TRÀ DƯ TỬU HẬU 10/d







Chuyện 13:VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU?

Chiều nay vợ tôi bận đi công chuyện , tôi phải trông nhà, nên ông A gọi, rồi ông B hối, mà tôi vẫn không qua nhà ông A được. Khi vợ tôi về thì trời đã châp choạng. Cuống đít, chỉ kịp nói đôi câu bàn giao chuyện nhà, tôi vội "tếch" sang nhà ông A liền. Ra khỏi cửa rồi, tôi vẫn còn nghe loáng thoáng lời vợ:
-Mê nhậu gì mà mê thế không biết?
Bàn nhậu như mới bắt đầu. Đĩa thịt gà trộn gỏi dường như còn nguyên. Trên bàn chỗ tôi thường ngồi, một ly rượu đầy vẫn để đó chờ đợi. Tôi ngồi vào bàn uống cạn ly đó, tiếp thêm hai ly khác cho đúng thủ tục phạt "vào ba ra bảy", rồi cười toét miệng nói:
-Đang "khát" khô cổ, rượu phạt mà như rượu thưởng, sướng tê người!
Ông A cười mỉm:
- Phải rồi, "chúng con" bày sẵn, chờ mời rượu "ông" đấy "ông" ạ! Đợi lâu quá, tưởng không qua!
-Qua chứ! Qua để nghe nốt câu chuyện hôm qua! -Tôi đáp lại.
-Ừ nhỉ! Anh A nói tiếp chuyện hôm qua đi! -Bây giờ ông B mới lên tiếng.
-Nhưng anh A đang kể chuyện về cuộc đời trường sinh của Lão Tử mà? .Ông C có ý không bằng lòng.
Nghe vậy, tôi vội cắt ngang:
-Chuyện về Lão Tử cũng hay. Nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Chứ chuyện nào kể cũng dở dang cả, làm người nghe tức anh ách, thì không nên!
Ông B cũng hùa theo ủng hộ:
-Thằng Thu nói phải đấy! Anh A nói tiếp cho xong chuyện hôm qua đi! Xong rồi kể tiếp chuyện Lão Tử cũng được...
Ông A nghe thế, đành chiều:
-Thì thôi, đành chiều theo thằng Thu vậy! Dù sao nó cũng là em út mà! Ê, Thu! Hôm qua tao nói đến đâu rồi nhỉ?
-Xây dựng CNXH, giai đoạn đầu tiên gọi là "quá độ" tiến lên cộng sản chủ nghĩa!...Nhưng "một công đôi chuyện", hôm nay nói về trường hợp Việt Nam đi, cụ thể hơn....Theo anh, VN đang ở đâu? Có hướng tới xã hội XHCN không? -Ông C nêu ý kiến.
Bấy giờ, ông A mới chậm rãi mở chuyện:
-ĐCS VN ra đời nếu không là kết quả tất yếu, thì cũng gần như tất yếu của cách mạng Việt Nam. Như mọi ĐCS ở các nước thuộc địa khác, ĐCS VN có hai mục đích cơ bản là lãnh ngọn cờ tiên phong dẫn dắt dân tộc VN vùng lên đấu tranh giải phóng, xóa bỏ chế độ thực dân nô dịch, bóc lột và xây dựng thành công CNXH theo chỉ dẫn của học thuyết Mác-lênin. Nó đã hoàn thành vẻ vang mục đích thứ nhất vào năm 1975. Sau giải phóng, nó tiếp tục mục đích thứ hai đã làm dở dang ở miền Bắc, nhưng lần này là áp dụng trên cả nước...-Bỗng ông A quay sang ông C -Anh C làm ơn mở mạng tìm trang nói về công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc xem nào!

Thao tác một hồi, rồi ông C cũng tìm được bài có tựa đề "Đảng Cộng sản Việt Nam - 80 năm xây dựng và phát triển (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Hà nội 2010)" của TS. ĐOÀN MINH HUẤN:
- Đây rồi! "Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc (1954-1975)", các vị xem đi.
Tôi tóm tắt:
"Trung thành với cương lĩnh chính trị đã vạch ra từ năm 1930, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng ta chủ trương đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân miền Bắc và làm hậu phương vững chắc cho việc tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà."
