Đậm đà tình cũ nghĩa xưa - Phạm Đình Trọng

Đậm đà tình cũ nghĩa xưa

Cuối tháng 5 vừa rồi, thầy và trò Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Tổng cục Chính trị, QĐNDVN) trở lại Quế Lâm thăm nơi đã đùm bọc yêu thương mình trong những năm chiến tranh ác liệt (1967-1968). Tới bến xe Nam Ninh, ô tô chưa dừng bánh đã nghe tiếng mẹ con chị Lư Mỹ Niệm. Chị và cháu Việt Hoa đi tàu từ Quế Lâm xuống đón đoàn.

Buổi tối đầu tiên trên đất Trung Hoa, giáo sư Hoàng Tranh, giáo sư Nông Lập Phu và các bạn Nam Ninh tổ chức cuộc giao lưu thân tình tại khách sạn Ngân Hà, nơi đoàn nghỉ chân.

Đoàn Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi trao quà lưu niệm cho GS Hoàng Tranh. Ảnh: TRẦN KIẾN QUỐC

Tỉnh Quảng Tây có một ban biên soạn chuyên nghiên cứu về Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh do giáo sư Hoàng Tranh làm trưởng ban. Từ lâu chúng tôi đã biết ông qua những bài viết và những ấn phẩm nghĩa tình, sâu sắc với Việt Nam. Ông tặng mỗi người một quyển sách ảnh “Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh” bìa cứng, nặng trịch do NXB Tri thức thế giới ấn hành năm 2008. Có tới 33 trí thức tên tuổi ở Trung Quốc tham gia làm cuốn sách quý này. Khá nhiều ảnh tư liệu về hai vị lãnh tụ vĩ đại chụp chung và chụp riêng lần đầu tiên được công bố.
Không khí càng về khuya càng sôi động do sự thân tình của anh chị em có mặt và do phong cách náo hoạt của Nông Lập Phu và Trần Kiến Quốc. Những bài hát quen thuộc nối tiếp nối: Đông phương hồng, Lãnh tụ ca, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát… Tôi biết rằng cuộc gặp không chỉ có đêm nay, ngày trở lại Việt Nam, nhất thiết chúng tôi sẽ còn dừng ở Nam Ninh.
 
Giống như cách đây hơn 40 năm, xe lửa chầm chậm vào ga Nam Quế Lâm. Trung Quốc có câu “Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ”, người Việt Nam tới thành phố này thì nhận xét “Quế Lâm là Hạ Long trên cạn”. Điều sâu xa hơn là, cùng với Nam Ninh, mảnh đất này từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước đã là nơi ăn ở, học hành và rèn nhân cách của nhiều thanh thiếu niên Việt Nam.
 
Chuyện xảy ra cuối tháng 10-2007. Đoàn hơn 100 thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi được mời sang dự kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Trung học số 1 Quế Lâm (gọi tắt là Y-trung), địa điểm thầy trò Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ở tạm hồi đầu năm 1967. Thật không may, bạn Nguyễn Nam Tiến bị nhồi máu cơ tim cấp, phải cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân Quế Lâm. Quả là “thập tử nhất sinh” nhưng tập thể y, bác sĩ đã hết lòng cứu chữa. Cảm động hơn khi Ban giám hiệu Y-trung vận động ủng hộ và các cháu học sinh đã góp 3 hào, 5 hào mẹ cho ăn sáng để giúp chú Tiến chữa lành bệnh. Ngày trở về, Tiến đã cảm động nói: “Trong tim tôi có cả máu của nhân dân Quế Lâm. Quế Lâm đã sinh ra tôi lần thứ 2…”.
 
Lần này, vừa đặt chân đến Quế Lâm, chúng tôi sang ngay bệnh viện, gặp lại các “lương y như từ mẫu” để cảm ơn. Bác sĩ Dương, người trực tiếp chăm sóc cho Nam Tiến với nụ cười hiền lành, nói: “Nghe tin các bạn Việt Nam nhớ tới Quế Lâm, trở về thăm làm chúng tôi xúc động. Từ những năm 60, bệnh viện này đã được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh Việt Nam nên chữa trị cho anh Tiến cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Biết anh Tiến đã khỏe, tôi rất mừng. Hy vọng có dịp sang Việt Nam tôi sẽ đến thăm bệnh nhân cũ của mình”.
 
