TRÀ DƯ TỬU HẬU 10/e






 


Chuyện 14 :VIỆT NAM ĐI VỀ ĐÂU?
Hóng chuyện hôm qua, hôm nay định sang nhà ông A sớm mà không được. Vì bận công chuyện nên khi qua nhậu, tôi đã nghe ông A nói dở dang:
-Cũng không hẳn thế!... -Ông A nói, trầm ngâm một lúc, rồi tiếp. -Như tôi đã nói, thế giới tự nhiên không có gì ngoài Tồn Tại và Tồn Tại phải theo nguyên lý duy nhất là nguyên lý Tự Nhiên. Nguyên lý Tự Nhiên phát biểu rằng: "Vì không thể có Hư Vô, nên tồn tại phải cố gắng tự duy trì tồn tại. Trong quá trình cố gắng tồn tại (vì quy luật tăng trưởng lạm phát trong sự khống chế của thiên nhiên hữu hạn, nên cũng có nghĩa là phải cạnh tranh tồn tại!), (một số) tồn tại cũ yếu thế dần và mở đường cho tồn tại mới tueo nguyên tắc kế thừa kết hợp với sáng tạo, nhường chỗ cho (những) tồn tại mới ra đời theo cách sao cho Tồn Tại là vĩnh viễn!". Vì thiên nhiên (của một hành tinh) là bộ phận của tự nhiên, thuộc về tự nhiên, nên mọi vận động trong nội tại nó cũng phải tuân theo nguyên lý Tự Nhiên, và vì nó cũng tương đối khác với tự nhiên bởi những nét đặc thù, nên vận động nội tại của nó cũng bộc lộ ra những nét đặc thù. Một trong những nét biểu hiện đặc thù của nguyên lý Tự Nhiên trong thế giới hữu sinh là quy luật đấu tranh sinh tồn và tiến hóa-thích nghi. Một thể hiện đặc thù và ở trạng thái cao độ của quy luật này trong vận động của xã hội loài người là chiến tranh-đấu tranh. Trên bước đường tự nhiên làm hình thành xã hội với không ít những thăng trầm của mình, khi đã biết đến khái niệm "tư hữu", "lòng tham vị kỷ", loài người cũng đã phát hiện ra cách kiếm ăn nhằm sinh tồn mới, tương đối cực đoan, lúc đầu là với những giống loài động vật khác, sau đó là với những cộng đồng xã hội người khác, nghĩa là với chính giống loài của mình, đó là có thể dùng bạo lực của mình để tiến hành giết chóc, cướp bóc, trấn lột tất cả những gì của người khác (ở một cộng đồng xã hội nào đó) có liên quan, có thể phục vụ cho mục đích sống còn của mìmh, từ thực phẩm, của cải đến sức lao động, và cả khu vực sinh sống. Chắc rằng đó là nguồn gốc chiến tranh, và cuộc chiến tranh đầu tiên xảy ra có lẽ là chiến tranh xâm lược! Nếu đã có chiến tranh xâm lược, thì tuân theo nguyên lý Tự Nhiên, nguyên lý cố gắng tồn tại, hay cụ thể hơn là tuân theo quy luật đấu tranh sinh tồn, trước sau gì cũng phải xuất hiện đầu tranh chống xâm lược nhằm sống còn. "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh", hình thức đầu tiên của đấu tranh là những con người bị áp bức, trấn lột, nô dịch, đồng lòng hợp sức lại, vùng lên chống lại sự cường bạo, xâm lược dưới hình thức bạo lực vũ trang, chiến tranh giải phóng. Về sau, cùng với sự phát triển, phức tạp hóa xã hội, hiện tượng chiến tranh-đấu tranh cũng được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức với nhiều mục đích khác nhau, nhưng chung qui lại, mục đích cuối cùng của chiến tranh vẫn là vì danh lợi, và mục đích cuối cùng của đấu tranh vẫn là xóa bỏ bóc lột, giành lại quyền sống cơ bản cho mọi người (xét cho cùng thì cũng vì sống còn, vì quyền lợi). Song từ trước đến nay, vì loài người chưa nhận thức đích xác được nguyên nhân cũng như nguồn gốc của sự bóc lột, nên tất cả các cuộc đấu tranh trong lịch sử loài người, không có cuộc đấu tranh nào xóa bỏ được triệt để bóc lột, duy trì lâu dài được một xã hội không có cảnh người bóc lột người. Triết học Mác ra đời đã giải thích gần đúng nhất nguyên nhân và nguồn gốc của bóc lột (tuy chưa đích xác!), và cùng với sự bổ sung của Lênin, đã đề xướng ra việc xây dựng một xã hội lý tưởng (gần) thực tiễn nhất, được cho là tươi