Cồn Cỏ - điểm hẹn của những người bạn Trỗi





Lời mời từ miền Trung - do Nguyễn Kim Phú rủ rê - đã được đông đảo các bạn trường Trỗi hưởng ứng nhiệt tình. Con số người tham gia tăng lên từng ngày. Kim Phú liên tục điện đàm với các đầu Bắc kỳ, Trung phần và Nam bộ để chốt danh sách. Tới ngày khởi hành ra đảo Cồn Cỏ, con số đã là chẵn 50.


Đoàn bạn Trỗi dưới chân Cột Cờ đảo Cồn Cỏ

Cuối tháng Tư, khi ông mặt trời vẫn còn đang uể oải rong chơi mùa xuân thì miền Trung đã bắt đầu được nung nóng bằng những đợt gió Lào. Nhưng cái nóng như hun như đốt ấy không ngăn nổi các bạn Trỗi kéo đến Thành phố Đông Hà.
Tập trung tại Golden Hotel từ chiều hôm trước bằng các loại phương tiện: người đi tầu hỏa đến ga Đông Hà, người nằm xe đường dài chạy xuyên đêm, người cưỡi tàu bay vào Huế hoặc Đồng Hới rồi tụ về Đông Hà. Vài cụ có điều kiện thì chạy xe rong ruổi... xuyên Việt và đậu lại ở Đông Hà. Chiều muộn cả đoàn tập trung bữa tối yên ả tại Nhà hàng Tân Châu Place với hai thùng bia chiêu đãi đoàn của thầy Lê Đức Soạn. Thầy kể, đây là lộc trong phi vụ kinh doanh bất động sản mới gần đây. Thế mới biết ông thầy 87 tuổi còn nhiều tiềm năng lắm!
Sáng sớm hôm sau, đoàn được cháu Linh – HDV của tour Cồn Cỏ - đưa ra bến tàu trong Cảng Cửa Việt. Tàu Du lịch Cồn Cỏ mới được đưa vào khai thác từ tháng Tám năm 2018 có 80 chỗ ngồi. Đúng 7g30’ tàu kéo hồi còi dài rồi từ từ rời cảng hướng ra biển Đông. Mũi tàu đè sóng tăng dần tốc độ. Thời gian tàu chạy tới đảo hơn 1 tiếng trong điều kiện sóng cấp 3 có làm một vài bạn bị say sóng nhẹ, cảm giác chòng chành cho tới lúc con tàu từ từ vào âu tàu của đảo.
Đoàn nhanh chóng lên đảo bắt đầu gia nhập luôn chương trình tham quan. Tất cả đồ đoàn được xe tải của Nhà khách chuyển về trước. Từ bến cảng các cụ leo lên con dốc thoải. Đội hình kéo dài hơn 100 mét, người khỏe đỡ người mệt mỏi. Điểm tham quan đầu tiên là Ngọn Hải Đăng chính giữa đảo.




Đội hình lúc đầu kéo dài lê thê... 

Lối lên ngọn Hải Đăng được trải nhựa sạch sẽ, xuyên qua khu rừng nguyên sinh. Hai bên con đường bê tông sạch sẽ là những hàng cây xanh mướt của vùng lõi Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Trước chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ thì trên đảo còn rất nhiều cây to và cao lớn trong khu rừng chưa có chân người tới. Trong suốt 10 năm chiến tranh, đảo Cồn Cỏ cũng như dải đất Vĩnh Linh, Quảng Bình hứng chịu nhiều bom đạn của không quân, hải quân Mỹ. Thậm chí, phi công Mỹ còn chọn nơi đây làm bãi thải nốt những quả bom cuối cùng để trở về tàu sân bay ngoài biển Đông. Vì vậy, diện tích đảo trước đây gần 4 km vuông mà nay chỉ còn một nửa, một phần do bom đạn cày xới, đào lấp... Mới hơn 30 năm gần đây, bộ đội và người dân trên đảo đã giữ gìn, khôi phục lại rừng để đến nay có hơn 70% diện tích đảo được phủ kín rừng xanh. Có đi một vòng quanh đảo, xuyên qua rừng nguyên sinh mới thấy sức sống mãnh liệt của cây rừng.