Quế Lâm thay đổi rất nhiều nhưng tình đất, tình người thì vẫn đằm thắm như xưa. Khuôn viên trường Y-trung xưa, nay dành làm Trung tâm Đào tạo nghề chất lượng cao. Anh Lưu Đào, Bí thư Đảng ủy, đón chúng tôi trong trời mưa tầm tã. Những dãy nhà cấp 4 không còn, những con đường đất thay bằng đường nhựa…, nhưng có một vật vẫn còn đó - núi Ốc. Thật đúng với lời Thánh Thán:
“Thanh sơn y cựu tại
Kỉ độ tịch dương hồng”
(Núi xanh muôn vẻ cũ
Mấy độ ánh trời hồng).
Xe trườn xuống sân vận động, vẫn là địa điểm xưa mà bao lần các đại đội, tiểu đoàn lính tí hon tập hợp nghe Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh huấn thị. Mưa đổ rào rào. Anh Lưu Đào vẻ xúc động, đọc câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Phong vũ cố nhân lai” (gió mưa bạn cũ về).
 
Trên mảnh đất bên bờ Ly Giang và Đào Hoa này, chúng tôi có bao kỷ niệm không thể nào quên, mà kỷ niệm sâu sắc nhất là người dân Quế Lâm thắt lưng buộc bụng ưu tiên cơm áo cho học sinh Việt Nam. Ngày ấy, bạn gặp muôn vàn khó khăn nhưng không lúc nào để lưu học sinh Việt Nam thiếu thốn. Đặc biệt, nhân dân quanh khu vực Xuyên Sơn, Tượng Sơn luôn thương yêu các cháu bé Việt Nam như con em mình.
 
Gia đình thầy giáo Mã ở trong khuôn viên Trường Y-trung. Thầy cô có 4 người con gái thì 3 người sàn sàn tuổi học sinh Việt Nam. Giờ nghỉ buổi chiều, các em ra nhà thầy Mã, tự nhiên như con cái trong nhà, xòe bàn tay đón nhận những thứ cô chia và ăn ngon lành. Giờ đây, các em Thiếu sinh quân ấy đã trưởng thành, nhiều em thành đạt. Mang theo dòng máu Việt “uống nước nhớ nguồn”, các em đã sang Quế Lâm, lặn lội tìm bằng được gia đình thầy Mã, thắp nhang vái lạy thầy cô và mời chị em Mã Quân sang Việt Nam dự kỷ niệm 40 năm thành lập trường…
 
Cũng tại Y-trung, có một thanh niên yêu Việt Nam say đắm, đó là anh Cao Cẩm Quì. Hồi đó anh Cao mới 15-16 tuổi, điển trai, mang kính cận, đội mũ mềm Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc và được học sinh Việt Nam tặng cho biệt danh “Cao Tư lệnh”.
 
Năm 2005, anh đến thăm tôi tại nhà riêng ở quận Tân Bình. Tôi hết sức ngạc nhiên khi anh mở quyển sách “Sinh ra trong khói lửa” của Trường Nguyễn Văn Trỗi và đọc trôi chảy. Hóa ra trong 40 năm qua anh không ngừng tự học chữ Việt và ngữ pháp Việt Nam. Các em Dương Minh, Khắc Việt… đã tới thăm nhà Cao ở Phật Sơn (Quảng Châu), cho biết, anh dành vị trí trang trọng trong nhà treo ảnh Bác Hồ và trên giá có nhiều sách chữ Việt, trong đó anh quý nhất là cuốn “Nhật ký trong tù”.
 
Những lần họp mặt, anh như một quản ca, say sưa hát các bài ca cách mạng, từ Diệt phát xít, Hò kéo pháo đến Giải phóng miền Nam, Nổi lửa lên em, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Lần này cũng vậy, nghe tin chúng tôi sang, anh gác công việc bề bộn của Tổng giám đốc Công ty Dược Phật Sơn cùng cựu binh Hà (từng chiến đấu bảo vệ tuyến đường sắt Đồng Đăng-Yên Viên năm 1965-1967) về Quế Lâm chia vui với “bạn Trỗi” và cũng lại hát hết mình.
 
Chúng tôi tới thăm Trường Y-trung tại cơ sở mới. Thật bất ngờ khi thấy ngay cổng lớn treo tấm băng rôn đỏ với hàng khẩu hiệu vàng bằng hai thứ tiếng Việt và Trung: “Nhiệt liệt chào mừng những người anh em Nguyễn Văn Trỗi – Việt Nam !”. Bất ngờ hơn là sự hiện diện của thầy Linh Hán Dân - Hiệu trưởng Y-trung và cũng là bạn tâm giao của Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh cách đây nửa thế kỷ. Thầy tóc bạc phơ, ôm các em cựu học sinh trường Trỗi vào lòng. Khi nghe Trần Kiến Quốc báo cáo: Trường Nguyễn Văn Trỗi sau khi rời Quế Lâm về nước, có nhiều thầy giáo, học sinh ra chiến trường đánh Mỹ và đã có 2 thầy và 28 học trò là liệt sĩ, trong đó có bạn Huỳnh Kim Trung được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lúc ấy, thầy Linh, thầy Đỗ Kiếm Tuyên, chị Tiêu, Mã Hiệu trưởng cùng các bạn Trung Quốc đều lặng đi.
 
