"Ốm" - HaMeoK6
Thứ Ba, tháng 11 04, 2008"Ốm"
haᶬeok6
Nhớ hồi ở Trỗi, thỉnh thoảng tôi cũng ốm và nghỉ học. Ốm thật thì quá chán rồi, khỏi phải nói cũng biết. Nhưng giả vờ thì thích lắm !
Trước hết là sáng ra, nhất là mùa đông ở Quế Lâm không phải dậy tập thể dục chỉ cần thều thào: Tao ốm! Thế là cuộn chăn ngủ tít, nghe văng vẳng tiếng hô “1 – 2 – 3 – 4 !” ngoài sân của tụi bạn trong tiếng gió rét buốt (phải tưởng tượng ra một chút) thì mới thấy hết giá trị của cái việc được nằm lại trong chăn ấm! Rồi lại ngủ tiếp cho tới khi tất cả đã lên lớp mình mới từ từ dậy đi đánh răng rửa mặt một mình không phải chen lấn giành giật nước nóng với ai. Sướng thật! Nhưng vì “xuất đầu lộ diện”, nên lúc này phải luôn luôn giữ bộ mặt nhăn nhó đau khổ cho giống ốm, nếu lỡ mấy “gián điệp” nhìn thấy báo thầy thì “toi”. Sau đó quay về giường lục tìm trong đồ tụi bạn cố kiếm lấy được 1 cuốn truyện, nằm dài ra mà nghiền ngẫm.
Một bữa, tôi “ốm” đúng ngay ngày kiểm tra nội vụ toàn Đại đội. Ôi, chẳng ra cái giống gì. Mình phải gấp màn lại rồi nằm trùm chăn kín mít tỏ ra rất mệt mỏi rồi trở thành vật “triển lãm sống” cho nguyên đoàn kiểm tra cả chục người từ các thầy cho tới bọn đại diện các trung đội lượn ra, lượn vô. Ai cũng hỏi: Đứa nào vậy? Ốm à? Ốm sao vậy?.... Đủ thứ linh tinh làm tôi cứ phải rên hừ hừ tới phát mệt cả người, chẳng “chơi” được gì. Chán muốn chết !
Khoảng vào cuối tiết thứ nhất, chú Quân y sẽ đến xem ai có ốm không. Lúc này là “gay cấn” nhất. Ăn nói loạng quạng là “chết ngay”. Nhưng theo kinh nghiệm bản thân lúc bấy giờ, cứ bệnh đau bụng hay nhức đầu là “chắc ăn như bắp”. Không biết đến giờ các bác sĩ Trỗi có biết không, chớ hồi đó, mấy chú y tá Đại đôi là “chịu chết”. 2 cái bệnh này chẳng thấy cái gì, nhất nhất đều phải nghe theo mình khai: Đau quá … cháu đau chỗ này … chỗ này nữa … chỗ này thì ít thôi … còn ở đây thì không ạ … Cứ như vậy mà chỉ tứa lung tung - Dạ lâu lâu đau nhói lên, rồi lại từ từ hết – Đó là câu thòng “bào hiểm” không thể quên để lỡ ai nhìn thấy mình đang cười toét vì chuyện gì đó hay đang chạy đi chơi ngòai đường.
Có một lần vì thấy cứ “đau bụng” quanh quanh hoài (hết bên trái rồi sang bên phải) tới mức chú Quân y cũng thuộc lòng, nên tôi chỉ ngay vào giữa rốn: Cháu đau chỗ này! Chú im lặng không nói gì rồi sau đó chẳng cho tôi cái thuốc gì cả. Có lẽ chú biết (?). Tôi hoảng quá, vội “khỏi” ngay và tự giác cắp sách lên lớp vào giờ tiếp theo một cách nghiêm chỉnh chưa từng thấy. Nhưng cũng được bù lại vào giờ điểm danh Trung đội hôm đó tôi được biểu dương tinh thần ham học khắc phục bệnh tật (!)
Bệnh đau bụng thì thích hơn vì không cần phải làm bộ mặt nhăn nhó mà nhiều khi dễ quên lắm và nếu có chạy ra ngoài thì cũng có lý do chính đáng để bào chữa “Đi cầu”. Nhưng ốm nhiều quá mà cứ đau bụng hoài thì lâu lâu cũng phải “đổi bài” sang đau đầu cho nó có vẻ thật chớ. “Bệnh” này thì không được phép cười nên hơi chán …
Sau khi chú Quân y khám bệnh và cho thuốc xong thì còn được đăng ký ăn trưa suất ốm. Thích nhất hồi ở Quế Lâm là được chọn ăn mỳ hoặc cháo. Cả 2 thứ đều được nấu với thịt bằm và hành. Một suất được hẳn một cái thau to ăn mệt nghỉ. Tôi thường chọn món mỳ, nhưng thỉnh thoảng cũng đổi món cháo cho lạ miệng. Còn về Hưng Hóa thì chỉ có mỗi món cháo với một tí thịt, không hành, không gì hết, nhưng như thế cũng đã là “đặc sản” của thời bấy giờ rồi. Quan trọng nhất là tự do ăn tới hết (mà phần ốm bao giờ cũng nhiều hơn bình thường) chẳng phải tranh giành với ai. Sướng !
Hôm nào mà có hai ba đứa cùng “ốm” thì vui phải biết. Nằm tán dóc cho tới khi chú Quân y cho thuốc xong là có quyền cùng nhau “đi dạo” quanh trường cho tới trước giờ cơm trưa mới về. Mà phải về đúng giờ để khỏi lộ, nhưng căn bản nhất là để “thưởng thức” món “cháo ốm”, không thì tụi khác sẽ “ăn giùm” ngay… Tôi nhớ hồi học lớp 8 ở Hưng Hóa, mấy thằng “ốm” ham vui, đi chơi về trễ quá, mất phần “cháo ốm” rồi mà còn bị thầy Khoát bắt ngồi làm kiểm điểm tới hết “ốm” cả mấy tháng liền !
Nói chung “ốm” chỉ kéo dài tới khoảng giữa buổi chiều là phải “khỏi”, thì tới giờ Thể thao mới chạy chơi được, nếu không, phải nằm dài vào giờ này thì có nước “tự tử mà chết”. Đã vậy tranh thủ ngay sau khi “khỏi” là “bay” ra giếng trước lo tắm giặt thoải mái không phải tranh giành gầu múc nước.
Tóm lại “ốm” cũng không phải là dễ nhỉ!
Đăng lại bài viết của hameok6 (đã đăng tại Blog K4: Thứ hai, tháng mười một 03, 2008.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>