Giám đốc Nguyễn Nam Điện và Nhà máy In QĐ2

Quân đội nhân dân >> Quốc phòng - An ninh >> Bộ đội cụ Hồ >>

Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 2

Phát triển công nghệ xây dựng thương hiệu

 

Từ một nhà máy lạc hậu, nguy cơ giải thể, Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 2 (gọi tắt là Công ty In Quân đội 2 - tên gọi cũ: Nhà máy in Quân đội 2) đã từng bước “lột xác”, vươn lên trở thành một thương hiệu ngành in hàng đầu của cả nước.

Dàn máy in hiện đại (công nghệ Đức) sẽ khai trương vào ngày 5-8.


Cận cảnh công nghệ “khủng”

“Công ty In Quân đội 2 vừa mới “tậu” những dàn máy in thuộc hàng “khủng” nhập về từ Đức, thuộc thế hệ hiện đại nhất của công nghệ in thế giới”.

Thông tin ấy khiến chúng tôi tò mò, muốn được “ thực mục sở thị” ngay.

Tò mò, nói đúng hơn là quan tâm, bởi, trước đây (từ 1990-2005) cán bộ, công nhân viên Công ty với anh em phóng viên chúng tôi đều chung “mái nhà” Báo Quân đội nhân dân. Dù đã tách ra “ở riêng” gần 5 năm nay, Công ty In Quân đội 2 là doanh nghiệp trực thuộc Tổng cục Chính trị, nhưng chúng tôi vẫn luôn coi nhau như “người nhà”. Liên hệ với Đại tá Nguyễn Nam Điện, Giám đốc Công ty, anh xác nhận ngay thông tin ấy và còn nói thêm: “Trong năm 2010, chúng tôi thực hiện 5 dự án lớn tập trung đầu tư đổi mới, hoàn thiện, đồng bộ công nghệ in hiện đại. Dàn máy thế hệ mới nhất sẽ được khai trương trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Công ty (5-8-1975 / 5-8-2010)”.

Vào phân xưởng nơi có công nghệ “khủng”, chúng tôi rất ngạc nhiên. Không phải là cảnh lao động tấp nập, nhộn nhịp của hàng trăm công nhân và tiếng máy rền vang như trước đây, thay vào đó là không khí khá yên ắng. Dàn máy in đồ sộ sơn màu ghi láng bóng. Nhìn bề ngoài, nếu không phải là người trong nghề, chẳng ai biết đây là thiết bị công nghệ in tiên tiến thế hệ mới. Nó giống như những  toa tàu được gắn kết với nhau bằng một cái trục trung tâm. “Tất cả công đoạn in ấn đều được tự động hóa theo quy trình khép kín. Nhìn đồ sộ thế nhưng cả dàn máy này chỉ có vài ba công nhân điều khiển.” - Đại tá Nguyễn Nam Điện giải thích.

Chúng tôi hiểu đó cũng chính là lý do vì sao trong giờ lao động cao điểm mà xưởng in vẫn ít công nhân, không ồn ào. Cả khu vực nhà xưởng rộng lớn chỉ nghe tiếng máy chạy êm như thể âm thanh phát ra từ những chiếc quạt gió vậy.

Dàn máy in thế hệ mới này là một hạng mục mới đầu tư trong hệ thống công nghệ hiện đại đồng bộ của cả quá trình: Trước, trong và sau khi in sản phẩm. Đó là hệ thống chế bản CTP (Nhật Bản) đầu tiên ở Việt Nam; hệ thống chế bản CTP thứ 2 của Đức với công suất 40 bản/giờ; các máy in ốp-sét tờ rời 4 màu điều khiển tự động đạt tốc độ kỷ lục 16.000 tờ/giờ; hệ thống máy cắt giấy khổ lớn, in cuộn, máy gấp; dây chuyền đóng sách ST350 của Đức; máy đóng sách keo nhiệt PBM 10 kẹp của Nhật Bản... Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ này, Công ty In Quân đội 2 được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp là đơn vị điển hình của cả nước về công nghệ in ấn. Năng suất đạt 111,2 triệu trang in/người/năm, cao gấp 200 lần so với 1993. Riêng in Báo Quân đội nhân dân phát hành hằng ngày, trước đây phải mất 2 giờ để in, thì nay thời gian in chỉ hết 15 phút.