 "Trải qua 20 năm bền bỉ, kiên cường, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc giành được nhiều thắng lợi to lớn: chế độ người bóc lột người bị xoá bỏ, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa bước đầu được xác lập; đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; làm tròn nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia; phát triển mạnh mẽ giáo dục, văn hoá, y tế; cải thiện nhiều mặt đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
Thành tựu nêu trên tuy còn ở mức thấp so với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, thì nó đã đưa lại những biến đổi lớn trên miền Bắc, đã tỏ rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trước thử thách của cuộc chiến tranh tàn khốc.
Tuy vậy, nền kinh tế miền Bắc vẫn mang tính sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thấp kém. Các ngành công nghiệp then chốt còn nhỏ bé, chưa đủ sức làm nền tảng cho nền kinh tế quốc dân. Quan hệ sản xuất mới chưa được củng cố vững chắc, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân và nguyên liệu cho công nghiệp. Lao động thủ công còn chiếm 80% lực lượng lao động xã hội. Năng suất lao động xã hội còn thấp; tổng sản phẩm xã hội chưa bảo đảm được các nhu cầu của nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cả lý do khách quan và chủ quan:
Về khách quan, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện xuất phát điểm còn thấp, bị chính sách khai thác hàng trăm năm của thực dân Pháp làm kiệt quệ. Mặt khác, miền Bắc tiến hành xây dựng kinh tế trong điều kiện đất nước có chiến tranh, phải tập trung sức người, sức của cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.
Về chủ quan, chúng ta đã mắc một số sai lầm, bắt nguồn từ những nhận thức còn đơn giản, duy ý chí, chưa nắm đúng quy luật vận động đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước vốn là thuộc địa, sản xuất nhỏ, lạc hậu. Đây là biểu hiện của phương pháp tư duy giáo điều, rập khuôn mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, chưa xuất phát đầy đủ từ hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của thực tiễn đất nước ta.
Những thành tựu và hạn chế trong quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1975 là những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau năm 1975 của Đảng, khi cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội".
-Thế nào? Các vị có đồng ý với tôi là dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN, việc xây dựng CHXH ở miền Bắc đã gặt hái được nhiều thành tựu không? Nếu không có chiến tranh, thì số lượng và qui mô thành tựu không chỉ có thế! Tôi cho rằng...
Ông C chưa kịp nói hết câu, ông B đã lớn tiếng cắt ngang, có vẻ bực tức:
-Đường lối xây dựng kinh tế của Đảng vốn dĩ đã sai từ trứng nước. Từ chỗ hầu như không có gì, ai cũng có thể xây nên nhà để ở, dù xiên xẹo, nhưng không thể xây nhà cao hơn, vì không biết cách, sẽ xập. Nếu Đảng đúng, thì đã không có thời "bao cấp" bi hài và không có cuộc "đổi mới", quay về với lối làm ăn TBCN được! Có thể là do chiến tranh phá hoại, nhưng không thể đổ thừa tất cả cho chiến tranh, đổ thừa như thế là vô trách nhiệm. Từ 1975 đến 1986 ta đã xây dựng CNXH trên toàn đất nước. Trong một thời gian không ngắn như vậy, chúng ta đã gặt hái được thành tựu gì? Không có gì, ngoài sự đất nước ngày càng rệu rã!
Trong khi ông B đang nói, tôi nhanh tay bấm chữ "bao cấp" và thấy trên laptop của ông C hiện lên bài này:
"Thoi bao cap
“Thời bao cấp” ở Việt Nam là một thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử hiện đại, có lẽ từ năm 1954 đến 1986 ở miền Bắc Việt Nam, nhưng ở miền Nam Việt Nam thì phải kể từ năm 1975 - 1986.
Tuy nhiên 1986 chưa hẳn là đã chấm dứt thời kỳ này, thực sự dư âm của dấu vết của chính sách “bao cấp” còn kéo dài đến đầu thập niên 1990, nhưng nhiều người và báo chí cho con số 1986 là mốc thời gian quan trọng khi Đảng Cộng sản Việt Nam, trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI vào cuối năm 1986, tuyên bố chủ trương đổi mới, từng bước xóa bỏ “bao cấp” trong kinh tế.