đẹp nhất của loài người, trong đó không có bóc lột, không có áp bức, bất công, không có nhà nước (yếu tố cơ bản giúp xã hội tồn tại?), mọi người sống hoàn toàn bình đẳng, nhân ái và hạnh phúc, gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự xuất hiện kịp thời của triết học Mác giữa lúc phong trào đấu tranh chống bóc lột của nhân dân thế giới đang lên cao nhưng hoang mang về đường lối, với những suy luận có vẻ hợp lý của nó về căn nguyên của sự bóc lột, về con đường đấu tranh xóa bỏ bóc lột, xây dựng một xã hội tương lai tươi sáng, hoàn toàn phù hợp với ước mơ của đại chúng đương thời, nhất là sau khi có lời hiệu triệu "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", đã trở thành sự lựa chọn khả dĩ, thành nền tảng lý luận, thành kim chỉ nam cho phong trào đấu tranh của nhân dân toàn thế giới lúc bấy giờ. Đảng cộng sản ra đời để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-lênin, vạch đường chỉ lối cho quần chúng đấu tranh, là lẽ đương nhiên(!). Thành công của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, với sự dẫn dắt của Lênin, một người theo triết học Mác chân chính, thành người hoàn thiện triết học Mác, đã là tấm gương noi theo của các cuộc cách mạng xã hội và là một minh chứng hùng hồn trong gần suốt thế kỷ XX cho sự (tưởng như) đúng đắn của triết học Mác (giống như đạo Phật,vẽ ra một xã hội tươi đẹp ( cõi niết bàn) bằng cách thức sai lầm mà bá tánh tưởng rằng đúng đắn (tu tập cá nhân) và tin tưởng một cách sùng tín!). Nói riêng trường hợp Việt Nam, cuộc đấu tranh vũ trang thời kỳ đầu chống Pháp của Dân Tộc ta không phải là cuộc đấu tranh chống bóc lột mà là cuộc đấu tranh chống xâm lược. Có cuộc đấu tranh ấy là vì dân ta có lòng nồng nàn yêu nước, một phần là vì kinh nghiệm ngàn đời (chống xâm lược phương Bắc) cho thấy rằng, đi liền sau xâm lược là cướp bóc tàn bạo nên phải chống xâm lược, phần khác là vì nặng tư tưởng Nho giáo, "trọng đạo vua tôi" (nhưng Nhà Nguyễn đã ươn hèn, cam tâm bán nước cho quân xâm lược, phản bội lại dân tộc mình!). Sau khi chiếm nước ta, bộ mặt bóc lột, áp bức bất công của quân xâm lược Pháp ngày càng lộ rõ, nhất là từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai. Chính vì thế mà sau một khoảng thời gian ngắn thoái trào, phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta được nhen nhóm trở lại. Lúc này, định hướng của cuộc đấu tranh, ngoài chống ngoại xâm, đòi độc lập, còn thêm chống bóc lột, chống sưu cao thuế nặng bằng hình thức biểu tình phản đối, bãi thị... Vào đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đang tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương, thì trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây cũng truyền bá vào Việt Nam. Thông qua các tân thư, tân văn Trung Quốc, các học thuyết về nhân quyền và dân quyền của Rutxô (Rousseau), Môngtexkiơ (Mongtesquieu), Vônte (Voltaire)..., đến với các sĩ phu yêu nước Việt Nam. Tân thư, tân văn cùng với ảnh hưởng của cuộc Duy tân ở Nhật Bản, phong trào cách mạng dân chủ tư sản ở Trung Quốc với đỉnh cao là cách mạng Tân Hợi (1911), chiến thắng của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1901 - 1905) đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng và tình hình tư tưởng Việt Nam. Những sự kiện này như một hồi chuông gióng lên làm "tỉnh ngộ" các sĩ phu yêu nước đang khao khát tìm kiếm một con đường cứu nước mới. Những chuyển biến trong lòng xã hội Việt Nam, cùng sự ảnh hưởng của tư tưởng từ ngoài vào đã làm nảy sinh tính chất dân chủ tư sản trong phong trào yêu nước và cách mạng do các