Một nén nhang viếng anh Trần Quý Đạm - Phạm Đình Trọng
Thứ Ba, tháng 6 08, 2010MỘT NÉN NHANG VIẾNG ANH TRẦN QUÝ ĐẠM
Phạm Đình Trọng
Anh ngồi đó, sau bát nhang nghi ngút khói. Tôi và em Trần Thế Dân chìm vào quá khứ trong tiếng tụng kinh đều đều. Tôi không thể tin được anh đi trước tôi, bởi vì tôi lớn hơn anh gần chục tuổi đời, và vì lúc còn chung sống dưới mái trường Nguyễn Văn Trỗi, anh khỏe hơn tôi nhiều, là lá chắn hữu hiệu cho những trận túc cầu nẩy lửa giữa đội tuyển nhà trường với đội khách. Dù hơn nhau nhiều tuổi nhưng chúng tôi rất hợp tính nhau. Tôi không biết đá bóng nhưng thích xem bóng đá. Lúc tiền đạo đội bạn dốc xuống tấn công là lúc anh trổ tài về sức cản phá và giám chơi rắn vì anh ngã không đau. Chúng tôi cùng có sở thích chăm học sinh nhỏ trường Trỗi, anh nóng tính, học sinh rất sợ khi anh đỏ mặt tía tai (hình như lúc ấy anh đã có dấu hiệu cao huyết áp), nhưng anh không bạt tai lũ nhỏ bao giờ. Ở Trung Hà, khoảng 10-11 giờ khuya, khi các em học sinh nằm trên giường không còn rì rầm nói chuyện, là lúc tôi và anh xách đèn pin và súng hơi đi săn chim, chủ yếu là chim sẻ. Chúng tôi đi dưới hàng cây ven sông Đà, tôi soi đèn tìm chim. Những chú chim sẻ rất dại, bắt ánh đèn, chúng không bay đi mà lại dòm xuốn chừng như muốn hỏi “Ông là ai?”. Súng hơi nổ rất nhẹ. Chú chim chồng rơi xuống mà con vợ vẫn đậu đó và ngó xuống, ngơ ngác, không biết chuyện gì đã xảy ra! Một phát súng nữa cho chúng thỏa lời nguyền “sinh cùng ngày cùng tháng và chết cùng tháng cùng giờ”. Ngày ấy không có mì tôm, nhà anh ở thôn Vệ Hồ, mỗi lần anh về là mấy đứa em gái anh lại chuẩn bị cho anh ít miến dong…
Rồi cấp trên quyết định giải thể trường Nguyễn Văn Trỗi, từ Trung Hà-Hưng Hóa chuyển về Lạng Sơn, trở lại thành trường Văn hóa Quân đội, dậy bổ túc văn hóa cho người lớn. Thừa giáo viên, một số chuyển đi nhưng tôi và anh thuộc diện ở lại. Ngày ấy, chúng tôi ở lứa tuổi “U 30”, chưa vợ, lòng đầy hào sảng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”; vả chăng anh cũng như tôi, không thích dậy mấy ông lớn tuổi. Và thế là tôi và anh dắt tay nhau lên gặp vị Thượng tá Hiệu trưởng mới kiêm Chính ủy tên là Tâm, xin đi chiến trường Miền Nam. Thấy chúng tôi không ngại khói lửa, ông Tâm thích lắm, cho đi liền, tuy nhiên ông rào đón, còn phải hỏi giáo vụ. Tôi nằn nì, xin đổi cho một giáo viên văn lớn tuổi nằm trong danh sách chuyển đi mà có vợ ở lại trường. Ông nghe có lí, thế là cả hai chúng tôi có quyết định trả cho Cục Cán bộ! Sau đó anh về Học viện Hậu cần còn tôi sang chiến trường Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào).
Năm 1985, bất ngờ tôi gặp anh ở Tp HCM. Anh nói, hiện công tác tại Bộ giáo dục, theo dõi mảng “Giáo dục Quốc phòng”. Tôi mừng lắm. Nhưng lúc ngồi ăn cơm, anh không dám uống bia nhiều vì cao huyết áp. “Căn bệnh tim mạch nguy hiểm và độc ác hỏi thăm ông bạn này rồi!” – Tôi tự nhủ.
Đúng là bệnh ấy đã đưa anh về với cha mẹ tổ tiên!!!
Tôi cùng Thế Dân lên lầu thắp nhang vái lạy thày cô Hàm. Chắc là cụ còn giận tôi vì nhiều lí do. Cụ giận cũng phải vì từ ngày cụ mất tôi chỉ đến viếng có một hai lần. Thế Dân nhanh miệng vái lạy: “Xin cụ đại xá cho thày trò chúng con”. Và tôi nói theo trong mộng ảo!
HN-Tp HCM ngày 8-6-2010
Được đăng bởi TranKienQuoc vào lúc 16:56 Thứ ba, ngày 08 tháng sáu năm 2010
Đăng lại bài viết của thày Phạm Đình Trọng
(đã đăng tại Blog K8: Thứ ba, ngày 08 tháng sáu năm 2010)
http://images.nvtk6.multiply.com/image/0FvHleCc-dxc3Xgkfc-8zg/photos/1M/1200x1200/1263/Nen-800x.jpg?et=CYXsaIGb5oEDIGj4RD9ZeQ&nmid=0
Trả lờiXóaSRTKL3: Chuong III-3.2-61 "MỘT NÉN NHANG VIẾNG ANH TRẦN QUÝ ĐẠM" (Phạm Đình Trọng) Tr:202
Trả lờiXóa