Lối lên Hải Đăng xuyên qua Rừng Nguyên sinh

Ngọn Hải Đăng nằm trên đỉnh đồi cao nhất đảo có độ cao so với mực nước biển là 63,4 mét – còn được gọi là đồi Thái Văn A. Cái mệt của cuốc đi bộ đã át hẳn cảm giác chuếnh choáng say sóng. Đến Hải Đăng hầu như mọi người đã khỏe hẳn. Thêm nữa, thời tiết trên đảo dường như cũng ưu ái các cụ: nắng nhẹ, gió biển thổi mát rượi. Các cụ leo ngay lên đỉnh tháp đèn để có cái nhìn bao quát toàn bộ đảo. Ngay bên dưới chân Hải Đăng là di tích lịch sử mà các cụ được biết tới trong những năm kháng chiến: Đài quan sát trên đảo, gắn liền với tên tuổi người Anh hùng Thái Văn A. Tìm hiểu cuộc sống của các nhân viên nhà đèn, từ công việc đến sinh hoạt thường ngày. Nhiều cụ đã động viên, ủng hộ các cháu bằng việc mua các mặt hàng tăng gia: những gói lát chuối hột, cành giảo cổ lam 5 lá đã phơi khô.


Đài quan sát trên đảo, gắn với tên tuổi Anh hùng Thái Văn A

Xuống đồi, các cụ tiếp tục tham quan Cột Cờ trên đảo. Cột Cờ cao 38,5 mét dựng lên ở phía Nam của đảo. Lá cờ Tổ quốc bay căng trên nền trời xanh cao.


Cột cờ trên đảo Cồn Cỏ


Bãi tắm Bến Tranh - một trong những bãi tắm đẹp nhất đảo Cồn Cỏ

Khu trung tâm đảo có những hàng cây Bàng Vuông mới trồng. Lá cây mập mạp xanh tươi, như những cánh tay khỏe mạnh chào đón du khách. May mắn cho đoàn còn được chiêm ngưỡng những chùm hoa trắng muốt của Bàng Vuông. Những bông hoa Bàng Vuông nở to, bật ra những chùm nhụy màu hồng nhạt mong manh duyên dáng. Nhờ một thanh niên trên đảo chỉ dẫn, tôi mới tìm thấy một quả Bàng Vuông còn sót lại trên cành cao. Anh tỏ ý muốn giúp tôi lấy xuống mang về nhà làm kỷ niệm. Tôi cảm ơn anh và bảo: quả này ở trên đảo, lơ lửng trên cây mới là Bàng Vuông, chứ vào tay tôi, nó chả có nghĩa gì cả!
Buổi trưa đoàn nghỉ ăn bữa đầu tiên trên đảo tại quán Trâm Anh giữa một làng dân cư ở trung tâm đảo. Các món ăn phổ biến trên đảo được giới thiệu khá phong phú, từ những món hải sản đến món rau biển. Ngoài cá biển, các loại ốc ở đây cũng phong phú: ốc mắt ngọc, ốc nón, ốc đồi, ốc thổ,... Những con hàu được khai thác ở các bãi đá đen xung quanh đảo. Hải sâm đảo Cồn Cỏ có hai loại đen và trắng, bổ dưỡng ngang với yến sào. Lạ nhất là món rong nho, dùng ăn thay rau xanh vừa giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh nan y. Nói đến món ăn đảo Cồn Cỏ, ai cũng muốn nếm món Cua Đá – món ăn nổi tiếng qua một bài hát và gắn liền với ký ức thời chiến tranh. Được biết, Cua Đá chỉ còn các cá thể hiếm hoi trên 2 hòn đảo miền Trung: đảo Cồn Cỏ và Cù Lao Chàm. Cua Đá hiện nay là loài vật có nguy cơ tuyệt chủng nên được đảo Cồn Cỏ đưa vào diện bảo tồn, không khuyến khích săn bắt và ăn thịt.
Xong bữa trưa, đoàn về nhận phòng nghỉ tại Nhà khách Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ. Trong điều kiện cơ sở vật chất thực tế của đảo, trên tinh thần nhường nhịn chia sẻ khó khăn, các cụ đã nhanh chóng ổn định chỗ nghỉ và ngả lưng buổi trưa.
Buổi chiều, đoàn tiếp tục tham quan Đài tưởng niệm Anh hùng đảo Cồn Cỏ. Đài tưởng niệm nằm trên đỉnh ngọn đồi phía Đông Nam đảo, trên độ cao 37 mét – còn gọi là đồi Hỏa Lực. Nơi đây có tấm bia ghi danh sách của 30 bộ đội hy sinh trong lúc trực tiếp chiến đấu bảo vệ đảo và 74 bộ đội, dân quân phục vụ chiến đấu.
Nắng chiều dịu mát, các cụ từng đôi một dắt tay nhau xuống bãi biển Bến Tranh thả mình vào làn nước trong xanh mát mẻ. Tha hồ mà ngâm, bơi, đùa giỡn với sóng biển. Vài cụ trên bờ lựa chọn những khung cảnh đẹp để ghi hình kỷ niệm hoặc lang thang tìm kiếm những bông hoa trên cây bàng vuông, cây phong ba – thứ sản vật đặc sắc trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Cây phong ba cũng mới được trồng trên đảo. Tôi bắt gặp những hàng cây phong ba trồng dọc bờ biển phía Bắc đảo để ngăn gió mùa Đông Bắc dữ dội. Phong ba mùa này cũng đang trổ hoa. Những chùm hoa trắng tinh được che chắn bao bọc trong những lớp lá dày, xanh mát.