Trong chương trình, chúng tôi được tới thăm Nghiêu Sơn. Đầu năm 1967, đặt chân tới Quế Lâm thì Trường Y-trung chỉ là nơi nghỉ tạm của Trường Nguyễn Văn Trỗi trong khi chờ bạn hoàn thiện ngôi trường mới tại Nghiêu Sơn. Người dân đặt cho Nghiêu Sơn cái tên rất ấn tượng: “Phong Khẩu” – Cửa gió. Mà gió kinh khủng thật! Nơi này giờ là Trường Cao đẳng Kỹ thuật hàng không-vũ trụ. Tới Phong Khẩu, chúng tôi và bạn có một nỗi áy náy không yên là còn 3 em học sinh Việt Nam bị mất hồi ấy chưa tìm thấy mộ phần.

Đoàn Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi và các bạn Trung Quốc trước nhà lưu niệm lưu học sinh VN trong Trường ĐHSP Quảng Tây. Ảnh: LƯ VIỆT HOA

Tại Quế Lâm, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây được chọn làm đầu mối liên lạc của các trường lưu học sinh Việt Nam từng tá túc tại đây. Trường nằm trên khuôn viên của Trường Dục Tài, ta gọi là Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm 1953-1957 (thuộc Khu học xá Trung ương). Bạn giữ lại một dãy nhà 2 tầng nguyên vẹn, đưa tất cả hiện vật lịch sử của các trường Dục Tài, Nguyễn Văn Trỗi, Khu Giáo dục học sinh miền Nam (Trường Nguyễn Văn Bé, Dân tộc Trung ương và Võ Thị Sáu) về trưng bày. Ngày nay, Đại học Sư phạm Quảng Tây là trường có nhiều lưu học sinh Việt Nam nhất Trung Quốc (hơn 700 em mỗi năm).

Xe vừa qua cổng, chúng tôi nhận ra ngay những “tình nguyện quân kháng Mỹ viện Việt” đang chờ ở sân. Đoàn lão chiến binh chừng hơn chục người, có anh sống cách Quế Lâm 40-50 km, nhiều anh trên ngực trang trọng gắn những tấm huân chương, kỷ niệm chương Việt Nam, có anh từng được đón Bác Hồ, Võ Đại tướng tới thăm đơn vị. Họ hồ hởi ôm chặt, nâng bổng chúng tôi khỏi mặt đất.

Đêm giao lưu được tổ chức khá công phu. Lực lượng hát hò khá hùng hậu. Đoàn thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi có hai nghệ sĩ ưu tú: giọng nam cao Dương Minh Đức và giọng nam trầm Phạm Quang Huy cùng nhiều “giọng ca vàng không chuyên” như Trương Đông Nhân, Đỗ Quang Việt, Trần Kháng Chiến… Các lão binh cũng say sưa hát những ca khúc chống Mỹ, những bài ca ngợi tình hữu nghị Việt – Trung… như sống lại những năm tháng hào hùng trên đất Việt. Lòng tràn ngập niềm vui chiến hữu, anh em Việt Nam cất tiếng hát hòa theo. Trên sân khấu, cựu chiến binh hai nước ôm vai nhau ca hát.

Kết thúc đêm giao lưu, Hiệu phó Thái Xương Trác cùng chúng tôi lên bắt tay cảm ơn, thấy các lão binh Quân giải phóng dạt dào cảm xúc. Tôi ôm anh Phan Bản Ấm (người thuộc hơn 50 ca khúc cách mạng tiếng Việt) trong vòng tay. Gục đầu vào vai tôi, anh nức nở: “Bạn tôi vẫn nằm bên Việt Nam…”. Cảm giác rất rõ nước mắt anh ấm áp thấm qua da thịt mình, tôi vội nói nhỏ lời an ủi: “Nhân dân Việt Nam vẫn nhang khói cho anh em liệt sĩ Trung Quốc như liệt sĩ Việt Nam, anh yên tâm!”.

Ngoài trời mưa vẫn rơi. Tôi thầm nhắc câu ngạn ngữ Trung Hoa “Phong vũ cố nhân lai” - Gió mưa bạn cũ về!

KHÁNH TƯỜNG
TPHCM, 6-6-2010

Đăng lại bài viết của thầy Phạm Đình Trọng (đã đăng tại Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Chủ nhật, 20/06/2010, 08:56).

Hit Counter