sĩ phu phong kiến tiến bộ lãnh đạo. Đó là Duy tân Hội và phong trào Đông du (1904 - 1908), phong trào Duy tân (1905 - 1908), Đông Kinh nghĩa thục (1907), phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ (1908), Việt Nam Quang phục Hội (1912 - 1917),... Tựu trung, các phong trào này diễn ra theo hai xu hướng chính: xu hướng bạo động và xu hướng cải cách ôn hòa, với các đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Hai xu hướng này song song tồn tại và không đối lập nhau một cách tuyệt đối mà đan xen, hòa lẫn vào nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển.Nói chung, các cuộc cách mạng Việt Nam thời kỳ này đều thất bại hoặc có khuynh hướng thất bại, vì không thấy được bản chất của xâm lược Pháp và không xây dựng được lực lượng chính yếu đủ mạnh, làm nòng cốt cho cách mạng. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô và cường độ lớn gấp nhiều lần cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Cuộc khai thác lần này tiếp tục làm chuyển biến tình hình kinh tế xã hội Việt Nam và làm hình thành nên lực lượng thực sự của phong trào cách mạng (đại chúng nghèo khổ). Trong bối cảnh đó, ảnh hưởng của phong trào cách mạng Trung Quốc, tiếng vang của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (1917), sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, đã làm cho phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta dần dần chuyển sang một khuynh hướng mới, có tính triệt để hơn, phù hợp với xu thế thời đại. Bên cạnh phong trào giải phóng dân tộc theo xu hướng tư sản, phong trào giải phóng dân tộc theo xu hướng vô sản từng bước hình thành và ngày càng thắng thế đối với xu hướng tư sản. Lịch sử còn ghi rõ, Hồ Chí Minh lúc nhỏ chứng kiến các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta bị thực dân Pháp đàn áp, dìm trong biển máu và sự bất lực của các sĩ phu phong kiến đương thời nhất là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Vì thế với ý chí cứu nước, lòng yêu nước chân chính đã thôi thúc Người ra đi tìm con đường cứu nước mới. Năm 1905, khi phong trào Đông Du hoạt động sôi nổi, “cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh sang Nhật, nhưng anh không đi”. Ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc (tên gọi thời trẻ của Hồ Chí Minh) từ bến cảng Nhà Rồng trên con tàu L’Admiral Latouche Tre’ville đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong khoảng thời gian từ 1911-1917 Người đi rất nhiều nước trên khắp thế giới từ những nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… đến những nước thuộc địa ở khắp các châu lục Á, Phi, Mỹ La Tinh. Từ thực tiễn đó Người đã nhận thấy bản chất của thực dân Pháp đang thống trị ở Đông Dương. Người rút ra kết luận:“trên thế giới không phân biệt màu da chỉ có hai giống người, giống người đi bóc lột và giống người bị bóc lột; và chỉ có một tình hữu ái giai cấp duy nhất đó là tình hữu ái giai cấp vô sản mà thôi”. Và Người khẳng định “ tất cả mọi người nghèo khổ trên thế giới đều có một kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc”. quan điểm này của Người đã mang tầm tư tưởng quốc tế để sau này Người thực hiện tư tưởng đoàn kết quốc tế. “ những cuộc cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng không đến nơi (không triệt để) vì bên trong nó vẫn tước lục công nông, bên ngoài vẫn áp bức thuộc địa, khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” chỉ là bánh vẽ mà thôi. Do đó cách mạng Việt Nam không thể đi theo được”. Từ năm 1917 Hồ Chí Minh đã tìm ra bản chất của giai cấp tư sản và của chế độ tư bản chủ nghĩa. Và