1. Tín hiệu để nhận biết nhau - 2. Giết nhầm lợn béo - Trần Kiến Quốc





Chuyện lính Trỗi tìm ra nhau, theo tôi, khi nào cũng rất hay. Lần rồi về Quy Nhơn ghi lại được mấy chuyện cảm động.

Thủy “bều” k4 nhận ra Nguyễn Đức Cảnh k6

Cảnh quen biết Thịnh (giáo viên nhạc cụ dân tộc, nay là vợ Thủy) nhưng khi đó chưa biết Thủy là ai. Một lần đuợc mời đến đám giỗ nhà anh bạn, Cảnh gặp Thịnh đi cùng bạn trai và thấy Thịnh được anh ta chăm sóc chu đáo. Ngồi cạnh, anh bạn Thủy hỏi Cảnh:

- Ngày ngòai Bắc ông học ở đâu?
- Dạ, Trường Trỗi.
- Ông mà là lính Trường Trỗi? – Thủy ra vẻ coi thường.
- Vâng!
- Bốc phét! Ông Trỗi thế... nào được? Thế ông có biết hát “Sinh ra trong khói lửa”?
- Dạ…, - Cảnh cầm li bia lên rồi cất cao giọng - “Sinh ra trong khói lửa, trường ta đã lớn lên, trường đẹp chói ngời tên anh Nguyễn Văn Trôi…”.
- Đúng Trỗi rồi! – Thủy ôm lấy bạn, nước mắt rưng rưng – Đúng lính Trỗi thật rồi. Vậy bao năm cùng sống ở Quy Nhơn mà không biết!

Nhất Trung k5 gặp Nguyễn Vĩnh Chinh k7

Nhất Trung công tác trong ngành Công an. Lần đó, do có người giới thiệu mà Chinh tới nhờ Trung làm thủ tục cho đứa cháu thi vào Đại học An ninh. Thấy Chinh nói giọng Bắc nên Trung hỏi:

- Ngoài kia ông học trường nào?
- Trường Trỗi?
- Trỗi nào?
- Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Tổng cục Chính trị.
- Trường ở những đâu?
- Đại Từ rồi Quế Lâm, sau về Trung Hà.
- Thế ông khóa mấy?
- Khóa 7?
- Tôi lính khóa 5 đây. Vậy sao tôi không biết ông?

Cùng trường, cùng sống ở Quy Nhơn bao năm nay mới biết nhau.

Thời về nước người ở Trung Hà, kẻ Hưng Hóa, rồi cả trường với 8 khóa và 1200 học sinh nên không thể nhớ hết mặt. Rồi ba, bốn chục năm xa cách ai cũng già đi, càng khó nhận… Nhưng nhờ những cơ hội ngẫu nhiên cùng những tín hiệu đặc biệt mà anh em ta nhận ra nhau. Từ đó gắn bó. Thật đáng quý!


Giết nhầm lợn béo

Ngày ở Hưng Hóa, gần cổng trường phía sân bóng và nhà thờ đổ có chuồng lợn. Quân nhu nhà trường hàng tháng cấp lợn về cho Tiểu đòan vỗ béo rồi giết thịt làm thực phẩm nuôi quân. Lần đó, Cảnh “trọc” cùng các bạn B1 C9 (k6) nhận nhiệm vụ xuống giúp nhà bếp giết lợn. Thầy đại trưởng dẫn anh em xuống chuồng, chỉ vào 1 chú lợn rồi lệnh cho Định “cà”: “Bảo anh em xúm lại bắt con đó cho chú Cằn. Giúp chú chọc tiết, cạo lông, pha thịt rồi giao cho nhà bếp!”. Vẻn vẹn mấy câu rồi thầy đi.

Thấy chú lợn này còi sợ rằng thịt ít, Định “cà” quyết định bắt con béo. Tay chỉ miệng nói: “Anh em vây lấy con này!”. Bất ngờ Định tóm lấy 2 chân sau, giật mạnh. Chú lợn mất thế đành chịu thua. Chú Cằn được anh em giao lợn thì xắn tay áo cạo sạch lông cổ rồi liếc dao chọc 1 nhát trúng tim. Chừng nửa tiếng sau đâu vào đấy.

Thật không ngờ đó lại là con lợn nái đang có chửa. Mổ ra thấy gần chục chú heo con. Nghe chú Cằn báo cáo lại, thầy đại trưởng chạy xuống:

- Định, thầy chỉ em bắt con kia, sao lại thịt con này?
- Dạ… dạ…
- Dạ cái gì?
- Thưa thầy, thấy con kia còi quá, ít thịt. Em sợ các bạn không đủ ăn nên… nhắm con béo. Ai dè là con lợn nái đang có chửa.
- Chị nuôi biết trước. Vậy mà…

Chuyện đã rõ hậu, anh em đuợc ăn tươi hơn… Xét về chấp hành mệnh lệnh thì không nghiêm nhưng về tình cảm của những thằng lính với nhau thì việc này của Định “cà” quá là tuyệt vời! Còn nhớ chẳng hiểu ai dạy mà Định giết lợn, giết gà rất khéo nên hay đuợc thầy “mê tín” giao việc.

Giờ này Định “cà” sống ở đâu, xin hãy liên lạc!


Đăng lại bài viết của Trần Kiến Quốc (đã đăng tại „Trang văn nghệ trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi ”: Thứ năm, ngày 29 tháng năm năm 2008)