Cây Phong Ba - mùa hoa nở


Lối mòn đi xuyên rừng Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ

Buổi tối, theo chương trình, đoàn có buổi gặp gỡ giao lưu “văn nghệ” với bộ đội biên phòng trên đảo. Địa điểm là ngay trong khu vực Đồn Biên phòng Cồn Cỏ. Phía bộ đội biên phòng, toàn bộ ban chỉ huy có mặt tiếp đoàn. Nhân thể có đoàn khách từ Bộ Tư lệnh ra thăm cùng dự giao lưu nên cuộc vui thêm phần sôi nổi và hào hứng. Các nữ ca sĩ Quảng Trị mở màn thật ấn tượng làm các cụ vừa nhâm nhi vừa gật gù chầm chậm. Khởi đầu hơi rụt rè, nhưng khi đã bốc lên, các cụ làm chủ hoàn toàn chương trình giao lưu. Cuộc vui chỉ kết thúc sau màn đồng ca bài hát “Sinh ra trong khói lửa” vào lúc 21 giờ.
Trong cuộc giao lưu, có một chi tiết khá là đặc biệt. Đó là đoàn có tặng “gói quà” cho cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng, trong đó có can 20 lít rượu của Đào Thắng chở từ Hà Nội vào. Nghe kể Đào Thắng và vợ đã đèo theo gần 100 lít rượu chứa vào 3 cái xì-téc bằng i-nox để sau cốp xe. Cu em Trưởng đồn vội sai trợ lý cất ngay và nói khẽ: “Em phải cho cất ngay rượu quý kẻo chúng nó biết thì... hết mất!”
Lại kể đến chuyện ngủ ngê. Như trên đã kể, do nhà khách không đáp ứng được yêu cầu bố trí giường cho tất cả các cụ nên phải bố trí nằm chung 2 cụ 1 giường. Các bà được chọn trước những phòng thoáng mát và rộng rãi, có buồng vệ sinh riêng. Còn lại các ông thì nhận các phòng tập thể - có đến 6 giường đơn. Phòng nghỉ chỉ có quạt nên các cụ trải thêm chiếu xuống sàn nhà để nằm cho thoải mái... Cũng may cho đoàn là từ cuối năm 2017, Điện lực Quảng Trị đã trang bị thêm hai tổ máy phát điện với công suất 1000 KVA, cấp điện liên tục 24/24 giờ. Hơn nữa, thời tiết trên đảo cũng dễ chịu, gió biển thổi vào mát rượi. Tuy vậy, chật chội chính là nguyên nhân khiến vài cụ khó ngủ vì tuổi già nên “tự cứu mình”: tìm nhà nghỉ xung quanh để thuê phòng giãn bớt không gian cho đồng đội. Bộ phận tổ chức chuyến đi – mà chủ trì là Nguyễn Kim Phú – tiếp tục làm việc với nhà khách để thêm phòng cho đoàn, không để cho cụ nào phải “nằm đất”. Khó khăn đã được giải quyết tích cực và nhanh chóng. Nghe kể, đêm đó, Kim Phú và cháu Linh còn có “sáng kiến” mắc võng dưới hàng phi lao bên bãi biển Bến Tranh ngủ ngon lành.
Bình minh trên đảo thật rực rỡ. Bầu trời trong vắt, phía biển Đông mờ mờ trong sương khói. Các cụ sau một đêm ngon giấc đã nhanh chóng thu dọn đồ đoàn rồi tranh thủ đi dạo quanh nhà khách hưởng bầu không khí trong lành mang hương vị biển. Mặt trời đỏ rực lặng lẽ nhô lên khỏi mặt biển rồi thu nhỏ lại, chói lòa. Khi những ánh nắng đầu tiên lướt trên khắp đảo thì cũng là lúc đoàn lên đường hành quân ra bến tàu. Lúc này, ngày mới trên đảo bắt đầu. Tiếng hát quốc ca vang lên ở các doanh trại bộ đội trong lễ chào cờ đầu tuần. Những lá cờ Tổ quốc bay phần phật và bừng sáng trong nắng sớm.


