Kỷ niệm Kokong - Đào Duy

KỶ NIỆM KOKONG


(Thân tặng K)
Đào Duy


Kokong là đảo lớn ở phía Tây – Nam Campuchia nằm trong vịnh Thái Lan, cách cảng Congpongthom (Xihanucvin) gần 10 giờ tầu chạy, cách bờ biển Thái Lan hơn hai chục cây số. Diện tích khoảng 100km2 chủ yếu là núi và rừng nguyên sinh. Đỉnh cao nhất trên đảo mà tôi được biết khoảng 418m so với mặt biển. Xung quanh chân đảo là các bãi vịnh nhỏ, đẹp, hoang sơ và những vạt đất màu mỡ. Rừng có nhiều gỗ quý như Sao, Dầu … và trầm hương. Thú rừng có cả Hổ, Báo còn Nai, Hoẵng, Lợn rừng, Khỉ …thì nhiều

Dân trên đảo trước đây, nghe kể lại không đông lắm, họ sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và trồng trọt, khai thác lâm sản. Từ ngày Ponpot nắm chính quyền dân bị giết gần hết, một số sợ hãi trốn được lên rừng rồi lần hồi tứ tán chả biết đi đâu, chỉ biết khi quân tình nguyện Việt nam đánh chiếm thì toàn bộ nơi đây chỉ còn là một hoang đảo.

Trong vịnh Thái Lan ngoài Kokong còn có một số đảo khác như Korong, Kotang, Koxalach … thuộc Campuchia Phía xa hơn là đảo Koput của Thái

Trên đường từ cảng Kongpongthom ra Kokong tàu thuyền thường ghé đảo Koxalach để tiếp nhiên liệu, nước và trả, nhận khách..

Từ Kokong vào thị trấn Ko Bí trên đất liền khoảng 5-6 km.Từ KoBí lên 6-7 km là thị tứ Pangxaxop .

Cửa khẩu Pakhoang giữa Thái và Campuchia cách Pangxaxop 5-6 km, nó nằm trên cửa sông Pakhoang. Từ cửa sông này đi vào sâu một chút là thị xã Kokong sầm uất.

Cách cửa sông Pakhoang 2 Km là địa danh Đồi Do ( khi đó ở đây có một đơn vị pháo của QK 9 chốt giữ ) ranh giới giữa Thái và Campuchia.

Kokong vào đầu những năm 1980 chỉ có một trạm ra đa hải quân của chúng tôi, ngoài ra trên đảo Kotang cũng có một đơn vị nữa. Chúng tôi có nhiệm vụ kiểm soát vùng biển CPC-TL, phát sóng theo lệnh của cấp trên. Một ngày mở máy mấy giờ, thời gian còn lại chúng tôi dùng hệ quang học đặt ở độ cao 160 m để quan sát.

Trước đây ở điểm cao 418 m trên đảo công binh Trung quốc đang làm đường, san ủi mặt bằng, họ định bố trí trên đó một đài Rada có quy mô tương đối lớn. Chiến tranh biên giới nổ ra họ tháo chạy cả, bỏ lại công trình giở dang cùng hai chiếc máy ủi. Hai chiếc máy này lần hồi lính của tôi tháo dỡ hết. Tới độ có bốn cái ống thủy lực để nâng mâm gạt của máy sáng bóng, tròn to bằng cổ chân tưởng “bạch kim” lính tráng hì hục đục, ba bốn ngày giời. Thế mà đục được, tài thật! dấm dúi trốn chỉ huy đem bán cho tầu cá Thái, chả biết được bao nhiêu.

Trên đảo còn có môt đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ thiết bị, khí tài cho trạm chúng tôi. Quân số lúc đông nhất lên tới cả đại đội. Tôi có nhiều kỷ niệm với anh đại đội trưởng bộ binh mà sau này nghe nói đời quân ngũ của anh không được may mắn. Ngay khi bước chân lên đảo, lần đầu gặp anh tôi đã nghĩ trong đầu “tay này chơi được đây” Đúng là mẫu chỉ huy trưởng thành trong chiến tranh rất hợp với tạng người tôi. Anh ngang tàng quyết đoán, từ vẻ bề ngoài lãng tử cho tới cặp mắt nhìn thẳng chính trực làm cho ta tin tưởng và yêu mến dù bạn là ai gặp khó khăn hoặc rơi vào hoàn cảnh rắc rối gì nhưng đứng bên cạnh con người này bạn hoàn toàn cảm thấy tự tin và yên tâm.