Ai là người đã tạo ra chữ “bao cấp” ?! Không ai biết và cũng không có thông tin gì cho dù bạn có miệt mài ngồi trên Google cả ngày. Chỉ biết nó là thời của một nền kinh tế tập trung, mọi nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu đều nằm trong tay Nhà nước Trung ương. Đảng Cộng sản và Chính phủ điều phối mọi kế hoạch sản xuất, thu gom, lưu thông, phân phối đến từng tay người dân theo một tiêu chuẩn phân phối cứng nhắc, gần như nhất định, theo từng cấp bậc, chức vụ trong xã hội. Giá cả hàng hóa đều do Ủy ban Vật giá Nhà nước quyết định, bất kể quy luật cung - cầu của thị trường, của xã hội.
Thời bao cấp với đa số người dân thật sự là một giai đoạn bi thảm cho cuộc sống, ngoại trừ một số rất ít cán bộ lãnh đạo cao cấp. Hầu hết, người dân Việt Nam khi nhắc đến những năm tháng này đều ngán ngẩm, cay đắng, Không ai muốn quay lại thời đó bao giờ!... nhưng lòng vẫn không quên được cái thời bao cấp ấy!!!
Một thời để nhớ, để thương, để khắc vào trang sử cuộc đời. Những năm dài đằng đẵng như mây mù che phủ, chế ngự bởi những tem cùng phiếu. Thiếu thốn, kham khổ, cùng cực thay nhau chồng chất, dồn nén những tâm hồn và bóp méo hình hài, thể xác con người.
THỜI BAO CẤP"
Ông A ngồi uống rượu và hút thuốc vặt, mặc ai nói gì thì nói. Mãi sau, khi cả bàn nhậu đã nói hết, im lặng như chờ ông nói, ông mới cất tiếng:
-Phải nói rằng ĐCS VN lãnh đạo xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa đúng vừa sai. Đúng là...theo đúng học thuyết Mác-lênin (!), đúng là sau khi đánh đổ bộ máy cai trị của thực dân Pháp, có ý định xây dựng một xã hội tươi đẹp như ước mơ của đại chúng, và phải xây dựng chứ không lẽ không xây? Sai là vì việc áp dụng học thuyết Mác-lênin đã không phù hợp với thực tế. Đành rằng đã thu hoạch được nhiều thành tựu đáng kể, song tôi cho rằng đó là kết quả của sự hồ hởi ban đầu, sự nhiệt tình vì tin tưởng vào cách mạng, tinh thần làm việc quên mình, "mỗi người làm việc bằng hai" vì lý tưởng của quần chúng nhân dân trong xây dựng thuần túy (quấn chúng hoàn toàn làm theo ý Đảng, chứ hồi đó biết quái gì về đường lối,đúng hay không đúng?!). Vì công cuộc xây dựng ấy mắc sai lầm nên càng về sau, càng bộc lộ ra nhiều trái khoáy. Nhưng cũng tương tự như nền kinh tế Liên-Xô trước chiến tranh thế giới thứ II, đã không ai kịp thấy những trái khoáy ấy, vì chiến tranh và niềm tin cực đoan đã khỏa lấp tất cả. Chính vì vậy mà sau chiến tranh, ĐCS VN, vẫn một lòng kiên định với học thuyết Mác-lênin, lại "vạch đường, chỉ lối" cho quần chúng nhân dân cả nước đi xây dựng CNXH, theo đúng con đường mà miền Bắc đã đi. Thế rồi đến khoảng năm 1986, thực tiễn xã hội cấp bách đã chỉ ra cho Đảng biết: "Ông vạch đường chỉ lối sai bét rồi, phạm vào nguyên lý "cố gắng tồn tại" của tự nhiên, mau "đổi mới" đi, mau quay lại với con đường tự nhiên đi, không là chết chắc!". Chính đại chúng Việt Nam đã "xé rào" tìm đường sống còn cho mình và tạo cơn gió mạnh bắt Đảng phải đổi mới (thực chất là quay lại nền kinh tế thị trường sản xuất hàng hóa vốn dĩ được tạo ra trong tiến trình phát triển xã hội!) và rất may là còn đó khí thiêng sông núi Việt, chứ không phải nhờ Đảng sáng tạo ra! Hôm nay nhìn lại, có thể khẳng định: sai lầm chính trong công cuộc xây dựng XHCN ở Việt Nam nói riêng, và cả thế giới nói chung, là sự phát triển của lực lượng sản xuất không kịp thích nghi với quan hệ sản xuất mới (quan hệ sản xuất gồm 3 mặt: -quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất -quan hệ tổ chức lao động sản xuất -quan hệ phân phối sản phẩm lao động), thứ mà chỉ có thể hình thành qua con đường tự nhiên (theo cảm hóa về tình cảm con người trên cơ sở phát triển lực lượng sản xuất xã hội đến mức thích ứng), nhưng Đảng đã chủ quan thiết lập một cách duy ý chí, khiên cưỡng! Vì mục đích  ban đầu của ĐCS VN là đấu tranh giải phóng và xóa tan bóc lột (đúng với nguyện vọng đại chúng và cũng đúng với mục đích ban đầu của cách mạng) nên không lẽ sau khi đấu tranh giải phóng thắng lợi, lại mở đường đi xây dựng...xã hội tư bản (?), một xã hội bị cho là dung túng bóc lột như xưa, như trước khi làm cách mạng? Vậy nó phải hô khẩu hiệu..."