Đứa em họ cùng làng - Duy Đảo



Duy Đảo

Đầu năm 1973 cầm quyết định của phòng cán bộ thuyên chuyển đi đơn vị mới - về ôn thi tại ĐHKTQS. Xuống ga Vĩnh yên theo chỉ vẽ của mấy tay đeo quân hàm xơ mít lang thang ngoài ga. Tôi tìm tới cổng Bảo Sơn. Đồng chí trung uý mặt rất trẻ, da trắng đeo băng trực ban sau khi xem giấy giới thiệu ái ngại

- Đồng chí phải xuống Yên Lãng, cũng xa đấy. Bộ phận luyện thi đại học của trường nằm ở đấy.

Rồi xé tờ giấy chỉ vẽ chu đáo. Lộn ra quốc lộ 3 đi xuôi về phía Hà Nội tính xem có cái xe quân sự nào thì vẫy. Thấy quán nước bên đường tôi lao vào. Sau này mới biết đó là quán “chị Bệt” chị em tình nghĩa bao năm.

Thấy trong quán đã có tay bộ đội, chả quân hàm mũ mão giọng nói oang oang. Cách quán chục mét là một chiếc xe xích bụi đỏ phủ kín. Vừa đặt đít xuống ghế. Tôi giật mình.

- Ô hay! Kiên, mày có phải là Kiên con ông Đa ở quê không?

- Ối giời ôi anh! Sao anh lại ở đây? Hồi ở nhà nghe bác về quê nói anh đi “lam” rồi cơ mà.

- Ừ! Nhưng ra đi học.

- Thế bây giờ anh đi đâu?

- Anh xuống Bình Xuyên, Yên lãng.

- Thế thì tiện đường rồi. Em cũng xuống Bình Xuyên rồi ngược vào Tam Đảo em học xe xích sắp lấy bằng, hôm nay đi thực địa.

Lần đầu tiên trong đời được ngồi xe xích với tay lái xe là thằng em họ cùng làng. Tiếng máy nổ tưởng thủng mẹ nó cả màng nhĩ. Đít thì như bị bố cầm đòn gánh phang vào, ruột gan cứ lộn hết cả lên.

Hai anh em chia tay ở thị trấn. Rồi tôi cuốc bộ tìm đường về đơn vị.

Tranh F Lực
Đường quê, chiều tháng 3 đang vụ đông xuân chăm sóc ngô. Bà con đứng chống cuốc nhìn trên đường cái quan có anh bộ đôi đeo ba lô chân thập thễnh bước. (Chân bị đau do ngồi xe xích không quen).

Quái con cái nhà ai ấy nhỉ? Chân cẳng thế kia chắc ra Bắc an dưỡng. Nghe lõm bõm tiếng bàn tán của bà con từ ruộng ngô vọng lên tôi càng “thập thễnh” tợn. Rồi máu bông phèng của dân trường Trỗi bốc lên tôi loa tay nói vọng vào bãi ngô:

- Chào các bác! Em là con ông Thình ở đầu xóm, bị thương trong Nam ra an dưỡng. Tối nay mời các bác sang nhà uống nước xơi thuốc.

Vừa nói tôi vừa đi như chạy quên bố nó cả “thập thễnh” chỉ sợ bà con nhao lên hỏi thăm tin tức con cháu trong Nam thì chết.

Đi đã xa tôi vẫn nghe thấy tiếng bà con: “Quái làng mình ở đầu xóm làm quái có ông Thình nào có con đi bộ đội”. Tôi nghe tiếng, càng hãi bước chân như giặc đuổi.

Sau này Kiên ra quân chuyển sang lái xe tải cho đoàn 10 “mắt chột râu vàng” nổi tiếng iêng hùng đường năm (xe ifa hai đầu Badxốc sơn màu vàng. Còn đèn thì chỉ có mỗi một bên) làm ăn cũng khá.

Kiên có cô em gái tuổi Hợi sau hòa bình hơn chục năm sau lang bạt vào Sài Gòn làm ăn. Tính tình hiền lành lại chịu khó tằn tiện nên tích cóp được kha khá. Có vàng giắt lưng quần, mua được cả đất. Có một thời gian ngắn Hợi giúp việc nhà cho vợ tôi.

Hợi hơi thiếu nhan sắc, lại cục mịch, thương Hợi vợ tôi có lần đã nói: “Hay là theo chị mày xin bố nó thằng nào đứa con sau này có mẹ có con hú hí chứ tuổi già nó sồng sộc tới lúc nào chả biết, tới lúc đó mới lo thì đẻ đái khó đấy em ạ”

“Đất lề quê thói” Hợi rất muốn nhưng chả dám. Sau này làm sao dám vác mặt về quê mang tiếng là gái không chồng có con. Hôm rồi gặp Hợi lại nhà chơi, vợ tôi buột miệng: “Sao tóc bạc nhiều thế em”

Cứ thế Hợi ôm mặt hu hu khóc, tiếng khóc thảng thốt của người phụ nữ đơn thân làm tan nát cả cõi lòng “Em già mất rồi chị ơi!”. Tiếng Hợi lại nấc lên.

Là thằng đàn ông từng trải nhưng nghe tiếng khóc than của Hợi, cô em họ cùng làng mà lòng không cầm nổi.



Được đăng bởi hameok6 vào lúc 18:16 Chủ nhật, ngày 06 tháng mười hai năm 2009
Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại Blog "Út Trỗi”: Chủ nhật, ngày 06 tháng mười hai năm 2009)


Web Counter