Ngay sáng 29 tết năm 84, ngày thứ hai bước chân lên đảo, chiến công đầu tiên của tôi bằng một viên Ak tôi hạ ngay được một chú khỉ. Rồi những năm tháng sau này lần hồi tôi hạ được Hoẵng, Nai, lợn rừng và chiến công “oai hùng ” nhất là tôi bắn được con báo gấm đực nặng năm sáu chục ký. Con báo giúp tôi có bảy chỉ vàng giắt cạp quần khi bán vội cho tàu cá Thái. Tôi biết là bán rẻ vì sau khi ngã giá xong tay thuyền trưởng cho vội vào hòm xốp to rồi bắt lính khiêng vùi xuống hầm đá dưới tàu

Tuy bán rẻ nhưng bù lại tôi có được một mối quan hệ tốt, mối quan hệ này cùng với những mối quan hệ khác với những người bạn Thái, Campuchia đã giúp đỡ tôi những năm tháng sau này.

Tôi tự đánh giá mình là một cán bộ năng động và có trách nhiệm với công việc. Tôi nói năng gãy gọn, lưu loát. Mà lạ, chả hiểu sao lời ăn tiếng nói của tôi lại có tính thuyết phục đến thế. Tất cả chỉ huy, đồng cấp và lính tráng thuộc quyền đều rất tin tưởng và quý tôi. Tính cách tôi mạnh mẽ, liều và chả biết sợ gì. Một mình trong đêm chỉ cần khẩu Ak và khẩu súng ngắn giắt dưới giầy tôi có thể lùng sục “khắp” đảo.

Rất nhiều sự đồn đại về sự hung ác, liều lĩnh, thoắt ẩn, thoắt hiện của bọn Ponpot nhưng tôi coi là chuyện nhỏ, chả là cái đinh gì. Tôi rất muốn đụng độ một lần với chúng xem sao, nhưng trong thực tế tôi chưa gặp chúng trên đảo lần nào.

Từ khi có tôi, lính tráng sướng hẳn, chả bao giờ còn phải quanh quẩn với món cá hộp, thịt hộp và đồ khô nữa. Tôi tổ chức cho bộ đôi tăng gia, nuôi, trồng rau xanh. Chúng tôi thừa ăn, quanh năm mùa nào rau ấy. Tôi cho lính mua heo bản đia Thái về nuôi, thả cho chúng lang thang dụ bọn heo rừng. Vớ được “gái lạ” bọn heo rừng đực kéo về rồi heo mẹ đẻ heo con chúng tôi có đến vài chục heo thịt f1,f2 thường xuyên trong vườn, gà thì rất nhiều, chả còn lo gì “đặc sản”. Thích lạ miệng thì xách súng đi săn, tôi đã xách súng đi thì ở nhà lính chỉ việc bắc nồi đun nước chờ.

Chuyện thế này, có một chú lính sắp ra quân sắm được cái Senko 5, chú chỉ lên cành cây khô cách chỗ tôi khoảng 20m rồi nói “anh hạ được con chim kia em gửi lại anh chiếc đồng hồ”. Tôi giương súng, đoàng! con chim bay mất đầu rơi xuống trong sự thán phục của lính tráng. Chú lính vén tay áo định cởi … Tôi ngăn lại: “Thôi đừng sỹ, cho chú, cứ giữ lấy làm kỷ niệm, về quê ngủ với vợ, lâu lâu xem đồng hồ căn giờ để kiểm tra “thành tích” của mình còn tốt hay không. Mỗi khi như thế hãy bớt một chút vui thú để nhớ tới Anh cùng đồng đội những năm tháng sống chết trên đảo là được rồi. Các chú lính khoái chí, cười ồ lên hưởng ứng.

Tôi câu cá giỏi và sát cá. Tôi hướng dẫn cho lính tráng cách câu. Cá Hồng có con 2-3 kg, cá Mú 3-4 kg chúng tôi thường xuyên câu được, thậm chí có lần còn vớ được con đến 20 ký. Hoặc chúng tôi dùng thuyền chạy ven đảo buông lưới, cá tươi chả bao giờ thiếu.

