Những năm tháng ở trường Văn hóa Quân đội (1. Trại Hòe)







Những năm tháng ở trường Văn hóa Quân đội




Tôi bước vào cuộc sống quân ngũ từ rất sớm. Lúc đó là vào tháng 5 năm 1965, tôi lên học ở trường Văn hóa Quân đội (sau này trường mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Có lẽ tôi là một trong những học sinh đầu tiên của Trường và theo học cho đến lúc cuối cùng, chứng kiến sáu lần di chuyển địa điểm trong thời gian tròn 5 năm. Những câu chuyện về một thời xa xưa ấy luôn nằm trong tâm thức tôi cho đến tận ngày hôm nay, thỉnh thoảng trong những giấc mơ tôi cũng gặp lại những khuôn mặt, phong cảnh tuy mờ nhạt nhưng quen thuộc. Lo đến một ngày nào đó, không có điều kiện nhớ lại, tôi tập hợp những mảnh vụn của ký ức trong những trang viết hồi tưởng này.


Trại Hòe, ngày đầu quân ngũ

Lúc đầu, Trường đóng quân tại Trại Hòe (nay gọi là thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Cuộc sống tập thể theo nề nếp quân đội đã đưa tôi, một chú bé lên 10 tuổi đi vào khuôn phép. Tôi cũng nhanh chóng thích nghi với cuộc sống, mặc dù bây giờ nghĩ lại và so sánh với cuộc sống hiện tại của các cháu nhỏ tầm tuổi ấy thì rõ ràng là những chuyển biến ngoài sức tưởng tượng gần như huyền thoại.

Nơi chúng tôi ở là một doanh trại quân đội nằm trên ngọn đồi trọc, rộng rãi và bằng phẳng. Ở đó có sẵn vài dãy nhà vách đan phên nứa, lợp lá cọ. Các dãy nhà sắp xếp chạy xung quanh một cái sân rộng, bên những cây trẩu cao lá to xanh mát và bên dưới là những luống trồng dứa. Giữa trường là khoảng sân rộng, trơ đất có chỗ đá bóng và thỉnh thoảng có chiếu phim vào buổi tối. Một lối vào thẳng cái sân đó. Phía đối diện lối vào là nhà ăn lớn, phía sau là bếp, có một giếng nước to. Bên trái là khu vực Hiệu bộ (cách gọi Ban Giám hiệu Nhà trường lúc đó vì phải chia ra các khu vực). Bọn lớp 5 chúng tôi ở đối diện qua cái sân với khu Hiệu bộ.

Chúng tôi được phát quần áo, tư trang như quân đội và đương nhiên kỷ luật, trật tự nội vụ, giờ giấc như quân đội. Những ngày đầu chúng tôi được tập trung học tập về tình hình đất nước, truyền thống quân đội, cho đến nội quy, điều lệnh nội vụ, cách sắp xếp tư trang cá nhân, tập gấp chăn màn và xếp ở đầu gường như người lính thực thụ. Giờ giấc sinh hoạt hàng ngày theo hiệu lệnh còi của cán bộ quản lý và kẻng chung của Trường.

Mặc dù gian khổ, thiếu thốn nhưng bù lại, chúng tôi được sống trong một thiên nhiên thú vị.











Những buổi trưa hè nắng trung du chói chang, những con thằn lằn chạy ngang dọc trên cột nhà. Ngoài sân, cái nắng hắt lên từ khoảng sân rộng khiến con mắt cứ luôn phải nheo lại. Lũ ve thả sức kêu ran trên những cây mít, cây bạch đàn, cây trẩu. Gió thổi mạnh qua gian nhà trống mang tới không gian thoáng đãng mát mẻ.

Doanh trại nằm trên một ngọn đồi, nước sinh hoạt chủ yếu dùng nước giếng. Giếng ở vùng này sâu lắm, có lẽ tới chục mét mới có nước. Nước chỉ dùng cho nhu cầu vệ sinh cá nhân buổi sáng. Có một cái giếng to nằm sau nhà ăn. Còn tắm, giặt thì phải ra mương thuỷ lợi, nằm phía sau doanh trại.