Hành trình xây thương hiệu

Đại tá Nguyễn Nam Điện vừa là người chèo lái con thuyền, vừa là nhân chứng của hành trình vượt qua “bĩ cực” xây dựng thương hiệu của Công ty. Anh kể:

- Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 là giai đoạn vô cùng khó khăn. Hệ thống máy móc, trang bị tiếp quản từ “Trung tâm ấn loát và ấn phẩm” của quân đội Sài Gòn trước giải phóng đều đã rệu rã, lạc hậu. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Công ty đứng trước thách thức vô cùng khó khăn. Đã có lúc tính đến phương án giải thể doanh nghiệp, sáp nhập với đơn vị khác hoặc chuyển công năng sử dụng. Nhưng rồi trong cái khó lại “ló” ra sáng tạo. Lời giải cho bài toán khó này là: Tập trung mọi nguồn lực và khả năng, đầu tư phát triển công nghệ, chú trọng đón đầu các kỹ thuật công nghệ mũi nhọn để bắt kịp nhu cầu thị trường.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn, Thượng tá Hà Thị Thanh Yên, Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết:

- Vào thời điểm ấy, nhiều cơ sở in ấn trong nước đã có những công nghệ mới. Chúng tôi khảo sát, tìm hiểu nhu cầu thị trường và thấy rằng, nếu mình tìm mua những loại công nghệ mà các cơ sở khác đã có thì không thể chạy theo người ta để cạnh tranh được. Cách tốt nhất là đi trước, đón đầu để vượt lên.

Năm 1996, Nhà máy in Báo Quân đội nhân dân (tên gọi lúc đó) gây “sốc” trong ngành in khi “tậu” về những dàn máy in “khủng” có giá tới hàng triệu đô-la Mỹ. Dư luận ngành in đồn ầm lên, mấy anh Quân đội “chơi sang”, đâu biết rằng để có số tiền lớn ấy, Nhà máy đã... vay nợ 100%. Những cuộc tiếp xúc khách hàng, các chương trình quảng bá, giới thiệu công nghệ, sản phẩm được những người lính in thực hiện rất chuyên nghiệp. Việc làm tăng dần. Doanh thu, lợi nhuận, đời sống cán bộ, công nhân tăng theo. Vừa tích lũy trả nợ, Công ty vừa mở rộng sản xuất, tiếp tục mua sắm những thiết bị công nghệ hiện đại theo mục tiêu đồng bộ hóa. 5 năm qua là giai đoạn đầu tư, phát triển mạnh mẽ nhất của Công ty, giá trị đầu tư  vượt tổng mức đầu tư của 15 năm trước đó. Hiện nay Công ty đang sở hữu 3 hệ thống máy chế bản, 4 dàn máy in thế hệ mới nhất của thế giới. Phần lớn những loại máy móc này lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Nói về “bí quyết” tạo dựng và khẳng định thương hiệu, Đại tá Nguyễn Nam Điện gói gọn trong mấy cụm từ: “Năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đầu tư đúng hướng”. Đó cũng chính là truyền thống được đúc kết của Công ty suốt 35 năm qua.

Bài và ảnh: Phan Tùng Sơn

 


Nguồn: Phan Tùng Sơn tại Báo điện tử Quân đội nhân dân - Thứ Tư, 04/08/2010.
(Đã được bantroik5sg giới thiệu tại bài: Giám đốc Nguyễn Nam Điện và Nhà máy In QĐ2 Blog K5, 22/8/2010)




Free Counters