Một lần đi kiểm tra đơn vị, vừa bước tới gần chòi quan sát tự nhiên tôi thấy bốn cái chân chòi làm bằng gỗ cứ rung lên “bần bật”. Thấy lạ, tôi trèo lên xem sao. Lên đến bậc thang cuối nhìn cảnh tượng trên chòi vừa bực vừa thương ( thương cho đời lính ép xác thiếu thốn, kham khổ ) khi trước mặt tôi, chú lính súng gác vai, ống nhòm lủng lẳng trên cổ, người ngả ra, đầu thì ngoẹo bố nó sang một bên, hai mắt lim dim còn tay thì đang “ By hand ”.

Giật mình vì sự xuất hiện của tôi, chú lính mặt tái dại.

Tôi vội đánh trống lảng:

- Có tàu lạ nào lảng vảng quanh đảo không ? vùa nói tôi vừa vòng tay lấy cái ống nhòm trên cổ cậu ta quét một vòng vùng biển trước mặt.

- Chú ý theo rõi hai chiếc tàu cào cá của Thái phương vị … Tôi dặn , rồi tụt thang leo xuống.

Về đến doanh trại trông thấy tôi, nhóm lính hoàn thành công việc buổi sáng được giao, đang ngồi đàn hát, một chú giọng Thái Bình oang oang “ Nâu nay thiếu chất cay, thèm quá thủ trưởng ơi ” .

Ừ! Mà cũng lâu thật, dễ đến cả tháng nay lính tráng của tôi không có tý men, nghĩ cũng tội . Tôi bỗng chợt nghĩ tới hai chiếc tàu cá Thái. (thế quái nào họ chả đem theo bia rượu!.)

- Có thích uống không?

- Thủ trưởng chỉ hay đùa .

- Chờ đấy!

Tôi nói:

- Anh cần hai chú đem theo Ak. Rồi giắt vội khẩu súng ngắn.

- Theo anh!

Chúng tôi chạy xuống bãi biển nhảy lên Xuồng. Xuồng được lắp hai máy Honda10, rồi nổ máy rời đảo.

Tôi cho Xuồng chạy lòng vòng gần bờ giả bộ đi kiểm tra xung quanh đảo. lúc này hai chiếc tàu Thái đã vào sâu thêm và đang mê mải tận thu Chúng tôi cứ từ từ, lấn dần, lấn dần cho tới khi còn cách khoảng 2km, bất thần tôi cho Xuồng quay đầu nhằm hai chiếc tàu Thái mở hết tốc lực lao tới

Áp sát mạn tôi nhảy phắt lên tàu theo sau là một chú lính. Một chú ở lại Xuồng đề phòng bất trắc.

Cả tàu xanh mặt, tôi chào họ và nói bằng thứ tiếng Thái “bồi”

- Các anh phải quay lại, đây là khu quân sự! Tôi dọa.

- Lần sau các anh phải chú ý. Nhất là vào ban đêm nếu tàu các anh vào gần đảo quá nếu có sự hiểu lầm thì rất nguy hiểm. Các anh nên kiểm soát kỹ tọa độ của mình.

Tay thuyền trưởng cứ xuýt xoa xin lỗi và khẩn khoản mời chúng tôi ngồi rồi lấy bia ra đãi.

Trao đổi chuyện trò một lúc, tôi đặt vấn đề

- Các anh có đem theo bia, rượu, thuốc lá không. Để lại cho chúng tôi một ít.

Chưa nói hết lời tay thuyền trưởng đã sốt sắng

- Có! Có chứ ! Những thứ đó dưới hầm hàng của chúng em bao giờ chả sẵn, nếu không sợ “xui” thì đến cả đàn bà con gái trên tầu chúng em còn có nữa là.

Mấy gã thủy thủ thấy xếp nói đúng ý sướng quá, cười hô hố.

Tay thuyền trưởng vừa dứt lời tôi đã thấy họ chuyển ngay xuống Xuồng chúng tôi nào bia, nào thuốc, thuốc toàn loại Samit thơm, đậm có tiếng. Tôi rất khoái loại thuốc này. Ngoài ra họ còn cho chúng tôi một thùng xốp tôm tươi.

Chia tay tôi nằng nặc đòi trả tiền nhưng tay thuyền trưởng không chịu. cứ cảm ơn rối rít, rồi nói: được gặp, chuyện trò, trình bày và được biếu các anh chút quà là vinh hạnh cho tụi em lắm rồi

Xuồng cặp bến lính tráng phục lăn. Bia bọt, thuốc và tôm tôi cho lính xả láng.

