Đặng Kim Sơn: Kệ nhanh, kệ chậm! Miễn hiệu quả! - Lương Bích Ngọc (thực hiện)

Bee.Net.Vn >> Đi và gặp >>

Đặng Kim Sơn: Kệ nhanh, kệ chậm! Miễn hiệu quả!



 

Bee.net.vn - Nghiên cứu, kiếm tiền, viết sách, đọc sách, đào tạo “bọn trẻ con” và xem phim hành động... Đó là những việc mà tiến sĩ Đặng Kim Sơn coi là hiệu quả khi “tiêu” thời gian.

Làm dịch vụ tư vấn là cách làm thuận lợi
Tổng cộng Viện của anh giờ có có bao nhiêu người?
180 người, có lẽ còn có nhiều nữa.
Có được “nuôi” tốt không?
Chia nhiều cấp. Có nhóm được coi là khá nhưng cũng có nhiều người chỉ được gấp rưỡi, gấp đôi công chức bình thường.

TS. Đặng Kim Sơn

Thiên hạ đồn có những người (tổ chức quốc tế) mê Đặng Kim Sơn đến mức nhìn thấy anh là cứ muốn móc tiền ra?
Làm gì có chuyện ngon lành thế, trước hết, cũng phải chia sẻ mục đích chung, sau đó phải thống nhất cách làm chung. Mà càng cải cách hành chính có lẽ thủ tục càng lôi thôi. Nguyên tắc của ODA là vốn ngân sách, phải quyết toán với cả Nhà nước nữa nên việc chuẩn bị và thực hiện dự án mất thời gian lắm.
Bây giờ có lẽ tiện nhất là làm hợp đồng dịch vụ, bán chất xám minh bạch trên thị trường, chỉ lo đóng thuế sòng phẳng, xong rồi  không lo ai trêu ghẹo.
Những câu chuyện ngày xưa (Thời kỳ đầu của việc tái cơ cấu lại Viện Kinh tế nông nghiệp để phát triển thành Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT bây giờ) bây giờ đã giải quyết xong rồi đúng không?
Câu chuyện bây giờ lại chuyển sang kiểu mới. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phải tính đến thành lập các đơn vị vệ tinh, và phải chuyển một số cán bộ của Viện tại đơn vị ra ngoài kiếm tiền nuôi anh em.
Năm năm trước, (tại Viện Kinh tế nông nghiệp ở Nguyễn Công Trứ), chỉ lo chuyện cơ cấu nhân sự, chất lượng nghiên cứu và chỉ nói chuyện Nhà nước thôi. Giờ phải đương đầu với cả... các đối tác quốc tế. (Tớ có một loạt những đối tác: Úc, Mỹ, TQ, Thụy Điển).

Điện thoại, email? Người quen mới trả lời
Anh quen nhiều thế và việc nhiều thế, chắc điện thoại quấy cả ngày?
Cũng chỉ nghe điện thoại di động thôi, và thấy số quen cần thiết mới trả lời. Email cũng thế. Người nào nào quan trọng anh em nói lại mới trực tiếp trả lời. Lịch làm việc, gặp gỡ của tớ phải trông cậy vào thư ký.


Hôm nay, khó có người được gọi là “cầm đèn chạy trước ô tô” nữa. Lực lượng nghiên cứu và phát triển đang bước lên tuyến đầu, không phải riêng ai. Các bạn, hãy lên đường cùng chúng tôi làm nên câu chuyện mới của thế hệ chúng ta. (Thư ngỏ của TS Đặng Kim Sơn: Hãy "cùng với" với chúng tôi” viết ngày 4/10/2005)


