Con ông to - HaMeoK6

   


Suốt từ nhỏ tới lớn, tôi luôn luôn bị câu “Con ông to” ám ảnh. Mọi chuyện mình làm đều bị XH (bạn bè và cả người lớn) lý giải là vì “con ông to”, chẳng có gì là vì mình và do mình cả. Học giỏi thì vì là “con ông to, ở nhà đâu có phải làm gì” - học dốt thì “con ông to, chỉ biết chơi thôi”. Ngoan thì tại “là con ông to, đâu có thích chơi với con dân” – quậy thì vì “là con ông to nên ỷ thế làm càn”. Lao động giỏi là do “con ông to, ăn uống đầy đủ, có sức khỏe” – còn dở thì vì “con ông to không biết lao động, chỉ biết ăn”. Đủ thứ hết đều có lý do vì “con ông to” ! Tôi nhớ hồi nhỏ có cái áo lụa Liên Xô rất thích, nhưng không dám mặc vì chỉ “con ông to, nhiều tiền mới có”, vậy là bà già phải kiếm mua cho cái áo mậu dịch mặc cho giống chúng bạn. Rồi lâu lâu cũng phải trốn học đi chơi với tụi bạn để không phải là “con ông to chỉ biết nghe lời” (!)

Rồi lên trường Trỗi. Quân phục phát đồng loạt giống nhau, chẳng có thằng “con ông to” nào được bận đồ đẹp hơn, nhiều hơn. Ăn uống giống nhau, ngủ nghê, học tập, lao động, quậy phá như nhau, không có thằng nào vì là “con ông to” mà hơn hay kém thằng khác. Tuy vậy, trong thời gian đầu, tôi vẫn chưa hề hết “phòng thủ” với cuộc sống mới. Sáng ăn ngô bung cứng ngắt, khô còng, lạt nhách nhưng vẫn phải ráng vươn cổ nuốt cho hết suất dù chẳng đói chút nào. Ông bà già gửi cho ít đường cũng không dám trộn vô ăn cho dễ chỉ vì sơ “con ông to không quen ăn khổ, nhà giàu có thừa đường trộn ngô bung ăn sáng”. Nhưng sau vài bữa, có thằng kia, sau khi ngồi nhá vài miếng không xong như tôi đã cầm nguyên chén ngô bung vừa chửi thề vừa đổ ụp vào bụi cây trước mặt “quần hào” mà chẳng thấy ai có ý kiến gì, mặc dù tôi biết rất rõ nó là “con ông rất rất to” ! Rồi từ từ anh em thân nhau, chơi với nhau vì thằng này “chơi được”, thằng kia không hợp tính chứ chẳng hề biết nó là “con ông nào”. Trường Trỗi có lẽ là nơi duy nhất không có, hay gần như không có khái niệm “con ông to”. Hay tại ở đây toàn là “con ông to” như 1 số người vẫn nói, cho dù có ông “to nhiều”, ông “to ít” ?

Kết thúc trường Trỗi. Giờ đã lớn hơn, hiểu hơn mới thấy không chỉ có mình, mà còn có nhiều “con ông to” khác cũng không thể vượt qua được “miệng đời”. 1 số bạn bè tôi tặc lưỡi : Ừ, thì ta là con ông to ! Đã thế thì sử dụng cho hết cái gọi là “con ông to”. Chuyện hay có, chuyện dở cũng không thiếu. Người thành công có nhiều, kẻ “rớt đài” cũng không ít. Kẻ đúng người sai, nhưng đếu không tránh khỏi cái tiếng “con ông to ỷ thế làm càn” (hoặc làm tốt ?). 1 số khác – trong đó có tôi – thì cố gắng từ chối các sự ưu đãi vẫn thường có trong XH và bằng mọi cách chứng minh cho mọi người biết mình làm nên sự nghiệp bằng chính đôi chân mình chứ không phải bằng cái chân “ông to”. Để vượt qua được “cửa ải” này, nhiều khi tôi đã phải vận hết “10 thành công lực” cũng chỉ để đạt được 1 cái kết quả bé xíu mà những người khác rất dễ dàng vượt qua. Nhưng người thành đạt thì cũng vẫn vì là “con ông to” nên có nâng đỡ. Thậm chí có người không phải “con ông to” nhưng cũng được ghép cho là con rơi “ông to” này, con nuôi “ông to” kia (?). Số khác thì quá chán nản, “buông tay” “gác kiếm”, rút về với thú vui gia đình, tìm kiếm sư an nhàn bắt buộc trong tuổi chưa thật là già. Đó cũng vì là “con ông to” nên dễ chán nản, thiếu nghị lực (?)

Tôi có 1 thằng bạn Trỗi, “con ông rất to”, nó học rất giỏi, không hiểu có ai nói gì không, nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông với điểm vào hàng đầu Hà Nội, nó được ông già gửi ngay vào quân đội đi nghĩa vụ quân sự, hình như là ra mặt trận (năm 1971). Chẳng thấy ai nói nó là “con ông to” nên phải đi lính ! (Sau này nó về học Đại học vẫn rất giỏi). Bản thân tôi cũng “được” 1 số CB lãnh đạo trực tiếp hết sức “lưu tâm theo dõi” tìm cho ra bằng hết các khuyết điểm của mình để khuếch trương lên cho mọi người biết rằng “con ông to” thì phải chịu những “hình phạt” nặng nề hơn người khác (?).

Ôi, đến nay đã hơn 50 tuổi, cái bóng “con ông to” vẫn còn phủ lên tôi ! Dẫu biết rằng không ai lựa được chỗ mình sinh ra, nhưng tới giờ vẫn không hiểu được : “con ông to” là tiền đề có lợi hay có hại cho cuộc đời mình ? Thôi chỉ mong sao XH ngày một đổi khác để con cháu mình không bị là “con ông to” / “cháu ông to”!


Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại „Blog Út Trỗi”: Thứ sáu, ngày 02 tháng năm năm 2008)