định hướng XHCN" thôi! Chúng ta hiểu như thế nào về cụm từ "kinh tế thị trường định hướng XHCN"? -Nói đến đây, ông A quay sang nhìn ông C dò hỏi. Ông B thấy vậy, chúi đầu vào laptop:
-Đây, Wikipedia trên mạng nói thế này: "Cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử.", "Không nên lầm tưởng kinh tế thị trường chỉ gắn liền với chủ nghĩa tư bản, còn chủ nghĩa xã hội thì không. Quan niệm này xuất phát từ mô hình kinh tế bao cấp của Liên Xô và Đông Âu trước kia, song chính Liên Xô trong giai đoạn lãnh đạo của Lenin cũng có nền kinh tế thị trường. Thực ra, theo lý luận của Lenin thì chủ nghĩa xã hội là bước chuyển giữa chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Trong đó mô hình kinh tế là hỗn hợp, đan xen giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể với kinh tế tư bản tư nhân. Theo đó, Lenin đã đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP), theo đó nhà nước cho phép một số thị trường được tồn tại, các ngành công nghiệp nhà nước đó sẽ hoàn toàn tự do đưa ra các quyết định kinh tế của mình. Sau khi Lenin mất, Stalin đã xóa bỏ NEP và xây dựng mô hình kinh tế kế hoạch, khiến nhiều người lầm tưởng chủ nghĩa xã hội chỉ gắn liền với kinh tế bao cấp", "Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy Chủ nghĩa xã hội kết hợp với yếu tố thị trường còn được gọi là Con đường thứ ba (để phân biệt với hai con đường khác là kinh tế thị trường tự do (hay kinh tế tư bản chủ nghĩa) và kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đã rời bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa để chuyển sang nền kinh tế thị trường. Các nước tư bản phát triển như Mĩ, Anh, Pháp và Nhật trong thế kỉ 20 cũng điều chỉnh mô hình kinh tế theo hướng giảm thiểu sự can thiệp của bộ máy nhà nước (mô hình kinh tế hỗn hợp)". "Nhiều người cho là khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ, mỗi nơi lại hiểu một kiểu.
  • Theo luật sư Trương Thanh Đức cần được xác định rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì trong dự thảo Hiến pháp, để tránh trường hợp áp dụng kinh tế kế hoạch hoá tập trung vào kinh tế thị trường. 
  • Về câu hỏi, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong một buổi nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào cuối năm 2013, trả lời rằng đây là mô hình chưa từng có trên thế giới, đó là câu hỏi mà Việt Nam vẫn phải dò tìm trong tương lai:
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập "định hướng xã hội chủ nghĩa" là phải bảo đảm sự công bằng tương đối về xã hội và chế độ an sinh xã hội phổ cập đối với người dân. Điều này giống với mục tiêu của nền kinh tế thị trường xã hội của nước Đức, và khác với nền kinh tế thị trường tự do của nước Mỹ (ở Mỹ, Nhà nước không quản lý tập trung quỹ bảo hiểm xã hội và có tới trên 40 triệu người dân không có bảo hiểm y tế)  Tuy nhiên, có những thực tiễn vừa qua lại đi ngược lại, ví dụ như việc tăng phí bệnh viện và phí học đường đang trở thành gánh nặng cho người nghèo.  Hậu quả của việc không xác định mô hình kinh tế và duy trì các mối quan hệ không rõ ràng giữa Nhà nước và thị trường, sẽ biến các doanh nghiệp thành các chủ thể phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào Nhà nước".