THUYỀN - Sơn mài - 120 x 120cm - 2004, Tranh Phạm Lực
Chả hiểu sao quãng thời gian mùa khô 86 đầu 87 dân vượt biên giạt vào chỗ tôi nhiều thế. Đủ cả: lớn, bé, già trẻ, đàn ông, đàn bà, “quốc tịch” thì khắp. Từ t/p Hồ Chí Minh đến Kiên Giang, từ Bến Tre, Bạc Liêu tới Sóc Trăng, Cà Mau …thời điểm nhiều nhất có lúc tới bảy mươi thuyền nhân chúng tôi phải “chăm sóc”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì quãng thời gian tôi ở đảo số thuyền nhân dạt vào tổng cộng không dười 500 người.

Thuyền vào đảo thường là ban đêm, họ nói bằng thứ tiếng anh “giả cầy”: “Chúng tôi là người Việt Nam xin tị nạn Chính Trị vì không chịu nổi nạn vi phạm nhân quyền và kinh tế khó khăn tại quê hương”. Họ tưởng là đã vào tới đất Thái hoặc đảo nào đó của Malaixia chăng?

Tôi cho lính “ăn theo” trong đêm cũng xì xồ lại bằng thứ ngôn ngữ “nước ngoài” tự nghĩ ra chả thằng nào nói giống thằng nào (muốn cười mà không dám cười sợ lộ) rồi gom tàu thuyền và đưa tất cả lên dãy nhà bỏ không trong đơn vị, rồi bố trí cho họ cơm ăn, nước uống tử tế.

Sáng hôm sau khi biết bọn tôi là lính “Việt cộng”, họ lăn ra khóc lóc thảm thiết xin đừng bắt họ giao trả về Việt Nam tạo điều kiện cho họ đi tiếp họ sẽ hậu tạ. Trong khi chờ đợi trả lời của cấp trên. Vì số người quá đông tôi quyết định mở kho gạo dự trữ của đơn vị để nuôi sống họ. Vì chuyện nhân đạo này mà sau này tôi suýt bị kỷ luật.

Đàn bà con gái trong đám thuyền nhân sau ba bốn ngày được ăn uống tử tế tắm giặt sạch sẽ bằng xà bông Camay mà chúng tôi đưa cho. Người ngợm, mặt mũi sáng hẳn ra, thân thể quần áo mùi thơm cứ xộc lên. (Loại xà bông xa xỉ này chúng tôi không thiếu.)

Lính tráng nhìn đám đàn bà con gái mắt lồi ra, như chỉ chực rơi “vọt” con ngươi xuống đất. Chỉ cần được nhìn, được nghe tiếng phụ nữ đối với họ đã là hạnh phúc lắm rồi.

Đơn vị tôi từ lính tráng tới chỉ huy đều ở tuổi trai tráng hừng hực sức lực, công việc không mấy vất vả, ăn uống lại đầy đủ, thừa chất, thời gian thì mênh mông nên “thèm”.

Thèm ăn, thèm uống nó là cái thèm vật chất, con người ta thiếu ăn thiếu uống lâu là chết, như cái xe chạy hết xăng vậy.

Có nỗi thèm khác, không có nó con người ta chả chết, nhưng nhiều quá lắm khi lại đâm quỵ. Chả biết nó là “vật thể” hay “phi vật thể ” nhưng thiếu nó con người tự nhiên thấy u uất, day dứt, bồn chồn chả muốn làm gì. Đàn bà, con gái thiếu nó thì cái duyên, cái thùy mị tự dưng mất đi. Còn đàn ông thì như người uống nhầm phải rượu mật gấu rồi đâm giở chứng “đá thúng đụng lia” cáu kỉnh.

Chả thế mà mấy tay phi công vũ trụ, bác sỹ bắt mỗi tuần phải ngủ với vợ hai bận cấm nhiều hơn dù thèm mấy chăng nữa.

Do vậy từ khi có đám thuyền nhân tôi lại đâm lo, một lỗi lo khác. Chỉ sợ mấy chú lính bức bách quá làm liều thì chết. Tôi thường xuyên họp đơn vị nhắc nhở, kết hợp với giám sát kiểm tra.

Tôi nói: Đơn vị không cấm các đồng chí quan hệ với “đồng bào” nhưng phải là sự đồng thuận trên cơ sở tình cảm quân dân chân thành, “thắm thiết” không được làm điều gì vi phạm kỷ luật quân đôi. Ai vi phạm tôi sẽ kỷ luật nặng.