Có người từng rất giận vì việc anh bảo thư ký gọi điện chia buồn đám tang hộ anh?
Thế thì quả là thất lễ với người ta rồi. Tính mình lẩm cẩm quá.
Có ông bạn làm to lắm vẫn sẵn sàng đến thăm khi người quen, thân có giỗ chạp ma chay, đau ốm, cưới hỏi... Hôm nào tốt ngày có tới 10 đám cưới ông ấy phải đi tới 7 đám. Làm được như thế quả là tử tế, được lòng mọi người nhưng chết mất. Mình chịu, không theo được.
Với vợ thì sao, chắc phải chu đáo hơn chứ?
Cũng thế thôi. Tớ từng nói với vợ: “Cậu có yêu tớ không? Nếu cậu yêu tớ thì phải yêu cả những thứ lẩm cẩm của tớ, còn nếu không thì tớ cũng đành chịu".
Thứ 7, Chủ nhật làm gì?
Lên nhà ở trên vườn, chơi với mọi người trong gia đình và bạn bè.
Anh có có còn thời gian để xem phim, nghe nhạc?
Có. Mình chỉ thích xem phim hành động thôi. Có thể đối với nhiều người phim hành động chẳng phải là thứ văn hóa cao siêu gì, nhưng nó tạo cảm giác giúp mình tư duy logic, dự báo, dự đoán, xử lý tình huống tốt, và cũng như kết thúc luôn là: chính nghĩa thắng gian tà...
Có lẽ mình văn hóa thấp, gu nông dân. Nhưng thú thật tớ không hiểu lắm nhạc cổ điển. Tranh trường phái ấn tượng càng không.

Sách? Chỉ đọc sách hay và đọc kỹ khi cần...
Còn đọc thì thế nào? Sách nghiên cứu? Anh đọc vào lúc nào, chọn sách thế nào?
Sách nào hay tôi đọc lướt qua. Một quyển sách đọc 15-30 phút để biết sách nói gì. Khi đụng đến chuyện gì đó thì biết lấy cuốn nào ở đâu.
Khi nào có việc gì, sẽ động lại trí nhớ, tìm ra cuốn sách mình cần, hoặc hỏi ai đó xem có cuốn nào liên quan để tìm... Tóm lại, lúc nào cần mới đọc kỹ, ghi chép để sử dụng.

Và viết khi ai cần hoặc bị thúc bách...
Số lượng đầu sách của anh cũng có vẻ kha khá, trong đó còn có nhiều cuốn gây dư luận như cuốn “Ba bàn tay”?
Mục tiêu là mỗi năm viết một cuốn sách. Nhưng 4 năm gần đây đều vượt chỉ tiêu. Năm ngoái có đến 4 cuốn.
Có hai loại sách: một loại viết theo nhu cầu bản thân, thường thích ngẫm lại, có khi viết thêm; một loại sách theo đơn đặt hàng, đứng tên với một số người. Những sách đó thường không mấy khi đọc lại, trong CV (tiểu sử cá nhân) cũng chẳng ghi làm gì.




Anh thường viết vào lúc nào?
Nảy ra ý nghĩ gì hay ghi luôn vào máy tính. Trong máy tính có nhiều phần: nhiều ý tưởng; đào tạo một chỗ, chính sách một chỗ, lăng nhăng để một chỗ. Có đoạn suy nghĩ xong viết vào, sơ đồ hóa luôn, có đoạn lấy thông tin, con số, đoạn trích, câu nói… Khi nào chín muồi, thấy câu chuyện này có độc giả, có người quan tâm có thể xuất bản thì viết ra. Còn không cứ để đấy, nó vẫn phát triển dần.
Ý tôi hỏi là thời gian để viết ấy? (Là ngày, hay đêm, ngày thường thứ 7 hay Chủ nhật)
Có hai kiểu. Kiểu thứ nhất được viết vào những lúc tệ hại nhất. Những đợt mình phải đi học, đi họp một số thứ mất thời gian, thì tớ tranh thủ viết. Nhưng phải “điều đình” với thầy, cô là mình chỉ ghi chép được bằng máy tính rồi chọn một góc khuất không ai nhìn được vào màn hình. Rồi cắm đầu vào máy tính để viết sách, chẳng để ý ai nói cái gì trên bục. Đó là cách tớ dùng thời gian để viết cuốn “Ba bàn tay”.
Kiểu thứ hai, viết vào lúc thích thú nhất như cuốn sách “Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa” là viết trước hoặc sau khi có các thính giả mời nói một câu chuyện hay.
Năm ngoái nhờ có một số nhóm mời tớ nên có tới 4 cuốn sách kiểu như thế được ra đời.