Bình minh trên đảo Cồn Cỏ


Âu tàu đảo Cồn Cỏ. Con tàu Du lịch đưa và đón đoàn

Cũng chỉ mất 1 tiếng, tàu đã cập bến cảng Cửa Việt. Xe đón đoàn đã chờ trên cầu cảng. Đoàn tổ chức ăn sáng ngay trên bãi biển Cửa Việt. Thời gian còn lại, các nhóm lại tiếp tục tổ chức tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mảnh đất miền Trung oanh liệt này.
Bữa tối cả đoàn tập trung tổng kết và ăn mừng thành công của chuyến đi. Ai nấy đều vui vẻ, hả hê với những kết quả của đoàn, của từng nhóm và riêng mỗi cá nhân thu nhận được. Các cụ nhiệt tình hát tặng nhau nhiều ca khúc vui có, buồn có, lãng mạn có mà hào hùng cũng có... 


Các bạn Trỗi chia tay nhau và hẹn sớm gặp lại

Đoàn còn nhận được tình cảm và sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn Quảng Trị - là mối quan hệ của Kim Phú. Có thể nói hầu như toàn hộ “hệ thống chính trị” của miền Trung đã được huy động để giúp Kim Phú tổ chức cho các bạn Trỗi một chuyến đi an toàn và vui vẻ. Cảm kích trước tài năng tổ chức và nhiệt tình của Kim Phú, không ít các mệnh phụ phu nhân bạn Trỗi đã bày tỏ sự thán phục, biết ơn và những tình cảm yêu mến. Chia tay nhau, các bạn Trỗi còn hẹn sẽ cùng nhau tổ chức chuyến đi vào thời gian tới.

Tháng Năm 2019




Mời xem bài liên quan:
  1. Cồn Cỏ 18-19/4/2019 - Tổng hợp
  2. K6 hành hương tri ân - Video Hà mèo
  3. K6-TSQ VỚI LƯỠNG QUẢNG - Vũ Duy Sơn
  4. Cồn Cỏ - điểm hẹn của những người bạn Trỗi - Trần Vinh Quang
  5. Lũ chúng tôi - Trần Việt Châu