Sau này tôi biết lính tráng lần hồi họ cũng “làm ăn” được, tán tỉnh giỏi thật, đúng là lính trẻ.

Có tàu vượt biên khi vào tới đảo đã chết máy, nước, lương thực dầu hết, lênh đênh trên biển nhiều ngày Nếu không may mắn gặp chúng tôi mà gặp hải tặc thì không biết mạng sống của họ ra sao. Họ hàm ơn và quý mến chúng tôi

Một số tàu sau khi cho họ nước, lương thực, dầu chúng tôi chỉ đường cho họ đi. Nhưng có tàu vì không giấu được chúng tôi đành phải báo cáo cấp trên rồi đưa họ quay lại nơi xuất phát. Sau này tốn kém quá nên chúng tôi chở họ vào thị xã Kokong rồi từ đó chân trời góc bể tự do muốn đi đâu, tùy họ!

Những người bạn Thái, Campuchia mà tôi quen biết họ rất tốt, cũng có thể do vị trí của tôi trên đảo chăng?. Đúng! nhưng đó chỉ là một phần mà chính là cái tình, cái nghĩa, cách cư xử, sự giúp đỡ chân thành của chúng tôi đối với họ. Loại bỏ những điều lớn lao “cứu rỗi sự sống cho cả dân tộc họ”, là những điều rất cụ thể mà chúng tôi ngày ngày vẫn làm.

Khi nghe tin tôi sắp cưới vợ có người mừng tôi cả thùng thuốc 555. Rồi sỹ quan chúng tôi có tiêu chuẩn mua xe máy họ mua giúp xe tốt giá rẻ rồi đem tới tận nơi …

Có một lần người bạn Thái gốc Việt nói với tôi:

- Anh muốn tôi giúp anh có thật nhiều tiền không?

Tôi trả lời:

- Ai chả muốn.

- Tôi bầy cho anh cách này, mà vị trí của anh hoàn toàn có thể.

- Anh nói đi

- Trồng Cần sa.

- Cần sa ư! Tôi hơi hoảng. Sau một hồi im lặng tôi nói:

- Để tôi suy nghĩ đã, tôi chưa quyết định ngay được.

- Anh cứ nghiên cứu đi, tôi nghĩ đó là một hợp đồng tốt đấy.

Trở về, người đầu tiên tôi nhớ tới là anh đại đội trưởng bộ binh. vội lao sang chỗ anh bàn bạc. Anh ok. Thế là chúng tôi thống nhất .

Nhưng đêm nằm tôi suy nghĩ trằn trọc không ngủ được, một bên là tiền bạc là giàu có một bên là danh dự, trách nhiệm và gia đình …

Bao nhiêu lời mời rủ rê hấp dẫn như vượt biên, bán bãi, buôn hàng lậu … Bấy lâu tôi đã “thoát” được, không lẽ bây giờ …

Công việc này quá dễ đối với chúng tôi. Tôi bỗng nhớ tới lời bà nội tôi khi xưa - Cái gì “quá” đi đều không tốt.

Rồi tôi quyết định từ chối, trùm chăn, ngủ ngon một mạch tới sáng.

Người bạn Thái rất tiếc cho quyết định của tôi

Quãng thời gian ở Kokong, chúng tôi như Robinson trên hoang đảo, vượt qua được cám dỗ vật chất, những dục vọng thể xác, nỗi cô đơn xa quê hương, tất cả những gì tối thiểu nhất của đời sống tinh thần mà mỗi con người cần phải có, từ nụ hôn người yêu đến sự thèm khát bản năng … Tất, tất thảy như hạt mưa trên sa mạc.



Hoàn thành nhiệm vụ sau năm năm ở đảo tôi xin ra quân. Mất mấy năm vất vả, vật vờ. Những ngày ấy có lần gặp lại người thủ trưởng cũ thấy tôi khổ quá ông ân hận “Biết thế này ngày ấy tao không ký quyết định cho mày ra quân”.

Đời người ta ai cũng có cái số, cái duyên. Vài kỷ niệm nho nhỏ trong quãng thời gian năm năm ở Kokong vừa kể cho các bạn là một phần trong cái duyên, cái số của tôi.


t/p HCM 2/11/08

Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại „Blog Bạn Trường Trỗi”: Thứ bảy, tháng mười một 22, 2008)