“Bọn trẻ con tìm đến tớ đấy chứ!”
Cái quan trọng là có “nhóm trẻ con nhà mình” giỏi giang, hiểu ý để giúp anh làm được nhiều việc. Làm thế nào tìm được cái “bọn trẻ con nhà mình” đó?
Mọi người tìm đến đấy chứ. Các bạn ấy đa phần giỏi giang, học hành tử tế, đến đây bàn chuyện nghiên cứu, kinh doanh, quản lý. Chúng mình học hỏi lẫn nhau nhiều lắm.
Phân khúc thời gian của anh là: nghiên cứu, nghĩ chuyện kiếm tiền? Cái gì anh muốn và không muốn làm?
1. Làm chuyện có ích cho xã hội, trước hết là cho nông dân, xã hội của nông dân.
2. Tớ làm những gì tớ thấy thích thú, và cảm thấy có ích, nếu không không làm.
3. Có được thêm thu nhập cho mình và mọi người, thu nhập bằng tiền, bằng kiến thức.
Ba chuyện đó đều có lợi, thích thú, có ích, và đáng làm tất cả cùng lúc.


Nói? Ai chịu nghe, làm theo thì nói bao nhiêu cũng được!
Anh chịu khó nói cho quan chức nghe nghỉ?
Bất kỳ ai, không cần quan chức. Một nhóm người đáng nghe, có ích là được.
Có bao giờ ông bị... ép nói ở đâu mà mình không thích hoặc nói điều không hứng thú không? Bị ép thì có tuân thủ không?
Có chứ. Nếu là công vụ thì phải tuyệt đối chấp hành vì mình là cán bộ mà. Nhưng nếu có thể thẳng với những người nghe là: thể theo nhiệm vụ được giao tôi xin trình bày vài ý như thế này, có thể là chưa hoàn chỉnh... Hy vọng như thế là sòng phẳng và tôn trọng người nghe.
Giả sử có như có ai đó quan trọng mà lại thân thiết Đặng Kim Sơn, đề xuất gặp một tuần một tiếng để nghe thì có từ chối không?
Vấn đề là phải xem người ấy có hành động không. Mình quan tâm tới tính hiệu quả của các cuộc thảo luận. Nếu không đem lại kết quả gì, một phút cũng đáng tiếc.
Thường thì người ta không dám “ngang” với cấp trên vì sợ bị mất chức?
Có lẽ có nhiều chức tước giá trị lắm chăng? Với mình, thời gian là thứ quý nhất trên đời, càng ngày càng thấy thời gian quí báu quá!
Có vẻ anh quản lý thời gian rất tốt bằng cách chọn lựa việc để làm, đối tượng nói, thời gian làm?
Tớ nghĩ Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô sách” lâu rồi, nhưng phải đợi cho đến lúc gặp được Lê Lợi thì mới trình ý kiến này ra (Mặc dù sau này vẫn mất đầu vì Lê Lợi).
Nguyễn Trường Tộ đưa ra nhiều đề xuất tuyệt vời, có thể làm được cuộc duy tân vĩ đại ở VN thời đó. Nhưng triều đình nhà Nguyễn vào thời điểm đó chẳng ai thèm nghe ông ấy cả.
Thành công của người phương Tây là họ biết sử dụng hiệu quả thời gian. Nhiều người Châu Á sẵn sàng “cắm sào đứng đợi”, “vọng phu”, “vọng thê”… Còn triết lý của phương Tây có lẽ là luôn hành động - có thể vì thế mà nhiều việc họ đi trước chúng ta chăng?
Anh có vẻ đề cao sống nhanh?
Vấn đề không phải là sống chậm hay sống nhanh, mà là sống hiệu quả. Tớ đề cao tính hiệu quả!


Đặng Kim Sơn

Sinh ngày 2 tháng 5 năm 1954

Quê quán: Xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

1976 Kỹ sư Đại học Nông nghiệp, Hà Nội

1977- 1978 Quy hoạch nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long

1979-1980 Tổng cục khai hoang kinh tế mới

1980-1983 Phó Giám đốc Nông trường Thanh Niên, Hà Tiên, Kiên Giang

1984 -1996 Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao kỹ thuật Viện Lúa ĐBSCL, Cần Thơ

1990-1994 Chuyên gia dự án quy hoạch tổng thể ĐBSCL của ngân hàng Thế giới và UNDP

1992 Tiến sĩ Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội

1994 -1996 Thạc sĩ kinh tế phát triển, Đại học Stanford, Calofornia, Mỹ

1997-2000 Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Bộ NN&PTNT

2005 đến nay Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT.



Lương Bích Ngọc
(thực hiện)

Đăng lại bài viết của Lương Bích Ngọc (đã đăng tại Bee.Net.Vn, 17/08/2010 15:04:14.)

Xem:







Free Counter