Lúc đó chiến tranh đã bắt đầu lan ra phía Bắc. Thỉnh thoảng lại nghe ì ầm tiếng máy bay phản lực xa xa, rồi dần dần chúng vụt bay qua ở trên cao. Khi có kẻng báo động vang lên là chúng tôi nhảy xuống mấy cái giao thông hào phía sau nhà ngồi nghe ngóng, mắt dõi lên trời xanh và khi báo yên thì lại sinh hoạt bình thường. Thỉnh thoảng, vào ngày Chủ nhật được nghỉ, đón cha mẹ lên thăm nom, tiếp tế… nếu không có thì tha thẩn loanh quanh trong vùng. Có lần, tôi được rủ đi chơi xa hơn, tất nhiên là phải lần lượt và được phép ra khỏi doanh trại. Đó là lần đi xuống thị trấn phố Thắng, phố huyện Hiệp Hòa. Lang thang đi bộ hai ba tiếng mới ra đến phố huyện. Cả dãy phố nhà cửa lèo tèo, đường xá vắng vẻ, bụi bặm. Một phố huyện trung du nghèo nàn như các phố huyện miền Bắc thời chiến tranh. Sau khi lượn một vòng, bọn tôi gặp hàng kem. Đủ tiền ăn một que kem rồi về. Trên đường về có ghé qua Trại Cờ ngó xem nơi ăn ở của các khóa lớn hơn. Nhà cửa ở Trại Cờ khang trang, ngăn nắp hơn, cây xanh nhiều hơn ở chỗ chúng tôi và không khí có vẻ nhộn nhịp, vui vẻ hơn.

Trong các bụi cây quanh vùng có nhiều dây leo lạc tiên. Tìm được đám quả lạc tiên chín là một hạnh phúc lớn trong các chuyến đi khám phá. Dân quanh vùng hay mang nông sản, hoa quả đến bán cho chúng tôi. Lần đầu tiên tôi được biết đến quả chay, trái cây trông như quả dâu tây, màu đỏ, có nhiều tép như bưởi, ăn chua chua ngòn ngọt, …

Thời gian này vui thú nhất của bọn học trò chúng tôi là ra mương tắm. Chiều chiều, đến giờ nghỉ bọn chúng tôi kéo nhau ra rải khắp dọc bờ mương. Đây là mương thủy lợi, nước chảy mạnh khi mở các cửa cống. Ở đây tôi mới biết bơi do bạn bè chỉ bảo và liều mạng bơi ào ào. Từ bơi chó chuyển sang bơi sải, bơi đứng, bơi ếch, bơi bướm,… và đương nhiên là cũng nhiều lần… no nước. Trò chơi thích thú nhất của chúng tôi là nhảy từ trên thành cống Bốn cửa xuống mương theo kiểu “nhảy dù”. Vừa sợ, vừa sướng nên cứ thi nhau nhảy, lại còn rủ nhau nhảy tập thể, rồi thi nhảy xa hơn… Đã có người bị hút vào miệng cống, nhưng cũng chả đứa nào sợ.

Ở Trại Hòe được khoảng 3 tháng thì chuyển địa điểm. Vào một buổi chiều muộn khi mà chúng tôi cơm nước xong xuôi thì một đoàn xe tải tiến vào sân trường và đỗ thành một dãy dài. Nhà trường gõ kẻng tập hợp chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Bùi Khắc Quỳnh phổ biến kế hoạch hành quân. Theo đó, ngay lập tức chúng tôi phải mang toàn bộ tư trang lên xe chạy hành quân ngay trong đêm. Đi đâu không biết, đoàn xe cứ chạy ì ì cả đêm. Khoảng nửa đêm, đang ngủ gà gật, chúng tôi lại phải xuống xe đi qua một cái phà. Đến gần sáng, đoàn xe mới dừng lại. Chúng tôi đã đến địa điểm mới. Sau này có tin là ngay sau khi chúng tôi dời khỏi Trại Hòe thì địa điểm này bị máy bay ném bom.

(Còn nữa)