Ra vẻ hiểu biết, tôi rụt rè nói:
-Theo em hiểu sơ sài, xã hội XHCN là xã hội tươi đẹp. Định hướng XHCN là làm cho xã hội phát triển hướng tới đạt trạng thái xã hội ấy. Đơn giản vậy thôi!
-Đúng, thằng Thu nêu ra cách giải thích đơn giản mà đúng. Tôi cũng đồng ý! -ông A lên tiếng- Định hướng XHCN là giai đoạn chuẩn bị và xây dựng cơ sở vật chất cần thiết để bước lên xã hội XHCN. Như thế, cũng có thể gọi định hướng XHCN là giai đoạn đầu tiên, quá độ của quá trình xây dựng xã hội XHCN! Vì xây dựng một xã hội tươi đẹp là nguyện vọng của toàn thể nhân loại nên nói chung, hiện nay trên thế giới, nếu không tất cả thì cũng hầu hết các nước đều có định hướng XHCN này một cách tự giác hay không tự giác, trực tiếp hay gián tiếp (con đường tự nhiên!). Ở Việt Nam, khi giương khẩu hiệu "định hướng XHCN" ra, thì có nghĩa ĐCS VN đã tự giác lấy đó làm mục tiêu trực tiếp, chính, có tính sống còn của mình (con đường nhân tạo!). Nhưng định hướng như thế nào, vào đâu là xác đáng nhất? Theo triết học Mác, trong xã hội mang hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa sẽ không còn nhà nước nữa. Nhưng đó là một nhận định sai. Vì nhà nước xuất hiện là do yêu cầu của tồn tại xã hội, nên nhà nước nhất quyết còn khi còn xã hội. Hơn nữa, vì nhà nước dễ dung túng cho bóc lột của tầng lớp thống trị, cầm quyền (chứ không cứ gì phải là tầng lớp tư sản) và là nơi có tác động quyết định đến sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội, nên theo quan niệm của tôi, định hướng XHCN là xây dựng một nhà nước nhân dân không dung túng bóc lột (hay cũng thường gọi là nhà nước cộng sản, chứ không phải là "nhà nước của giai cấp vô sản"!). Cũng theo quan niệm của tôi, khi xây dựng nhà nước cộng sản đến hoàn thiện thì coi như đã xây dựng thành công xã hội XHCN, đã thực hiện được giấc mơ khắc khoải về cuộc sống của toàn thể nhân loại rồi, nghĩa là đã làm xuất hiện một hình thái xã hội tương đối gần giống với hình thái cộng sản chủ nghĩa rồi, trong đó không còn bị bóc lột, áp bức bất công nữa, mọi người đều được sống hạnh phúc. Vậy, có thể nói "định hướng XHCN" là xây dựng hoàn thiện nhà nước cộng sản, một nhà nước phi giai cấp, không bóc lột, toàn tâm toàn ý phục vụ cho cuộc sống mọi người toàn xã hội, tương tự như thuở sơ khai hình thành nhà nước (có thể) vào cuối thời cộng sản nguyên thủy(!), và nếu "dân" là tên chung để gọi mọi con người hợp quần thành một xã hội, thì như vậy, phải gọi lại tên nó một cách cụ thể và đích đáng hơn là: "nhà nước của dân, do dân và vì dân". Thế thì xã hội VN ngày nay là xã hội gì? Và đang đi về đâu? Nói ngay rằng xã hội VN ngày nay là xã hội "nửa nạc nửa mỡ" và nếu mỡ là biểu hiện của tư bản thì mỡ nhiều hơn nạc, hơn nữa, rất giống với thời kỳ đầu hình thành và xây dựng xã hội tư bản trên thế giới, bộc lộ đầy cảnh xã hội suy đồi như ăn chơi xa hoa phè phỡn cũng như "những người khốn khổ". Nó vẫn bô bô là "định hướng XHCN", nhưng vì nhận thức chưa đúng về nhà nước nên cũng chưa thể hiện rõ ràng của chủ đích ấy trong thực tế, người ta dễ ngộ nhận là "mị dân". Chẳng hạn bài phát biểu của ông Tổng bí thư tại trường Đảng CUBA, nghe rất hay, rất đúng, nhưng có vẻ nói suông, hãnh tiến, xa vời, cứ như trên mây, phi thực, phải chăng vì chính ông ta cũng "định hướng XHCN" chưa đích xác (!?). Chê người nhưng không vạch ra được con đướng khắc phục. Lịch sử không có chữ nếu, nhưng cứ giả sử có chữ nếu, thì bất cứ đất nước nào sau giải phóng, có hoàn cảnh như VN, muốn xây dựng một xã hội phi bóc lột, dân giàu nước mạnh, đều phải đi theo con đường mà VN đã đi, nhưng khoáng đạt hơn, tự do hơn, không phải qua giai đoạn "đổi mới", không phải làm động tác "sai rồi sửa" mãi (nghĩa là con đường đúng hơn nhiều, vì chỉ có con đường ấy là tất yếu và hợp lòng dân nhất!). Hồ Chí Minh, tuy là người trung thành với chủ nghĩa Mác-lê, nhưng cũng là một minh triết tinh tường, thâm thúy của phương Đông qua thực tiễn hoạt động cách mạng, đã là người đầu tiên hiểu đúng nhất về bản chất của nhà nước nhân dân. Trong wikipedia có viết những dòng này:
