thị về cái tĩnh tại quí báu ẩn chứa một nội công siêu quần, mềm dẻo mà bền vững, nhún nhường nhưng kiên định, đến lửa, thứ mà con người phải kinh sợ về khả năng thiêu tàn của nó, cũng không làm biến đổi phẩm chất được, không thể hủy diệt được, là cái "bất biến ứng vạn biến", hay cũng tương tự cái "bất vi vô bất vi"-không làm không phải là không làm gì (mà là làm tất cả!)-theo quan niệm của Lão Tử, vị hiền triết số một của phương Đông cổ đại, hơn nữa, có lẽ là nhà triết học vĩ đại nhất của cả thế giới cổ đại !).

- Nỗi niềm của Lão Tử, sau khoảng 2500 năm đã trôi qua kể từ ngày ông trước tác "Đạo đức kinh", vẫn còn khắc khoải: "Lời của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta. Người hiểu ta rất ít, kẻ theo ta được là rất hiếm. Cho nên thánh nhân mặc áo vải thô mà ôm ngọc quí trong lòng". Thưa Lão Tử, không còn lâu nữa đâu, mọi người sẽ thấu tỏ được trí tuệ trác việt và tâm hồn thanh thoát của ông và chắc rằng lúc đó, ông sẽ ngậm cười mãn nguyện nơi chín suối!


2
"Người trí thì hay lo, người nghĩa thì hay làm, người nhân thì hay trì hoãn"

LB: Sai! Người trí thì hay cãi, người nghĩa thì hay suy, người nhân thì hay lụy!


3

LB:
- Theo luận điểm "Trong dương có âm, trong âm có dương" thì... đúng!
- Theo luận điểm "Đã ngọt thì không có đắng, đã xấu thì không có tốt" thì... sai!


4
"Chỉ có một cách sống cao cả: Đó là hành động cao cả khi gặp cơ hội"
Blackie

LB:
- Thế nào là cao cả? Không gặp cơ hội thì có thể hiện được sự cao cả không? Mà cao cả để làm gì?
- Phải chăng sống cao cả là "giàu sang không mua chuộc được, nghèo hèn không đổi dời được, cường bạo không khuất phục được" (phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất)? Trả lời câu hỏi này không dễ dàng, vì nó động chạm đến đề tài muôn thuở của triết học: con người từ đâu sinh ra, sinh ra để làm gì, và đi về đâu(?)
- Theo Đại Chúng, lý tưởng đối với đời sống thường nhật của con người là thế này: không cao cả mà cũng đừng thấp hèn, không cương cường mà cũng chẳng mềm yếu, cố sao cho an nhiên, hòa hợp, có lý có tình, có thủy có chung, biết mình biết người, biết nhân biết nghĩa, biết phúc biết hậu,..., và nhớ nằm lòng lời nhắn nhủ của André Bourguignon, nhà nhân học người Pháp: "Với việc thiết lập bạo lực và giết chóc nhau trong loài của mình, con người tự đặt nó xuống dưới con vật", để mà biết... "buông bỏ" đúng lúc.


5

"Hãy để cuộc đời bạn nhảy múa nhẹ nhàng trên bãi bờ thời gian như giọt sương đêm trên ngọn lá"

Tagore
Rabindranath Tagore
Rabindranath Tagore, hay Rabindranath Thakur, (6 tháng 5 năm 1861 – 7 tháng 8 năm 1941) là một nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.
Tagore sinh tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ trong một gia đình trí thức truyền thống ở nhiều lĩnh vực.
Rabindranath Tagore tại Kolkata, khoảng 1915


LB:
- Tưởng hay, nhưng ngẫm kỹ, chỉ là sự ví von khiên cưỡng, và... siêu tưởng!
- Ai cũng muốn thế nhưng không thể sống thế dưới gánh nặng của trách nhiệm trong một xã hội "chen chúc" những mưu cầu. Tương tự, ai đó cũng từng khuyên:"Quẳng gánh lo đi mà vui sống!". Có thể tạm quên trong chốc lát chứ thật khó mà quẳng "cái của nợ" đó đi được, kể cả những kẻ vị kỷ, kể cả những người vô tâm nhất
- Giọt sương đêm nhảy múa trên ngọn lá có mà loạn thiên nhiên à?
- Đã lý tưởng thì chỉ là đích hướng tới của niềm mơ ước chứ không bao giờ là hiện thực được.
- Dù sao, sự hướng tới ấy (nói cho rõ là sự hướng thượng, hay đúng hơn là sự hướng thiện) sẽ đưa con người đến với tột bậc của Chân-Thiện-Mỹ!
- Tagore
Rabindranath Tagore
Rabindranath Tagore, hay Rabindranath Thakur, (6 tháng 5 năm 1861 – 7 tháng 8 năm 1941) là một nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.
Tagore sinh tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ trong một gia đình trí thức truyền thống ở nhiều lĩnh vực.
Rabindranath Tagore tại Kolkata, khoảng 1915
(1861-1941)- niềm tự hào của nhân dân Ấn-Độ, là nhà triết học, nhà văn, nhà thơ có tinh thần dân tộc, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng thế giới. Ông được trao giải Nôben văn học vào năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.