Người cũng khẳng định cách mạng việt nam không thể đi theo con đường tư bản chủ nghĩa mà theo như Xanhximong đánh giá về cuộc cách mạng Pháp: “Cách mạng Pháp không triệt để vì nó chỉ thay thế giai cấp bóc lột này bằng giai cấp bóc lột khác mà thôi” (nói đúng hơn là thay thế nhà nước bóc lột này bằng nhà nước bóc lột khác). Sau này chính Người đã thừa nhận: “lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản đã làm cho tôi tin theo Lê nin, tin theo Quốc Tế Thứ III. Từng bước một trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác –Lê nin vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Tóm lại nhìn xuyên suốt hành trình đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, từ thực tiễn hoàn cảnh ở trong nước và quốc tế cũng như bước đầu tiếp thu tư tưởng Mác-Lênin, đến năm 1920 Người đã khẳng định rằng “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản”. Thực tiễn diễn biến Cách mạng ở Việt Nam từ khi Đảng cộng sản được thành lập năm 1930 đến khi đất nước thống nhất vào năm 1975, đã chứng minh rằng con đường cứu nước mà Người đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta lúc bấy giờ. Ngày nay, chúng ta đã có đủ rộng thời gian quay lại quan sát và nghiền ngẫm để thấy được nhiều điều. Phải nói rằng, phong trào cách mạng Việt Nam chọn con đường cách mạng vô sản có đảng cộng sản lãnh đạo để thực hiện hai mục đích: đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời xóa bỏ chế độ bóc lột, xây dựng một xã hội phi bóc lột, không có áp bức bất công, là đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với ý nguyện quần chúng Việt Nam lúc bấy giờ. Chính vì vậy mà ĐCS VN đã chớp thời cơ khi thiên thời đến, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền thành công, và phát huy được truyền thống chống ngoại xâm bất khuất của Dân Tộc, lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới và bè lũ ngụy quyền tay sai, làm nhân dân thế giới bất ngờ, bái phục. Song, vì tin tưởng hầu như tuyệt đối vào học thuyết Mác-lênin về những quan niệm chưa xác đáng như thặng dư, bóc lột, nhà nước, giai cấp...,nên việc thực hiện mục đích thứ hai đã phạm phải nhiều sai lầm, còn cực đoan, gây ra sự bất mãn nhất định trong dân chúng, và cho đến nay vẫn còn bề bộn, dở dang, tạo ra một thế hệ lãnh đạo lắm thằng "xôi thịt", xã hội ngày càng suy đồi về đạo đức...
- Tao nói dài quá, nhưng có đúng không, Thu?...Thôi, uống nào!
Thường thế, mỗi khi rình rang dãi bày một điều gì xong, ông A vẫn thường hỏi tôi như vậy, dù biết rằng hỏi để cho có vậy thôi! Tôi chưa kịp trả lời thì ông A đã nói tiếp, gần như là một kết luận kết thúc buổi nhậu:
-ĐCS VN không còn hướng đi nào khác là "định hướng XHCN"!? Theo quan niệm của tôi, Việt Nam chỉ được coi là hoàn thành giai đoạn "định hướng XHCN" khi đã xây dựng hoàn thiện nhà nước nhân dân (chứ không phải nhà nước vô sản!), tức là nhà nước "của dân, do dân và vì dân", đúng như Hồ Chí Minh vạch ra. Khi đó xã hội Việt Nam không còn bóc lột, đói khổ nữa, mọi công dân đều được hưởng miễn phí bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, giáo dục cơ bản (phổ thông)cho trẻ em miễn phí..., nền kinh tế hoạt động đầy hiệu quả theo kinh tế kế hoạch chủ đạo của nhà nước, của cải hàng hóa dồi dào, không còn nợ công, khoảng cách giàu- nghèo được khống chế và nói chung làm giàu không còn là sự hấp dẫn vô hạn độ nữa, tình cảm xã hội đã ở trạng thái hầu như không còn lòng tham vị kỷ nữa (tương tự như thời cộng sản nguyên thủy hay một thời Sài Gòn xưa không có trộm, mọi người đi đâu cũng không cần phải đóng cửa !), mọi