"Đây cũng là một tính chất đặc biệt của nhà nước vô sản. Nhà nước vô sản có thể tồn tại dưới các hình thức khác nhau. Công xã Paris năm 1871 đã sản sinh ra nhà nước vô sản kiểu Công xã (hình thức này làm tiền đề cho các kiểu tổ chức sau đó như Công xã Quảng ChâuTrung Quốc. Hình thức thứ hai của chuyên chính vô sản là Xô viết (ở Liên Xôcác nước Đông Âu sau cách mạng tháng 10 Nga, Xô viết Nghệ Tĩnh từng tồn tại trong thời gian ngắn ở Việt Nam...), ở một số nước, nhà nước vô sản còn tồn tại dưới hình thức nhà nước dân chủ nhân dân (như Mông Cổ, Triều Tiên, Lào....)".
"Tại Việt Nam, học thuyết về nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin hay còn gọi là lý luận về nhà nước và pháp luật đã được Hồ Chí Minh việt hóa thông qua việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào Việt Nam cũng như thực tiễn đấu tranh giành, giữ chính quyền cộng sản cộng với những năm tháng quản lý, chỉ đạo điều hành miền Bắc Việt Nam và một số vùng miền cộng sản kiểm soát tại miền Nam Việt Nam. Những tư tưởng này được tập hợp và được cộng sản Việt Nam khái quát đặt tên thành Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, một nhà nước trong sạch, vững mạnh". "Trong bài báo Dân vận (năm 1949), Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". "Nhà nước theo quan điểm của Hồ Chí Minh là nhà nước của dân, ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, ông có ghi chú rằng: Nhà nước Việt Nam dân chủ kiểu mới là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cơ sở xã hội của nhà nước đó là toàn thể dân tộc Việt Nam, dựa trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Và từ năm 1941, ông cũng đã có chủ trương rằng: Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới, không phải thuộc quyền riêng của giai cấp nào mà là của chung, của toàn thể dân tộc, chỉ trừ bọn tay sai của đế quốc Pháp Nhật và những bọn phản quốc…, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam, hết thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy. Theo như cách hiểu mà ông đã thể hiện thì quan điểm của Hồ Chí Minh là xác lập tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã chủ trì lãnh đạo soạn thảo hai bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959. Quan điểm trên của ông được thể hiện trong các bản Hiến pháp đó. Điều 1 của Hiến pháp Việt Nam năm 1946 nêu rõ: Tất cả quyền bính trong nước đều là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo hay những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra toàn dân phúc quyết". "Nhân dân lao động mà làm chủ Nhà nước thì dẫn đến một hệ quả là nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước, cử tri bầu ra các đại biểu, ủy quyền cho các đại biểu đó bàn và quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh. Đây thuộc về chế độ dân chủ đại diện bên cạnh chế độ dân chủ trực tiếp. Quyền làm chủ và đồng thời cũng là quyền kiểm soát của nhân dân thể hiện ở chỗ nhân dân có quyền bãi miễn những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nào nếu những đại biểu đó tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân". "Theo những người nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh thì họ cho rằng Hồ Chí Minh coi nhân dân là chủ thể quyền lực, nhà nước là công cụ của nhân dân, là hình thức để tập hợp, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc vào sự nghiệp chung chứ Nhà nước không phải là nơi để thăng quan, phát tài, chia nhau quyền lực, lợi ích và bổng lộc. Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra...
