Những "Nghệ nhân" nhí


CHUYỆN XƯA... (Những chuyện nhớ đâu kể đó)

(1) Những "Nghệ nhân" nhí


Nửa năm cuối 1965 - 1966, thời điểm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra Miền Bắc ngày càng ác liệt, Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi đóng quân tại Mỹ Yên, Đại Từ, Bắc Thái (Thái Nguyên). Nơi đây là vùng Trung du, bạt ngàn rừng nguyên sinh, xen kẽ là rừng tre, rừng giang...dân cư còn thưa thớt.

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ khi phải xa vòng tay gia đình, xa ánh điện và thú vui nơi thành thị, lũ nhỏ chúng tôi quen dần nhịp sống trong môi trường Quân đội, học tập, rèn luyện giống như những người lính thật sự : sáng lên lớp học văn hóa, chiều tự tu, tối sinh hoạt...

Song song với học tập là rèn luyện tính kỷ luật của người lính : Chào cờ đầu tuần với 10 lời thề TSQ Quân đội; Giờ giấc ăn ngủ sinh hoạt nghiêm túc và chính xác; Tập hành quân trèo đèo, lội suối, trận giả với đủ trang bị cá nhân bất cứ lúc nào; Nhanh chóng rời khỏi nơi đóng quân chỉ trong vài phút (yêu cầu là 2 phút) khi có lệnh báo động; Tổ chức đi lấy củi, lấy gạo cho bếp tập thể... Thời gian rảnh rỗi thật sự chỉ có tối Thứ Bẩy và ngày Chủ nhật.

Tuy vậy, lũ lính tuổi nhi đồng chúng tôi cũng tranh thủ được những khoảnh khắc hiếm hoi để "sáng tạo" ra những "trò" mới, ghi dấu ấn đậm nét trong tôi đến tận bây giờ.

Chả nhớ bạn nào trong Đại đội có anh học ở các lớp trên tặng cho một mô hình chiếc MIG 17 bằng gỗ Ba gạc trắng muốt, đánh bóng mịn màng, gắn trên giá gỗ. Nhìn mô hình chiếc "én bạc" vươn mình kiêu hãnh, thật đẹp, đứa nào cũng mê mẩn, ngắm nghía không biết chán. Rồi bỗng nhiên nẩy ra "trò" làm mô hình máy bay MIG 17 và trở thành phong trào trong Đại đội. Lũ lính nhóc chúng tôi không quản rừng rậm, rắn rết... cứ thấy bụi cây Ba gạc là chui vào tận gốc để tìm, cây nào to (đường kính khoảng 2,5 - 3cm trở lên) thì cắt lấy đem về làm mô hình, cây nào nhỏ thì tha. Đến mức gần nơi đóng quân chả còn cây Ba gạc nào đủ lớn để "khai thác" nữa, muốn tìm phải đi xa hơn, vào sâu trong rừng.

Phải công nhận, lũ lính nhóc có nhiều bạn khéo tay như "nghệ nhân" thật sự, làm mô hình đẹp không thua gì mẫu của các anh lớp trên, đã thế lại còn chi tiết hơn ở khung kính khoang lái, cánh tà... Tất cả những "sản phẩm" này đều ra đời chỉ từ một dụng cụ duy nhất là con dao díp, các chi tiết được gắn liền chắc chắn bằng mộng, không có keo hoặc đinh ! Làm xong rồi còn đi tìm lá nhám chà cho trơn tru, bóng loáng lên mới ra "thành phẩm".

Khu vục Trường đóng cũng là đường máy bay Mỹ vào đánh phá Hà Nội thường bay qua, không quân ta cũng hay chặn đánh chúng ở đây nên khi tháo chạy tụi giặc lái Mỹ thả thùng dầu phụ. Cái thùng dầu dài 4 -5m, to như cái thuyền, rơi chòng chành như chiếc lá, bên trong thường vẫn còn dầu... Vậy là lũ lính nhi đồng chúng tôi lại nghĩ ra "phong trào" lấy đuya-ra thùng dầu làm lược. Có Trung đội còn phát hiện ra điểm thùng dầu rơi, rồi bàn bạc kéo mấy chục đứa hè nhau khiêng về gần nhà, ngụy trang dấu kín, lúc rảnh rỗi ra đục, cắt thành từng miếng, về chia nhau làm lược hình máy bay... Cái khó ở lần này là phải tìm được lưỡi cưa sắt, đục sắt để bổ ... cái thùng hợp kim nhôm cứng ngắc này ra. Nghĩ thôi cũng đã thấy choáng, vậy mà lũ nhóc tì này cũng làm được - xẻ thùng dầu thành từng miếng nhỏ. (Tôi cũng được chia cho một miếng bằng cái quạt nan, dấu dưới ba lô). Những mảnh cưa sắt được bẻ ra dài khoảng hơn 10cm, chia nhau làm dụng cụ "sản xuất", bạn nào không có dụng cụ thì đành chờ đến lượt. Cưa từng răng lược, cắt thành hình thù, làm xong phần thô rồi tranh thủ lúc đi tắm, ra suối mài trên những tảng đá... mãi mới hoàn chỉnh.

Những năm sau Trường chuyển sang đóng ở "I trung" Quế Lâm, lại có phong trào làm tàu lượn bằng gỗ, rồi thi xem của ai bay lâu nhất... Có bạn còn sáng tạo ra chuyện khoét cánh, dán ni lông (để giảm trọng lượng) và đã thành công khi mô hình nhẹ hơn và bay lâu hơn !

Nổi lên trong số rất nhiều những "nghệ nhân nhí" của K6, tôi ấn tượng nhất và không quên được các bạn Chu Quang và Thái "bò". Đó thật sự là những bạn có đôi tay vàng, óc sáng tạo vô cùng phong phú trong chế tác những sản phẩm từ gỗ (máy bay, nạng thun, quay...), hoặc từ kim loại (lưỡi câu, lược, bếp dầu từ đồ hộp cũ...). Những sản phẩm này nếu còn được lưu giữ đến ngày nay thì chắc chắn sẽ làm mọi người - nhất là thế hệ trẻ - giật mình kinh ngạc và khâm phục !

FB Sử Bình - 02 tháng 1, 2020