người đều hăng say làm việc vì "dân giàu, nước mạnh" như là niềm vui thú vậy. Điều đáng chú ý là một nước có trạng thái xã hội gần XHCN là một nước sung mãn về thực chất (như Nhật hay tương tự như các nước Bắc Âu), chứ không phải một nước phát triển huênh hoang, xây dựng khoe mẽ "kỷ lục thế giới" tràn lan đầy tính "phổi bò", hình thức, trong khi vẫn chưa giải quyết dứt khoát được cảnh nghèo khổ của dân tình!... Muốn thế, Việt Nam cần có một cuộc đổi mới về tư duy, xây dựng lại quan niệm mới về nhà nước (xây dựng hoàn thiện nhà nước nhân dân chứ không phải nhà nước vô sản!), xác định lại từng bước đi cụ thể cho "định hướng XHCN", tìm kiếm nhân tài thực sự, những "đày tớ" có nhận thức "vì nước vì dân" tương tự như Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Bá Thanh,..., chứ dứt khoát không phải là những lão già "rận trủ", "đám con nít hư" lề trái như...ai cũng biết rồi! Nhất là không có tham vọng quyền lực nữa, khi đến tuổi, hết niên hạn thì về "xuất thế vô vi", an hưởng tuổi già, có tái đề cử cũng kiên quyết rút lui, không thèm trương mác "vì nhân dân phục vụ" mà ở lại nữa...Phải chăng, đó là hình hài một nhà nước nhân dân? Còn nhà nước vô sản? Cần khẳng định thẳng thắn rằng đó chưa phải là nhà nước nhân dân, mà chỉ là nhà nước nhân dân trá hình! Nhà nước vô sản, cũng nêu khẩu hiệu "vì dân" nhưng không thực chất, vẫn là mị dân. Do vẫn tin vào những phủ dụ (tưởng chừng rất) có lý của hệ thống lý luận đã lạc hậu, vẫn giữ những nhận thức sai lầm về "giai cấp", "bóc lột", "chuyên chính vô sản"...,nên một cách duy ý chí và bảo thủ, nhà nước vô sản vẫn duy trì một cách khiên cưỡng định hướng "đảng cử, dân bầu" thiếu khách quan, vẫn duy trì (dù vô ý thức và không muốn) áp bức, bất công trong lòng xã hội. Trong hoạt động kinh tế, nhà nước ấy thường có những quyết sách "vĩ đại", những công trình "thế kỷ", tưởng "vì dân", vì "tương lai con em chúng ta", nhưng hầu như không phải, vì xét kỹ ra chúng chỉ thỏa mãn "sự phè phỡn", "khoe mẽ", thỏa mãn ý thích "hoành tráng", "vượt tầm thời đại". Hơn nữa, nhà nước vô sản dễ biến thái thành "chốn dung thân" của quyền lực, thành nơi "núp bóng" để tiến thân của các "thái tử đảng". Thật là tiếu lâm khi thực tế chỉ ra rằng: lãnh đạo càng có chức vị cao trong nhà nước thì càng đẻ ra được những đức con "tài năng", "biết cách" vươn lên giàu có và quyền lực cực kỳ mau lẹ!...
Đến đây, mặc dù ông A vẫn rất hăng nói thao thao bất tuyệt, nhưng tôi không nghe thấy gì nữa mà lại nghe thầm thì, nhưng rành mạch những câu nói của Hồ Chí Minh: "Chính lòng yêu nước, chứ không phải lý tưởng cộng sản, là nguồn cảm hứng cho tôi.", "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.", "Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.", "Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi... Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ. Việc đáng làm trong một giờ, mà kéo dài 2, 3 giờ, là xa xỉ. Hao phí vật liệu, là xa xỉ. Ăn sang mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ. Vì vậy xa xỉ là có tội với tổ quốc, với đồng bào". Và câu nói chí lý của C. Mác, người lập ra học thuyết triết học duy vật trên cơ sở phép biện chứng của Hêghen: “Những chân lý khoa học sẽ luôn luôn nghịch lý nếu chúng ta lập luận dựa trên kinh nghiệm hàng ngày, khi kinh nghiệm đó chỉ phản ánh sự việc quanh cái vẻ bề ngoài lừa dối của nó.” (Lạ lùng thay, câu nói chính xác đó của C. Mác cũng hình như nói đến "duy vật biện chứng", một học thuyết triết học nghe rất "hay ho", nhưng đang bộc lộ ra những tranh cãi "om xòm", do chính ông và Lênin xây dựng?!).