Nhà nước vì dân, theo ông, là một nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, ngoài ra không có bất cứ một lợi ích nào khác. Đó là một nhà nước trong sạch, không có bất kỳ một đặc quyền, đặc lợi nào. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: mọi đường lối, chính sách đều chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố gắng tránh. Và nhiệm vụ của nhà nước là phải làm cho dân có ăn, phải làm cho dân có mặc, phải làm cho dân có chỗ ở, phải làm cho dân được học hành
Nhà nước vì dân cũng theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là từ chủ tịch nước đến công chức bình thường đều phải làm công bộc, làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng để đè đầu cưỡi cổ nhân dân như dưới thời đế quốc thực dân. Ngay như chức vụ Chủ tịch nước của mình, Hồ Chí Minh cũng quan niệm là do dân ủy thác cho và như vậy phải phục vụ nhân dân, tức là làm đày tớ cho nhân dân".
Nếu VN đã có một nhà nước như thế,như Hồ Chí Minh quan niệm, thì có lẽ nước ta đã không có một "tầng lóp quan lại" đặc quyền đặc lợi, đã xử lý nhiều trường hợp về đất đai ngay khi mới phát sinh ổn thỏa hơn nhiều, không có ức chế bạo lực, không người dân nào phải chịu tù đày. Chẳng hạn vụ Đoàn Văn Vươn, vụ Dương Nội, Văn Giang...Một quốc gia "dân giàu, nước mạnh" không có nghĩa là học đòi lòe loẹt, xây dựng đây đó tùm lum, có tính bốc đồng, trong khi nợ nần thì "ngập đầu", gây khổ thế hệ tương lai!
-Thế thì theo anh A, ĐCS VN tồn tại là "thừa", "định hướng XHCN" là chưa đúng à? -Ông C đặt câu hỏi cắt ngang, có phần gay gắt.
Ông A cười ngặt ngẽo một hồi rối trở lại giọng nghiêm túc:
-Sự tồn tại của ĐCS VN hiện nay có lẽ vẫn còn cần thiết. Thứ nhất là vì nó chưa xây dựng xong một nhà nước nhân dân hoàn thiện. Thứ hai là vì "lề trái" vô tình làm tăng tính bảo thủ vốn có của nó. Thứ ba là người ta vẫn chưa nhận thức được đâu là giới hạn về vai trò lịch sử của nó. Không lẽ nó tồn tại vĩnh viễn sao? Điều tất nhiên là trong một xã hội đã vận động đúng đắn hợp lẽ tự nhiên và lành mạnh, thì không có đảng phái. Chắc chắn ĐCS VN sẽ "thừa" khi nhà nước nhân dân VN đủ mạnh, trở về đúng bản chất nguyên thủy của nhà nước. Lúc đó, với việc triệt tiêu sự "tồn tại thừa" ấy, người ta sẽ tiết kiệm được vô số nhân tài vật lực cho quốc gia, sẽ tiết kiệm được vô số thời gian và chi phí tốn vào việc họp hành, hội nghị rình rang, dẹp được chốn đua tranh quyền lực gây hại khôn lường về kinh tế đất nước và về đạo đức xã hội! Vậy thì khi nào nhà nước nhân dân VN đủ mạnh? Đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự đích đáng của "định hướng XHCN" và tinh thần cũng như lý trí xã hội! Còn hiện nay, nhà nước Việt Nam vẫn chỉ là nhà nước vô sản, ít nhiều vẫn dung túng bóc lột, nghĩa là nhà nước nhân dân nửa vời, không thực chất với đủ những nhãn mác rất kêu như: "quân đội nhân dân", "công an nhân dân", "bệnh viện nhân dân", "hội đồng nhân dân", "ủy ban nhân dân",..., duy chỉ có tiền là của nhà nước: "ngân hàng nhà nước", "kho bạc nhà nước"!
Tôi há hốc mồm ra nghe ông A nói và có phần buồn cười, trong đầu tôi dần hiện rõ một chân lý xã hội: Triết học duy tồn!